Diễn biến mới vụ ông chủ tra tấn công nhân như thời trung cổ
Sau khi ông Trần Tấn Phong (51 tuổi, ngụ ấp Cà Tong, xã Thanh An, Dầu Tiếng, Bình Dương) bị cơ quan chức năng bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi giữ người trái pháp luật, người dân địa phương đã có cuộc họp chất vấn chính quyền xã về trách nhiệm của chính quyền khi để xảy ra tình trạng trên.
Nhiều người dân đã làm đơn tố cáo ông Phong đánh đập công nhân, hành hạ công nhân, chém người gây thương tích.
Người dân bức xúc trong cuộc họp
Ông Trần Tấn Phong, chủ xưởng gỗ Tấn Phong (xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng) đã đối xử với công nhân trong xưởng rất hà khắc. Chế độ ăn uống kham khổ, làm việc nặng nhọc, bị nhốt trong những khung sắt hàn kín…
Những hành vi của ông Phong được người dân báo lên chính quyền xã nhiều lần nhưng không thấy xử lý. Chỉ đến khi có một công nhân tử vong trong quá trình chạy trốn thì sự việc mới được cơ quan chức năng lưu tâm. Trước khi ông Phong bị bắt vài ngày tại xã Thanh An bất ngờ xuất hiện rất nhiều tờ rơi với nội dung duy nhất là bênh vực ông Phong, lên án một số báo đã đưa tin sai lệch, người dân cung cấp thông tin sai vì tư thù cá nhân.
Đặc biệt, trong tờ rơi này có những lời lẽ miệt thị những người dân đã tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của chủ xưởng gỗ Tấn Phong khiến dư luận địa phương rất bức xúc. Người dân yêu cầu một cuộc họp do ban lãnh đạo xã chủ trì trả lời những thắc mắc của người dân.
Người dân xã Thanh An vẫn bức xúc khi tan họp
Chiều 6/7, hơn một trăm người dân đã có mặt tại nhà văn hóa ấp Cà Tong trong tâm trạng bức xúc. Đại diện UBND xã Thanh An là Trưởng công an xã Trần Đại Lượng. Những câu hỏi của người dân xoay quanh câu chuyện ông Phong đánh đập công nhân, nhốt công nhân. Những công nhân bỏ trốn khỏi xưởng gỗ bị gia đình ông Phong cầm gậy gộc mã tấu… truy lùng gây mất trật tự tại địa phương.
Sự việc xảy ra trong thời gian dài, người dân nhiều lần tố cáo nhưng tại sao không thấy chính quyền xã có biện pháp ngăn chặn. Trả lời những thắc mắc của người dân ông Trần Đại Lượng không đi thẳng vào vấn đề mà vòng vo, ông cho rằng mình không hề hay biết sự việc lại nghiêm trọng như người dân đã nhiều lần trình báo. Khi nhận được một số thông tin của người dân chính quyền xã đã xử lý thích đáng.
Video đang HOT
Tiếp xúc với PV, một người dân trong cuộc họp bức xúc cho biết: “Trước ngày ông Phong bị cơ quan điều tra bắt giữ tại xã Thanh Phong xuất hiện một tờ rơi có nội dung hoàn toàn sai sự thật. Tờ rơi này lên tiếng bênh vực kẻ ngược đãi công nhân, nhiều lần đe dọa người dân, lời lẽ trong tờ rơi có ý chửi người dân chúng tôi là nói điều ngang ngược, ngậm máu phun người vu khống người tốt. Điều đáng nói là trong cuộc họp hội đồng nhân dân xã một vị lãnh đạo của xã Thanh An đã phát tờ rơi này cho 25 đại biểu có mặt trong hội trường đọc. Không rõ họ hành động như vậy là có ý gì, chẳng lẽ họ muốn bênh vực cho ông Phong. Bây giờ ông Phong bị bắt rồi, trước sau gì mọi chuyện cũng sẽ sáng tỏ”.
Trao đổi với PV, một vị đại biểu dự cuộc họp HĐND xã xác nhận trước đó, lúc họp có nhận được tờ rơi do một vị lãnh đạo của xã phát để “tham khảo”. Cuộc họp dân chiều ngày 6/8 diễn ra căng thẳng, trước nhiều câu hỏi bức xúc của người dân xã Thanh An. Tuy nhiên nhiều câu trả lời của đại diện chính quyền xã khiến người người có mặt trong cuộc họp dân không hài lòng. Những người dự họp cho rằng, đại diện chính quyền xã đang né tránh trách nhiệm khi để sự việc chủ xưởng gỗ Thanh Phong ngược đã công nhân trong một thời gian dài.
Một góc xưởng gỗ Tấn Phong
Chủ xưởng gỗ quản lý công nhân theo kiểu… “ông trùm”
Chính vì không chịu nổi cách quản lý lao động như “thời trung cổ” của ông Phong rất nhiều công nhân đã bỏ trốn khỏi “địa ngục”. Theo chị N.T.T. (34 tuổi, ở gần xưởng gỗ Thanh Phong), những đêm nghe tiếng chân người chạy hấp tấp, tiếng chó sủa kèm theo tiếng la hét thì biết có người liều mình trốn khỏi xưởng bị ông Phong dẫn người truy tìm. Ngoài những khu đất trống, ông Phong còn vào hay làm phiền người dân xung quanh. Chị T. cho biết: “Nhiều lúc mình đi ra xem thì thấy ông Phong cùng rất nhiều người tay cầm mã tấu, gậy gộc, mấy con chó săn lục sục tìm kiếm. Bản thân tôi tuy cũng sợ ông ta nhưng càng tội nghiệp những công nhân bỏ trốn hơn. Tôi từng giúp vài công nhân bỏ trốn nên bị ông Phong gọi điện đe dọa”.
Chị T. cho biết thêm nếu công nhân nào trốn thoát được thì không sao, người nào bị ông Phong bắt được thì sẽ bị đánh đập, hành hung rất dã man. Sau một lần cứu được một công nhân thoát khỏi xưởng gỗ, chị phát hiện không biết ai đã đặt bàn chông khu vực trước nhà của chị khiến chị rất lo lắng một thời gian dài. Theo một người từng làm việc trong xưởng gỗ Thanh Phong cho biết khi có người bỏ trốn ông Phong sẽ huy động người đi tìm. Trong đó có vài công nhân được trang bị gậy ra ngoài tìm kiếm, nếu không tìm thấy người bỏ trốn thì bản thân công nhân tìm kiếm sẽ bị trừ lương. Thêm vào đó, khi làm hỏng đồ dùng trong xưởng người lao động bị chủ bắt đền, phạt nặng. Một tấm tôn giá vài trăm nghìn đồng (chưa hư hẳn) ông Phong bắt đền 4 triệu đồng rồi trừ vào lương, người làm hỏng không “yên tâm” làm việc trừ nợ sau đó đã bỏ trốn.
Ngoài việc đối xử “tàn độc” với người lao động trong xưởng gỗ của mình, tại địa phương ông Phong cũng nổi tiếng là người có “máu mặt”. Không những đe dọa những người giúp đỡ công nhân trốn thoát, ông Phong còn có lần đánh cả người dân “không liên quan”. Vài năm trước, khi ông Phong và người của mình cầm mã tấu xông vào một quán cà phê chém người. Mặc dù có hai người không liên quan tới vụ việc vẫn bị người của ông Phong chém nhầm. Anh T.V.Đ. (33 tuổi, ngụ ấp Cà Tong) cho biết: “Chính tôi là nạn nhân trong vụ việc đó, sau khi bị người của ông Phong chém vào đầu xã có mời hai bên lên giải hòa và bồi thường cho tôi 3 triệu đồng. Tuy nhiên bạn ngồi cùng bàn của tôi tên K. cũng bị đám người này đánh gẫy sống mũi, nhưng không được xin lỗi hay bồi thường”.
Việc cơ quan CSĐT công an huyện Dầu Tiếng đã bắt giữ ông Trần Thanh Phong để điều tra về hành vi giữ người trái pháp luật, nhiều người dân tại xã Thanh Phong tỏ ra vui mừng. Tuy nhiên, họ vẫn mong muốn cơ quan điều tra làm rõ nhiều vấn đề về phía chính quyền cơ sở. Chia sẻ với PV, một số người dân địa phương cho rằng phía chính quyền xã ít nhiều đã thiếu quyết liệt trong vụ việc này… khiến cho các công nhân trong xưởng phải chịu cực khổ, người dân địa phương hoang mang trong thời gian dài.
Theo Người đưa tin
Phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại xưởng gỗ "tù binh"
Vài ngày sau khi ông Phong bị bắt, Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra xưởng gỗ "tù binh" của ông này và phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.
Xưởng gỗ của ông Phong bị Đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt sai phạm
Chiều 8/7, Đoàn thanh tra liên ngành huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã có báo cáo kết quả thanh tra xưởng gỗ của ông Trần Tấn Phong (51 tuổi, chủ xưởng gỗ Tấn Phong, đóng tại ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng).
Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm về hợp đồng lao động, không thực hiện chế độ bảo hiểm, không đăng ký tạm trú tạm vắng cho công nhân, không có phương án đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, giờ giấc làm việc cũng như thang bảng lương không rõ ràng...
Từ những kết quả thanh tra được, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ xem xét, làm cơ sở xử lý trách nhiệm của UBND xã và Công an xã Thanh An và các ban ngành liên quan. Xưởng gỗ của ông Phong được xem như xưởng gỗ "tù binh", với hành vi "Giam giữ người trái phép" ông chủ xưởng gỗ này đã bị công an huyện Dầu Tiếng khởi tố bắt tạm giam 3 tháng vào chiều 4/7.
Ông Phong bị bắt vào chiều 4/7 vì hành vi "Giữ người trái phép"
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở gỗ của ông Phong có 10 bản hợp đồng lao động nhưng chưa được kiểm tra tính xác thực và chưa đăng ký với cơ quan quản lý lao động. Điều này chứng tỏ, ông chủ xưởng gỗ Tấn Phong đã ký hợp đồng "ảo" để sử dụng lao động "chui" rồi áp dụng chế độ làm việc, quản lý hết sức hà khắc. Tất cả hành động từ làm việc đến ăn nghỉ, đi vệ sinh của các công nhân đều phải chịu sự giám sát 24/24 của 8 chiếc camera. Không ít công nhân làm thuê cho ông Phong không chịu được cảnh này đã liều mình bỏ trốn khỏi xưởng gỗ mà xung quanh được bố trí như một "pháo đài".
Riêng trong 6 tháng của năm 2013, ông Phong thuê 6 lao động nhưng không được ký kết hợp đồng, trong số đó có anh Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng). Anh Rót cũng là nạn nhân trong việc móc nối với các "cò lao động" từ TP.HCM của ông Phong.
Chỉ khoảng 1 tuần làm việc, anh Rót cùng một công nhân khác không chịu được cảnh "tù binh" nên trưa 26/5, hai thanh niên này đã bỏ trốn bằng cách bơi qua hồ Cần Nôm (nằm giáp với xưởng gỗ), hậu quả anh Rót bị đuối sức chết chìm giữa hồ, người bạn cùng trốn may mắn thoát khỏi miệng "hà bá".
Hồ Cần Nôm nơi công nhân Rót chết đuối khi cố trốn khỏi xưởng gỗ "tù binh"
Nhằm dễ quản lý và bóc lột sức lao động, ông Phong thông qua các "cò lao động" chỉ tuyển người làm thuê chủ yếu là người Kh'mer, học vấn thấp. Ngay khi đến xưởng gỗ, ông Phong giữ hết giấy tờ, tư trang. Theo ông Nguyễn Công Danh, Chánh thanh tra Nhà nước huyện Dầu Tiếng, hiện Đoàn kiểm tra đang hoàn tất hồ sơ, chuyển cơ quan điều tra nhằm làm rõ sai phạm của xưởng gỗ này.
Nơi ở của các công nhân nhìn như "chuồng cọp"
Liên quan đến việc, nhiều tờ rơi có nội dung cho rằng ông Phong bị oan được rải nhiều nơi trên địa bàn xã Thanh An, gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua được xác định nguồn phát tán là từ chỗ công an xã Thanh An gây ra.
Về những vấn đề này, Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết, sẽ mở rộng điều tra để làm rõ động cơ, mục đích của người phát tán tờ rơi, gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Theo Dantri
'Cơ sở ngược đãi' bị phát hiện hàng loạt sai phạm Sau 4 ngày bị bắt giam với cáo buộc Giữ người trái pháp luật, ông Phong còn bị thanh tra toàn diện cơ sở gỗ được cho là "ngược đãi" công nhân với hàng loạt sai phạm. Cơ sở sản xuất đồ gỗ của ông Phong bị phát hiện hàng loạt sai phạm. Ảnh: Nguyệt Triều. Ngày 8/7, ông Nguyễn Công Danh -...