Điện ảnh Việt thay đổi ra sao trong một thập kỷ qua?
Trong 10 năm qua, điện ảnh nước nhà đã có nhiều bước phát triển và thay đổi, đặc biệt về mặt doanh thu phòng vé.
Phát triển cả về số lượng lẫn doanh thu: Năm 2010 chính là bước khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của điện ảnh nước nhà. Lúc ấy, số lượng phim Việt vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng đã có một số tác phẩm được đầu tư cả về nội dung lẫn chất lượng như Cánh đồng bất tận, Giao lộ định mệnh hay Để Mai tín h. Các bộ phim kể trên đều được khán giả đón nhận và đạt doanh thu tốt.
Từ đây, số lượng phim Việt tăng đều qua từng năm và vượt mốc 40 tác phẩm vào năm 2019. Doanh thu phòng vé theo đó cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Từ hơn 18 tỷ đồng của Để Mai tính, Để Mai tính 2 (2014) xác lập kỷ lục khi lần đầu tiên điện ảnh nước nhà có phim cán mốc 100 tỷ đồng. Danh hiệu phim Việt ăn khách nhất liên tục bị phá vỡ trong năm 2019 khi Cua lại vợ bầu đạt 191,8 tỷ đồng trong dịp Tết Nguyên đán, còn Hai Phượng thu 200 tỷ đồng từ cả trong và ngoài nước.
Những thế hệ “ông hoàng phòng vé”: Trong suốt một thập kỷ qua, dòng phim hài luôn là “mỏ vàng” của các nhà sản xuất. Theo đó, hai “ông hoàng phòng vé” một thời chính là Thái Hòa và Hoài Linh. Ghi dấu ấn từ Để Mai tính, Thái Hòa được đôn lên đóng chính trong Để Mai tính 2 và giúp phim thành công vang dội. Anh còn góp mặt trong hàng loạt tác phẩm ăn khách như Long Ruồi (2011), Tèo Em (2013) hay Quả tim máu. Song, thất bại của Fan cuồng (2016) và Vệ sĩ Sài Gòn (2016) khiến tên tuổi nam diễn viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2018, Thái Hòa trở lại trong Chàng vợ của em và Hồn papa, da con gái. Song, không có phim nào đạt doanh thu trên 100 tỷ đồng.
Vốn nổi tiếng từ những chương trình hài hải ngoại, Hoài Linh nhanh chóng trở thành cái tên hàng đầu của điện ảnh Việt những năm đầu thập niên 2010. Anh góp mặt từ 3-5 phim mỗi năm, đặc biệt là dịp Tết. Có những lúc tác phẩm nào có mặt danh hài là sẽ bội thu, bất chấp chất lượng. Nhưng cũng vì phủ sóng quá dày nên Hoài Linh dần không còn đặc biệt nữa. Đồng thời, người xem cũng tiếp cận với phim ngoại nhiều hơn nên sẵn sàng tẩy chay những tác phẩm thuộc hàng “thảm họa”. Gần nhất, Đ ích tôn độc đắc (2018) thất bại thảm hại. Danh hiệu “ông hoàng phòng vé” nay như được chuyển giao cho Trấn Thành và Trường Giang.
Phim hành động có dấu hiệu hồi sinh: Kể từ khi bộ ba Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn về nước, điện ảnh Việt mới có những tác phẩm hành động đúng nghĩa với Dòng máu anh hùng (2007) hay Bẫy rồng (2009). Nhưng với việc Bụi đời Chợ Lớn (2013) bị cấm ra rạp, cộng thêm thất bại phòng vé của Lửa Phật (2013), thể loại bắt đầu chùng xuống.
Những bộ phim như Hương Ga (2014), Truy sát (2015) hay Găng tay đỏ (2016) không đủ sức nặng khi có chất lượng chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, Hai Phượng (2019) của Ngô Thanh Vân chính là cái tên đã giúp phim hành động Việt hồi sinh. Những cảnh chiến đấu chất lượng giúp bộ phim phá vỡ hàng loạt kỷ lục phòng vé. Dự kiến, phần phim ngoại truyện của Hai Phượng sẽ ra rạp vào năm sau với tựa đề Thanh Sói.
Sự bùng nổ rồi lụi tàn của dòng phim remake: Em là bà nội của anh (2015) là tác phẩm gây tiếng vang cho dòng phim remake ở Việt Nam. Nhờ kịch bản gốc Miss Granny (2014) nổi tiếng của Hàn Quốc, phim thành công vang dội tại phòng vé và nhanh chóng thu hơn 100 tỷ đồng.
Chiến thắng ấy giúp dòng phim remake bùng nổ mạnh mẽ và đạt tới cực điểm vào năm 2018 với 8 tác phẩm gồm Tháng năm rực rỡ, Ông ngoại tuổi 30, Yêu em bất chấp, 100 ngày bên em, Hồn papa da con gái, Kế hoạch đổi chồng và Tìm vợ cho bà. Tuy nhiên, đa số lại kém chất lượng hoặc thất thu khiến đội ngũ nhà sản xuất trở nên e dè hơn. Trong năm 2019, khán giả chỉ còn thấy hai phim remake là Vô gian đạo và Anh trai yêu quái.
Phim chuyển thể ngày càng được ưa chuộng: Dòng phim chuyển thể của Việt Nam thực tế đã manh nha từ năm 2010 với Cánh đồng bất tận dựa trên truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng ở thời điểm này, các tác phẩm thường bị gán mác nghệ thuật hoặc khó xem với khán giả đại chúng. Lần lượt Thiên mệnh anh hùng (2012), Dịu dàng (2014) hay Quyên (2015) đều không đạt doanh thu như kỳ vọng.
Nhưng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) đã thay đổi tất cả khi kiếm về hơn 77 tỷ đồng. Từ đây, các tác phẩm chuyển thể văn học của Việt Nam bắt đầu được ưa chuộng hơn. Bằng chứng là Cô gái đến từ hôm qua đạt doanh thu 70 tỷ đồng, còn Mắt biếc cũng mới vượt qua cột mốc 100 tỷ đồng. Sắp tới, bộ truyện tranh nổi tiếng Thần đồng đất Việt sẽ bước lên màn ảnh rộng với tựa đề Trạng Tí (2020).
Hình ảnh người đồng tính dần trở nên văn minh hơn: Nhân vật má mì do Anh Vũ thủ vai trong Gái nhảy (2003) đã đặt ra mô-típ chung cho người đồng tính trên màn ảnh Việt là đanh đá, đồng bóng, lòe loẹt và mê trai một cách ngu muội. Từ Để Mai tính cho đến Âm mưu giày gót nhọn (2013) hay Xóm trọ 3D (2017) đều đi theo công thức trên. Bên cạnh đó, người đồng tính cũng gắn liền với hình ảnh bi kịch và lệch lạc như trong Cảm ứng hoàn hảo (2011), loạt Hot boy nổi loạn, Nàng men chàng bóng (2014)…
Sau thời gian dài bị đem ra để “mua vui”, hình ảnh cộng đồng LGBT cuối cùng cũng trở nên văn minh hơn trong năm cuối cùng của thập kỷ với Ngôi nhà bươm bướm và Thưa mẹ con đi. Hay như năm 2018, Song Lang cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ báo chí, dù vất vả thu hút khán giả tại phòng vé.
Đề tài ngày một đa dạng, nhưng chất lượng vẫn là điều đáng bàn: 10 năm qua, các nhà làm phim Việt không ngừng tìm tòi và khai thác những đề tài mới lạ. Về mặt trái của showbiz có hàng loạt tác phẩm như Scandal: Bí mật thảm đỏ, Ở đây có nắng (2018) hay Hoa hậu giang hồ (2019). Phim về dòng nhạc underground có Yolo – Bạn chỉ sống một lần (2019). Song lang (2018) tôn vinh giá trị nghệ thuật cải lượng. Thể loại siêu anh hùng có Siêu nhân X (2015) , Lôi Báo (2017). Cô ba Sài Gòn (2017) là phim du hành thời gian. Tấm Cám: Chuyện chưa kể (2016) và Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu (2017) làm mới cổ tích Việt…
Tuy nhiên, chất lượng điện ảnh vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Nhìn vào danh sách những tác phẩm Việt vượt mốc 100 tỷ đồng, có thể thấy Trạng Quỳnh và Cua lại vợ bầu chỉ có nội dung ở mức trung bình, hay Siêu sao siêu ngố (2018) là chiếc áo “quá khổ” của Trường Giang với nhiều mảng miếng hài cũ kỹ. Có thể thấy, kịch bản vẫn là điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt trước thềm thập kỷ mới.
Theo zing
Điện ảnh Việt Nam năm 2019 ảm đạm nhưng 'bùng nổ' vào cuối năm
Dù thuộc những thể loại khác nhau nhưng nhìn chung, các bộ phim chuẩn bị ra rạp vào nửa cuối năm 2019 đều là những tác phẩm được đầu tư chỉn chu về cả nội dung, hình ảnh lẫn diễn xuất, từ đó tạo nên bữa tiệc đáng trông đợi dành cho người hâm mộ điện ảnh Việt Nam.
Đầu năm âm lịch 2019, màn ảnh rộng Việt Nam chứng kiến cuộc đua giành ngôi vương của phim Việt. Một tác phẩm vừa lập kỉ lục có thể nhanh chóng bị tác phẩm sau soán ngôi. Điều đó mở ra kì vọng cho khán giả đại chúng về một năm ăn nên làm ra của điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, viễn cảnh không xảy ra khi những dự án phim sau đó cứ lặng lẽ ra rạp rồi lặng lẽ ngừng chiếu, không để lại dấu ấn hoặc chỉ được nhớ đến với scandal.
Đến cuối năm 2019, những cái tên như Chị chị em em, Thất Sơn tâm linh, Bắc Kim Thang trở thành niềm hy vọng của khán giả yêu điện ảnh Việt Nam.
Phim Việt thắng đậm đầu năm 2019
Đường đua phim Tết dịp đầu năm âm lịch 2019 là một trong những cuộc chiến khiến công chúng và truyền thông bàn tán sôi nổi nhất. Chất lượng phim nội địa gây tranh cãi, lùm xùm cạnh tranh giữa Trạng Quỳnh và Cua lại vợ bầu, cùng với ồn ào mâu thuẫn của Trấn Thành và đoàn làm phim làm khán giả không khỏi ngao ngán.
Song đáng ngạc nhiên, phim Việt vẫn thắng đậm trên sân nhà, bỏ xa những tác phẩm ngoại không kém phần chỉn chu như Đại Chiến Âm Dương của Thành Long, Tân Vua Hài Kịch do Châu Tinh Trì cầm trịch và How to Train Your Dragon: The Hidden World.
Không lâu sau đó, tác phẩm hành động Hai Phượng do Ngô Thanh Vân đóng chính tiếp tục nối dài chiến thắng của phim Việt, đạt hiệu ứng mạnh mẽ đối với khán giả Việt Nam và thắng lớn về doanh thu. Bộ phim nhanh chóng thu về 200 tỷ tại Việt Nam, Mỹ và Canada sau hai tuần, trong đó có 600.000 USD (13,9 tỷ đồng) đến từ thị trường Bắc Mỹ sôi động.
Thành công của phim Việt đầu năm 2019 không chỉ được thể hiện qua con số doanh thu. Tác phẩm Hai Phượng của Ngô Thanh Vân được đánh giá là phim hành động Việt Nam đáng xem nhất mọi thời đại, vượt khỏi giới hạn màn ảnh nội địa và vươn ra tầm quốc tế. Ngay cả Vu quy đại náo, một tác phẩm không được công chiếu vào dịp Tết, trực tiếp cạnh tranh với siêu phẩm của Ngô Thanh Vân cũng nhận được cơn mưa lời khen nhờ câu chuyện vừa phải, đáng yêu.
Đến tháng tư, bộ phim hài - kinh dị Lật mặt 4 tiếp tục được khán giả đón nhận nhờ tính giải trí cao. Phong cách làm phim mang hơi hướng phim ma Thái Lan Tình người duyên ma dễ xem, dễ cười giúp Lý Hải thu về 120 tỷ đồng, chính thức đưa Lật mặt 4 lọt vào "câu lạc bộ trăm tỷ".
Giữa năm ảm đạm
Trước Lật mặt 4, đã có những tác phẩm ra rạp rồi thua lỗ trầm trọng như Hạnh phúc của mẹ, bộ phim bị khán giả tẩy chay vì lùm xùm của cặp đôi chính Cát Phượng - Kiều Minh Tuấn. Đến tháng năm, hàng loạt tác phẩm Việt Nam lặng lẽ ra rạp rồi cứ thế biến mất khỏi danh sách trình chiếu mà không được công chúng nhớ đến, điển hình như Vô gian đạo, Ước hẹn mùa thu, Cà chớn anh đừng đi, Tháng năm để dành...
Trong khi đó, Người vợ ba, tác phẩm được giới phê bình quốc tế khen ngợi bị chỉ trích về mặt đạo đức và phải rút khỏi rạp khi về đến quê nhà, do để một diễn viên tuổi vị thành niên đóng cảnh nóng phản cảm.
Mùa hè năm 2019 là mùa hè sôi động của thị trường phim quốc tế, đặc biệt là bởi thế độc tôn của ông lớn Disney. Cũng vì thế, không nhiều tác phẩm Việt Nam liều lĩnh ra rạp trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 7. Thay vào đó, các nhà làm phim chủ yếu tập trung vào giai đoạn đầu năm bởi thói quen xem phim Việt ngày Tết của khán giả Việt Nam.
Cuối năm hứa hẹn
Trái ngược với sự ảm đạm của những tháng giữa năm 2019, phim Việt thuộc mọi thể loại, từ kinh dị, huyền huyễn đến kịch tính, lãng mạn, sẽ ồ ạt ra rạp vào dịp cuối năm 2019.
Trước hết là ba tác phẩm kinh dị, trong đó, Thất Sơn tâm linh vốn là bộ phim được đón đợi - Thiên linh cái - đổi tên sau nhiều lần hoãn chiếu. Tác phẩm kinh dị có sự tham gia của Quang Tuấn, Hoàng Yến Chibi, Thanh Tú, Đinh Y Nhung, Thanh Mỹ... Theo nhiều ý kiến, bộ phim đã được chỉnh sửa nội dung để phù hợp hơn với khán giả Việt Nam và vượt qua cửa ải kiểm duyệt.
Cùng với Thất Sơn tâm linh, bộ phim Bắc Kim Thang cũng là một tác phẩm kinh dị lấy chất liệu từ chính vùng quê Việt Nam. Tác phẩm Bắc Kim Thang của đạo diễn Trần Hữu Tuấn khiến cộng đồng người hâm rúng động ngay từ teaser và trailer được tung ra.
Không phải ngẫu nhiên mà các bộ phim kinh dị thường chọn bối cảnh là những vùng nông thôn Việt Nam. Ở đó, những con đường gập ghềnh, heo hút, khu vườn và cánh đồng rộng lớn, thiếu vắng ánh sáng đèn điện khiến không khí thêm phần u ám, quái dị. Cũng từ đó, những câu chuyện, có thể từ một vụ án tâm linh có thật, có thể từ một bài đồng dao xa xưa, được khai thác hiệu quả và gây ám ảnh mạnh mẽ.
Trong ba bộ phim kinh dị chuẩn bị ra rạp, Pháp sư mù mang màu sắc khác với hai tác phẩm còn lại vì không lấy cảm hứng từ câu chuyện cũ hay sử dụng bối cảnh làng quê Việt Nam. Ngược lại, Huỳnh Lập trong vai trò biên kịch-đạo diễn-diễn viên đã xây dựng một thế giới huyền huyễn riêng biệt và độc đáo.
Sau thành công của Ai chết giơ tay, Huỳnh Lập công bố dự án phim điện ảnh Pháp sư mù, hứa hẹn sẽ giải mã số phận tiếp theo của ba nhân vật Tinh Lâm, Thụy Du và Liên Thanh.
Bên cạnh thể loại kinh dị, tâm linh, Mắc Biết và Chị chị em em là hai tác phẩm được khán giả đặt nhiều kỳ vọng. Bởi, Mắt Biếc là bộ truyện được yêu thích bậc nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã trở thành tuổi thơ của không biết bao thế hệ học trò. Hình ảnh Chàng Si Tình, Nàng Mắt Biếc, Trà Long và Dũng vẫn thường hiện lên lung linh, đẹp đẽ trong tưởng tượng của độc giả.
Và với những thước phim duy mỹ cùng dàn diễn viên trẻ trung, có ngoại hình hợp vai, bộ phim Mắt Biếc của đạo diễn Victor Vũ được kỳ vọng sẽ đưa Chàng Si Tình, Nàng Mắt Biếc, Trà Long và Dũng lên màn ảnh rộng một cách trọn vẹn.
Tác phẩm được đánh giá là đáng đón đợi bậc nhất của màn ảnh rộng Việt Nam cuối năm 2019 là Chị chị em em. Bộ phim gây chú ý khi lựa chọn hai diễn viên chính là siêu mẫu Thanh Hằng và diễn viên-ca sĩ Chi Pu. Họ là hai tên tuổi tưởng chừng đối lập hoàn toàn, đại diện cho hai thế hệ người đẹp thu hút những bộ phận khán giả khác nhau.
Một bên là Thanh Hằng với vẻ ngoài nóng bỏng, quyến rũ tột bậc, một bên là nàng thơ Chi Pu trong sáng, ngọt ngào, cả hai giờ bị đặt vào cuộc chiến nhan sắc và trí tuệ để tranh giành (hay loại bỏ?) một người đàn ông.
Trailer "Chị chị em em".
Teaser Trailer mới được tung ra của Chị chị em em khiến khán giả càng đặt nhiều kỳ vọng. Đạo diễn hình ảnh của phim, Bob Nguyễn, người vừa đạt giải Cánh diều vàng 2018 nhờ Song Lang, khiến những thước phim duy mỹ của Chị chị em em trở nên ma mị, bí ẩn tột cùng.
Dù thuộc những thể loại khác nhau nhưng nhìn chung, các bộ phim chuẩn bị ra rạp vào nửa cuối năm 2019 đều là những tác phẩm được đầu tư chỉn chu về cả nội dung, hình ảnh lẫn diễn xuất, từ đó tạo nên bữa tiệc đáng trông đợi dành cho người hâm mộ điện ảnh Việt Nam.
Theo saostar
Cuộc đua gay cấn giữa nhiều phim Việt đặc sắc nửa cuối năm 2019 Ai chết giơ tay - Pháp sư mù, Mắt biếc, Anh trai yêu quái, Chị chị em em... đều là những tác phẩm điện ảnh hứa hẹn sẽ khiến cuộc đua của làng phim Việt nửa cuối năm 2019 trở nên gay cấn và thú vị hơn bao giờ hết. Làng điện ảnh Việt Nam năm 2019 tính đến thời điểm hiện tại...