Diễn biến mới ở GTNFoods: Vinamilk mua xong 75% vốn, cử nhân sự vào điều hành từ 2020
Ngay sau khi Vinamilk sở hữu chi phối GTNFoods, ba nhân sự đã được cử vào ban điều hành doanh nghiệp. Một cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường được GTNFoods tổ chức vào tháng 2 sau đó.
Công ty GTNFoods (mã GTN) vừa thông báo thay đổi về nhân sự từ đầu năm 2020 và kế hoạch chốt danh sách cổ đông để triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường.
Cụ thể, GTNFoods bổ nhiệm ông Trịnh Quốc Dũng (sinh năm 1962) giữ chức Tổng giám đốc, ông Trần Chí Sơn (sinh năm 1975) làm Phó Tổng giám đốc và ông Lê Huy Bích (sinh năm 1989) làm Giám đốc tài chính kể từ 1/1/2020. Đồng thời, HĐQT cũng phê duyệt việc Chủ tịch HĐQT ủy quyền cho ông Trần Chí Sơn là người công bố thông tin.
Cả ba đều là nhân sự của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Ông Trịnh Quốc Dũng hiện đang là Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk. Ông Trần Chí Sơn là người đại diện công bố thông tin của Vinamilk.
Ban điều hành của GTN được bổ sung thêm 3 người ngay sau khi Vinamilk có thông báo hoàn tất mua gần 79,6 triệu cổ phần VNM. Số lượng cổ phiếu sau giao dịch đã tăng từ 107,9 triệu cổ phần (43,17% vốn) lên 187,5 triệu cổ phần (75% vốn). Phần lớn cổ phiếu mua được trong đợt này được thực hiện bằng giao dịch thỏa thuận hôm 19/12. Đã có 78,9 triệu cổ phiếu được sang tay qua hình thức này với giá trị 1.799 tỷ đồng. Ước tính, Vinamilk đã phải bỏ thêm khoảng 1.815 tỷ đồng.
Cùng lúc, CTCP Thực phẩm Sông Vàng – cổ đông mới của GTNFoods cũng đã “chốt lời” 29 triệu cổ phiếu VNM sau thời gian ngắn “lướt sóng” cổ phiếu này.
Sau đợt thay máu cổ đông, công ty dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường là vào tháng 2/2020 để rút ngắn nhiệm kỳ hiện tại của HĐQT, BKS; bầu thành viên HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ mới (2020-2024) và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ công ty. Ngày chốt danh sách do Chủ tịch HĐQT quyết định.
GTN niêm yết trên HoSE từ năm 2014 nhưng những chuyển biến đáng chú ý của doanh nghiệp này diễn ra từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Công ty đã có 2 đợt tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cổ phiếu 175,2 triệu cổ phiếu năm 2016. Vốn điều lệ của GTNFoods giữ nguyên trong ba năm nay (2.500 tỷ đồng).
Video đang HOT
GTNFoods đang gián tiếp sở hữu Sữa Mộc Châu
Công ty này đã liên tục thực hiện các thương vụ M&A trong vài năm trở lại đây với đối tượng nhắm đến là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico), Công ty Lâm nghiệp Sài Gòn… Thông qua sở hữu 95% vốn Vilico (đơn vị sở hữu 51% CTCP Sữa Mộc Châu), GTNFoods cũng đang gián tiếp sở hữu vốn doanh nghiệp sữa này. Sữa Mộc Châu cũng được coi là đích nhắm chính của Vinamilk khi tiến hành mua lại phần lớn vốn công ty.
Cổ phiếu GTN đã tăng giá gấp đôi từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong giai đoạn trên thị trường đã có những thông tin đồn đoán về thương vụ M&A trên. Tuy nhiên, phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu GTN bất ngờ giảm kịch sản, đóng cửa ở mức 20.400 đồng/cổ phiếu.
Thanh Thủy
Theo Baodautu.vn
Vinamilk đã chi ra bao nhiêu tiền để thâu tóm 75% cổ phần GTNFoods?
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) công bố đã mua thêm khoảng 79,6 triệu cổ phiếu GTN, nâng tỷ lệ sở hữu tại lên 75%...
Ảnh: Vietnamfinance.
Cụ thể, Vinamilk đã mua thêm khoảng 79,6 triệu cổ phiếu CTCP GTNFoods (HoSE: GTN), nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty này từ 43,17% lên 75%.
Dựa theo lịch sử giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu GTN, Công ty chứng khoán VCSC ước tính rằng Vinamilk đã mua lượng cổ phiếu này với giá trung bình khoảng 22.800 đồng/cổ phiếu. Theo dõi giao dịch của cổ phiếu GTN trên thị trường, giao dịch chủ yếu được diễn ra vào phiên 18/12 với khối lượng giao dịch phiên là hơn 79,6 triệu cổ phiếu/phiên.
Cơ cấu cổ đông nhiều xáo trộn của GTN
Trước đó, Invest Tây Đại Dương, cổ đông lớn thứ 2, sở hữu 28,52% vốn cổ phần tại GTNFoods đã bán tổng cộng hơn 36 triệu cổ phiếu GTN, giảm tỷ lệ sở hữu tại GTN xuống còn 14% (07/12).
Cơ cấu cổ đông của GTN được cập nhật theo thời gian. Nguồn: FireAnt.
Cổ đông Nghiêm Văn Tùng cũng bán ra 531 nghìn cổ phiếu GTN, giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty xuống còn 4,96% và không còn là cổ đông lớn của Công ty (06/12).
Ngoài việc Vinamilk tăng tỷ lệ sở hữu tại GTN thì CTCP Thực phẩm Sông Vàng cũng đã mua thêm hơn 8,9 triệu cổ phiếu GTN, tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty lên 9,73%. Công ty Sông Vàng cho biết, mục đích thay đổi sở hữu nhằm cơ cấu danh mục đầu tư (06/12).
Vinamilk đã chi bao nhiêu tiền để thâu tóm GTN?
VCSC ước tính Vinamilk đã chi ra tổng cộng 3.400 tỷ đồng để thâu tóm 75% cổ phần của GTN. Dù vậy, số vốn của Vinamilk chi ra cho thương vụ này có khả năng được giảm một phần một cách gián tiếp khi GTN đang xin ý kiến cổ đông để thoái vốn toàn bộ khỏi 3 công ty con ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi, dự kiến sẽ thu về số tiền khoảng 734 tỷ đồng. Ngoài lượng tiền mặt thu về, động thái thoái vốn này sẽ giúp đơn giản hóa cơ cấu doanh nghiệp của GTN.
Theo quan điểm của VCSC, hợp nhất GTN sẽ không có tác động đáng kể ngay lập tức lên tình hình tài chính của Vinamilk do doanh thu và lãi ròng khá nhỏ của GTN so với Vinamilk. Trong 9 tháng 2019, GTN ghi nhận doanh thu 2,3 nghìn tỷ đồng và lãi ròng 7 tỷ đồng so với con số đạt lần lượt 42 nghìn tỷ đồng và 8,4 nghìn tỷ đồng của Vinamilk.
Được biết GTN đang nắm 74,5% vốn cổ phần tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam, đây cũng chính là công ty mẹ, sở hữu 51% vốn cổ phần tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Sữa Mộc Châu). Sữa Mộc Châu là thương hiệu có lịch sử lâu đời tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là khu vực nông thôn.
VCSC đánh giá việc thâu tóm GTN sẽ mang lại một số lợi ích cho Vinamilk trong dài hạn như gia tăng thị phần. Lợi ích này được VCSC cho là đến từ công ty con mảng sữa của GTN, Sữa Mộc Châu, hiện đang ghi nhận doanh số bán sữa hàng năm khoảng 107 triệu USD so với doanh số bán sữa trong nước khoảng 2 tỷ USD của Vinamilk trong năm 2019.
Bên cạnh đó, việc thâu tóm GTN cũng giúp Vinamilk gia tăng nguồn cung sữa đầu vào trong nước nhờ đàn bò sữa của GTN cũng như quỹ đất tiềm năng để mở rộng chăn nuôi bò sữa. Cụ thể, GTN hiện đang sở hữu khoảng 3.000 con bò sữa và thu mua từ khoảng 20.000 con bò sữa khác từ các hộ nông dân liên kết so với con số lần lượt là khoảng 30.000 và hơn 120.000 của Vinamilk. Và lợi ích thứ ba được VCSC chỉ ra trong thương vụ này là việc Vinamilk thâu tóm GTN khiến các đối thủ cạnh tranh không thể thâu tóm Sữa Mộc Châu.
Theo nhipcaudautu.vn
Thêm một vụ thâu tóm "thần tốc" vào hôm qua: Vinamilk đã kiểm soát Sữa Mộc Châu? Mặc dù chỉ khớp lệnh gần 724 nghìn cổ phiếu song GTN lại được giao dịch theo phương thức thoả thuận đến 78,92 triệu đơn vị tương ứng giá trị 1.799 tỷ đồng. Nhiều khả năng đây là thương vụ mua vào của Vinamilk ngay sau khi cổ đông GTNFoods đã đồng ý để Vinamilk nâng sở hữu lên 75% vốn tại GTNFoods...