Điện nội ế vẫn nhập điện Trung Quốc
Nhiều nhà máy nhiệt điện không thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2012 chỉ được huy động 70-80% công suất, trong khi EVN vẫn đều đặn nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
Theo Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), sản xuất và tiêu thụ điện của các nhà máy điện thuộc tập đoàn này năm 2012 đạt 6,3 tỉ kWh, chỉ bằng 94% so với năm 2011. Các nhà máy nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả hoạt động ổn định, nhưng chỉ huy động được khoảng 70% công suất thiết kế, chủ yếu do nhu cầu giảm. Còn theo ông Vũ Huy Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực dầu khí (PVN), trong năm qua các nhà máy nhiệt điện của dầu khí cũng chỉ được huy động khoảng 70 – 80% công suất so với dự kiến kế hoạch của Trung tâm điều độ.
Ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết hiện vẫn huy động hết công suất các nhà máy điện của Vinacomin. “Công suất huy động không thể dùng chung một con số tỷ lệ, tùy từng thời điểm trong năm có thể thay đổi. Ví dụ, mùa lũ thì ngay cả các nhà máy nhiệt điện của EVN cũng nằm im, thủy điện bên ngoài EVN cũng chạy. Đã là thị trường thì nhà máy nào rẻ hơn sẽ được huy động trước”, ông An nói.
Thực ra, việc các nhà máy này không được huy động tối đa công suất có một phần là bởi các nhà máy của Vinacomin hay PVN chủ yếu là nhiệt điện than, khí, dầu, giá bán cao hơn thủy điện. Trong khi năm 2012, khai thác thủy điện của EVN đạt tới 52,96 tỉ kWh, vượt 5,5 tỉ kWh và nhờ vậy, EVN đã giảm được sản lượng nhiệt điện phát bằng dầu (giảm 125 triệu kWh so với kế hoạch). Chính việc huy động khối lượng thủy điện lớn giá rẻ là một trong những nguyên nhân quan trọng mang lại khoản lãi 6.000 tỉ đồng cho EVN trong năm 2012. Riêng sản lượng điện của EVN đạt 54,4 tỉ kWh, vượt kế hoạch 3,58 tỉ kWh, nên lượng điện phải mua ngoài của EVN chỉ xấp xỉ 63,19 tỉ kWh điện.
Nhưng điều khiến nhiều nhà máy điện ngoài EVN băn khoăn là dù đã giảm sản lượng huy động nhiệt điện do trong nước thừa điện, nhưng lượng mua điện từ Trung Quốc vẫn rất lớn. Báo cáo của EVN năm 2012 không nói rõ lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc là bao nhiêu. Nhưng theo số liệu chính thức được EVN công bố trước đó, 7 tháng đầu năm 2012, EVN đã mua tới 1,571 tỉ kWh điện từ Trung Quốc. Nếu tính bình quân cả năm, con số điện nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khoảng 2,5-2,8 tỉ kWh hoặc cao hơn. Đây là con số nhập khẩu tại một năm thừa điện, còn theo kế hoạch năm 2013 khi nguồn cung được dự báo có những căng thẳng nhất định do thủy văn không thuận lợi, EVN dự kiến sẽ nhập tới 3,6 tỉ kWh điện từ Trung Quốc.
Nguồn điện trong nước thừa nhưng EVN vẫn nhập khẩu điện từ Trung Quốc – Ảnh: Ngọc Thắng
Cần xem lại cơ cấu mua
Video đang HOT
Giá mua điện từ Trung Quốc của EVN đã tăng mạnh trong các năm gần đây. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2011 Việt Nam ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc với giá 5,8 cent/kWh thì sang năm 2012, giá mua điện từ Trung Quốc đã tăng lên 6,08 cent/kWh (tương đương khoảng 1.300 đồng/kWh). Trong khi đó, giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ trong nước chỉ khoảng 800 – 900 đồng/kWh (mùa lũ mức giá mua còn thấp hơn chỉ từ 500 – 600 đồng/kWh – PV), giá mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than khoảng 1.280 – 1.300 đồng/kWh.
Hợp đồng đàm phán mua điện EVN ký với Trung Quốc hằng năm là hợp đồng bao tiêu với sản lượng cụ thể, và EVN mua ít hay mua thêm nhiều cũng đều bị phạt. Do nguồn cung điện trong nước vài năm qua thiếu hụt, nên nhiều thời điểm, việc xác định nhập khẩu tối đa điện từ Trung Quốc luôn là một trong những giải pháp lớn để giải quyết bài toán cân đối cung cầu.
Tuy nhiên, ông Vũ Huy Quang cho rằng việc ký hợp đồng mua điện Trung Quốc do những năm trước đây nguồn cung điện trong nước còn hạn chế. Nhưng với nguồn cung trong nước mỗi năm đang được bổ sung nhiều hơn, việc mua điện Trung Quốc với mức giá cao hơn thủy điện và xấp xỉ nhiệt điện chạy than, là thiệt thòi cho các nguồn điện này. Theo ông Quang, do hợp đồng mua của EVN với Trung Quốc có những cam kết về sản lượng, nếu không mua đủ sẽ bị phạt, dẫn tới ngay cả khi nguồn trong nước dồi dào như năm 2012, thậm chí có giai đoạn thừa điện, vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc.
Một chuyên gia ngành điện cho rằng, bất cập ở chỗ hợp đồng mua điện với Trung Quốc xác định sản lượng cũng như giá cả thường làm gộp từ đầu năm. Điều này khiến không chỉ các nhà máy nhiệt điện lớn chịu thiệt, mà còn khiến các thủy điện nhỏ và vừa lao đao. Với các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa dưới 30 MW (không được tham gia thị trường phát điện cạnh tranh), việc có được huy động hay không phụ thuộc hoàn toàn vào EVN. Đây cũng là các nhà máy “tố khổ” nhiều nhất khi thường xuyên bị phân biệt đối xử, bị ép giá bán thấp, thường xuyên không được huy động hết công suất, nhất là vào giờ cao điểm.
Theo chuyên gia trên, những bất cập này cùng với khó khăn khi mua bán với Trung Quốc đặt ra yêu cầu EVN cần phải tính toán lại hiệu quả của việc nhập khẩu điện dài hạn từ Trung Quốc, cũng như phải cơ cấu hợp lý, minh bạch hơn các nguồn mua điện trong nước, tránh tình trạng thừa điện vẫn phải đi mua.
Theo TNO
Ào ạt xuất than trước thời điểm phải nhập khẩu
Thời điểm nhập khẩu than chỉ còn 2 năm, nhưng trong kế hoạch sản xuất năm 2013 Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) một lần nữa lại đặt ra mục tiêu xuất khẩu than cao hơn năm trước, tới 16 triệu tấn.
Sắp phải nhập 6 triệu tấn than
Vinacomin cho biết, năm 2012 than nguyên khai sản xuất đạt 44,5 triệu tấn, tiêu thụ than 39,2 triệu tấn, trong đó trong nước là 24,8 triệu tấn, xuất khẩu 14,4 triệu tấn. Lượng tồn kho còn tương đối lớn, dự kiến khoảng 7,5 triệu tấn.
Tại hội nghị tổng kết ngành than sáng 12.1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở, theo kế hoạch tới năm 2015 sẽ phải nhập khẩu 6 triệu tấn than, năm 2020 phải nhập tới 36 triệu tấn. "Năm 2025 - 2030, nếu không cơ cấu được vấn đề năng lượng có thể phải nhập đến cả trăm triệu tấn than. Con số này rất có vấn đề, không chỉ khó khăn về tiền mà còn là nguồn, cơ cấu nhập. Các tổng công ty tự đi ra thị trường tìm kiếm nguồn nhập nhưng không hiệu quả nên Chính phủ lại giao về cho Vinacomin. Tôi biết các đồng chí không muốn, nhưng cũng phải nhận vì Vinacomin là đầu mối", Phó thủ tướng nói.
Năm 2013 Vinacomin dành tới 16 triệu tấn than xuất khẩu, trong khi năm 2015 đã bắt đầu phải nhập 6 triệu tấn than - Ảnh: M.Hà
Cũng theo Phó thủ tướng, việc chuẩn bị cảng trung chuyển nhập khẩu than phía Nam và nguồn than nhập khẩu là giải pháp căn cơ mà ngành than phải đẩy mạnh, nhất là khi thời gian sắp phải nhập khẩu không còn nhiều.
Trên thực tế, Vinacomin đã xúc tiến tìm nguồn than. Ngoài việc ký các biên bản ghi nhớ trước đây với một số đối tác Indonesia/Úc về việc cấp than trong tương lai cho VN (Công ty Hancock Coal thuộc Tập đoàn Hancock Prospecting của Úc, Công ty Sojitzs của Nhật Bản), tập đoàn này đã ký thêm biên bản ghi nhớ với các đối tác Nga, Singapore về cả khả năng cung cấp than sau năm 2015 cũng như hợp tác xây dựng cảng biển nhập khẩu than.
Giá than sẽ tăng tiếp trong năm 2013
Vinacomin đã có kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính điều chỉnh tiếp giá than trong năm 2013. Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, chủ trương của Chính phủ đồng ý cho tăng giá than, nhưng thời điểm điều chỉnh cụ thể sẽ phải tính toán để không có tác động lớn, vì giá than tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá điện.
Tuy nhiên, đáng nói là trong kế hoạch năm 2013, với mục tiêu tiêu thụ 43 triệu tấn than (tăng 3,7 triệu tấn so với năm 2012), Vinacomin dành tới 16 triệu tấn cho xuất khẩu (tăng 1,7 triệu tấn). Bất hợp lý trong cơ cấu xuất khẩu - nhập khẩu than của Vinacomin đã kéo dài trong nhiều năm nay. Lãnh đạo Vinacomin nhiều lần lý giải: chủ yếu xuất các chủng loại than không thích hợp với sản xuất trong nước, cũng như nhằm giải quyết cân đối tài chính khi than bán trong nước vẫn đang thấp hơn giá thị trường. Nhưng với lộ trình giá than bán cho điện đang được nâng dần sát giá thị trường theo chủ trương của Chính phủ, việc vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu kiểu năm sau cao hơn năm trước là không hợp lý. Đặc biệt, theo cảnh báo của các chuyên gia, nguồn nhập khẩu hiện nay trông cậy chủ yếu vào thị trường Úc và Indonesia, nhưng việc nhập khẩu từ các thị trường này không hề dễ khi VN sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, Nhật Bản. Còn nếu nhập khẩu than từ các thị trường xa như Nga thì chi phí vận chuyển lại rất lớn.
Không chạy theo thành tích trong sản xuất bauxite
Cũng tại hội nghị sáng nay, theo ông Phan Bội Lợi, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQL) bauxite Lâm Đồng, trong tháng 2 sẽ tiến hành sát hạch các chỉ tiêu về an toàn, vận hành với Nhà máy alumin Tân Rai dự kiến tháng 3.2013 nhà máy sẽ đi vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất còn tồn tại là lắng bùn ở bể cô đặc và hồ số 5. Hiện nhà thầu đang tăng cường mục tiêu tiêu hao của chất trợ lắng và xử lý rắc thêm vôi ở các bể để đảm bảo lắng trong. Ông Lợi cho biết vẫn phải tập trung nghiên cứu để đảm bảo chất trợ lắng phù hợp, hoàn chỉnh các chỉ tiêu nước thải ra môi trường. Về hồ bùn đỏ, khoang số 1 và số 2 đã đủ điều kiện kỹ thuật để chứa bùn, nhưng giai đoạn này mới chạy 40 -50% công suất nên lọc bùn còn thấp.
Trong phần khuyến nghị với tập đoàn, ông Lợi đề xuất cần tăng cường giám sát về môi trường, vì đây là công trình có nhiều nguy cơ tiềm ẩn do áp lực cao, nhiều khả năng rò rỉ hóa chất, lắng đọng lớn. Bản thân BQL cũng đã thành lập tổ giám sát 24/24 để kịp thời khắc phục xử lý các sự cố. Trong khi đó, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐQT Vinacomin chỉ đạo, cần đẩy nhanh tiến độ để đưa nhà máy vào khánh thành vào ngày 26.3, cũng là thời điểm trùng với nhiều ngày lễ lớn.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, dự án alumin Tân Rai chậm do mất thời gian điều chỉnh kỹ thuật, an toàn môi trường, hồ bùn đỏ. "Anh Hòa muốn khánh thành vào thời điểm kỷ niệm giải phóng Tây nguyên", nhưng cứ từ từ làm, phải yên tâm về hiệu quả và công nghệ. Không thể vội chỉ vì hiệu quả kinh tế hay khánh thành chỉ để đạt một mốc kỷ niệm nào đó", Phó thủ tướng nhắc nhở.
Theo TNO
Lãi 6.000 tỉ, EVN vẫn đòi tăng giá Trao đổi với PV bên lề hội nghị tổng kết năm 2012 của Tập đoàn điện lực VN (EVN) ngày 11/1, chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng đã thừa nhận lãi gần 6.000 tỉ đồng. Thế nhưng EVN vẫn tiếp tục đòi tăng giá điện trong thời gian tới. Tại hội nghị tổng kết, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cam kết sẽ...