Điện Biên: Bắt sâu chít nuôi nấm “thần dược”, thu 5 tỷ mỗi năm
Vượt qua nhiều khó khăn, dám nghĩ dám làm, sau 5 năm mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nhẹ và bà Nguyễn Thị Loan, tổ dân phố 24, phường Mường Thanh (TP Điện biên phủ, tỉnh Điện Biên) đã trở thành cơ sở nuôi cấy cũng như sản xuất nấm đông trùng hạ thảo với quy mô lớn nhất ở tỉnh Điện Biên.
Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Nhẹ bà Loan đã được UBND tỉnh Điện Biên chứng nhận là sản phẩm đạt hạng 3 sao trong kết quả đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP tỉnh Điện Biên năm 2019.
Những sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo: Nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy khô, rượu nấm đông trùng hạ thảo và nấm đông trùng hạ thảo ngâm mật ong.
Bén duyên với nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo cách đây 5 năm, ông Nhẹ chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Trước gia đình tôi có nghề làm thịt sấy khô cũng gọi là có thu nhập tốt, sản phẩm thịt sấy có tiếng ở Điện Biên. Đến năm 2014 con trai tôi là cháu Nguyễn Hữu Tuấn Dũng có đi du học 1 năm về ngành công nghệ sinh học bên Hàn Quốc. Cháu về bàn với vợ chồng tôi muốn gia đình cùng khởi nghiệp với nghề nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Và rồi, con trai tôi chính là người thầy dậy nghề đặc biệt cho bố mẹ”.
Sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo Loan Nhẹ
Sản phẩm đông trùng hạ thảo ngâm mật ong Loan Nhẹ
Khởi đầu bắt tay vào nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo, ông Nhẹ bỏ ra hơn 4 tỷ để đầu tư các loại máy: Máy lắc làm giống nhân sinh khối, máy hấp tiệt trùng, máy lọc ngưng, máy lọc cất nước… Ông Nhẹ cũng chi một khoản tiền lớn mua giống nấm đông trùng hạ thảo tại Học viện Quân y.
Video đang HOT
2 năm đầu, ông Nhẹ vừa làm theo hướng dẫn của con trai và học hỏi thêm ở các cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của Hà Nội. Đến nay mô hình nuôi trồng nấm của gia đình ông đã ổn định cho năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm rất tốt. Ông Nhẹ đã tự cấy được giống nấm đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn và cũng cung cấp số lượng lớn giống cho các cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo ở 1 số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Đắk Nông…
Phòng hấp và cất nước được trang bị máy móc hiện đại, phòng khép kín đạt tiêu chuẩn.
Hàng tháng ông Nhẹ xuất buôn và bán lẻ hàng chục nghìn bình nấm đông trùng hạ thảo thành phẩm cho các khách hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên và các tỉnh thành khác trong cả nước.
Chia sẻ thêm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về cách nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, ông Nhẹ nói: “Muốn trồng nấm đông trùng hạ thảo cho chất lượng tốt nhất thì khâu chọn nguyên liệu phải sạch, quá trình cấy nuôi trồng phải đảm bảo kỹ thuật nghiêm ngặt. Phòng nuôi đông trùng hạ thảo phải được vô trùng tuyệt đối và có độ sáng cũng như độ thoáng tự nhiên. Trang bị hệ thống phun sương để tạo độ ẩm cần thiết, hệ thống làm lạnh giữ nhiệt độ ổn định, hệ thống giàn, giá để đặt các lọ cơ chất, bình nuôi đông trùng hạ thảo và hệ thống đèn chiếu sáng…”
Những bầu nấm đông trùng hạ thảo sau khi được lấy ra từ bình cấy có trọng lượng khoảng 100gram, giá bán 500.000 đồng.
Do lượng khách hàng lớn nên quy mô sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Nhẹ cũng rất lớn. Nấm đông trùng hạ thảo từ khi cấy phôi tới lúc thu hoạch mất khoảng thời gian 2,5 tháng. Mỗi tháng ông Nhẹ nuôi cấy gối nhau liên tục từ 3 đến 5 lần tùy thời điểm, mỗi lần từ 2.000 đến 4.000 bình. Nấm đông trùng hạ thảo tươi thành phẩm mỗi bình thu khoảng 100gram, giá bán 500.000 đồng/1 bình.
Ông Nhẹ tuyển chọn nguồn nguyên liệu sạch sẵn có tại địa phương như con sâu chít, con nhộng tằm, lòng đỏ trứng gà, gạo tẻ đỏ của đồng bào dân tộc Mông, nước dừa tươi… Theo ông Nhẹ khâu lựa chọn nguyên liệu là bước đầu quyết định chất lượng thành phẩm nấm đông trùng hạ thảo thu được.
Phòng đặt bình nấm đông trùng hạ thảo được trang bị hệ thống phun sương để tạo độ ẩm cần thiết, hệ thống làm lạnh giữ nhiệt độ ổn định, hệ thống giàn, giá để đặt các lọ cơ chất, bình nuôi và hệ thống đèn chiếu sáng.
Những sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo ông bà Loan Nhẹ làm gồm: Nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy khô, rượu nấm đông trùng hạ thảo và nấm đông trùng hạ thảo ngâm mật ong. Trong đó 2 sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo tươi và nấm đông trùng hạ thảo khô là 2 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao do UBND tỉnh Điện Biên chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019.
Sau 5 năm nuôi cấy và trồng nấm đông trùng hạ thảo ông bà Loan Nhẹ đã tích thu được nhiều khinh nghiệm trồng nấm đông trùng hạ thảo cũng như kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo, khẳng định ra hướng đi kinh tế bền vững của gia đình. Ông bà cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cấy nấm đông trùng cho những ai thực sự muốn học hỏi và làm theo.
Theo Danviet
Nhiều trường học ở Điện Biên chuẩn bị đón HS-SV trở lại trường
Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang chuẩn bị tốt những điều kiện cần thiết đón học sinh quay trở lại trường.
Những ngày này, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên đang phối hợp với Trạm y tế phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ tiến hành vệ sinh, phun khử trùng lần 2 đối với tất cả các lớp học, khu kí túc xá nội trú và toàn bộ khu vực xung quanh trường. Đây cũng là phần việc được phía nhà trường ưu tiên thực hiện sớm để chuẩn bị đón các em học sinh quay trở lại học tập vào đầu tháng 3 tới.
Vệ sinh khử trùng trường lớp, chuẩn bị đón các em học sinh quay trở lại học tập vào đầu tháng 3 tới.
Bà Phạm Lệ Thanh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên cho biết, trong thời gian học sinh được nghỉ, nhưng nhà trường vẫn thường xuyên huy động tất cả cán bộ, giáo viên đến vệ sinh khuôn viên trường, lớp học. Đồng thời chỉ đạo các giáo viên đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách phòng chống dịch bệnh và nắm bắt tình hình sức khỏe của các em tại nhà thông qua số điện thoại di động.
Bên cạnh đó, yêu cầu giáo viên các bộ môn chủ động liên lạc, hướng dẫn ôn tập cho học sinh trong thời gian nghỉ ở nhà, tránh để bị quên hay gián đoạn kiến thức. Ngay sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh có thông báo cho học sinh đi học trở lại, nhà trường sẽ căn cứ vào mốc thời gian kết thúc năm học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định để xây dựng kế hoạch dạy bù.
"Chúng tôi cũng đã phun thuốc khử trùng theo hướng dẫn của bên Trung tâm Y tế, đảm bảo điều kiện cho các em khi quay trở lại trường. Vấn đề nghỉ học dài ngày, lùi lại đến hết tháng 2, chúng tôi sẽ căn cứ vào mốc thời gian mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định kết thúc năm học vào thời điểm nào, từ đó sẽ xây dựng kế hoạch dạy bù. Đối với trường nội trú có một điều kiện thuận lợi hơn là các em ở tại chỗ nên giáo viên có thể thực hiện dạy 2 ca cho các em học sinh, vẫn đảm bảo không quá tải với học sinh và đảm bảo kiến thức cho các em"- bà Phạm Lệ Thanh cho biết.
Cô Vũ Thị Hồng Hà, giáo viên bộ môn Sinh học, Trường phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên, cho biết, do phần lớn học sinh trong trường là người dân tộc, cư trú tại các địa bàn khó khăn, không có điều kiện học online, nên để giúp các em có thể tự ôn tập và củng cố kiến thức tại nhà trước khi quay trở lại trường học, ngay khi có các thông báo nghỉ học, giáo viên từng bộ môn đã lên kế hoạch phân loại và giao bài tập cho các em mang về nhà làm.
Đồng thời thông qua mạng xã hội và số điện thoại di động chủ động trao đổi, hỗ trợ, kiểm tra việc ôn tập của các em tại nhà. Riêng đối với khối học sinh lớp 12, ngoài chuẩn bị hệ thống bài tập ôn luyện đại trà các giáo viên còn chủ động chuẩn bị thêm những dạng bài tập nâng cao, chuyên sâu để ngay khi đón các em trở lại trường sẽ tổ chức bồi dưỡng, ôn luyện để có thể có kết quả tốt nhất trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới.
"Chúng tôi đã duy trì một nhóm trên Messenger mà các em hay dùng FaceBook, đưa đề cho các em ôn tập, cũng yêu cầu là ngày này trả bài cho cô. Những em nào yếu hay có khó khăn thì tương tác để cô có thể giải đáp, hỗ trợ cho phần kiến thức nền của các em. Mình thấy các em rất tích cực ôn tập với tâm thế rất tốt và các em cũng chờ đợi, mong đến ngày quay trở lại trường"- cô Vũ Thị Hồng Hà cho biết.
Còn đối với một số trường chuyên nghiệp trên địa bàn, theo ông Nguyễn Xuân Toán, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, việc sinh viên phải nghỉ học dài để ứng phó với Covid- 19 cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng giảng dạy của nhà trường bởi chương trình đào tạo chuyên nghiệp thường linh hoạt hơn so với các cấp trung học phổ thông. Hiệu trưởng nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để phân bổ thời gian đào tạo và kết thúc chương trình, trong trường hợp này, thời gian nghỉ hè của sinh viên sẽ được rút ngắn lại.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhà trường cũng đã triển khai nhiều biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh sạch sẽ khuôn viên trường lớp, thực hiện kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động ra vào tại nhà trường. Trong đầu tháng 3 tới, khi sinh viên có thông báo quay trở lại học, nhà trường cũng đã chuẩn bị nước rửa tay sát khuẩn bố trí tại các phòng, lớp học, xem xét việc phát khẩu trang miễn phí cho cán bộ, nhân viên và sinh viên sử dụng.
Riêng đối với hơn 30 lưu học sinh Lào khi được thông báo nhập cảnh trở lại học, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế triển khai kiểm tra sức khỏe ban đầu, đồng thời cử cán bộ y tế của nhà trường theo dõi sát tình hình sức khỏe tại khu ký túc xá, nơi sinh hoạt riêng.
"Khi học sinh, sinh viên trở lại trường vào đầu tháng 3 tới nếu như không có gì thay đổi, nhà trường vẫn tiếp tục chuẩn bị thực hiện đảm bảo vệ sinh cơ sở vật chất nhà trường và yêu cầu bộ phận hành chính quản lý tốt người ra vào. Còn về kiến thức của sinh viên, do đặc thù của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thuận lợi hơn các cơ sở giáo dục phổ thông nên việc dạy bù là không cần phải có. Kế hoạch, thời gian đó mà chúng ta chưa thực hiện thì sẽ tập trung trở lại, chỉ có điều là thời gian nghỉ hè của sinh viên sẽ phải lui lại", ông Nguyễn Xuân Toán cho biết.
Với sự chuẩn bị chu đáo, nhiều cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã sẵn sàng đón học sinh, sinh viên trở lại học bình thường trong đầu tháng 3 tới, đồng thời triển khai nhiều biện pháp đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh do virus Covid-19./.
Theo VOV
Hải Phòng: Trồng la liệt các loại nấm ngon, thu cả tỷ bạc mỗi năm Anh Đỗ Văn Tuấn, xóm 2, thôn Lý Nhân, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo (TP. Hải Phòng) sau khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm bằng rơm rạ tại địa phương đã quyết định bắt tay trồng nấm, bước đầu mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Trồng nấm thep quy trình VietGAP Năm 2010,...