Diễn viên Quang Thảo: Bạn có giỏi đến đâu, quyết định vẫn thuộc về đạo diễn
Trò chuyện với Thanh Niên, diễn viên Quang Thảo cho biết dự án Mình nói chuyện mình có đến ba trong năm diễn viên là nghệ sĩ “cứng tay” với vai trò đạo diễn. Và anh không ngại khi phải nghe theo chỉ đạo của người khác.
Hơn 20 năm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, Quang Thảo ghi dấu ấn trong lòng khán giả với nhiều vai trò khác nhau từ diễn viên, đạo diễn, biên kịch…, song đây là lần đầu tiên anh được thử sức với dòng kịch thể nghiệm. “Cha đẻ” của loạt vở kịch Ngày xửa ngày xưa cho hay: “Là một người nghệ sĩ, tôi thích khám phá những điều mới. Trước đây, tôi từng diễn rất nhiều kịch trên sân khấu, đó là những vở tâm lý xã hội bình thường, thậm chí là kịch cổ điển. Tuy nhiên, để diễn kịch thể nghiệm, bằng những thủ thuật dựng bài, câu chuyện hiện đại thì tôi chưa bao giờ tham gia, vậy nên khi được mời tôi đồng ý ngay”.
Quang Thảo tiết lộ đây là lần đầu tiên anh tham gia kịch thể nghiệm. NSX
Kịch thể nghiệm vốn xuất hiện tại TP.HCM từ lâu, yêu cầu nghệ sĩ phải tập trung về đài từ. Đôi khi sân khấu chỉ là một cái bục có ánh đèn, khán giả ngồi xung quanh, tương tác với diễn viên. Minh Nghĩa trong Giọt máu vô hình chia sẻ thể loại kịch này mang đến cảm xúc hoàn toàn khác, đôi khi nó là một câu chuyện không đầu đuôi, hoặc lồng ghép những ẩn ý, đòi hỏi lực diễn của diễn viên phải gấp đôi, gấp ba bình thường. “Bạn phải thể hiện làm sao cho khán giả hiểu được ý nghĩa ngầm của cách dàn dựng, đó là một điều rất khó. Tôi xem đây như một lần thử sức của mình với thể loại này và rất hào hứng tham gia”, Quang Thảo nói.
Dù từng “cân” qua vô số tác phẩm khác nhau, song, sao phim Cổng mặt trời thừa nhận gặp không ít trở ngại khi diễn xuất trong Mình nói chuyện mình. “Tôi đã quen với kịch sinh hoạt rồi, đến với thể nghiệm, đất diễn không nhiều nên đòi hỏi mình phải diễn nhiều. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng khi bạn không có đạo cụ, cảnh trí hay bạn diễn hỗ trợ, thời lượng cũng không nhiều, thì bạn phải diễn làm sao để người xem hiểu được nội dung. Diễn gấp nhiều lần bình thường nhưng điều đó không thể hiện bên ngoài mà nằm ở bên trong con người. Lần đầu chạm ngõ dòng kịch này nên tôi cũng không tránh khỏi những khó khăn nhưng sau quá trình luyện tập thì đã ổn định, thích thú và quen hơn”, Quang Thảo tâm sự.
Tác giả vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai thừa nhận việc tham gia một dòng kịch “tuy quen mà lạ” như thể nghiệm sẽ không tránh khỏi những rủi ro, nhưng anh chấp nhận nó và xem thành công hoặc thất bại là chuyện bình thường. “Nếu sợ thì tôi đã không làm. Nó chỉ mới với mình chứ trên thế giới nhiều nước đã làm rồi. Giới trẻ ngày nay rất thông minh, tiếp cận nhiều nền nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông khác nhau, thậm chí họ còn hơn cả những thế hệ trước. Họ nhạy bén lắm, có nhiều điều để họ tìm hiểu, chỉ là họ đón nhận cái gì thôi. Tôi nghĩ kịch thể nghiệm không lạ với các bạn trẻ, tuy nhiên để họ chấp nhận vào rạp xem thể loại này thì khó”, Quang Thảo nói.
Quang Thảo đề cao sự nhạy bén của khán giả trẻ ngày nay, song cũng thừa nhận việc thu hút đối tượng này đến với sân khấu là một bài toán khó. NSX
Video đang HOT
Theo nam nghệ sĩ, xu hướng nghệ thuật bây giờ là nói thẳng, không ẩn ý hay bắt người xem suy nghĩ nhiều, đó là thực tế có thể nhìn thấy qua gameshow, chương trình truyền hình, web drama… Song, anh cũng cho rằng điều đó không đồng nghĩa với việc giới trẻ không đón nhận nghệ thuật chuyên sâu, dù vậy, để thu hút họ dành thời gian đến với kịch nói còn phụ thuộc vào yếu tố nhà sản xuất.
Quang Thảo bày tỏ: “Tôi không bao giờ dám nghĩ giới trẻ ngày nay hời hợt, theo tôi quan sát, chính ra giới trẻ là một lượng khán giả khổng lồ, họ sống trong một thời đại thông minh và có nhiều nguồn để tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật trên toàn cầu. Nhưng để tiếp cận họ, nhà sản xuất phải có chiến lược truyền thông thuyết phục người xem đến sân khấu. Với tôi, đã làm thể nghiệm thì phải chấp nhận sự khen chê, thể nghiệm không chỉ nằm trên sân khấu mà còn thể hiện qua việc người sáng tạo nghệ thuật lắng nghe ý kiến trái chiều của khán giả”.
Sao phim Cổng mặt trời khẳng định anh chấp nhận nghe ý kiến trái chiều của khán giả. NSX
Một điều thú vị khác trong dự án Mình nói chuyện mình đó là có đến ba trong năm diễn viên của vở đều là nghệ sĩ “cứng tay” với vai trò đạo diễn. Trước câu hỏi có thấy khó khăn khi phải nghe theo chỉ đạo của người khác hay không, Quang Thảo cho biết: “Tôi không gặp trở ngại về vấn đề này. Tuy rằng tôi với Hồng Ánh từng làm công tác đạo diễn nhưng nguyên tắc làm việc chuyên nghiệp chính là đạo diễn của chương trình hoặc vở diễn đó là người có quyền tối cao. Dù bạn có giỏi đến đâu, bên ngoài bạn là ai nhưng quyết định vẫn thuộc về đạo diễn và mình phải tuân thủ điều đó”.
Tác giả vở Chuyện thần tiên xứ Phù Tang tiết lộ đạo diễn Đoàn Khoa làm việc rất thẳng thắn, công tâm và luôn lắng nghe ý kiến của mọi người. Anh khơi gợi được sự sáng tạo của từng cá nhân, tuy nhiên không có nghĩa ai cũng nêu ý kiến khiến nội dung bị loạn, người thống nhất cuối cùng vẫn là đạo diễn Đoàn Khoa. “Chúng tôi có bàn luận nhưng tranh luận thì không, cũng không có cãi vã hay bất đồng gì. Sự tôn trọng được giữ như một quy tắc, NSND Kim Xuân, Hồng Ánh hay Quang Thảo đều tuân thủ theo đường dây của đạo diễn Đoàn Khoa, chúng tôi thuận lòng với nhau đi đến giờ này và không gặp trở ngại gì”, nam nghệ sĩ khẳng định.
Hồng Ánh: Tiền bán vé vở kịch chỉ cần hòa vốn là đã rất mừng
Khao khát tìm nguồn cảm hứng mới cho bản thân, cho kịch nói và chứng kiến sự trở lại của một nhân tài làng kịch - đạo diễn Đoàn Khoa, Hồng Ánh bỏ tiền đầu tư, sản xuất vở kịch thể nghiệm Mình nói chuyện mình.
Trò chuyện với Thanh Niên, Hồng Ánh thổ lộ chị và các cộng sự xác định đây là một "phép thử", tiền bán vé chỉ cần hòa vốn là đã rất mừng.
Vừa trở về từ Liên hoan phim AIFFA 2023 ở Malaysia cuối tuần trước, Hồng Ánh lại tiếp tục lao vào ráp sân khấu, chuẩn bị những khâu cuối cùng để kịp ra mắt vở kịch thể nghiệm Mình kể chuyện mình vào tối 11.8. Với vở kịch này, Hồng Ánh không chỉ tham gia diễn xuất mà còn gánh vác trọng trách của một nhà sản xuất.
Hồng Ánh hoạt động sôi nổi ở cả ba lĩnh vực: điện ảnh, truyền hình lẫn sân khấu. NSX
Biết rõ thách thức và những rủi ro về mặt doanh thu mà một vở kịch thể nghiệm có thể đem tới, Hồng Ánh vẫn quyết tâm đi đến cùng với dự án để được thỏa đam mê cùng các cộng sự, được gửi đi một tín hiệu về tinh thần đương đại và nỗ lực đổi mới của nghệ thuật sân khấu. "Vở kịch hiện chỉ có 3 suất diễn, khán phòng không quá rộng, vì là thể nghiệm nên sẽ có nhiều thứ lạ lẫm với khán giả nên trước hết chúng tôi cũng muốn thăm dò phản ứng của mọi người trước. Lần này, nếu hòa vốn là ê kíp đã rất mừng chứ chưa tính đến chuyện có lời", Hồng Ánh nói.
Mình kể chuyện mình là mối duyên giữa Hồng Ánh và đạo diễn Đoàn Khoa. Trong một lần tình cờ hội ngộ tại một... đám tang, Hồng Ánh và Đoàn Khoa có dịp ngồi xuống để chiêm nghiệm và nói về phận người, về đại dịch, về những sang chấn, trầm cảm và tổn thương khó giãi bày của con người trong xã hội hiện đại. Vốn trân quý tài năng của người anh lớn đã "ở ẩn" khá lâu, Hồng Ánh "rủ rê" Đoàn Khoa trở lại làm kịch. Từ đó, họ cùng nhau "bắt tay" để làm một vở kịch về thân phận con người và những câu chuyện mà họ không thể nói với nhau.
Kịch thể nghiệm Mình nói chuyện mình quy tụ những tên tuổi kỳ cựu của làng kịch nói phía nam. NSX
Sân khấu Mình kể chuyện mình được dàn dựng tối giản, mang tính ước lệ. NSX
Cùng mong mỏi mang đến một điều gì đó mới mẻ cho bản thân lẫn bầu không khí chung của kịch nói Sài Gòn, Hồng Ánh và Đoàn Khoa quyết định dàn dựng và kể câu chuyện của mình theo phong cách thể nghiệm, không có cấu trúc ba hồi, không có cốt truyện cụ thể, sân khấu tối giản, có nhân vật còn chẳng có tên. Nhưng họ đều tin vào sức mạnh của những mảnh đời, mẩu chuyện và sự thấu cảm giữa người với người.
Khi được hỏi vì sao hoạt động sân khấu thời nay kém sôi động hơn hẳn so với các loại hình nghệ thuật khác, Hồng Ánh nhận định: "Ở các môn nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, tôi thấy về mặt kỹ thuật, cơ sở vật chất, Việt Nam không có sự chênh lệch quá nhiều so với các nước trên thế giới. Nhưng với sân khấu thì lại chênh quá lớn, chúng ta đang thiếu hụt nhiều sự sáng tạo, về mặt thể hiện, dàn dựng".
"Nhiều năm như thế đã trôi qua, sân khấu an toàn và khán giả cũng quen với sự an toàn đó nên họ mất đi sự tò mò, thắc mắc và hứng khởi. Đó là chưa kể những loại hình khác đang liên tục có sự đổi mới, có vô số sự lựa chọn các loại hình nghệ thuật, giải trí từ trực tiếp cho đến online. Nhân lực mới của ngành không thiếu, nhưng hầu hết đều ở lại trong bộ khung an toàn. Cũng thật khó cho những người làm sân khấu vì họ còn phải cân đối việc kinh doanh, làm mới quá thì cũng sợ không ai tiếp nhận".
Hồng Ánh và đạo diễn Đoàn Khoa mong muốn vở Mình nói chuyện mình có nhiều nét mới mẻ trong cách kể chuyện, dàn dựng nhưng vẫn phải gần với đời thường. NSX
Mình nói chuyện mình được đạo diễn bởi Đoàn Khoa, anh từng ghi dấu ấn khi đạo diễn vở Tiếng hát thiên nga, Người mua hạnh phúc, Thương hoài ngàn năm. Đạo diễn Đoàn Khoa từng có thời gian dài gắn bó với sân khấu kịch IDECAF, cũng từng nắm giữ vai trò tổng đạo diễn của 2 mùa Duyên dáng Việt Nam. NSX
Bên cạnh đó, Hồng Ánh cho rằng muốn có sự thay đổi tích cực cho bầu không khí chung của ngành sân khấu, nỗ lực phải đến từ cả nghệ sĩ lẫn khán giả. Nữ diễn viên nói: "Nhìn vào giá vé sân khấu hiện nay, đôi khi tôi buồn và thấy sao quá phi lý. Ra nước ngoài, khi đi xem kịch nói, Broadway hay thậm chí những sân khấu thể nghiệm nhỏ nhưng giá vé bao giờ cũng mắc hơn 5, thậm chí 10 lần giá vé xem phim. Ở Việt Nam, vé xem ca nhạc tầm 1 triệu mọi người sẵn lòng mua, nhưng nếu đó là giá vé của một vở kịch thì họ lại đắn đo ngay. Phần nào có lẽ vì họ không chắc chắn về giá trị mà họ sẽ nhận lại, nó không đủ mạnh, nó không đồng đều. Mong muốn đổi mới, nguồn cơn sáng tạo phải đến từ cả hai phía nghệ sĩ lẫn khán giả, chúng phải gặp nhau. Nghệ sĩ cần kiên trì vì kết quả của việc đổi mới không thể thấy được ngay. Thể nghiệm cái mới luôn tốt nhưng nó cũng phải chạm đến đời sống. Phía khán giả cũng phải đến với những thể nghiệm nghệ thuật bằng tâm thế rộng mở, phóng khoáng. Có thể thích, có thể không, có thể không hiểu tức thì nhưng cũng được kích thích để về tìm hiểu thêm. Còn nếu nghe gì đó mới mà đã từ chối ngay lập tức thì sẽ thật khó khăn. Chỉ như vậy, ta mới có thể cùng nhau xóa bỏ sự đơn điệu và an toàn. Tôi mong qua vở kịch này, chúng tôi có thể tạo nên một nguồn cảm hứng mới cho khán giả và cho các đồng nghiệp. Như vậy là đã mừng lắm rồi".
Bên cạnh Hồng Ánh, Đoàn Khoa, Mình nói chuyện mình còn có sự góp mặt của NSND Kim Xuân, Quang Thảo và Huỳnh Ly. Vở kịch sẽ được trình diễn tại Nhà hát thực nghiệm - Trường múa TP.HCM vào hai đêm 11 và 12.8.2023.
NSND Kim Xuân: Đóng kịch thể nghiệm, tôi như được 'chơi' với nghề Trò chuyện với Thanh Niên, NSND Kim Xuân không giấu được sự vui thích khi chia sẻ về vở kịch thể nghiệm mà bà tham gia - Mình nói chuyện mình, sắp ra mắt khán giả vào ngày 10.8. NSND Kim Xuân hội ngộ khán giả kịch nói với vở Mình nói chuyện mình. Tác phẩm do Đoàn Khoa làm đạo diễn, có...