Điện ảnh thế giới đối mặt với những khoản lỗ chưa từng có vì đại dịch
Tính đến đầu tháng 3, đã có hơn 70.000 rạp chiếu bị đóng cửa ở Trung Quốc. Trong khi đó, điện ảnh Hollywood ước tính thất thu 5 tỷ USD vì dịch Covid-19.
Theo The Hollywood Reporter, điện ảnh Hollywood đối mặt mức thất thu tệ hại nhất lịch sử lên tới 5 tỷ USD vì đại dịch Covid-19 đang lan rộng, làm đình trệ quá trình sản xuất phim.
“5 tỷ USD chỉ là ước tính mới nhất. Con số này sẽ còn tăng chóng mặt nếu dịch tiếp tục gia tăng ở Mỹ, nơi đã có hơn 100 trường hợp được xác nhận dương tính với virus Corona”, tạp chí Mỹ viết.
Giới phân tích dự đoán thị trường điện ảnh toàn cầu sẽ chuyển biến tiêu cực trong những ngày tới khi Bắc Mỹ (gồm Mỹ và Canada) – hai địa hạt màu mỡ của phim ảnh đang có hơn 100 ca nhiễm nCoV.
Các bom tấn đáng mong chờ như Mulan, No Time To Die, Onward… cũng được lùi ngày phát hành tại nhiều quốc gia châu Á. Giới giải trí Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tại đây đã có 39 ca nhiễm bệnh.
Loạt bom tấn chuẩn bị khởi chiếu sẽ không thể ra rạp đúng dự định.
Điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc lao đao vì đại dịch
Năm 2019, phòng vé quốc tế tăng vọt lên mức kỷ lục 31,1 tỷ USD, góp phần lớn trong doanh thu phim ảnh toàn thế giới là 42,5 tỷ USD – mức cao nhất mọi thời đại. Nhưng tin vui chưa kéo dài được bao lâu thì virus Corona bắt đầu tấn công vào mọi ngõ ngách, khiến mọi hoạt động kinh tế, giải trí đều đóng băng.
Tính đến đầu tuần, virus đã lây nhiễm hơn 90.000 ca và cướp đi hơn 3.000 mạng sống trên toàn thế giới, mà phần lớn các trường hợp tử vong là ở Trung Quốc. Các nhà phân tích nhận định Covid-19 đã làm doanh thu phòng vé sụt giảm không phanh.
“Doanh thu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, từ ngày 24/1 đến 23/2 chỉ 4,2 triệu USD, so với mức 1,76 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái – số liệu từ Artisan Gateway. Mức độ thất thu ở nước này lên tới 2 tỷ USD. Thậm chí nhiều tuần, nhiều tháng nữa, tình hình sẽ không khả quan”, The Hollywood Reporter viết.
Địa hạt phim ảnh lớn thứ nhì thế giới là Trung Quốc buộc đóng cửa 70.000 rạp chiếu khi đại dịch bùng phát làm ảnh hưởng doanh thu toàn cầu. Hiện, hoạt động giải trí tiếp tục đóng băng ở Italy, Hàn và Nhật Bản khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Một người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ tại một trung tâm mua sắm gần như trống rỗng ở Bắc Kinh. Ảnh: The Hollywood Reporter.
Báo cáo cho biết thị trường Hàn Quốc (lớn thứ 5 thế giới) đã giảm 80% so với năm trước. Tác phẩm kinh dị của Universal là The Invisible Man ra mắt với doanh thu tương đối thấp với 1,1 triệu USD. “Các rạp chiếu phim mở cửa, nhưng khách hàng nhỏ giọt”, một nhà phân phối phim cho biết.
Trong tháng 2, lợi nhuận từ ngành công nghiệp thứ 7 ở xứ kim chi sụt giảm gần 70%. Theo KOBIS, doanh thu bán vé tháng trước chỉ đạt tổng cộng 62 tỷ won (52 triệu USD) so với con số 189 tỷ won (158 triệu USD) cùng kỳ năm ngoái.
CJ CGV là một chuỗi rạp chiếu phim multiplex lớn nhất tại Hàn đã ngừng hoạt động 9 cơ sở ở phía Nam thành phố Daegu. Đối với các rạp ngoài Daegu, CGV đã cắt giảm một nửa suất chiếu. Những hãng lớn khác như Lotte Cinema và Megabox cũng giảm buổi chiếu và nhân sự để giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người với người.
Hệ lụy trên kéo theo nhiều bản phát hành phim bị dời lại hoặc trì hoãn vô thời hạn tại Hàn. Hôm 2/3, phiên bản đen trắng của bom tấn Parasite đã bị hoãn chiếu như thông báo trước đó. Người phát ngôn của CJ Entertainment, nhà phân phối bộ phim, nói với THR rằng tất cả nhân viên tại CJ đã được lệnh làm việc tại nhà cho đến hết ngày 6/3.
Tình hình ở những nơi khác liệu có khả quan?
Theo The Hollywood Reporter, ở Italy, khoảng một nửa số rạp chiếu (850 rạp ở miền Bắc) được cho là đã đóng cửa kéo theo doanh thu giảm 44%. Lợi nhuận phim ảnh cuối tuần qua ở đất nước này đã giảm 76% so với năm trước. Vue International (công ty điện ảnh đa quốc gia của Anh, Italy…) tuyên bố đóng cửa 17 điểm chiếu ở Bắc Italy theo lệnh chính quyền.
Ông Francesco Rutelli, chủ tịch Hiệp hội Điện ảnh quốc gia Italy tiếc nuối khi nhìn lại sự bùng nổ phòng vé năm ngoái. “Trước khi dịch phát tán thì công nghiệp phim ảnh ở nước chúng tôi rất tuyệt vời. Đến đầu năm nay khi dịch chưa lan rộng, phòng vé còn tăng 22% doanh số”, ông nói.
Ở quốc gia châu Á khác có trường hợp nhiễm Covid-19 như Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã ban bố lệnh đột ngột đóng cửa tất cả các trường học cho đến đầu tháng 4. Các sự kiện thể thao, văn hóa và giải trí lớn nhỏ cũng sẽ không được tổ chức tại nước này.
Thống kê cho biết doanh thu phòng vé Nhật Bản tuần qua ước tính giảm từ 10 đến 15%. Hãng phim, nhà phân phối và nhà điều hành rạp chiếu phim Shochiku nói với THR rằng họ đang xem xét liệu có nên tiếp tục các sự kiện quảng cáo phim dưới sự tư vấn của chính phủ hay không. “Cuối tuần trước, công ty đã bắt đầu hoàn lại tiền cho nhiều đối tác kinh doanh”, đại diện chuỗi rạp chiếu cho hay.
Điện ảnh Nhật Bản cũng lao đao vì đại dịch.
Doraemon the Movie: Nobita’s New Dinosaur, phim điện ảnh anime thể loại khoa học viễn tưởng của đạo diễn Imai Kazuaki và biên kịch Kawamura Genki, cũng bị hoãn ngày phát hành 6/3. Tác phẩm hành động Fukushima 50 xoay quanh vụ nổ hạt nhân năm 2011 của Nhật cũng đã bị hủy bỏ buổi chiếu ngày 5/3.
Những nơi khác, khán giả ở Trung Đông đang tránh xa các rạp chiếu phim, sau nhiều trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19. Tại Kuwait (43 trường hợp được xác nhận), các nguồn tin nói với THR tỷ lệ rạp chiếu mở cửa đã giảm xuống 10%. Tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, các trung tâm thương mại vắng vẻ và hầu như các cụm rạp cũng dần bị tê liệt.
Theo zing
Fan James Bond viết tâm thư đề nghị hoãn chiếu "No Time to Die" để phòng dịch COVID-19
"No Time to Die" dự kiến phát hành vào đầu tháng 4 nhưng với tình hình hiện tại, rất có thể phim sẽ rời lịch chiếu.
Trang web fan hâm mộ nổi tiếng của James Bond là MI6-HQ.com đã đăng tải một bức thư ngỏ yêu cầu trì hoãn thời gian ra mắt của No Time to Die (Không Phải Lúc Chết) - phần phim mới nhất về điệp viên 007. Phim dự kiến ra rạp ngày 10/4, nhưng trong thời điểm đại dịch cúm vẫn chưa được dập tắt, các fan cho rằng phim nên tạm thời hủy bỏ các sự kiện quảng bá.
Bài đăng trên trang web MI6
Bức thư chỉ ra rằng đây là lúc nên đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu. Các sự kiện lớn trên thế giới đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại do rủi ro sức khỏe. Các quốc gia phát triển bao gồm Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc đã cấm các cuộc tụ họp công cộng quy mô lớn. Trung Quốc và Ý đã đóng cửa các rạp chiếu phim. Dịch bệnh hiện cũng đã lây lan ra Mỹ và Anh.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang, đi qua poster quảng bá No Time to Die ở Thái Lan
Trong khi đó, doanh thu của series James Bond phần lớn đến từ thị trường nước ngoài. Chính vì vậy, No Time to Die không nên phát hành vào thời điểm này, mà nên hoãn đến mùa hè - khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Đại diện người hâm mộ nhấn mạnh: "Đây chỉ là một bộ phim. Sức khỏe và hạnh phúc của người hâm mộ trên khắp thế giới và gia đình của họ quan trọng hơn. Chúng tôi đã chờ hơn 4 năm cho bộ phim này. Vài tháng trì hoãn nữa sẽ không làm hỏng chất lượng của bộ phim mà chỉ giúp doanh thu phòng vé thành công hơn".
Trong No Time To Die, Bond không còn hoạt động tình báo mà đang tận hưởng cuộc sống yên bình ở Jamaica. Tuy nhiên, quãng thời gian nghỉ ngơi của anh không kéo dài được lâu khi người bạn cũ Felix Leiter từ CIA xuất hiện, cầu xin sự giúp đỡ. Bond sẽ thực hiện nhiệm vụ giải cứu nhà khoa học bị bắt cóc, và từ đó dẫn anh đến với tên ác nhân sở hữu một loại công nghệ nguy hiểm.
Đây có thể là lần cuối cùng Daniel Craig vào vai Điệp viên 007. Ngoài nam diễn viên đình đám, dàn diễn viên chính còn có Léa Seydoux, Naomie Harris, Ben Whishaw và Rami Malek - ngôi sao từng đoạt giải Oscar.
Trailer No Time To Die (Không Phải Lúc Chết)
No Time to Die dự kiến ra mắt tại các rạp chiếu phim từ ngày 10/04/2020.
Theo trí thức trẻ
Các hãng phim lớn tại Hollywood đang đối đầu với Covid-19 như thế nào? Các hãng phim lớn ở Hollywood đang bắt đầu tập hợp các nhóm chiến lược để đối phó với đại dịch Covid-19 và giữ an toàn cho nhân viên cùng diễn viên! Trong khi Hollywood tiếp tục cảm nhận được tác động lớn và nguy hiểm của đại dịch Covid-19, một số hãng phim lớn đã bắt đầu tập hợp các đội để...