Điều chỉnh hệ số sử dụng đất để giảm tối đa tiền làm “sổ đỏ”
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang, trong chương trình Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời tối 3/6, cho biết Bộ đang bàn với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh giảm hệ số tính tiền sử dụng đất ở đô thị, tạo điều kiện cho người dân làm “sổ đỏ”.
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang thông tin về 22 tỉnh có tỷ lệ cấp “sổ đỏ” thấp. Bộ đã bàn giải pháp tháo gỡ, đồng thời đề nghị lãnh đạo các tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác này. Vừa qua, một số tỉnh đã có chuyển biến tích cực như TPHCM, Lai Châu, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế… Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang vẫn xác nhận có một số tỉnh chỉ đạo chưa quyết liệt.
“Tôi nghĩ rằng cần công khai kết quả thực hiện việc cấp “sổ đỏ” của các địa phương trong 6 tháng đầu năm để những địa phương mà kết quả đạt thấp phải phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu trong 6 tháng cuối năm” – Bộ trưởng Quang nói.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: “Bộ đánh giá cao cách xử lý kịp thời của TPHCM trong việc cấp “sổ đỏ” cho người dân”.
Về việc nhiều hộ dân ở TPHCM không nhận hoặc trả lại “sổ đỏ” thời gian qua do mức đóng tiền sử dụng đất (hệ số K) bị áp rất cao, từ 2 – 4,5 lần dẫn đến số tiền sử dụng đất phải nộp quá nhiều, ông Quang xác nhận, đây là một cản trở lớn với tiến độ cấp “sổ đỏ” khi điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình có đất cần cấp Giấy chứng nhận (GCN) còn rất khó khăn.
Hệ số K, theo Thông tư 93 của Bộ Tài chính quy định, là hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền thu sử dụng đất khi cấp “sổ đỏ” lần đầu, và do UBND địa phương quy định.
Bộ trưởng TN-MT cho biết, để khắc phục tình trạng này, Bộ đã bàn với Bộ Tài chính và đề nghị UBND TPHCM cũng như UBND các tỉnh, thành phố cần vận dụng Thông tư số 93 của Bộ Tài chính cho phù hợp.
Theo đó, để bảo đảm quyền của người có đất và đảm bảo công tác quản lý Nhà nước, các địa phương cần quy định hệ số K theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có khả năng nộp được các khoản tiền theo quy định. Hiện nay, TP.HCM đã điều chỉnh hệ số K xuống còn 1,3 – 2 lần.
Video đang HOT
Ông Quang nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao cách xử lý kịp thời của TP.HCM. Chúng tôi cũng mong rằng các địa phương khác cũng cần rút kinh nghiệm qua việc làm của TP.HCM trong tính toán hệ số K liên quan đến việc cấp “sổ đỏ” cho người dân”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cũng lý giải thắc mắc về việc người dân khi nhận sổ đỏ phải nộp khoản phí chậm nộp 0,05%. Thực chất khoản phí này, ông Quang lưu ý, cần hiểu nội dung vấn đề này là khi có Thông báo nộp tiền sử dụng đất, nếu người sử dụng đất chậm nộp tiền thì phải nộp một khoản phạt là 0,05%/ngày (tương đương 18%/năm), tính trên tổng số tiền phải nộp theo luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên, tại Nghị định số 120, Nhà nước cũng có quy định, nếu người dân chưa có đủ khả năng nộp tiền thì được ghi nợ vào GCN mà không phải chịu tiền phạt chậm nộp. Số ghi nợ nếu được thanh toán trong vòng 5 năm thì người dân chỉ nộp tiền theo giá đất tại thời điểm cấp GCN. Như vậy, trường hợp trên có thể do địa phương chưa triển khai thực hiện quy định về ghi nợ hoặc người dân chưa hiểu rõ quy định nên đã không làm thủ tục ghi nợ.
“Chúng tôi cho rằng, về phía các địa phương, chính sách này người dân phải được biết, các cơ quan chuyên môn phải giải thích rõ cho người dân. Tuy nhiên, với người dân, tôi đề nghị, trong trường hợp nếu điều kiện kinh tế cho phép thì không nên nợ, còn nếu có ghi nợ thì cố gắng trong 5 năm trở lại, vì sau 5 năm thì việc tính giá sẽ tính tại thời điểm nộp tiền thì sẽ rất khác” – ông Quang khuyến cáo.
Bộ TN-MT cũng đề nghị cần xem xét, sửa đổi quy định theo hướng đã cho phép người dân có nhu cầu được ghi nợ thì không phạt chậm nộp đối với các trường hợp công nhận quyền sử dụng đất trong thời gian 5 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Về vấn đề tiến độ cấp sổ đỏ cho kịp mục tiêu hoàn thành việc này trong năm 2013, sau khi áp dụng nhiều giải pháp để… tăng tốc, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thông tin, Chính phủ và UBND các địa phương trên cả nước đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều tỉnh, thành phố đã có chuyển biến tích cực như TP.HCM, Tuyên Quang, Lai Châu… song cũng còn một số địa phương chuyển biến chậm như Sơn La, Kon Tum… Còn nhiều địa phương chưa ưu tiên dành kinh phí hoặc cấp rất hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận phải hoàn thành do nguồn thu từ đất của các địa phương ngày càng giảm. Khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng hoàn thành mục tiêu cấp giấy chứng nhận trong năm 2013.
Nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương trong 6 tháng cuối năm còn rất nặng nề. Bộ TN-MT đề nghị các Bộ, ngành liên quan và địa phương tích cực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ, Quốc hội đã đề ra.
Theo Dantri
Cán bộ "ngâm" sổ đỏ để... vòi vĩnh, nhũng nhiễu
"Cán bộ đăng ký cấp sổ đỏ phải gồng mình làm việc, song không có chế độ chính sách đãi ngộ gì hay chế độ hỗ trợ khác nên... kém phấn khởi làm việc, dẫn đến "ngâm" hồ sơ để vòi vĩnh, gây nhũng nhiễu", Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang lý giải.
Thông tin về kết quả việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 4/3, Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết, đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành so với yêu cầu đạt tỷ lệ trên 85% diện tích mà Quốc hội đã giao
Cụ thể, hiện có 18 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận (GCN) đối với các loại đất chính. Trong đó có 7 tỉnh đã hoàn thành cấp GCN đối với tất cả các loại đất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như: Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long và Bình Dương.
Hiện còn 45 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành, trong đó 11 tỉnh đạt tỷ lệ thấp (dưới 7%) gồm một số tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên là những tỉnh có diện tích đất rộng, thu ngân sách thấp.
Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang
Việc chậm trễ trong công tác cấp sổ đỏ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải thích, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do nguồn gốc đất phức tạp, thiếu hồ sơ địa chính, thiếu nhân lực, thủ tục còn phiền hà và còn một bộ phận cán bộ trong các Văn phòng đăng ký đất đai nhũng nhiễu.
"Tuy kinh phí không phải là nguyên nhân trực tiếp song kinh phí có ảnh hưởng lớn đến tiến độ cấp sổ đỏ" - ông Quang nói.
Ngoài ra, cũng còn một nguyên nhân quan trọng khác đó là thiếu sự quyết tâm chỉ đạo của Lãnh đạo các tỉnh và Sở TN-MT ở một số địa phương đối với công tác này.
Trách nhiệm đối với việc chậm hoàn thành yêu cầu cấp sổ đỏ, ông Quang cho biết, luật Đất đai quy định thẩm quyền cấp sổ đỏ thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ TN-MT, các Bộ có liên quan. Do đó, việc không hoàn thành nhiệm vụ cấp GCN trong năm 2013 theo Nghị quết của Quốc hội trước hết thuộc trách nhiệm của Lãnh đạo tỉnh và Sở TN-MT địa phương. Các Bộ mà trực tiếp liên quan như Bộ TN-MT, Bộ Tài chính... cũng không thể vô can.
Kết thúc năm 2013, Bộ TN-MT sẽ đánh giá kết quả thực hiện, nếu không hoàn thành mục tiêu đề ra, sẽ đề nghị Chính phủ quy rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý đối với các địa phương, các Bộ, trong đó có Bộ TN-MT do không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cũng về nội dung này, Bộ trưởng TN-MT nhận câu hỏi khó: "Ai cũng biết đằng sau tấm sổ đỏ là rất nhiều lợi ích của người được cấp còn theo quy định thì hiện nay người chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ thì hoàn toàn không có lợi ích gì. Đây chính là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hồ sơ xin cấp sổ đỏ bị... ngâm, giống như hiện tượng công chứng hồ sơ trước đây?".
Ông Quang xác nhận, đúng là nếu được cấp sổ đỏ thì người được cấp có nhiều lợi ích, nhất là sổ đỏ đối với đất ở đô thị. Trong khi đó, việc cấp sổ là công việc phức tạp, nhất là việc thẩm định hồ sơ.
Mặt khác, do thiếu nhân lực ở các Văn phòng đăng ký nên cán bộ phải gồng mình làm việc, song không có chế độ chính sách đãi ngộ gì hay chế độ hỗ trợ khác... nên cán bộ kém phấn khởi làm việc dẫn đến "ngâm" hồ sơ để vòi vĩnh, gây nhũng nhiễu. Đây là một thực tế cần sớm khắc phục.
Ông Quang cho rằng, cần có cơ chế cho sử dụng khoản thu từ lệ phí cấp sổ đỏ phục vụ hoạt động của văn phòng đăng ký và dành một phần hỗ trợ cho người trực tiếp làm thủ tục thẩm định và cấp sổ đỏ (hiện nay nguồn này chủ yếu nộp ngân sách).
"Đối với các trường hợp cán bộ nhũng nhiễu, ngâm hồ sơ, Bộ đề nghị UBND các tỉnh và Sở TN-MT kiểm tra thường xuyên và kiên quyết xử lý, kể cả các trường hợp làm thủ tục chậm nếu không có lý do chính đáng cũng bị xử lý nghiêm" - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang quả quyết.
Để hoàn thành mục tiêu theo năm 2013 được xem là rất nặng nề với khoảng 6 triệu sổ đỏ cần phải cấp, Bộ trưởng TN-MT cho biết, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013.
Bộ sẽ cùng các bộ ngành, địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai, trong đó phối hợp với Bộ Tài chính rà soát việc thu, sử dụng tiền sử dụng đất, lệ phí địa chính, lệ phí cấp giấy chứng nhận, đề nghị Chính phủ dành một khoản kinh phí thỏa đáng (khoảng 3.000 tỷ đồng) để tập trung cho việc lập hồ sơ địa chính, phục vụ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Dantri
Xóa sổ "luật con" về đất đai Phát biểu tại phiên thảo luận dự luật Đất đai(sửa đổi) chiều qua 15.1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị việc sửa đổi luật lần này cố gắng thành bộ luật hoàn chỉnh, hạn chế tối đa việc ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn. Bớt quyền "ưu tiên" cho nhà nước Báo cáo những nội dung đã...