Điện Biên: Tiếp tục lùi thời gian đóng cửa bãi rác Noong Bua
Hiện nay, bãi rác Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ đang rơi vào tình trạng quá tải, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Điện Biên cho phép lùi thời gian đóng cửa bãi rác Noong Bua đến năm 2018, trong lúc Nhà máy xử lý rác thải tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên thi công.
Nhưng do Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên bị chậm tiến độ nên bãi rác Noong Bua vẫn phải tiếp nhận rác thải từ thành phố và bãi rác này chưa thể đóng cửa trong nay mai.
Theo phản ánh của người dân, gần 20 năm qua, toàn bộ rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, hữu cơ và vô cơ đều của thành phố Điện Biên Phủ được tập kết tại bãi rác này, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân. Hiện nay, bãi rác này đã bị quá tải, UBND TP. Điện Biên Phủ và Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Điện Biên đã đề ra một số giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi rác thải Noong Bua bằng cách đóng cửa bãi rác Noong Bua và xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Pom Lót, huyện Điện Biên.
Bãi rác Noong Bua TP. Điện Biên Phủ hiện đang quá tải
Dự án Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên được đầu tư, xây dựng với tổng số vốn gần 70 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 10,5ha đất tại địa phận xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Dự án này do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên làm chủ đầu tư. Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017 – 2018) với tổng vốn đầu tư gần 38 tỷ đồng; giai đoạn 2 (2020 – 2025) với tổng vốn đầu tư trên 31 tỷ đồng.
Dự án gồm các hạng mục: Xây dựng khu xử lý và tiêu hủy rác thải sinh hoạt, công nghiệp; xây dựng khu xử lý và tái sử dụng; chế biến bùn bể phốt, bùn thải; khu chôn lấp chất thải; hệ thống xử lí nước rỉ rác; nhà phân loại và lắp đặt lò đốt rác sinh hoạt, rác công nghiệp; xây dựng bể lắng chứa bùn; xây dựng nhà bảo vệ kết hợp điều hành; đường giao thông nội bộ; hệ thống thu gom và thoát nước mưa; hệ thống trạm điện và đường dây truyền tải điện; hệ thống trạm xử lý, cấp nước sinh hoạt và một số hạng mục phụ trợ khác.
Đây được coi là một trong những Nhà máy xử lý rác thải hiện đại. Công suất thiết kế làm 3 khu xử lý riêng cho từng loại rác thải. Đặc biệt là khu tiêu hủy rác thải sinh hoạt, công suất 120 tấn/ngày đêm, khu xử lý rác thải công nghiệp, công suất 20 tấn/ngày đêm và khu xử lý, tái sử dụng, chế biến bùn bể phốt, bùn thải, công suất 15m3/ngày đêm; áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, công nghệ nhiệt lưu đa điểm đốt, cháy khuếch tán kết hợp cưỡng bức khí tự nhiên và phản ứng nhiệt lưu, không cần sử dụng nhiên liệu (xăng, dầu, điện) hay chất phụ gia để bổ sung quá trình cháy.
Sau khi Nhà máy này đi vào vận hành và bắt đầu tiếp nhận rác, xử lý rác tại bãi Púng Min, xã Pom Lót, huyện Điện Biên. Đồng thời dừng tiếp nhận rác bãi rác Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ thì bãi rác Noong Bua sẽ thôi không tiếp nhận rác thải của cả khu vực lòng chảo Điện Biên. Tuy nhiên đến nay, Công ty CP Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên mới hoàn tất xong các thu tục đầu tư. Đơn vị này dự kiến khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 11/2018 và đến tháng 6/2019 sẽ hoàn thành giai đoạn I.
Nước rỉ rác từ bãi rác Noong Bua đen ngòm, hôi thối
Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Cty CP Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên, cho biết: Giai đoạn I sau khi giải phóng xong mặt bằng chúng tôi sẽ xây dựng ô chôn lấp số 1 với dung tích 116.319m3 và hệ thống xử lý nước rỉ rác; nhà phân loại rác; lắp đặt 1 lò đốt rác thải sinh hoạt với công suất 60 tấn/ ngày; 1 lò đốt rác thải công nghiệp công suất 10 – 12 tấn/ ngày; xây dựng bể xử lý bùn bể phốt; bùn thải và khu nhà ủ, chế biến phân vi sinh; nhà điều hành; nhà bảo vệ; trạm cân và nhà ở cho cán bộ nhân viên; hệ thống xử lý nước cấp; hệ thống thoát nước; hệ thống giao thông nội bộ; hệ thống đường điện nội bộ và lắp đặt trang thiết bị, máy móc theo dây chuyền công nghệ. Có thể nói, sau khi chúng tôi đầu tư xong giai đoạn I Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên có thể xử lý được toàn bộ rác thải của thành phố và đóng cửa được bãi rác Noong Bua.
Ngày 17/9/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Điện Biên, báo cáo UBND tỉnh Điện Biên tiến độ triển khai thực hiện Dự án Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên; Báo cáo số 210/BC-STNMT. Tại báo cáo này Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Điện Biên nêu rõ lý do và nguyên nhân chậm tiến độ triển khai Dự án Nhà máy xử lý rác thải Điện Biên. Đồng thời kiến nghị điều chỉnh thời gian tiếp nhận rác thải tại bãi rác Noong Bua, xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ từ ngày 01/1/2018 đến 30/6/2019.
Trần Hương
Theo baotainguyenmoitruong
Video đang HOT
Ngắm sự đổi thay của Chiến trường Điện Biên Phủ từ trên cao
Sau 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2018), chiến trường Điện Biên Phủ hoang tàn, khốc liệt ngày nào giờ đã thay da, đổi thịt.
Di tích Mường Pồn, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. Nơi đây trong các ngày từ 10 - 13/12/1953 đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt buộc Pháp chia làm 2 toán xuyên rừng tìm về Điện Biên và chạy sang Lào.
Do nằm trên tuyến đường Quốc lộ 12, nên xã Mường Pồn có nhiều điều kiện thuận tiện trong việc thông thương, giao lưu buôn bán. Hiện các thôn, bản đều đã có đường liên thôn, liên bản thông suốt, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.
Trung tâm đề kháng Him Lam nằm ở phía Đông Bắc lòng chảo Mường Thanh, thuộc phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và được mệnh danh là "Cánh cửa sắt" của tập đoàn cứ điểm.
Him Lam hiện là cửa ngõ thông thương của thành phố Điện Biên Phủ với các tỉnh miền xuôi. Bằng sự kiên cường và khát vọng dựng xây, Him Lam đã vượt qua mọi gian khó, đổi thay hoàn toàn với diện mạo mới yên bình, no ấm và văn minh.
Di tích đồi Độc Lập thuộc phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày nay vẫn được tu bổ, tôn tạo, gìn giữ các hạng mục di tích chính.
Nghĩa trang Liệt sỹ Độc Lập nằm gần khu Di tích đồi Độc Lập với hơn 2400 mộ, tổng diện tích 3,3ha. Vào những dịp lễ, tết và đặc biệt là ngày thương binh liệt sỹ 27/7, tại đây luôn có hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử iện Biên Phủ là công trình trọng điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ.
Bảo tàng được thiết kế hình nón cụt, bên trong chứa nhiều mô hình, khối tượng sinh động và gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh... khái quát sắc nét cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
Di tích đồi A1 từng được lính Pháp gọi là "cối xay thịt" khi bộ đội ta hy sinh rất nhiều ở đây. Đây cũng là điểm di tích thường xuyên có số lượng du khách đến tham quan đông trong các dịp kỷ niệm.
Xung quanh cứ điểm A1 hoang tàn trong lửa đạn ngày nào, giờ là phố thị đông đúc với những nhà cửa san sát mọc lên.
Dấu tích của chiến trường khốc liệt giờ được thay thế bằng diện mạo của một đô thị trẻ.
Nghĩa trang Liệt sỹ A1 có 644 ngôi mộ, là một địa điểm không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào khi đến Điện Biên. Nơi đây như một nhân chứng lịch sử nhắc nhở thế hệ trẻ luôn noi gương và ghi nhớ công ơn các Anh hùng liệt sỹ.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D của trung tâm thành phố Điện Biên Phủ để mãi mãi vinh danh chiến thắng vĩ đại "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.
Di tích phân khu Hồng Cúm thuộc phân khu Nam của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Vết thương hằn trong chiến tranh giờ đã được xóa đi bằng diện mạo mới của bản làng...
...và cánh đồng Mường Thanh trù phú.
Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên vẫn giữ được vẻ nguyên sơ của mình.
Tuy nhiên các bản làng lân cận đã khoác lên mình diện mạo của nông thôn mới khang trang, trù phú.
Sau 64 năm chiến thắng, Chiến trường Điện Biên Phủ khốc liệt ngày nào giờ đây đã hóa mình thành đô thị trẻ năng động, vươn mình lên khang trang trên miền đất cực Tây Tổ quốc.
Thành phố Điện Biên Phủ lung linh về đêm.
Theo Vu Lơi
VOV
Động đất 3,9 độ richter tại Điện Biên Vào lúc 3 giờ 14 phút ngày 8/1 (theo giờ Hà Nội), địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra trận động đất với cường độ 3,9 độ richter. Đây là trận động đất xảy ra đầu tiên trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong năm 2018. Trước đó, trong năm 2017, địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 trận động đất tại...