Diễn biến mới vụ máy bay Malaysia mất tích: Có người cố ý đổi hướng bay
Bằng chứng từ radar quân đội cho thấy chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines đã được lái băng qua bán đảo Malaysia hướng về quần đảo Andaman, nguồn tin có liên quan đến cuộc điều tra tiết lộ cho Reuters vào ngày 14.3.
Binh sĩ Không quân Malaysia đang dùng ống nhòm lùng tìm dấu hiệu của chiếc máy bay Boeing 777 mất tích từ máy bay không quân CN235 – Ảnh: Reuters
Hai nguồn tin của Reuters khẳng định, căn cứ theo ghi nhận từ radar quân đội, một chiếc máy bay không rõ danh tính mà các điều tra viên cho rằng chính là chiếc Boeing 777 mất tích đã bay theo một lộ trình nằm giữa các tọa độ điểm (waypoint) để hướng đến quần đảo Andaman (Ấn Độ).
Điều này cho thấy nó được điều khiển bởi một người có kinh nghiệm hàng không, theo nguồn tin của Reuters.
Tọa độ điểm (waypoint) là các địa điểm địa lý được xác định thông qua tính toán kinh độ và vĩ độ, giúp các phi công định vị đường bay theo đúng với các hành lang trên không đã được định sẵn, theo Reuters.
Một nguồn tin khác, cũng thân cận với cuộc điều tra, nói với Reuters rằng các chuyên gia đang gia tăng tập trung vào giả thuyết rằng có ai đó biết lái máy bay đã cố tình chuyển hướng bay đi lệch khỏi lộ trình ban đầu hàng trăm km.
“Những gì chúng tôi có thể nói chính là chúng tôi đang điều tra một vụ phá hoại, với khả năng không tặc khống chế máy bay”, nguồn tin của Reuters, vốn là một sĩ quan cảnh sát Malaysia giấu tên, cho hay.
Toàn bộ ba nguồn tin của Reuters đều yêu cầu không nêu danh tính vì họ không được phép tiết lộ với báo chí vì cuộc điều tra đang diễn ra.
Quan chức thuộc Bộ Giao thông Malaysia đã không trả lời điện thoại yêu cầu bình luận về thông tin trên của Reuters.
Video đang HOT
Theo TNO
Thiết bị thu phát trên MH370 quan trọng thế nào?
Nếu thiết bị này bị tắt, radar mặt đất sẽ bị "mù" về vị trí của máy bay.
Ngày 14/3, công cuộc "mò kim đáy bể" tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích của Malaysia đã chuyển sang một chiều hướng mới sau khi các quan chức Mỹ cung cấp "thông tin mới" cho rằng chiếc máy bay này đã tiếp tục bay thêm nhiều giờ đồng hồ sau khi biến mất trên màn hình radar.
Nhiều tờ báo của Mỹ dẫn lời các quan chức nước này cho biết hệ thống liên lạc của chiếc Boeing 777 vẫn tiếp tục gửi các tín hiệu "ping" tới một vệ tinh trong nhiều giờ đồng hồ sau khi nó biến mất trên màn hình radar.
Sở dĩ nhà chức trách phải lưu tâm tới tín hiệu "ping" rất mờ nhạt này của máy bay bởi 2 hệ thống liên lạc quan trọng trên chiếc MH370 đều đã bị tắt khiến các dữ liệu của máy bay không thể truyền về được đài kiểm soát không lưu, và chiếc máy bay "biến mất" trên màn hình radar dân sự.
Máy bay tuần tra biển P3C của Nhật tham gia tìm kiếm MH370
Theo các quan chức Mỹ, hệ thống báo cáo dữ liệu của MH370 bị tắt vào lúc 1:07, trong khi thiết bị thu phát chịu trách nhiệm liên tục truyền tải những thông tin quan trọng của máy bay bị tắt vào lúc 1:21. Việc 2 thiết bị liên lạc quan trọng này bị tắt cách nhau 14 phút khiến các điều tra viên nghi ngờ rằng đã có sự can thiệp trái phép của con người vào sự mất tích bí ẩn của MH370.
Thiết bị thu phát sóng trên MH370 bị tắt khoảng 30 phút sau lần liên lạc cuối cùng giữa phi công trong buồng lái và kiểm soát viên không lưu, trùng thời điểm mà phía Malaysia tin rằng chiếc máy bay quay đầu lại một cách bí ẩn.
Ráp nối các thông tin này với nhau, các điều tra viên nhận định rằng "đã có ai đó chiếm quyền kiểm soát trái phép máy bay, chẳng hạn như một kẻ xâm nhập hoặc là một trong 2 phi công."
Vậy thiết bị thu phát sóng là bộ phận như thế nào trên máy bay, và nó có vai trò quan trọng ra sao trong việc xác định vị trí và các điều kiện hoạt động khác của máy bay. Những thông tin sau đây sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.
1. Thiết bị thu phát sóng gửi đi những thông tin gì, và gửi cho ai?
Thiết bị thu phát sóng là bộ phát sóng radio trong buồng lái để liên lạc với radar mặt đất. Khi thiết bị này nhận được tín hiệu từ hệ thống radar thụ động trên mặt đất, nó sẽ hồi đáp lại bằng một mã phản hồi "squawk" thông báo về vị trí, độ cao và hô hiệu của máy bay (chẳng hạn như hô hiệu của chiếc máy bay mất tích là MH370). Những tín hiệu này thường xuyên được gửi về cho radar mặt đất, giúp cho kiểm soát viên không lưu nắm được tốc độ và hướng bay của máy bay.
Một thiết bị thu phát sóng bên trong máy bay Cessna ARC RT-359A
2. Mã phản hồi "squawk" có nghĩa là gì?
Đó là một đoạn mã nhận dạng gồm 4 chữ số mà phi công nhập vào thiết bị thu phát sóng cho mỗi chuyến bay. Đoạn mã này giúp đài kiểm soát không lưu phân biệt được các máy bay với nhau.
3. Thiết bị thu phát sóng quan trọng như thế nào?
Có hai loại radar được sử dụng để phát hiện các vật thể trên không. Radar chủ động là loại radar cơ bản, nó phát ra chùm sóng lên bầu trời và thu sóng phản xạ lại, thể hiện vật thể phản xạ lên màn hình. Vật thể càng lớn thì hình ảnh phản xạ trên màn hình càng lớn.
Tuy nhiên điểm hạn chế của radar chủ động là nó phụ thuộc rất lớn vào địa hình. Radar này không thể phát hiện được vật thể ở bên kia đường chân trời, và những thông tin mà nó thu được về vật thể trên bầu trời không nhiều.
Trong khi đó, radar thụ động sẽ tiếp nhận tín hiệu do thiết bị thu phát sóng phát ra từ trên máy bay, cung cấp đầy đủ thông tin về độ cao, vị trí và tốc độ của máy bay. Thiết bị thu phát sóng giúp khuếch đại các tín hiệu này và cung cấp thêm thông tin cho đài kiểm soát không lưu.
Nếu không có thiết bị thu phát sóng, radar thụ động sẽ hoàn toàn bị "mù" và không thể nắm được vị trí của máy bay đang ở đâu. Trong trường hợp thiết bị này bị tắt, máy bay sẽ "biến mất" trên màn hình radar của mặt đất, giống như những gì đã xảy ra với chiếc MH370.
Bên trong buồng lái của một chiếc Boeing 777-2H6/ER
4. Thiết bị này có thể dùng để thể hiện vấn đề trên máy bay hay không?
Các phi công có các loại mã khác nhau để nhập vào thiết bị thu phát sóng trong trường hợp khẩn cấp. Mã khẩn cấp khi máy bay bị không tặc là 7500. Trong trường hợp thiết bị liên lạc bị hỏng, mã sẽ là 7600, còn các trường hợp khẩn cấp khác là 7700.
5. Làm thế nào để tắt thiết bị thu phát?
Thiết bị thu phát sóng trong buồng lái có một công tắc để phi công có thể chuyển từ chế độ bật (ON) sang chế độ chờ (STANDBY) hoặc độ cao (ALT). Phi công cũng có thể kéo cần ngắt để tắt thiết bị thu phát sóng trong buồng lái.
Trong các chuyến bay thông thường, phi công có nhiều lúc được yêu cầu tắt thiết bị thu phát sóng. Một lý do khiến họ tắt thiết bị thu phát sóng là khi hai máy bay đang tiến tới gần nhau (như trong trường hợp cả hai đang tiếp cận một sân bay). Trong trường hợp đó, kiểm soát viên không lưu sẽ yêu cầu phi công tắt hoặc chuyển bộ thu phát sóng sang chế độ chờ. Ngoài ra, nếu bộ thu phát này gửi đi những thông tin lỗi, phi công cũng có thể tự mình tắt nó. Sau khi tắt thiết bị thu phát sóng, máy bay vẫn có thể hiển thị trên màn hình radar chủ động nếu nó nằm trong phạm vi phủ sóng của radar.
Theo Khampha.vn
Máy bay Malaysia mất tích có thể bay tới Tây Australia? Nhiều người cho rằng, nếu chiếc máy bay Malaysia đang mất tích vẫn tiếp tục bay thêm 4 giờ sau khi mất liên lạc với kiểm soát không lưu, nó có thể đã đến phía Tây Australia. Tờ Wall Street Journal hôm qua dẫn lời 2 nhà điều tra Mỹ cho rằng, chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines...