Điện hạt nhân Trung Quốc sát biên giới Việt Nam đi vào hoạt động
Xung quanh việc 7 tổ máy của 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nằm sát biên giới Việt Nam đi vào hoạt động nhiều ý kiến chuyên gia cảnh báo tác động đến môi trường, hệ thống quan trắc môi trường cần nhanh chóng được thiết lập.
Toàn cảnh nhà máy điện Trường Giang với tổ máy số 1,2 đang hoạt động.
Lo ngại từ phía các nhà khoa học
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 6/10 vừa qua, Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, hiện tại có 7 tổ máy của 3 nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc nằm sát biên giới Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, gồm có: nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành đã vận hành tổ máy số 1, số 2, công suất 1.000MW (Quảng Tây); nhà máy điện hạt nhân Trường Giang đã vận hành 3 tổ máy, công suất 600MW (Quảng Đông); nhà máy điện hạt nhân Xương Giang đã vận hành tổ máy số 1, số 2, công suất 650 MW (đảo Hải Nam).
Trong tương lai không xa, mỗi nhà nhà máy này sẽ có tới 6 tổ máy hoạt động và nhà máy gần biên giới Việt Nam nhất là nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, cách TP Móng Cái, Quảng Ninh khoảng 50 km. Cho dù điện hạt nhân thế hệ mới được đánh giá khá an toàn, nhưng nhiều nhà khoa học trong nước vẫn lên tiếng bày tỏ sự lo ngại trước việc Trung Quốc xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam.
Nhận định về tác động của các sự cố hạt nhân, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ cho biết, nếu sự cố phóng xạ xảy ra sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, xuyên biên giới, khoảng cách 50 cây số không nghĩa lý gì. Năm 1986, sự cố Chernobyl trên lãnh thổ Ukraine đã hình thành những đám mây phóng xạ phát tán hàng nghìn km. Gần đây nhất, năm 2011 khi sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra ở Nhật, ngay lập tức, hai trạm quan trắc là Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và Viện KHKT Hạt nhân đo được phóng xạ trong không khí ở Việt Nam.
Khi nói về tác hại của nước thải và nước làm mát của nhà máy điện hạt nhân, theo TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) cho biết, nước thải và nước làm mát từ các nhà máy điện hạt nhân có thể chứa các chất phóng xạ, khi bị rò rỉ ra biển sẽ có những tác động xấu đối với môi trường biển, việc khắc phục là vô cùng khó khăn. Do vậy, việc Trung Quốc cho xây dựng và đưa vào vận hành một loạt nhà điện hạt nhân nằm sát biên giới đất liền và trên biển cần phải có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Việt Nam với Trung Quốc về những rủi ro, xem xét các tác động có thể có của các nhà máy và cùng nhau xây dựng hệ thống cảnh báo theo quy định của công ước quốc tế.
Tổ máy số 3,4 của nhà máy điện hạt nhân Trường Giang đang được xây dựng.
Theo quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp. Trong đó, khoảng cách từ các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đến hầu hết các tỉnh, thành phố miền Bắc Việt Nam nằm trong khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD). Đáng quan ngại, một số huyện biên giới của tỉnh Quảng Ninh nằm trong khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD).
Từng trao đổi với báo chí về vấn đề an toàn điện hạt nhân, PGS.TS Lưu Đức Hải, Trưởng khoa môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội cho rằng, cần có sự giám sát quốc tế trong suốt quá trình xây dựng và vận hành của nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc.
Thủ đô Hà Nội và toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ nằm trong vùng có nguy cơ ô nhiễm phóng xạ, việc rò rỉ phóng xạ từ nước làm mát và nước thải có khả năng xảy ra là rất cao, do đó cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án hạn chế tối đa các thiệt hại, nếu xảy ra sự cố. Cũng theo ông Hải, theo công ước quốc tế, Việt Nam có quyền yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp thông tin về các nhà máy điện hạt nhân gần biên giới, đồng thời có thỏa thuận về an toàn bức xạ với Trung Quốc.
Nhanh chóng thiết lập hệ thống quan trắc môi trường
Video đang HOT
Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH&CN) cho biết, sắp tới, sẽ có đoàn Việt Nam sang làm việc và có thể ký một thỏa thuận về an toàn bức xạ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường tại các khu vực cần thiết.
Hiện tại, Việt Nam đã có 2 trạm quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường. Thời gian tới sẽ tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp xảy ra sự cố điện hạt nhân từ Trung Quốc như: Quảng Ninh (Móng Cái và Bãi Cháy), Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội.
Một góc nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành – Trung Quốc.
Được biết, Việt Nam đã tham gia Công ước về thông báo sớm sự cố hạt nhân từ năm 1987. Theo đó, bất kỳ một sự cố hạt nhân nào sẽ được mạng lưới quan trắc quốc tế cung cấp sớm thông tin cho Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc đều tham gia Công ước về an toàn hạt nhân, Việt Nam có thể chất vấn các vấn đề hạt nhân của Trung Quốc. Hàng năm, các quốc gia thành viên của công ước này phải nộp báo cáo về các biện pháp đã thực hiện để đảm bảo các nghĩa vụ quy định của công ước.
Tuy nhiên, trước thực tế một số nhà máy điện hạt nhân sát sườn đặt tại Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia đang và sẽ đi vào hoạt động, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.
Thông tin từ ông Vương Hữu Tấn – Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân cho biết, hiện Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đầu tư hệ thống quan trắc phóng xạ online tại Móng Cái, Lào Cai, Hải Phòng. Các thiết bị này một phần do các nhà khoa học trong nước tự nghiên cứu, chế tạo, một phần nhập từ nước ngoài. Mặc dù mạng lưới quan trắc tổng thể chưa được thực hiện nhưng thời gian qua, Viện Năng lượng nguyên tử đã từng bước xây dựng hệ thống cảnh báo phóng xạ, trong đó có 2 trạm quốc gia đặt tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện khoa học kĩ thuật hạt nhân.
Gần đây, công ty Fuji (Nhật Bản) cũng hỗ trợ 3 thiết bị đo cảnh báo phóng xạ online, dự kiến sẽ lắp đặt ở Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Nội. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có 1 trạm quốc gia của Viện khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng), có thể quan trắc ở ngoài biển, ghi nhận số liệu từ nhà máy Sương Giang ở đảo Hải Nam.
Trong khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam còn đang nằm trên giấy tờ thì việc đưa vào sử dụng một loạt nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này lo ngại. Sau khi có Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ mục đích hòa bình, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường nhằm đảm bảo yếu tố an toàn.
Do vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với cơ quan chức năng là một mạng lưới quan trắc, cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia để giúp phát hiện và theo dõi kịp thời sự phát tán của phóng xạ, hơn nữa sẽ giúp tìm ra con đường lan truyền phóng xạ và những sự cố bất thường xảy ra trong loạt nhà máy điện hạt nhân để sớm có giải pháp đối phó và giảm nhẹ thiệt hại.
(Theo Pháp Luật)
Việt Nam xem xét mua điện của Lào: Nỗi buồn Mekong
Về mặt kinh tế mua điện của Lào sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cần xem xét thêm khi nước này xây nhiều nhà máy thủy điện trên sông Mê Công.
Chủ trương đúng
Liên quan đến ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đa dạng hóa nguồn cung cấp điện cả trong nước và nhập khẩu, liên kết lưới điện với các nước láng giềng, trong đó chú trọng đến hợp tác mua bán điện với Lào nhằm bù đắp những thiếu hụt về điện khi phải giảm phát triển một số nguồn điện không đảm bảo an toàn và môi trường, trao đổi với PV, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng đây là một chủ trương đúng nằm trong kế hoạch từ trước của Việt Nam.
Về mặt kinh tế mua điện của Lào sẽ có nhiều thuận lợi nhưng cần xem xét thêm khi nước này xây nhiều nhà máy thủy điện trên sông Mê Công. Ảnh minh họa
Theo vị chuyên gia, năm 2015, Thủ tướng có quy hoạch điện 7 bổ sung, tức là quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, trong đó đánh giá lại nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tới để cơ cấu lại các nguồn điện.
"Trong cơ cấu nguồn điện của tổng sơ đồ 7, điện than trước kia chiếm tới 56% thì nay có giảm bớt khoảng 20.000 MW.
Bên cạnh đó cũng đặt ra 2 vấn đề. Một là giảm bớt nhiệt điện than, hai là tăng điện từ năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, mặt trời... Đó là hướng đi tương đối đúng đắn.
Đến bây giờ phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị xem lại sơ đồ điện 7. Như tôi được biết, trong tổng sơ đồ mới đã lùi điện hạt nhân từ năm 2020 xuống năm 2028 có tổ máy đầu tiên. Đến thời điểm này lại lùi nữa, tức là, từ nay đến năm 2030 sẽ không có nhà máy điện hạt nhân.
Vì vậy Phó thủ tướng yêu cầu phải cân đối lại nữa. Nếu không có điện hạt nhân thì chúng ta giải quyết bằng cách bổ sung nhiệt điện than. Thứ hai là đẩy nhanh hơn năng lượng tái tạo. Hướng thứ 3 là nếu thiếu thì có thể nhập của nước ngoài.
Hiện nay thì phần lớn đang nhập của Trung Quốc. Trong tương lai thì Lào lại xây dựng nhiều nhà máy thủy điện thì khả năng Việt Nam lại mua điện của Lào", vị chuyên gia nói.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay thì việc Việt Nam mua điện của Lào là hoàn toàn bình thường và có nhiều thuận lợi hơn so với sản xuất trong nước.
"Nếu Lào có sản lượng để bán thì việc mua bán quốc tế qua biên giới với vấn đề điện cũng bình thường rồi, chứ không có gì phức tạp.
Thứ hai là giá mua của Lào cũng không đắt, chúng ta có thể chấp nhận được vì sản xuất điện bằng cách xây dựng thủy điện sẽ bớt đi các chi phí so với nhà máy nhiệt điện than.
Tiếp theo là dùng nhiệt điện than hiện nay thì ô nhiễm môi trường lại là vấn đề lớn, nguồn than trong nước chưa đảm bảo, chúng ta phải nhập từ nước ngoài với giá cao. Cho nên nếu thay thế được nhiệt điện than bằng các nguồn thủy điện là điều rất tốt", ông Lâm nhấn mạnh.
Dù thừa nhận có nhiều điểm thuận lợi trong việc mua bán điện với Lào tuy nhiên vị chuyên gia cũng lưu ý, chúng ta phải cải thiện hệ thống truyền tải điện cũng như cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc vận tải an toàn.
"Vấn đề quan trọng là điều kiện kỹ thuật có đảm bảo hay không? Vấn đề cơ sở hạ tầng, nâng hệ thống truyền tải điện từ Lào sang Việt Nam và từ Việt Nam sang Lào để đảm bảo việc vận tải cho an toàn và đủ được số lượng. Nếu số lượng lớn thì phải đầu tư những trạm lớn, đó là cái chính thôi", ông Lâm nhấn mạnh.
Người dân các tỉnh biên giới được lợi
Theo tính toán của vị chuyên gia, trong giai đoạn 2015-2016, mỗi năm Việt Nam cần tới 156 tỷ KWh điện. Trong khi đó, sản lượng điện nhập từ nước ngoài về chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, khoảng trên dưới 5%.
"Trước đây Việt Nam chủ yếu nhập điện từ Trung Quốc, khoảng 4 -5 tỷ KWh điện để phục vụ nhu cầu điện của người dân các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc như: Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu... Kế hoạch nhập điện từ Lào thì cũng rất ít, nó bù đắp cho vùng biên giới thiếu điện thôi.
Hiện nay, phần lớn việc cấp điện vùng biên giới thì chúng ta chuyển từ các nhà máy lên dẫn đến tổn thất lớn cho nên điện trên đó rất đắt. Còn chuyển điện từ Lào sang thì thuận tiện hơn, gần ngay đó. Nếu chúng ta chuyển về dưới xuôi, về thủ đô Hà Nội bao nhiêu cây số thì lại thành đắt", ông Lâm nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, vị chuyên gia khẳng định, việc Việt Nam lên kế hoạch mua điện từ Lào sẽ không tác động gì nhiều đến giá cả bán điện trong nước hay như cạnh tranh, phá thế độc quyền đối với điện nhập từ Trung Quốc.
"Vì vậy, hiện nay, đặt vấn đề nhập của Trung Quốc, nhập của Lào hay Campuchia chỉ giải quyết cho vùng biên giới là chính chứ không phải để thay thế cho điện trong nước", ông Lâm đánh giá.
Hiệu quả kinh tế nhưng...
So sánh việc mua điện của Lào với kế hoạch sản xuất trong nước, chuyên gia Ngô Đức Lâm cho rằng Việt Nam sẽ có thuận lợi về mặt kinh tế hơn. Tuy nhiên điều ông băn khoăn nhất hiện nay là Lào đang tiến hành xây dựng nhiều nhà máy thủy điện trên sông Mekong và Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối, bày tỏ lo ngại.
"Trung Quốc, Thái Lan , rồi Lào đều xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Mekong. Chúng ta ở cuối nguồn thì thiệt thòi nhất. Trong các hội nghị quốc tế thì Việt Nam phản ứng mạnh mẽ nhất.
Nếu xây dựng hệ thống thủy điện kia, tức là phải chặn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ khiến sinh thái, nước thay đổi thậm chí cuộc sống của người dân cũng thay đổi. Thứ hai là lúc các nhà máy thủy điện xả ra thì cả vùng sẽ bị ngập lụt.
Hiện nay chưa có Luật quốc tế, chưa có người đứng ra giải quyết mà mọi thứ chỉ thương lượng thôi.
Chúng ta không muốn Lào xây dựng thủy điện. Bây giờ họ xây dựng, bán điện thì Việt Nam lại mua. Về tâm lý thì không muốn như vậy, còn đứng về mặt kinh tế thì nói chung là thuận lợi chứ không phải khó khăn gì", ông Lâm chia sẻ.
Cùng với đó, vị chuyên gia đánh giá theo kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam sẽ có một thị trường điện hoàn hảo mang tính cạnh tranh. Điều này sẽ giúp chúng ta lựa chọn và cân nhắc mua những nguồn điện với giá rẻ hơn, có lợi cho người dân so với thời điểm hiện tại.
"Giá điện của chúng ta nhập hiện nay thì cũng chỉ có 1 chiều thôi, tức là tính chất cạnh tranh trong vấn đề giá là không có.
Đến bây giờ chỉ có 1 công ty mua điện của EVN đặt giá và không có ai là người quyết định được hay không? Trước đây tôi cũng lên tiếng phản đối chuyện có 1 anh bán và 1 anh mua. Vì nó rất khó kiểm soát. Tới năm 2030 khi chúng ta xây dựng được môi trường điện thì sẽ cạnh tranh nhau công bằng hơn. Nếu của Trung Quốc mà đắt thì chúng ta sẽ mua điện của Lào hết. Hoặc ở trong nước nhiều công ty sản xuất rẻ hơn thì nhà nước sẽ lựa chọn chứ cũng không cần mua điện của Lào hay Trung Quốc nữa", ông Lâm nêu quan điểm.
Theo_Báo Đất Việt
Điện hạt nhân tầm quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng Trong xu thế cả thế giới đối phó với nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng truyền thống, hiện nay điện hạt nhân là sự lựa chọn thích hợp, góp phần tích cực thay thế các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đặc biệt, yếu tố quan trọng khác đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sử...