Diện kiến kỳ nhân 40 năm hành nghề “lặn ma” trên dòng Hương Giang
Vốn sinh ra trên sông nước và có khả năng bơi lội phi thường từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Sết (SN 1958), trú tại thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) cùng nhiều thế hệ trong gia đình đã cứu được nhiều người có ý định tự tử.
Với thâm niên gần 40 năm làm công việc lặn tìm xác chết và cứu người đuối nước, ông Sết đã gắn chặt đời mình với một cái nghề rất đặc biệt: nghề “lặn ma”.
Dân vạn chài xứ Huế gọi ông là Sết “hà bá, Sết “rái cá” còn những ân nhân thì suy tôn ông làm “Hiệp sĩ Hương giang”.
Ông Nguyễn Văn Sết sinh trưởng trong một gia đình làm nghề sông nước, cha ông là một người bơi lặn giỏi có tiếng ở xóm vạn đò ngày xưa (Phường Vĩ Dạ – TP Huế).
Cuộc đời ông Sết gắn liền với sóng nước, mảnh lưới và con thuyền từ khi sinh ra cho đến khi lấy vợ, sinh con đẻ cái.
Ông Nguyễn Văn Sết bên con đò của mình
Nói về nghề “lặn” ma, ông Sết kể: “Gia đình tui (tôi – PV) đã có bốn thế hệ làm nghề ni (này – PV) rồi các chú ạ.
“Lặn” ma, cái từ nghe lạ lẫm với nhiều người nhưng với những người gắn liền với con nước như chúng tôi thì quá đỗi quen thuộc.
Đó là công việc của những ngư phủ có tài bơi lặn giỏi như con rái cá, thường ra tay nghĩa hiệp cứu người đuối nước và lặn tìm những xác chết trên sông”.
Ngày xưa, từ thời ông nội và cha ông Sết còn sống trên thuyền ở những xóm vạn chài, họ đều là những ngư phủ nổi tiếng bơi lặn nên khi có người chết đuối mất xác, người ta thường nhờ gia đình ông Sết lặn tìm xác dưới đáy sông.
“Lâu thành quen, có chút tiếng tăm, người ta hay nhờ vả nên trở thành cái nghề khi nào không biết.
Đến khi tui lớn, lại cùng với mấy anh em trai quăng mình xuống sông Hương làm nghề cùng ba. Tui vẫn còn nhớ lần vớt xác đầu tiên là lúc lên 16 tuổi”, ông Sết chia sẻ.
Tính đến thời điểm này, ông Nguyễn Văn Sết và ba người anh trai của mình đã vớt hàng trăm cái xác trên dòng Hương giang.
Nhưng bây giờ chỉ còn ông Sết bám trụ lại sông Hương cùng hai người con trai tiếp tục theo nghề “lặn ma”.
Ông Sết tự hào cho biết: “Hai thằng con tui cũng lặn ghê lắm. Khi có người nhờ giúp là ba cha con tui có khi kêu thêm mấy anh em hàng xóm lại gác chèo, vác dụng cụ đi.
Nghề này, làm càng đông càng hiệu quả, vừa đỡ tốn sức, vừa có người bên cạnh động viên tinh thần”.
Video đang HOT
Cuộc sống giản dị của gia đình theo nghiệp “lặn ma”
Ở Huế, có nhiều sông suối, ao hồ bình thường chúng rất hiền hòa và thơ mộng nhưng đến mùa bão lũ, nước những con sông này dâng cao, chảy xiết cướp đi sinh mạng của nhiều người.
Cái nghề của ông Sết vì thế bất đắc dĩ mà nhiều người tìm đến nhờ. Bao năm gắn bó với dòng sông, không chỉ vớt xác chết mà ông còn nhiều lần cứu người chết đuối.
Người dân cùng xóm bảo, không dưới 10 trường hợp đã được ông Sết cứu sống.
Trong suốt 40 năm làm nghề, có những lần lặn tìm xác người mà ông Sết không bao giờ muốn nhớ lại.
Theo ông Sết thì trong suốt mấy chục năm làm nghề vớt xác, có lẽ vụ tai nạn vào ngày 5/8/2003 trên dòng sông Hương vào dịp lễ hội Điện Hòn Chén là ông khó quên nhất.
“Hôm đó chủ đò chở khách quá tải nên đò bị lật và chìm dần xuống sông và trong số hành khách thoát nạn còn thiếu 3 người phụ nữ.
Chỗ ấy con nước rất sâu, dưới ngầm nước chảy xiết, nhiều gềnh đá, hang hốc nên việc lặn rất khó khăn.
Trong dòng nước đục ngầu ấy, tôi cùng các anh em nắm tay thành hàng ngang, rồi chia nhau từng ô mà lặn tìm.
Mỗi lần ngoi lên khỏi mặt nước là anh em tôi lại uống ngụm nước mắm, ly rượu đế để bớt lạnh và lấy thêm can đảm.
Sau nhiều giờ liền nỗ lực ngụp lặn, đến 10 giờ đêm chúng tôi mới đưa được thi thể của 3 nữ giới lên bờ”.
40 năm qua, vượt lên tất cả những đàm tiếu của thiên hạ và khó khăn của cái nghề cướp cơm hà bá, ông Sết cùng anh em và các con vẫn bám nghề để cứu giúp người bị nạn.
Ông tâm sự, mỗi lần tìm được xác là ông cảm thấy rất thanh thản và vui mừng vì đã giúp người chết được ấm áp và sạch sẽ về với gia đình.
Anh Nguyễn Văn Thanh bên bộ dụng cụ mới
Theo nghiệp của ông là hai chàng trai với nước da ngăm ngăm với bề ngoài rắn rỏi, khỏe khoắn. Họ nhiệt tình khoe chúng tôi xem bộ dụng cụ cứu người do mình sáng chế.
Đó là bình dưỡng khí, dây ống thở, chiếc máy nổ và bộ tạo khí chế từ phanh hơi ô tô. “Có bộ dụng cụ này, ba và hai anh em tui có thể ngụp lặn dưới nước được hơn 15 phút.
Công việc vì thế mà thuận lợi hơn, xác suất tìm thấy xác người thành công hơn nhiều”, anh Nguyễn Văn Thanh (con trai ông Sết) chia sẻ.
Theo Tri Thức
'Dị nhân' Hà Nội: Sáng tráng miệng 30 quả trứng, trưa 20 bát cơm đầy
Buổi sáng, ông húp 6 bát phở, hoặc tráng miệng 30 quả trứng vẫn chưa thấy... đã miệng.
Kỳ 1: Dị nhân ăn như hùm đổ đó
Ở nước ta, đây đó vẫn có những câu chuyện về người ăn khỏe, nhưng ăn khỏe như ông Phùng Văn Lự (làng Tăng Cấu, xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội), thì quả thực là chuyện lạ đời.
Ông Lự đã ở tuổi 75, người bé loắt choắt, chỉ nặng độ 45kg, mà ăn như hùm đổ đó, thì quả thực lạ lùng. Buổi sáng, ông húp 6 bát phở, hoặc tráng miệng 30 quả trứng vẫn chưa thấy... đã miệng.
Qua thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), rẽ vào con đường nhỏ xuyên qua cánh đồng, thì đến làng Tăng Cấu. Nhà ông Phùng Văn Lự nằm ngay đầu làng, cửa khóa im ỉm. Gọi cửa không thấy ai, mấy con chó dữ xông ra sủa ỉnh ỏi.
Ngó qua cổng, thấy ngôi nhà mới xây, chưa sơn nằm giữa mảnh vườn rộng rãi, toàn các loại cây ăn quả. Thấy tôi tần ngần trước cổng, một người dân tiến đến bảo rằng, nếu ông Lự không có ở nhà, thì chắc chắn đang ở đầm.
Lội ra đồng, thì quả thực gặp ông Lự đang đào đất, be bờ. Giời ạ, người đàn ông ăn khỏe nổi tiếng cả vùng Ba Vì lại nhỏ con thế này sao? Đặc biệt, cái bụng lại lép kẹp, chứ chẳng phình ra như cái thúng để có thể chứa được đồ ăn như tôi mường tượng ban đầu.
Tôi hỏi rằng, ông có phải là ông Phùng Văn Lự, mà người đời đồn rằng ăn khỏe như hùm, thì ông Lự gật đầu bảo đúng là thật.
Ông Lự ăn hết đống trứng vịt lộn, vẫn xới thêm vài tô cơm nữa
Thấy tôi có vẻ không tin người đàn ông thấp bé, nhỏ thó này ăn khỏe, ông Lự tiếp lời: "Nói cho cậu biết, tôi có ăn khỏe, thì mới làm khỏe được. Cái đầm này rộng 9 sào, vốn là ruộng trũng đã được tôi cải tạo thành.
Tôi đấu thầu của xã, rồi một mình tôi tự đào đất, đắp bờ thành cái đầm kiên cố này đấy. Tự tôi làm hết, không cần máy móc, không cần thuê mướn ai. Không ăn như thạch sanh thì sao làm được công việc đội đá vá giời ấy chứ! Nói cậu không tin, nhưng sức vóc tôi bây giờ vẫn bằng cỡ chục thanh niên làng Tăng Cấu".
Tôi bảo: "Nhưng ông già rồi, ở tuổi xưa nay hiếm rồi, sao phải vất vả như vậy?". Ông Lự bảo: "Anh em, con cháu cũng can, không cho tôi làm, nhưng nói thật với cậu là chơi tôi không chịu được. Thể lực tôi quá khỏe, nên không thể chịu cảnh ngồi một chỗ. Càng làm, càng ăn khỏe và thấy tinh thần, thể chất càng khỏe.
Hơn nữa, nói thật với cậu, bây giờ, mỗi ngày tôi vẫn xơi ít thì 20 bát cơm, nhiều thì 30 bát đầy, nên nếu không lao động, làm việc, thì chả mấy mà bồ thóc trong nhà sạch bay".
Ông Phùng Văn Lự ghé tai tôi kể rằng, mới lúc sáng, tự dưng thấy thèm phở, trời còn tờ mờ sáng, ông dậy xách xe đạp ra khỏi nhà. Bà vợ đang nấu cơm dưới bếp chạy ra hỏi ông đi đâu, mà không ăn cơm. Ông Lự bảo vợ rằng, hôm nay ông quyết thử nhịn một bữa, xem cái bụng nghiền thức ăn như cỗ máy của ông ra sao.
Nói với vợ vậy, nhưng ông đã giắt theo 100 ngàn đồng và đạp xe tưng tưng trên con đường khấp khểnh qua cánh đồng ra tận phố huyện. Đã định trong đầu trước, nên ông đến quán phở nhà cô Lân.
Mặc kệ hết lượt khách này đến lượt khách khác ra vào, ông Lự cứ xì xoạp vừa thổi vừa húp. Khi thấy chồng bát trước mặt đã là 4 cái thì ông phải dừng cơn thèm.
Buổi sáng tập võ
Dù ăn hết cả nước lẫn cái, không để lại thứ gì, nhưng bụng dạ vẫn chơi vơi, chưa thấy chắc, nhưng nghĩ đã hết 100 ngàn đồng, nên ông Lự gọi thanh toán.
Thừa biết ông Lự ăn khỏe nổi tiếng trong vùng, nên cô Lân chẳng ngạc nhiên gì. Vì yêu mến ông Lự, nghĩ ông vào quán ăn khỏe, quán sẽ gặp may mắn, nên chỉ lấy tiền 3 bát, còn khuyến mại một bát. Như vậy, mới hết 60 ngàn đồng, còn thừa những 40 ngàn đồng nữa.
Tiền còn thừa, bụng chưa đã, nên ông Lự gọi tiếp 2 bát phở nữa. Cô chủ quán vui vẻ làm liền 2 bát, lại khuyến mại thêm cút rượu nút lá chuối. Chén xong 2 bát phở, nhấm nháp hết cút rượu, bụng dạ cũng tàm tạm, ông Lự thấy tinh thần phấn chấn hẳn. Bụng no, ông Lự cuốc đất quần quật ngoài đầm.
Theo ông Lự, vì ông ăn khỏe quá như vậy, nên chẳng ai đủ sức nuôi nổi ông. Vả lại, mặc dù con cái đều khá giả, nhưng ông cũng không muốn nhờ vả ai.
Ông bảo: "Một mình tôi sở hữu đầm nuôi cá rộng 9 sào, 1 cái ao rộng hơn sào gần nhà, rồi mảnh vườn 6 sào trồng đủ các loại cây ăn quả, mùa nào thức nấy chỉ để phục vụ cho sở thích ăn uống của tôi. Nói anh không tin, chứ mấy cây nhãn, bưởi, vải, cam, có bao nhiêu quả, ngoài việc chia cho con cháu, thì tôi đánh chén hết, không bán đi quả nào".
Không chỉ đào đầm thả cá, cày ruộng gieo lúa, ông Phùng Văn Lự còn nuôi 100 con gà, 2 lợn nái, mấy con chó và vài con bò nữa. Hồi năm kia, ông còn nuôi 200 con vịt ở đầm loại vịt siêu trứng để phục vụ sở thích ăn trứng của ông.
Buổi tối ông Lự đi quyền
Mỗi sáng, ông vào chuồng vịt, nhặt được một rổ trứng, ấy thế nhưng, ông cứ nhẩn nha đánh chén mà hết sạch. Ở đầm có cái lều, ông chẳng thèm về nhà, mà ăn ngủ luôn tại lều. Vợ ông cũng không cần mang cơm ra, bởi đã có trứng cho ông ăn.
Mỗi bữa, đủ cả sáng, trưa, tối, ông Lự luộc cả một nồi trứng vịt. Chỉ cần đĩa muối trắng, ông cứ bóc một quả trứng, chấm mấy hạt muối, là vừa một miếng ăn. Cứ mỗi miếng là bay một quả trứng. Luộc trứng ăn ngày 3 bữa rồi cũng chán, thì ông lại xào, nấu canh, sốt cà chua.
Mới cách đây 2 năm, ông còn thử sức xem mình còn ăn giỏi cỡ nào và ông thấy "tinh thần ăn uống" vẫn chưa xuống bao nhiêu so với thời trẻ. Buổi sáng, ông ăn được 30 quả trứng vịt, thế nhưng, buổi trưa ông vẫn đánh bay 20 bát cơm đầy.
Theo lời ông Lự, ông đã thích ăn cái gì, là phải ăn cho bằng no và ăn đến chán thì thôi. Khi đã chán món nào, thì ông lại chuyển khẩu vị sang món khác. Món trứng vịt ăn mãi rồi cũng chán, thì ông bắt bọn vịt thịt ăn dần. Đã ăn vịt, thì ông chỉ chuyên tâm vào món vịt. Thôi thì đủ món vịt nướng, vịt xào xả ớt, vịt luộc, vịt tiềm, vịt giả cầy... Thế rồi, chả mấy mà đàn vịt sạch bóng ngoài đầm.
Giờ thì chẳng còn con vịt nào, mà thay vào đó là 100 con gà, vừa cho thịt vừa đẻ trứng, chỉ để phục vụ vợ chồng ông, mà chủ yếu là ông ăn.
Còn tiếp...
Theo VTC
Người đàn ông chữa bách bệnh bằng khí công kết hợp đông y gia truyền Ông chẳng phải bác sĩ, cũng chẳng phải lương y, nhưng hàng chục năm qua, bằng ngón nghề đông y của gia đình truyền lại, cùng với sự học hỏi từ nhiều người thầy khác nhau, ông đã cho ra đời những bài thuốc và phương pháp chữa trị hàng loạt bệnh mạn tính hiệu quả đến...bất ngờ. Dù không phải lương y...