Diễn viên Huỳnh Lập: Người nghệ sĩ cần tử tế và tinh tế
Gần 10 năm tham gia nghệ thuật với rất nhiều vai trò: diễn viên, đạo diễn… từ sân khấu kịch đến web drama ( phim chiếu mạng) và bây giờ là điện ảnh, Huỳnh Lập đã từng bước ghi dấu ấn. Phấn đấu trở thành người nghệ sĩ tinh tế và tử tế, với Huỳnh Lập, mỗi ngày trôi qua luôn phải tự làm mới chính mình.
1. Ở góc nhỏ quán cà phê trung tâm quận 1, TPHCM, Huỳnh Lập mở đầu câu chuyện với vẻ mặt ánh lên niềm vui. Không vui sao được khi bộ phim anh dành nhiều tâm huyết, lại đảm nhận vai trò kép: đồng đạo diễn kiêm diễn viên chính Pháp sư mù: Ai chết giơ tay cán mốc doanh thu 2 triệu USD (hơn 46 tỷ đồng) sau 2 tuần công chiếu.
Trong thời buổi phim Việt ra rạp liên tục “ngã ngựa”, một tác phẩm đầu tay có lời được xem là kỳ tích. Nhưng, niềm vui lớn nhất với anh và ê kíp đó là khán giả đã không phải tiếc tiền khi ra rạp xem phim. Pháp sư mù: Ai chết giơ tay được phát triển từ web drama Ai chết giơ tay đã thành công trước đó. Đó vừa là lợi thế, vừa là áp lực không hề nhỏ. Đó cũng là khởi nguồn của nhiều tranh luận, quan điểm trái chiều mà Huỳnh Lập nhận được.
Nhiều ý kiến cho rằng, phim không khác phiên bản web drama rút gọn. Huỳnh Lập nhìn ở khía cạnh tích cực và lập luận chắc chắn: “Có khi nào, khán giả coi web drama đã thấy chất điện ảnh rồi nên khi chiếu trên màn ảnh rộng, không nhận thấy sự khác biệt. Bản web drama chúng tôi đã xác định làm với tâm thế, nhân lực, máy móc và tư duy của một bộ phim điện ảnh. Đến khi thực hiện phim điện ảnh, chúng tôi nâng tầm hơn, tinh lược về chi tiết và tiết chế về diễn xuất. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng tôi tin mình đã có một bộ phim điện ảnh đúng nghĩa, khác biệt”.
Huỳnh Lập đảm nhận vai chính kiêm đồng đạo diễn trong “Pháp sư mù: Ai chết giơ tay”
Nung nấu ý tưởng làm một tác phẩm điện ảnh từ vài năm trước, nhưng khi bắt đầu, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: chọn thể loại gì, nội dung câu chuyện ra sao… để vừa có tính giải trí, vừa phải thật sự nhân văn. Cuối cùng, Huỳnh Lập quyết định chọn linh dị (tâm linh và kỳ dị) là thể loại chính với một câu chuyện đủ độ hấp dẫn khi đưa văn hóa tâm linh một cách mới mẻ và nhẹ nhàng lên màn ảnh rộng, nhưng cũng có những khoảng lặng tâm lý cần thiết để tạo sức nặng.
Tôn trọng chuẩn mực đạo đức xã hội và ý thức được một bộ phim điện ảnh luôn cần sự tinh tế là chìa khóa để phim qua cửa kiểm duyệt mà không bị cắt gọt, nhưng trên hết, trước đó Huỳnh Lập đã ý thức phải tự gò chính mình để không đi lệch chuẩn.
Những hình ảnh đầu tiên bị chê tơi bời khiến anh có những lúc không dám lên mạng xã hội. Nhưng, khi bộ phim dần thành hình hài cũng là lúc có nhiều lời động viên hơn. Có một bình luận của khán giả mà Huỳnh Lập nhớ mãi, giữa cuộc sống bộn bề, xem bộ phim sẽ nhớ gia đình nhiều hơn, thiện cảm hơn với những điều xung quanh.
2. Trên con đường hoạt động nghệ thuật, Huỳnh Lập luôn phải tìm kiếm những gì mới mẻ: mới với chính mình và mới với xã hội. Cái sự mới ấy vừa là yêu cầu tự thân của người làm nghệ thuật, vừa là yêu cầu nơi khán giả. Trên hành trình ấy, mỗi người sẽ tìm cách để khẳng định và xây dựng thương hiệu cá nhân.
Anh từng đứng trong “tâm bão” khi thử sức với thể loại parody (hài nhái), rồi web drama, trước khi chạm ngõ điện ảnh. Với Huỳnh Lập, doanh thu triệu đô của phim điện ảnh đầu tay, hàng chục triệu view của những tập phim web drama, số điểm cao trong những lần thi thố, hay lượng khán giả đến với mỗi vở diễn của anh đã “thay lời muốn nói”.
Anh tự nhận, khác biệt của mình là dám nghĩ, dám làm và đôi khi là liều. Chữ dám cũng được đặt cho kênh YouTube của Lập và những người bạn – DAMtv khi bắt đầu bước chân vào nghệ thuật, thời điểm cuối 2011. Nhưng trong cái dám nghĩ, dám làm, dám chịu đó, Huỳnh Lập thấy mình may mắn khi bên cạnh luôn có những cộng sự đắc lực.
Anh tâm niệm, làm nghệ thuật là phải biết nhiều thứ, xây dựng cho mình nhiều mối quan hệ. Lùi một bước, bớt đi sự hơn thua chưa bao giờ là thua thiệt. Đó là lý do anh ngại va chạm với đồng nghiệp và luôn cố gắng sống hoan hỷ. Nếu gặp vấn đề, anh chọn cách bình tĩnh để thời gian nguôi ngoai, trước khi tìm cách giải quyết hợp lý.
Ở tuổi 26, Huỳnh Lập gần như đối nghịch hoàn toàn giữa ngoại hình và thế giới nội tâm sâu sắc. Bạn bè vấp ngã luôn tìm anh làm điểm tựa để tâm sự, giãi bày. Anh thích quan sát cuộc sống, kể cả nỗi buồn và đó là chất liệu để sáng tạo, phát triển những câu chuyện cho các sản phẩm của mình. Với tư duy ấy, nhiều vai diễn, nhân vật anh chưa từng trải qua tâm lý, nhưng sự quan sát, lắng nghe ấy giúp anh nhập vai tự nhiên hơn…
Huỳnh Lập có được hôm nay là nhờ được khán giả yêu thương và anh luôn trân quý điều đó. Anh cho rằng, dù là nghệ sĩ, hay khán giả thì luôn cần sự tinh tế và tử tế. Người nghệ sĩ tử tế là luôn phải ý thức kỹ lưỡng, nghiêm khắc với chính mình. Còn với sự tinh tế thì cần có thời gian và đôi khi cần chậm lại một chút. Trong khi đó, với khán giả, anh chỉ mong họ hãy mở lòng mình để đón nhận, sự khen – chê hãy xuất phát từ tinh thần đóng góp chứ không phải “ném đá”.
Sau quãng thời gian tập trung cho điện ảnh, Lập muốn gầy dựng lại thánh đường sân khấu cho chính mình. Với anh, chẳng có gì tuyệt vời hơn cảm giác được đứng trước khán giả, được sống liên tục với nhân vật, dìu dắt cảm xúc nơi khán giả và được cháy hết mình.
Theo sggp.org.vn
"Pháp Sư Mù" Huỳnh Lập: Làm phim kinh dị ở Việt Nam muốn ra thì không tới, muốn tới thì khó ra!
Nhân dịp Pháp Sư Mù sắp ra mắt, cùng gặp Huỳnh Lập để nghe xem anh chàng đã lao tâm khổ tứ, dốc hết sức mình cho dự án như thế nào. Bên cạnh đó, câu chuyện kiểm duyệt cũng là thứ đáng để bàn trong bối cảnh điện ảnh Việt đang rất rôm rả về đề tài này.
Trên fanpage của mình, Huỳnh Lập vui vẻ thông báo rằng Pháp Sư Mù - bộ phim điện ảnh đầu tay của mình vừa chính thức vượt ải kiểm duyệt mà không bị cắt giây nào. Đây cũng là tác phẩm có yếu tố tâm linh, kinh dị duy nhất trong năm nay không gặp trở ngại về "thủ tục" trước khi ra rạp. Có thể nói điện ảnh Việt chưa bao giờ "nóng" như vậy về kiểm duyệt, người thì nói nên cởi mở, người thì giữ quan niệm cũ. Chưa bàn đến câu chuyện mà người làm phim nào cũng hiểu "nó là cái gì", nhưng rõ ràng khán giả - bản thân họ đang rất khát khao được xem phim kinh dị "made in Việt Nam". Hơn ai hết, Huỳnh Lập là người rất hiểu điều này.
Trailer Pháp Sư Mù: Ai Chết Giơ Tay
Bản thân anh chàng cũng có một tiền đề rất tốt từ "Ai Chết Giơ Tay" - web drama được yêu thích nhất của WeChoice 2018, khán giả đã hiểu đã là sản phẩm Huỳnh Lập kiểu gì cũng phải "chỉn chu". Nhưng sau khi tung ra trailer của Pháp Sư Mù, người xem thật sự lo ngại rằng có khi nào đây chỉ là phần 2 của web drama được đưa lên rạp. Màu phim sao xấu quá, nội dung sao quen quá. May quá, trong buổi phỏng vấn Huỳnh Lập chia sẻ luôn rằng tất cả chỉ là "cú lừa". Mọi người hãy đợi xem bản chính thức, sẽ còn nhiều thứ hay ho hơn cả trí tưởng tượng của khán giả.
Tôi muốn làm một bộ phim liên quan đến tâm linh
Lí do Huỳnh Lập triển khai dự dự án phim điện ảnh Pháp Sư Mù là gì?
Tôi từng dấn thân vào tâm linh và mê tín dị đoan, gặp trúng người không tốt. Họ từng là bạn, mất tích một thời gian rồi quay lại làm thầy cúng. Anh ta làm nhiều việc khiến tôi tin và từ lúc đó nhìn ai cũng sợ lừa hại mình, không dám đi đâu vì lo bị chơi ngải. Cuối cùng tôi nhận ra người đó chỉ vì tiền, thỉnh thoảng còn gọi dọa rằng mẹ tôi sẽ bị tai nạn này nọ để đòi tiền cúng.
Sau này tôi gặp người có bậc giác ngộ cao hơn, khuyên nên gửi mọi niềm tin vào Phật. Thế nên tôi muốn làm một bộ phim liên quan đến tâm linh, để ai từng gặp những chuyện như vậy sẽ có được sự giác ngộ và thoát khỏi những ngày tháng u tối.
Bản điện ảnh Pháp Sư Mù này có bao nhiêu phần trăm giống với những trải nghiệm đó của bạn?
Ai Chết Giơ Tay thiên về trải nghiệm của tôi nhiều hơn, Pháp Sư Mù là phát triển lên từ Ai Chết Giơ Tay. Nếu chỉ dựa vào câu chuyện của riêng mình để làm phim thì chưa đủ đặc sắc/ Giữa tôi và nhân vật Lâm có rất nhiều điểm chung, là người thích hướng đến tâm linh, bị cụ Cố (anh Hữu Châu) thao túng, nhìn bạn xung quanh trở thành kẻ thù của mình.
Tại sao bạn làm web drama cho Ai Chết Giơ Tay?
Tôi chọn làm web drama (một thể loại rất mới) cho Ai Chết Giơ Tay thay vì điện ảnh một phần là vì nếu tôi nhảy từ parody sang điện ảnh thì đó sẽ là một cú nhảy rất gấp. Tôi chọn cách dần dần tiếp xúc với nó. Từ sau Ai Chết Giơ Tay, tôi có nhiều kinh nghiệm hơn để làm bộ phim điện ảnh Pháp Sư Mù.
Từng nói Ai Chết Giơ Tay rất khó làm điện ảnh vì để ra rạp sẽ phải trải qua kiểm duyệt. Nhưng bây giờ bản điện ảnh đã xuất hiện, bạn giải quyết nó thế nào?
Khó không đồng nghĩa là không thể, khi chấm bút làm kịch bản Pháp Sư Mù, tôi phải suy tính rất kĩ để khán giả xem xong không khiến họ bị thao túng về mặt tâm linh. Tôi chia ra 3 tuyến nhân vật rõ ràng: pháp sư, con người bình thường mê tín dị đoan (giống tôi ngày xưa), bác sĩ khoa học. Mỗi tuyến nhân vật lại có cách nhìn và lí giải riêng, khán giả cũng vậy. Khi xem bộ phim, ai thuộc tuyến nhân vật nào sẽ có cách nhìn tương ứng, ai tin thấy thú vị, ai không tin sẽ nhìn về khoa học.Tôi muốn khai thác mảng sáng của tâm linh để mọi người nhìn vào thấy tâm linh rất gần gũi với cuộc sống của mình.
Tươi sáng quá đôi khi cũng bất lợi nếu khán giả lại mong muốn coi những cái thần bí hơn thì sao?
Làm sao để khi xem về ma không khiến khán giả quá sợ hãi và ám ảnh, đó là mong muốn của tôi. Xem những con ma ở Ai Chết Giơ Tay, trẻ em cảm thấy khoái vì màu sắc, người lớn cảm thấy thú vị vì nó không giống những gì mọi người đã thấy trước đây, đó là điều tôi hướng tới. À, phim này dán nhãn 16 .
Bạn có tính toán để Pháp Sư Mù có thể qua cửa kiểm duyệt một cách trót lọt?
Bây giờ nếu cục điện ảnh bắt cắt thì tôi cũng không biết cắt như thế nào nữa, vì nó đã quá chặt chẽ rồi. Có lẽ tôi sẽ đưa phim vào thể loại phim viễn tưởng, đầu phim mình cũng dán nhãn "bộ phim này là hư cấu" để người xem nhận thức được rằng đó là sáng tạo của ekip, không có gì phải sợ hãi hay tiêu cực cả.
Quá thành công với web drama, bạn kì vọng như thế nào về Pháp Sư Mù?
Năm nay, Pháp Sư Mù là dự án lớn nhất của tôi. Tôi gác hết youtube để đặt hết tâm huyết vào dự án này. Đây cũng là bộ phim điện ảnh đầu tay nên tôi không cho phép mình được hời hợt, tôi muốn khẳng định khả năng đa dạng của mình trên nhiều lĩnh vực chứ không bị bó buộc vào một cái gì đó như youtube, gameshow.
Bạn có thể cho biết về quá trình kiểm duyệt phim không, nó đã đi đến đâu rồi?
Tôi đã gửi lên kiểm duyệt và bây giờ không bị cắt giây nào cả. Bên cạnh tôi có nhiều mối quan hệ, các anh đi trước cũng nhắn gửi kinh nghiệm cắt sửa để làm sao an toàn nhất có thể. Làm sao phải cân bằng được giữa sự sáng tạo với xã hội, có như vậy thì từ khi viết kịch bản đến khi thực hành mới yên tâm không bị cắt gọt quá nhiều sau này.
Nhiều khán giả xem xong teaser Pháp Sư Mù nói bộ phim vẫn là web drama chứ không phải phim điện ảnh, bạn nghĩ sao về điều đó?
Nếu vậy thì mọi người hãy xem Pháp Sư Mù đi để thấy đó là một bộ phim điện ảnh chứ không phải web drama. Mọi người khoan hãy nhận định tất cả qua trailer, nó cũng chỉ là một cú lừa thôi.
Làm phim kinh dị với bối cảnh điện ảnh Việt Nam hiện tại có khó?
Tôi chỉ băn khoăn một điều đó là làm phim kinh dị ở Việt Nam, muốn ra thì không tới, muốn tới thì khó ra. Nếu muốn làm phim kinh dị trọn vẹn nhất ở Việt Nam thì chỉ còn cách "làm phim điện ảnh rồi phát youtube".
Ở teaser có cảnh đám tang mặc đồ sặc sỡ gây khó hiểu cho khán giả, bạn có thể chia sẻ đôi chút về phân cảnh này không?
Tôi có đọc một comment nói rằng đi đám tang mặc đồ sặc sỡ vậy là sai, nhưng khi đến rạp xem bạn đó sẽ biết được comment của mình mới là sai quá sai. Điều đó là có dụng ý cả.
Bạn từng nói rằng mình là fan của Châu Tinh Trì, liệu bộ phim này có hơi hướng của những bộ phim Châu Tinh Trì không?
Hài của Châu Tinh Trì rất phi lí, cái đó từng xuất hiện trong Tấm Cám của tôi. Khi tôi hướng đến hài phi lí thì sẽ khác. Còn hiện tại, tôi muốn mọi người nhìn thấy sự trưởng thành của tôi ở Pháp Sư Mù so với các bộ phim trước đó. Tôi không nói hài Châu Tinh Trì không trưởng thành mà là vì tôi muốn đa dạng hóa bản thân hơn thôi. Tôi muốn mọi người thay đổi chút xíu nhận thức về diễn viên hài, diễn viên hài hoàn toàn có thể làm và làm tốt những phân cảnh tâm lí.
Làm diễn viên hài phải đánh đổi phút giây cô đơn cùng cực trong cánh gà
Bạn từng trầm cảm, vậy lúc ấy làm thể nào để cân bằng cảm xúc của mình?
Có nhưng cũng lâu rồi, từ thời còn đi học cơ chứ không phải lúc tôi đang lập nghiệp. Vượt qua được mình mạnh mẽ , không có gì có thể khiến mình sợ hãi hơn nữa. Trải qua nhiều chuyện, tôi cũng trưởng thành hơn nhiều so với các bạn bè cùng trang lứa. Mình có thể học từ thất bại của người khác. Hiện tại cũng nhiều bạn giống như tôi, không tìm được ai để chia sẻ, sẽ rất dễ bị trầm cảm.
Trong sự nghiệp bạn có từng trải qua một giai đoạn nào đó cực kì khó khăn không?
Tôi ít và gần như không khi nào rơi vào thời gian bế tắc hay ế show cả. Hiện nay diễn viên trẻ rất nhiều, mỗi ngày các bạn đều phải bươn trải để có cơ hội, nhưng cuộc sống của tôi khác bởi vì em dấn thân từ rất sớm, hiện tại nó đã vào guồng rồi.
Hiện trạng diễn viên trẻ nhiều đi đôi với việc ế show cũng nhiều đấy, bạn nghĩ sao?
Ngoài yếu tố có tâm và có tầm khi vào nghề (bắt buộc), có hai nguyên nhân phổ biến dẫn đến thực trạng đó. Thứ nhất đó là hoàn cảnh của mỗi người, ví dụ một người diễn viên hoàn cảnh yên ấm khác với một người cha ốm mẹ đau, gia đình xích mích nợ nần thì làm hoài không lên được. Cái thứ hai là cơ hội, từ hoàn cảnh đó mà show nào cũng nhận nên không có show đinh để làm sáng mình. Nếu bạn chọn phương án an toàn thì sẽ mãi an toàn vậy thôi, những bạn có hoàn cảnh khó khăn mà biết vươn lên, có ý chí vẫn sẽ thành công.
Thế giới quan của nghệ sĩ hài lại thường rất cô đơn, điều đó có đúng không?
Đúng, tôi rất thích diễn hài cho mọi người nhưng một mình lại cảm thấy cô đơn. Hạnh phúc lớn nhất của diễn viên hài là làm sao để cho mọi người cười, dần dần nó lại trở thành một căn bệnh tâm lí, cho nên khi lâu lâu quăng miếng không nghe khán giả cười thì sẽ thấy buồn lặng đi. Muốn trở thành một diễn viên hài thì phải đánh đổi những phút cô đơn cùng cực trong cánh gà để tỏa ra năng lượng vui vẻ cho mọi người trên sân khấu.
Khi sự cô đơn đang chiếm lấy mình, bạn đối diện với nó như thế nào?
Tôi nghĩ không riêng gì tôi mà với nhiều người sẽ chọn cách gặm nhấm nỗi cô đơn. Vì không thể nào buông bỏ được, có người cứ đắm chìm vào đó bằng cách ngồi nghe mãi những bản nhạc buồn, có người lại chọn cách ra ngoài xem một bộ phim rồi chia sẻ với bạn bè.
Còn với mình, tôi không cho phép mình rảnh vì nếu ở không rồi lại suy nghĩ vu vơ, buồn vu vơ. Khi diễn về tôi sẽ nghiên cứu kịch bản, tôi biết cách kiểm soát và chủ động trong cuộc sống nên né được nhiều cảm xúc tiêu cực. Phần não của tôi phát triển nên đi ngủ tôi thường ngủ nửa giấc thôi, nhiều bộ phim cũng có thể bắt nguồn từ những giấc mơ mà ra.
Mọi người thấy bạn xuất hiện thưa thớt trên truyền hình, liệu đó có phải là chiến lược của bạn không?
Nhiều người cho rằng diễn viên nào hết hot thì sẽ ít xuất hiện trên truyền hình hơn, nói như vậy không lẽ chị Hồ Ngọc Hà hay chị Mỹ Tâm không hot, chỉ có điều là khi họ đã có chỗ đứng rồi thì họ sẽ tập trung vào một cái nhiều hơn. Còn đối với tôi, tôi muốn bản thân mình đa dạng.
Bạn có cảm thấy diễn viên hài của miền Nam đi gameshow nhiều quá không?
Cũng có, nó cũng nguy hiểm nữa. Nếu như dấn sân vào game show nhiều quá, bạn sẽ không có sản phẩm của riêng mình hay một vai diễn đáng nhớ, nó nghiêng về giải trí nên khán giả sẽ dễ đóng đinh bạn về lĩnh vực giải trí. Có cơ hội đến thì nắm bắt, chính diễn viên cũng khó kiểm soát về tần suất xuất hiện của mình nên vấn đề này còn nhiều nan giải. Nhưng vẫn nên biết cách làm mới và đa dạng bản thân mình mỗi ngày cứ không gò bó vào một lĩnh vực duy nhất ví dụ như gameshow.
Tôi sống đều dựa trên quy luật nhân quả
Thành công từ rất sớm và luôn tràn đầy sự tự tin, nhưng con người thực sự phía sau của bạn là gì?
Tôi đã từng rất tự tin. Nhưng hiện tại, nguồn năng lượng chính của tôi không phải sự tự tin mà sự bình tĩnh. Tôi sống dựa trên quy luật nhân quả. Tôi không dám làm gì bậy bạ và cố ý tổn thương đến bất kì ai. Có thời gian tôi bị mông lung trong việc tìm ra niềm tin để sống tốt và ổn định cuộc sống. Hiện tại, tôi cũng ít treo một stt nào đó đả kích về một vấn đề nào đó trong xã hội, mình phải nhìn mọi thứ đa chiều hơn và điều gì cũng có lý do và nhân quả, hãy khoan phán xét về bất cứ điều gì.
Mạng xã hội phát triển quá mạnh khiến cho niềm tin giữa người với người mỏng đi, bạn có đồng tình với quan điểm đó?
Mạng xã hội tạo ra nhiều mối quan hệ khác để quan tâm hơn, khiến cho mối quan hệ nhỏ của mình trở nên dễ bị lung lay, giống như mình có quá nhiều món ăn ắt sẽ chọn những món ngon hơn. Mình cũng không cản ngăn được tiến trình phát triển của xã hội, chỉ còn cách làm gì để thích nghi với nó thôi.
Trong tình yêu, bạn là một người thế nào?
Trước đây tôi rất hay ghen nhưng bây giờ thì hết rồi. Cũng khoảng 3-4 năm rồi. Hết ghen có hai nguyên nhân, một là vì hết yêu, hai là vì thấu hiểu. Đối với tôi tình yêu bao la lắm, nó bao hàm cả tình thương nữa, đây cũng là một thông điệp lớn của bộ phim Pháp Sư Mù mà tôi muốn gửi đến khán giả.
Pháp Sư Mù công chiếu trên các rạp toàn quốc từ ngày 8/11.
Theo helino
Pháp Sư Mù: Huỳnh Lập chia sẻ tâm huyết của bản thân về bộ phim Huỳnh Lập bị khán giả lầm tưởng là Pháp Sư thật sự ngoài đời Đáp lại sự trông đợi của người hâm mộ, nhà sản xuất Pháp Sư Mù tiếp tục tung ra loạt hình ảnh của dàn diễn viên cùng với những chia sẻ thú vị của đạo diễn - diễn viên Huỳnh Lập trong quá trình làm phim. Bộ phim của...