Diệt khuẩn – công việc thầm lặng sau ca mổ
TP HCM – Ca phẫu thuật kết thúc hơn 19h, bác sĩ rời đi, bệnh nhân được chuyển vào phòng hồi sức, nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn bắt tay vào việc.
Hai nhân viên Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bình Dân, với găng tay, khẩu trang, trang phục phòng hộ, tiến hành xử lý sơ nhiễm các dụng cụ phẫu thuật với hóa chất chứa enzyme nhằm loại bỏ máu và dịch tiết, giảm lượng mầm bệnh rồi xếp chúng gọn gàng lên xe chuyên dụng. Men theo lối đi riêng, nhân viên đẩy chiếc xe đã đậy kín thùng về Đơn vị Khử khuẩn – Tiệt khuẩn trung tâm.
Chiếc xe dừng tại khu vực xử lý dụng cụ dơ. Loại xe này dễ làm vệ sinh sau mỗi chuyến vận chuyển, hạn chế nguy cơ phát triển vi khuẩn. Tùy mỗi dụng cụ, nhân viên có quy trình làm sạch khác nhau, theo các hướng dẫn nghiêm ngặt.
Dụng cụ sau khi làm sạch sẽ được kiểm tra, đánh giá chức năng và bảo dưỡng trước khi đóng gói và tiệt khuẩn. Hộp dụng cụ sau khi tiệt khuẩn được đánh giá khách quan bằng các test nhiệt độ, hóa học, sinh học, nếu đạt chất lượng được chuyển vào lưu trữ ở kho vô khuẩn qua hệ thống một chiều, rồi giao tận tay ê kíp phẫu thuật.
Các nhân viên làm việc tại Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM). Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Phạm Hữu Đoàn, Trưởng Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bình Dân, cho biết kiểm soát nhiễm khuẩn thường được ví như “trái tim bệnh viện”, là công việc thầm lặng đến trước về sau mỗi cuộc phẫu thuật. Đây là yếu tố quan trọng đảm bảo an toàn người bệnh, trong bối cảnh nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn vết mổ, vi khuẩn đề kháng kháng sinh đang là thách thức toàn cầu.
“Những cuộc mổ kéo dài hàng giờ liền với nhiều tâm sức, nếu bệnh nhân bị biến chứng chỉ vì những nguyên nhân có thể phòng ngừa, kiểm soát được, liên quan vấn đề nhiễm khuẩn thì rất đáng tiếc, rất đau lòng”, bác sĩ Đoàn nói.
Là tuyến cuối về ngoại khoa, Bệnh viện Bình Dân trang bị tự động hóa quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn với nhiều máy móc, thay cho các công đoạn thủ công. Trước đây các dụng cụ phẫu thuật nội soi được ngâm khử khuẩn tại phòng mổ, không thể diệt hết mầm bệnh. Sau đó các bệnh viện chuyển sang tiệt khuẩn toàn bộ dụng cụ phẫu thuật bằng hóa chất hoặc hơi nước.
Video đang HOT
Nhiều nước trên thế giới có xu hướng hạn chế dùng hóa chất để đảm bảo chất lượng tiệt khuẩn và thân thiện với môi trường. Thời gian qua, bệnh viện triển khai hệ thống tiệt khuẩn dụng cụ phẫu thuật với quy trình phù hợp, theo khuyến cáo của Bộ Y tế và yêu cầu chuyên môn. Điều này giúp đảm bảo an toàn người bệnh, tránh lãng phí và thân thiện với môi trường.
Nếu gói dụng cụ đạt chất lượng, vạch màu trắng trên miếng kiểm soát sẽ chuyển sang đen. Ảnh: Lê Phương.
Theo bác sĩ Đoàn, các dụng cụ phẫu thuật ngày càng đa dạng, chuyên sâu, tinh tế, phức tạp, đặc biệt trong phẫu thuật nội soi, vi phẫu, phẫu thuật robot… chứ không đơn giản là dụng cụ mổ mở như xưa. Điều này đòi hỏi người làm kiểm soát nhiễm khuẩn phải được đào tạo liên tục, xây dựng quy trình chặt chẽ từ khâu làm sạch đến kiểm tra, đánh giá chất lượng, lưu trữ, đảm bảo độ vô khuẩn cũng như độ bền của dụng cụ.
Để các dụng cụ luôn sẵn sàng sử dụng cho người bệnh khi cần, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa kíp phẫu thuật, gây mê hồi sức và kiểm soát nhiễm khuẩn. Các nhân viên phải sắp xếp ưu tiên, phù hợp, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyên môn.
Việc tự động hóa quy trình xử lý dụng cụ, hạn chế tiếp xúc hóa chất, cải thiện môi trường làm việc cũng giúp đảm bảo sức khỏe để nhân viên yên tâm theo nghề. Ở nhiều nước phát triển, bệnh viện không trực tiếp thực hiện tiệt khuẩn dụng cụ mà mỗi khu vực có những đơn vị tiệt khuẩn trung tâm, đảm nhận công việc này cho nhiều bệnh viện, phòng khám.
Tự động hóa quy trình xử lý dụng cụ, hạn chế hóa chất giúp đảm bảo sức khỏe để nhân viên yên tâm theo nghề. Ảnh: Lê Phương.
Phó giáo sư Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TP HCM, cho biết nhiễm khuẩn vết mổ làm tăng gấp 2-3 lần thời gian nằm viện, phải sử dụng nhiều kháng sinh, gây gánh nặng về chi phí điều trị và tăng nguy cơ tử vong. Thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn giúp người bệnh được chăm sóc hiệu quả hơn, giảm đáng kể nguy cơ biến chứng.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn TP HCM, những sai lầm trong khử khuẩn, tiệt khuẩn dẫn đến rủi ro nhiễm khuẩn trong mổ. Để đảm bảo an toàn trong phẫu thuật, cần sự chung tay của nhiều người, nhiều bộ phận, từ nhà quản lý đến bác sĩ, điều dưỡng phòng mổ, chuyên viên kiểm soát nhiễm khuẩn… Khoa Gây mê Hồi sức cũng cần được thiết kế với hệ thống thông khí, phân luồng di chuyển phù hợp.
Lê Phương
Theo VNE
Bỗng nhiên "mất đạn" vì ung thư tinh hoàn
Ngày càng có nhiều trường hợp bị ung thư tinh hoàn được phát hiện trong cộng đồng. Ung thư tinh hoàn không chỉ cướp đi "vũ khí chiến đấu" mà còn đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của người bệnh.
Nam bệnh nhân 19 tuổi đến Bệnh viện Bình Dân thăm khám trong tình trạng vùng bìu có một khối cứng ngày càng to lên. Các kết quả thăm khám, kiểm tra hình ảnh, xét nghiệm của bác sĩ cho thấy bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn. Người bệnh còn trẻ chưa lập gia đình nên bác sĩ đề nghị trữ tinh trùng nếu có ý định sau này sẽ có con. Tuy nhiên, thông tin từ bác sĩ như "sét đánh ngang tai" khiến bệnh nhân hoang mang, suy sụp.
Tinh hoàn của người bệnh bị ung thư sau khi được phẫu thuật (ảnh: BS Phan Hoàng)
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.H.K. (24 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị đau tinh hoàn, đau hông, ăn uống kém, sức khỏe suy giảm nhanh. Các kết quả kiểm tra của bác sĩ cho thấy bệnh nhân đã bị ung thư tinh hoàn di căn. Đây là những trường hợp điển hình trong số hơn 140 ca bệnh ung thư tinh hoàn được phát hiện tại Bệnh viện Bình Dân trong 2 năm qua.
Để duy trì sự sống, thực hiện các bước điều trị với hi vọng triệt căn ung thư, hầu hết các bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn ở giai đoạn muộn đều có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có chứa u ác tính. Sau phẫu thuật, tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.
Theo Y văn tỷ lệ nam giới bị ung thư tinh hoàn chỉ chiếm khoảng 1% trong cộng đồng. Tuy nhiên Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ của ung thư tinh hoàn đang tăng trong vài thập kỷ qua. Nguy cơ bị ung thư tinh hoàn tăng cao khi người bệnh có tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong ổ bụng), tinh hoàn bị teo, tiền sử gia đình có cha, anh em trai bị ung thư tinh hoàn và người mẹ trong lúc mang thai sử dụng các thuốc nội tiết (DES, estrogen)
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam thì ung thư tinh hoàn là bệnh không thường gặp, có nhóm sêminôm và nhóm không sêminôm hai thứ. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh lên tới 95%. Tuy nhiên, ung thư tinh hoàn là bệnh "khó nói" ở nam giới, nhiều người có tâm lý không muốn đối diện với tình trạng của mình nên thường chậm trễ trong việc tìm đến những nhà chuyên môn, khi bệnh trở nặng, di căn mới nhập viện điều trị thì đã ở giai đoạn muộn.
Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân phẫu thuật cho một trường hợp bị bệnh
GS Chấn Hùng chỉ ra, hầu hết ung thư tinh hoàn được người bệnh tự phát hiện khi thấy vùng bìu có một hột không đau hoặc một chỗ sưng của tinh hoàn. Triệu chứng rõ hơn có thể đau hoặc khó chịu ở một tinh hoàn hoặc đau trong bìu, tinh hoàn to lân, cảm giác nặng ở bìu, ở bụng dưới, ở háng. Một số ca có thể bị tụ dịch bất ngờ trong bìu khiến bệnh nhân phải nhập viện.
Để chẩn đoán ung thư tinh hoàn, người bệnh sẽ được thăm khám tổng quát và chuyên sâu nam khoa, thực hiện các xét nghiệm máu để tìm chất đánh dấu ung thư (tumor marker), siêu âm bụng, siêu âm đàn hồi mô và nếu cần thiết chụp cộng hưởng từ (MRI).
Việc điều trị ung thư tinh hoàn sêminôm và không sêminôm có diễn tiến khác nhau nên cách điều trị cũng khác nhau. Loại không sêminôm có diễn tiến nhanh hơn nhưng loại sêminôm lại nhạy với xạ trị hơn. Cách điều trị tùy thuộc giai đoạn, tuổi tác, tổng trạng người bệnh và các yếu tố khác.
Để phòng ngừa ung thư tinh hoàn, các chuyên gia khuyến cáo nam giới, nhất là những người từ 15 đến 35 tuổi cần tự kiểm tra tinh hoàn bằng cách nắn nhẹ hai bên bìu ít nhất 1 lần mỗi tháng. Đây là phương pháp theo dõi đơn giản và dễ áp dụng, khi phát hiện có một khối đặc bất thường trong bìu, dù không gây đau cũng cần đến bệnh có chuyên khoa về nam học gần nhất để được thăm khám, chấn đoán và điều trị kịp thời nếu không may mắc bệnh.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Chất khử trùng tay cũng không thể 'khuất phục' bệnh cúm Các bác sĩ và bệnh nhân đều sử dụng chất khử trùng tay sát trùng bằng cồn để diệt khuẩn nhưng theo nghiên cứu nó có thể không hoàn toàn khử được vi rút cúm Từ trước đến nay, các bác sĩ, bệnh nhân đều tin tưởng chất khử trùng tay để bảo vệ chống lại các loại vi trùng khác nhau bao...