Diễn biến bất ngờ của cơ cấu cổ đông Vinaconex hậu thoái vốn Nhà nước
Việc khóa room ngoại và sự xuất hiện bất ngờ của Star Invest trong cơ cấu cổ đông lớn đã khiến Vinaconex hậu thoái vốn Nhà nước khó dự đoán.
Trước thời điểm chốt danh sách cổ đông cho cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đã bất ngờ mua gom hơn 33,4 triệu cổ phiếu Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) để trở thành cổ đông lớn.
Một giao dịch xoay cục diện sở hữu Vinaconex
Trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 26/12/2018, Vinaconex cho biết Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đã trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này. Đáng chú ý, thời điểm giao dịch của Star Invest chỉ 2 ngày trước khi Vinaconex thực hiện chốt danh sách cổ đông (ngày 26/12/2018) cho cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019.
Cụ thể, Star Invest đã thực hiện giao dịch mua hơn 33,4 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,57% số cổ phiếu đang lưu hành. Vinaconex cũng cho biết Star Invest thực hiện giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn vào ngày 24/12/2018. Trước đó, đơn vị này không sở hữu bất kỳ cổ phiếu Vinaconex nào.
Diễn biến bất ngờ khiến cục diện sở hữu ở Vinaconex trở nên khó lường.
Lượng cổ phiếu mua được này rất có thể đến từ việc thoái vốn của các cổ đông ngoại tại đây.
Theo số liệu cập nhật tới tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tổng cộng 10,86% vốn cổ phần tại Vinaconex bao gồm PYN Elite Fund (sở hữu 7,1% vốn, tương đương 31,4 triệu cổ phiếu) và Market Vector Vietnam ETF (sở hữu 1,79% vốn, tương đương 7,9 triệu cổ phiếu), cùng nhiều nhà đầu tư ngoại cá nhân khác.
Theo dữ liệu giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 24/12/2018, thời điểm Star Invest thực hiện giao dịch để trở thành cổ đông lớn), đã có một giao dịch thỏa thuận với quy mô đúng với số lượng cổ phiếu Star Invest thực hiện. Giá trị giao dịch thỏa thuận này đạt 836,3 tỷ đồng.
Video đang HOT
Cũng trong ngày 24/12/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán 33,9 triệu cổ phiếu VCG.
Điều đáng chú ý là, ngay trước thời điểm phiên đấu giá thoái vốn nhà nước diễn ra, Vinaconex đã thực hiện khóa room ngoại về mức 0%. Điều này đồng nghĩa nhà đầu tư nước ngoài chỉ giao dịch được chiều bán ra.
Nhiều khả năng, quỹ đầu tư nước ngoài Pyn Elite Fund – cổ đông ngoại lớn nhất tại Vinaconex – đã thực hiện bán thỏa thuận 31,3 triệu cổ phiếu cho Star Invest, tương đương với 7,1% vốn điều lệ của doanh nghiệp này
Sự xuất hiện của Star Invest cũng khiến tình hình ở Vinaconex hậu thoái vốn Nhà nước trở nên khó đoán hơn với sự góp mặt của 3 cổ đông lớn, trong đó, cổ đông thế chân Viettel vẫn chưa chính thức lộ diện. Cổ đông lớn An Quý Hưng dù sở hữu 57,71% cổ phần cũng không đồng nghĩa là có quyền phủ quyết tại Vinaconex.
Hiện nay Star Invest được đánh giá sẽ là một quân “bài tẩy” xoay chuyển cục diện sở hữu tại Vinaconex. Nếu bắt tay với nhà đầu tư đang thế chân Viettel thì tỷ lệ sở hữu của nhóm này được đẩy lên khoảng 30%, một mức có thể gây áp lực. Trong trường hợp nghiêng về phía An Quý Hưng, cổ đông lớn này sẽ giúp nhóm tăng thêm được quyền lực với tỷ lệ sở hữu vượt trội (gần 65%).
Mọi quyết định có thể được ngả ngũ trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường sắp tới diễn ra vào ngày 11/1. Tại đây Vinaconex dự kiến trình cổ đông bầu thay thế thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2022, bãi bỏ hiệu lực của một số quy chế quản trị của tổng công ty do HĐQT đã ban hành trước đây để phù hợp với cơ cấu cổ đông mới và nhiều nội dung khác.
Star Invest là ai?
Bất ngờ trở thành cổ đông lớn của Vinaconex nhưng đây không phải là lần đầu tiên Star Invest được nhắc đến trong các thương vụ thoái vốn của ông lớn Nhà nước này.
Cụ thể, Star Invest là một trong những nhà đầu tư đã đăng ký tham gia phiên đấu giá bán trọn lô hơn 254 triệu cổ phần Vinaconex (tương ứng với 57,71% vốn điều lệ mà An Quý Hưng đã trúng giá) do SCIC sở hữu. Quy mô thoái vốn lên tới gần 5.430 tỷ đồng.
Tại thời điểm đó, Star Invest thu hút được nhiều sự chú ý khi được thành lập ngày 9/11/2018 (trước 12 ngày phiên đấu giá diễn ra) với quy mô vốn điều lệ chỉ là 200 tỷ đồng, hoạt động dưới mô hình Công ty TNHH một thành viên.
Công ty này đăng ký địa chỉ trụ sở đăng ký tại tầng 5, Tòa nhà Sentinel Place, Số 41A Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Đặng Thế Anh Đức (sinh năm 1985) đảm nhiệm.
“Vinaconex sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư, đem lại lợi nhuận ổn định cho cổ đông. Vì vậy công ty có định hướng gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tận dụng mọi nguồn lực để hỗ trợ Vinaconex trong việc mở rộng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Vinaconex sau khi đấu giá thành công”, Star Invest, doanh nghiệp vừa tròn 1 tuần tuổi, khẳng định trong đơn đăng ký đấu giá.
Tuy nhiên, nhà đầu tư trúng giá trong thương vụ này là Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) với mức giá 28.900 đồng/cổ phiếu.
Cùng ngày, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel cũng đã bán đấu giá thành công hơn 94 triệu cổ phiếu VCG (tương đương 21,3% vốn điều lệ), thu về 2.002 tỷ đồng. Tham gia phiên đấu giá này là 2 nhà đầu tư là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam.
Theo nhiều nguồn tin, cả Star Invest lẫn Cường Vũ đều mới được thành lập và có liên quan đến một tỷ phú USD của Việt Nam.
Bình Nguyên
Theo news.zing.vn
Pyn Elite Fund thoái vốn khỏi Vinaconex, thu về hơn 800 tỷ đồng?
Phiên ngày 24/12, cổ phiếu VCG tiếp tục tăng điểm lên 26.600 đồng. Nhưng điều đáng chú ý là khối ngoại đã bán 34 triệu cổ phiếu VCG và phần lớn được thực hiện tại mức giá 25.000 đồng/cp, thông qua giao dịch thỏa thuận, tương ứng tổng giá trị 836,4 tỷ đồng
Hiện, cổ đông ngoại lớn nhất của VCG là quỹ Pyn Elite Fund với hơn 31,3 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 7,1%). Do đó, nhiều khả năng quỹ đầu tư này đã hoàn tất thoái vốn khỏi Vinaconex trong phiên giao dịch 24/12.
Đây cũng không phải là điều bất ngờ khi Vinaconex cho biết phải khóa room ngoại về 0% khi thực hiện thoái vốn nhà nước. Trước đó, một quỹ ETF ngoại đang hoạt động trên TTCK Việt Nam là VNM ETF cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu VCG trong danh mục.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là bên nào sẽ mua số cổ phiếu này từ Pyn Elite Fund?
Bởi, theo Điều lệ của Vinaconex, các quyết định của Đại hội đồng cổ đông liên quan đến việc sửa đổi và bổ sung Điều lệ, chào bán cổ phiếu, tổ chức lại doanh nghiệp, các giao dịch mua bán tài sản có giá trị lớn... chỉ được thông qua khi có từ 65% trở lên số phiếu bầu của các cổ đông có quyền biểu quyết.
Hiện, sau khi thắng trong cuộc đấu giá lô cổ phần của Vinaconex từ Ủy ban quản lý vốn nhà nước (SCIC), Công ty TNHH An Quý Hưng hiện là chủ mới của Vinaconex với tỷ lệ sở hữu 57,71%. Nếu An Quý Hưng mua trọn lô cổ phiếu này của Pyn Elite Fund thì Vinaconex sẽ chính thức thành "sân sau" của doanh nghiệp này.
Ở phía ngược lại, nhà đầu tư mua lại 21,3% cổ phần từ Viettel nếu tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 35% có thể phủ quyết được mọi quyết sách quan trọng do nhóm cổ đông đa số đưa ra.
Do đó danh tính nhà đầu tư mua thỏa thuận lượng cổ phiếu này cũng mang tính quan trọng trong các quyết sách của Vinaconex trong tương lai.
Sau khi thoái vốn thành công, cổ phiếu VCG diễn biến khá tích cực khi tăng từ vùng 18.000 đồng/cổ phiếu lên trên 26.000 đồng/cổ phiếu.
Theo thuonggiaonline.vn
Pyn Elite Fund hoàn tất thoái vốn khỏi Vinaconex, thu về hơn 800 tỷ đồng? Việc Pyn Elite Fund thoái vốn khỏi Vinaconex là điều không bất ngờ khi mà doanh nghiệp này mới đây đã khóa room ngoại về 0% nhằm thực hiện thương vụ thoái vốn Nhà nước. Một quỹ ETF ngoại đang hoạt động trên TTCK Việt Nam là VNM ETF cũng đã bán toàn bộ cổ phiếu VCG trong danh mục do vi phạm...