Điều chưa kể về team ‘thẻ xanh’
Lúc đầu chúng tôi nghĩ công việc này đơn giản nhưng càng về sau rắc rối khi số lượng cần chỉnh sửa, bổ sung thông tin tiêm chủng lên đến hàng trăm nghìn người.
Điểm tiêm thì có ngày nghỉ nhưng đội nhập liệu thì không.
Sinh viên Trường đại học Văn Lang (TP.HCM) nhập liệu thông tin tiêm chủng cho người dân tại điểm tiêm Trung tâm Thể dục thể thao quận Gò Vấp
Đây là chia sẻ của ông Lê Quang Vịnh – tổ phó tổ tạo lập cơ sở dữ liệu tiêm vắc xin phòng COVID-19, kiêm chi cục trưởng Chi cục Thống kê quận Gò Vấp (TP.HCM) – về công việc nhập dữ liệu, xử lý chỉnh sửa, bổ sung thông tin tiêm chủng của người dân trên địa bàn.
0h vẫn nhận cuộc gọi phản ánh
Trong căn phòng đối diện khu vực tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm Thể dục thể thao quận Gò Vấp lúc nào cũng có nhiều tình nguyện viên là sinh viên Trường đại học Văn Lang tham gia nhập thông tin tiêm chủng của người dân lên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19.
Ngoài nhóm này còn có thêm các tình nguyện viên (chủ yếu là giáo viên) đảm nhiệm công việc chỉnh sửa, bổ sung thông tin tiêm chủng.
Công việc mới nghe qua tưởng đơn giản nhưng lại đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối vì nếu không sẽ “sai một li, gây phiền toái”. Các tình nguyện viên ở đây luôn mang tinh thần phải “sản xuất” giấy chứng nhận tiêm chủng “online” cho người dân nhanh nhất nhưng lại chuẩn xác nhất.
Tuy vậy, đã có nhiều rắc rối phát sinh trong quá trình nhập liệu cũng như chỉnh sửa thông tin tiêm chủng.
Đặc biệt vào tháng 9, khi quận thông báo tiếp nhận chỉnh sửa thông tin tiêm chủng qua cuộc gọi, sau đó là tin nhắn Zalo từ các số điện thoại của trưởng đội nhập liệu dồn dập khiến công việc của họ quá tải.
“Tôi liên tục nhận cuộc gọi, không làm được gì khác. Có người lịch sự, nhưng cũng có người mới nhấc máy lên đã nói nặng tiếng rồi. Đêm về, nếu không tắt điện thoại thì 23h – 0h vẫn nhận cuộc gọi đến”, chị Trần Thị Trang (nhân viên y tế Trường đại học Văn Lang) chia sẻ.
Video đang HOT
Chị Trang cũng cho biết bản thân từng phải đối mặt nhiều áp lực. Nhưng thấu hiểu sự cần thiết của người dân sớm có “thẻ xanh”, “thẻ vàng”, chị đã cố gắng giải quyết bất kể ngày đêm.
Đến khi quận và thành phố chuyển sang tiếp nhận chỉnh sửa, bổ sung thông tin tiêm chủng của người dân qua Google form thì việc của chị mới nhẹ đi.
Công việc cần sự cẩn trọng nhưng phải nhanh để người dân sớm có “thẻ xanh”, “thẻ vàng” – Ảnh: X.MAI
Linh hoạt thay đổi phương án
Theo tổ phó tổ tạo lập cơ sở dữ liệu tiêm vắc xin phòng COVID-19, từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đến nay, quận đã tiếp nhận hơn 120.000 mẫu phản ánh cần chỉnh sửa, bổ sung thông tin tiêm chủng (chỉ đứng sau TP Thủ Đức), trong đó đã có hơn 108.000 mẫu được chỉnh sửa.
Tỉ lệ số người cần chỉnh sửa trên tổng số người đã được tiêm vắc xin chiếm 1/4.
Ông Vịnh nhớ lại, thời gian đầu tiếp nhận chỉnh sửa thông tin tiêm chủng, ông và mọi người nghĩ số lượng này không quá nhiều nên đã thống nhất lên phương án công bố số điện thoại đội trưởng ở các điểm tiêm như một đường dây nóng để người dân phản ánh.
“Không ngờ số lượng quá lớn, các thành viên bị quá tải, cuộc gọi đến cả ngày lẫn đêm. Người dân nói nặng nói nhẹ nên tinh thần họ bị ảnh hưởng” – ông Vịnh bộc bạch.
Để giải quyết khó khăn này, vào đầu tháng 9, quận Gò Vấp đã thống nhất chuyển sang tiếp nhận phản ánh chỉnh sửa thông tin tiêm chủng qua tin nhắn Zalo. Thế nhưng, phương án này cũng rơi vào tình trạng quá tải khi tin nhắn đến dồn dập, các tình nguyện viên xử lý không xuể.
Cho đến ngày 12-9, quận Gò Vấp đã chủ động tạo đường link dẫn đến Google form, người dân có nhu cầu chỉnh sửa sẽ vào đây điền thông tin theo hướng dẫn. Vận hành được một thời gian, Sở Thông tin và truyền thông TP cũng đã xây dựng quy trình và tổ chức triển khai xử lý phản ánh.
Ông Vịnh thừa nhận lý do chính khiến số lượng người cần chỉnh sửa thông tin tiêm chủng lên đến hàng trăm nghìn người là vào thời gian đầu thông tin cá nhân trên phiếu sàng lọc không đầy đủ thông tin, có điểm tiêm có mục điền số điện thoại nhưng có nơi lại không.
Bên cạnh đó, nhiều người dân viết tay còn sơ sài hoặc viết không đầy đủ, chữ viết đọc không ra… nên đội nhập liệu không thể nhập đầy đủ thông tin.
Và một trong những lý do rất hiếm xảy ra (tỉ lệ 1/1.000) đó là quy trình xử lý điểm tiêm vẫn còn sai sót, để người dân cầm phiếu chứng nhận tiêm đi về mà không nộp lại phiếu sàng lọc.
“Lúc đầu người dân không nghĩ giấy chứng nhận tiêm chủng gắn liền với sổ sức khỏe, thẻ xanh nên không quá chú trọng khâu điền thông tin. Kể cả quận cũng chỉ tính đến kế hoạch tiêm ra sao, tiến độ tiêm thế nào” – ông Vịnh tâm sự.
Ông cũng cho biết quận không tiếp nhận chỉnh sửa thông tin tại nơi nhập liệu vì người dân có thể kéo đến đây đông, gây mất trật tự tại điểm tiêm, không đảm bảo giãn cách.
Những điều quý giá đời sinh viên
Qua thông báo tuyển dụng tình nguyện viên tham gia nhập liệu thông tin tiêm chủng của trường, sinh viên Lê Trần Đình Khánh (khoa quan hệ công chúng Trường đại học Văn Lang) đã đăng ký và làm việc từ tháng 6 đến nay.
Gặp tôi, Khánh dừng nhập liệu và niềm nở chia sẻ công việc này mang lại nhiều điều quý giá. Từ việc chung là góp một phần nhỏ công sức để người dân có “thẻ xanh”, thẻ vàng”, cho đến việc riêng của cá nhân là rèn luyện được tính tỉ mỉ, cẩn trọng và giúp “thoát” cảnh buồn chán khi chỉ quanh quẩn ở phòng trọ trong thời gian đầu giãn cách xã hội.
Khánh kể công việc nhập liệu thông tin tiêm chủng của mình bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 17h. Để đẩy nhanh tiến độ, giúp người dân sớm có “thẻ xanh”, “thẻ vàng”, Khánh thường xuyên đăng ký làm việc tất cả các ngày trong tuần.
“Vì là giấy chứng nhận “thẻ xanh” của người dân nên mình phải cẩn trọng từng khâu nhập thông tin để khi người dân tra cứu trên cổng là thông tin chính xác nhất nhưng cũng động viên bản thân không quá căng thẳng”, Khánh chia sẻ.
Tham gia quản lý khoảng 50 thành viên nhập liệu cũng như phổ biến những thông tin cần thiết đến mỗi ngày như loại vắc xin, người dân ngụ phường nào đến tiêm…, sinh viên Triệu Quốc Tế (khoa xét nghiệm cùng trường) cũng không vắng mặt buổi nào kể từ tháng 6 đến nay. “Mình luôn có mặt ở đây để kịp thời xử lý thắc mắc của các bạn hay trục trặc về giấy tờ, máy móc” – Tế nói.
Hơn 1,6 triệu tin phản ánh tiêm chủng
Theo báo cáo của Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, tính đến 17h30 ngày 13-10, TP tiếp nhận 1.617.296 tin phản ánh tiêm chủng và đã xử lý 1.484.612 tin, đạt tỉ lệ 92%.
Trước đó, vào những ngày tháng 9, rất nhiều người dân TP.HCM bị sai sót thông tin tiêm chủng COVID-19 hay bỗng dưng mất chứng nhận “đã tiêm 2 mũi vắc xin”.
Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã tìm các phương án và thống nhất tiếp nhận chỉnh sửa qua Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn).
Tại sao đã tiêm vắc xin nhưng Sổ sức khỏe điện tử thông báo chưa?
Đại diện HCDC thừa nhận việc chậm trễ khi cập nhật, chỉnh sửa thông tin tiêm chủng COVID-19 cho những người đã tiêm vắc xin lên Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian vừa qua tại TP.HCM.
Lý do có thể các đơn vị tiêm chủng gửi danh sách chậm.
Một người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng trên Sổ sức khỏe điện tử thông báo "Chưa tiêm vắc xin" - Ảnh: X.MAI
Gần 3 tuần trước (ngày 23-8), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết sẽ tiếp nhận, điều chỉnh cho người dân bị sai sót thông tin tiêm chủng COVID-19 trên Sổ sức khỏe điện tử.
Tuy nhiên đến nay 9-9, nhiều người dân bị sai sót thông tin tiêm chủng COVID-19 đã gửi thông tin lại theo hướng dẫn của HCDC nhưng vẫn chưa được chỉnh sửa.
Bên cạnh đó còn nhiều người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin nhưng trên Sổ sức khỏe điện tử thông báo "chưa tiêm vắc xin".
Trao đổi vấn đề này với Tuổi Trẻ Onlin e, ThS.BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - thừa nhận việc chậm trễ khi cập nhật thông tin tiêm chủng COVID-19 cho những người đã tiêm vắc xin lên Sổ sức khỏe điện tử trong thời gian vừa qua.
Lý do, có thể các đơn vị thực hiện tiêm chủng gửi danh sách chậm. Hiện Sở Y tế TP đang chỉ đạo tất cả các đơn vị tiếp tục cập nhật danh sách những người đã tiêm chủng phòng COVID-19 lên hệ thống phần mềm.
Về việc HCDC kêu gọi người dân cung cấp thông tin để cập nhật gần 3 tuần trước nhưng đến nay vẫn còn nhiều người phản ánh chưa có thông tin trên phần mềm, bác sĩ Nga nói: "Hiện HCDC tiếp tục xử lý, lọc dữ liệu nên chưa hoàn chỉnh".
Trước tình hình TP.HCM thực hiện giãn cách nghiêm theo chỉ thị 11, để thuận tiện cho việc chỉnh sửa các thông tin chưa chính xác, từ ngày 23-8, HCDC đã triển khai tiếp nhận, điều chỉnh thông tin liên quan vấn đề tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho người dân trên Sổ sức khỏe điện tử.
Sau khi tiếp nhận, HCDC sẽ chuyển các thông tin cần chỉnh sửa đến đơn vị liên quan để cập nhật, sửa đổi cho người dân.
Số lượng F0 ngoài cộng đồng tại Hà Nội sau 25 ngày giãn cách Số ca mắc mới trong ngày của thành phố có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát dịch của Hà Nội vẫn rất cao. Tính đến 18h ngày 18/8, theo Bộ Y tế, Hà Nội đã ghi nhận 2.591 bệnh nhân Covid-19, 33 người tử vong trong làn sóng thứ 4. Sau 25 ngày giãn cách xã hội, thành phố có...