Điểm yếu chí mạng của Hải quân Mỹ
Hạm đội tàu sân bay, tàu khu trục và tàu ngầm cũ kỹ của Hải quân Mỹ đang phải chịu đựng tình trạng tồn đọng bảo trì, sửa chữa kéo dài.
Không những vậy, năng lực đóng tàu chiến mới của Hải quân Mỹ cũng khá hạn chế. Đây đều là triệu chứng của một vấn đề đáng lo ngại: ngành đóng tàu khổng lồ mà Hải quân Mỹ phụ thuộc vào đang suy yếu.
Tàu khu trục USS Preble của Hải quân Mỹ trong cuộc diễn tập ngoài khơi bờ biển California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Bà Shelby Oakley, giám đốc Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) quan ngại với tờ Business Insider: “Hải quân Mỹ đang lâm vào thế khó với những thách thức trong lĩnh vực đóng tàu, tình hình ngân sách và khó khăn tuyển dụng, giữ chân nhân sự. Trong khi các mối đe dọa từ đối thủ ngang tầm đang gia tăng”.
Khủng hoảng
Ngành đóng tàu của Mỹ chỉ còn là cái bóng của những gì đã có trong giai đoạn cuối của Chiến tranh Lạnh. Về phần mình, Hải quân Mỹ phụ thuộc vào một số công ty đóng tàu lớn trong việc thiết kế và chế tạo các lớp tàu khác nhau. Có thể kể đến Huntington Ingalls Industries (tàu sân bay, tàu ngầm, tàu đổ bộ, tàu khu trục), General Dynamics (tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hỗ trợ) và Fincantieri Marinette Marine Corporation (tàu hộ vệ).
Tỷ lệ sản xuất cao hơn đồng nghĩa với chi phí cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động lớn hơn. Việc sửa chữa và bảo dưỡng cũng chịu hạn chế bởi số lượng khiêm tốn xưởng đóng, sữa chữa tàu của chính phủ.
Một đánh giá của Bộ Hải quân vào đầu năm nay nhận thấy các dự án đóng tàu hàng đầu của Hải quân Mỹ bị trì hoãn trong nhiều năm và phải đối mặt với chi phí tăng vọt. Những dự án bị trì hoãn lâu nhất, dự kiến ít nhất ba năm, bao gồm dự án về tàu ngầm tấn công lớp Virginia Block IV và tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường lớp Constellation. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia đầu tiên của Hải quân, ưu tiên của Lầu Năm Góc, dự kiến sẽ đến chậm 12 đến 16 tháng so với dự kiến. Điều này có thể dẫn đến lỗ hổng trong các kế hoạch sẵn sàng cho lực lượng hạt nhân quốc gia. Tàu sân bay lớp Ford tiếp theo của Hải quân, USS Enterprise, phải đối mặt với nguy cơ chậm trễ từ 18 đến 26 tháng.
Các quan chức, nhà phân tích cho rằng “căn bệnh” chậm trễ này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng thiếu phối hợp giữa các bên liên quan, ngân sách quốc phòng không nhất quán, các yêu cầu thay đổi của Hải quân, tác động lâu dài của COVID-19, lạm phát, lực lượng lao động suy giảm và vấn đề về chuỗi cung ứng.
Các yếu tố khác bao gồm tình trạng tồn đọng và quản lý chương trình kém của ngành công nghiệp đóng tàu Mỹ. Các công ty đóng tàu, phụ thuộc vào vật liệu từ nước ngoài, thường xuyên phải chờ đợi các kinh kiện đến, bên cạnh đó, hợp đồng trước đại dịch COVID-19 hiện không đồng bộ với nền kinh tế hiện tại.
Bà Oakley cho biết GAO đã nhận thấy vấn đề về ước tính chi phí của Hải quân. Các nhà đóng tàu bắt tay vào công việc trước khi hoàn thành thiết kế, dẫn đến không đồng bộ, nhưng ngân sách của Hải quân không điều chỉnh theo chi phí tăng và lịch trình kéo dài. Điều đó làm giảm sức mua của Hải quân và góp phần dẫn đến mất ổn định, khiến ngành công nghiệp này rơi vào tình thế bất ổn.
Hải quân Mỹ liên tục gặp phải vấn đề trong mục tiêu hình thành hạm đội gồm ít nhất 355 tàu. Những thách thức liên quan đến công nghệ mới đã làm trì trệ tàu sân bay USS Gerald R. Ford; lớp Zumwalt bị cắt giảm chỉ còn ba tàu khu trục tàng hình; và các tàu chiến ven bờ có nhiều lỗi đã bắt đầu ngừng hoạt động, mặc dù một số mới chỉ được đưa vào sử dụng trong vài năm.
Video đang HOT
Tàu ngầm USS Vermont của Hải quân Mỹ cập bến căn cứ hải quân ở thành phố Busan, Hàn Quốc ngày 23/9. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Chuyên gia Bryan Clark tại Viện Hudson đánh giá rằng việc Hải quân Mỹ đẩy mạnh các thiết kế và nền tảng ngày càng tiên tiến hơn, ở một số phương diện, cũng góp phần gây rắc rối. Ông chia sẻ: “Hầu như mọi lớp tàu chiến mà Hải quân đang đóng hiện nay đều chậm tiến độ, và đó là do các yêu cầu đã vượt quá khả năng cung cấp của xưởng đóng tàu”.
Đây là vấn đề phức tạp mà Hải quân đang phải giải quyết trong bối cảnh họ cũng đang phải vật lộn để duy trì và sửa chữa hạm đội hiện có của mình. Tàu ngầm được coi là rất quan trọng đối với sức mạnh chiến đấu của Mỹ ở Thái Bình Dương, nhưng theo báo cáo vào năm 2023, 40% trong số 49 tàu ngầm có sẵn tại thời điểm đó đang nằm im, chờ bảo dưỡng do thiếu hụt nhân công kết hợp với vấn đề về chuỗi cung ứng.
Bà Mackenzie Eaglen tại Viện American Enterprise, vào tháng 9 cảnh báo rằng Hải quân cần phải phá vỡ “vòng lặp diệt vong”. Chi phí đóng tàu, bảo dưỡng và sửa chữa tiếp tục tăng khi hạm đội già đi. Và trong khi Hải quân chỉ trích các công ty đóng tàu, các công ty đóng tàu đang than thở về chi phí tiền lương tăng cao, áp lực lạm phát và bất ổn về ngân sách.
Đến giai đoạn cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, các xưởng đóng tàu đã mở rộng hạm đội Hải quân Mỹ lên 6.768 chiến hạm. Con số này gấp 8 lần số tàu Hải quân Mỹ sở hữu ở thời điểm xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Nhiều chuyên gia hải quân cho rằng Mỹ không thể thực hiện được điều tương tự ở thời điểm này.
Nỗ lực điều chỉnh của Hải quân Mỹ
Tàu đổ bộ tấn công USS Boxer của Hải quân Mỹ. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Khó khăn trong lĩnh vực đóng tàu của Hải quân Mỹ không phải là mới, và chưa có cách khắc phục nhanh chóng. Đầu năm nay, Đô đốc Lisa Franchetti gợi ý rằng trọng tâm nên là khắc phục các vấn đề bảo trì.
Tuy nhiên, trong dài hạn, các chuyên gia và nhà phân tích cho rằng Mỹ cần thực hiện khoản đầu tư đáng kể để tái tạo năng lực đóng tàu quân sự, tăng cường sản xuất và tinh giản quy trình thiết kế. Cần chiến lược rõ ràng hơn cho ngành công nghiệp và thiết lập chuỗi cung ứng ổn định, cũng như tuyển dụng và giữ chân những lao động tài năng. Có thể cần đầu tư lớn hơn và thay đổi mạnh mẽ để xây dựng và duy trì lực lượng trên 300 tàu.
Mỹ cũng nhận ra cơ hội với các đồng minh ở Thái Bình Dương. Lãnh đạo Hải quân Mỹ đã ca ngợi ngành đóng tàu Nhật Bản và Hàn Quốc đồng thời cân nhắc hợp tác với hai quốc gia Đông Á này để khôi phục các xưởng đóng tàu đang “ngủ Đông” của Mỹ.
Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Business Insider)
Rắc rối đặt tên chiến hạm trong Hải quân Mỹ
Trong nhiều thập kỷ, Hải quân Mỹ tuân thủ chặt chẽ các quy định việc đặt tên các tàu chiến.
Truyền thống này đã thay đổi trong Chiến tranh Lạnh, khi Hải quân Mỹ phải chiều theo các chính trị gia để đổi lấy sự ủng hộ việc đóng mới tàu. Nhưng các sự kiện gần đây báo hiệu rằng truyền thống đang quay trở lại.
Trong suốt thế kỷ 20, Hải quân Mỹ nhìn chung có nhiều tàu hơn hiện nay. Quy mô của hạm đội dao động rất nhiều do bối cảnh chiến tranh, điều kiện kinh tế và nhu cầu chung. Số lượng tàu dao động từ mức thấp nhất là 174 tàu chiến vào năm 1905 (thời kỳ tương đối hòa bình) đến mức cao nhất là 6.768 tàu chiến vào năm 1945 (năm cuối cùng của Thế chiến II).
Trong phần lớn thời gian đó, Hải quân Mỹ thường kiểm soát chặt chẽ các quy ước đặt tên tàu. Thiết giáp hạm được đặt theo tên các bang, tàu sân bay được đặt theo tên các tàu chiến cũ hoặc nhân vật nổi tiếng, tàu tuần dương được đặt theo tên các thành phố và tàu khu trục được đặt theo tên các nhân vật nổi tiếng của hải quân và thủy quân lục chiến. Cho đến cuối những năm 1930, các tàu ngầm đều được đánh số, tạo thành những tên hiệu USS M-1 hay USS S-47. Sau đó, tàu ngầm được đặt tên theo các loài cá như USS Wahoo, USS Tang hay USS Moray.
Tàu tuần dương USS San Francisco, 1945.
Các quy định này được thực thi trong một thời gian dài và người ta có thể hiểu ngay con tàu là loại gì dựa trên cái tên. Nếu đọc tin trên báo nói rằng USS San Francisco sắp ghé thăm thành phố, người ta có thể đoán được rằng con tàu đó là tuần dương hạm, vì tất cả các con tàu được đặt tên theo các thành phố đều là tàu tuần dương.
Ngày nay, tên của một con tàu thực sự không liên quan nhiều đến chủng loại. Tàu được đặt theo tên của một thành phố có thể là tàu ngầm hoặc tàu chiến ven biển, trong khi tàu được đặt theo tên một người có thể là tàu tuần dương, tàu khu trục hoặc thậm chí là tàu ngầm. Kết quả này phần lớn là do các mưu đồ chính trị tạo ra.
"Cá không đi bỏ phiếu"
Việc đặt tên tàu luôn gắn liền với chính trị. Thiết giáp hạm, từng là vua của hạm đội, là loại khí tài cực kỳ đắt đỏ. Việc đặt tên một con tàu theo tên một bang khiến các đại diện của bang đó trong Quốc hội Mỹ nhiều khả năng ủng hộ yêu cầu tăng ngân sách cho hải quân. Logic tương tự cũng khi con tàu được đặt tên theo thành phố. Nhưng các tàu nhỏ hơn như tàu tuần dương, tàu khu trục, khinh hạm và tàu ngầm vẫn được đặt tên theo cách truyền thống.
Ở thời kỳ đầu thế kỷ 20 và Thế chiến II, Hải quân Mỹ có các thiết giáp hạm Iowa, Missouri, Massachusetts, North Carolina, Texas, New Jersey..., đều được đặt theo tên các bang. Chiến tranh Lạnh (thời kỳ sau Thế chiến II) đã khiến hệ thống đặt tên cũ thay đổi. Vào những năm 1970, Hải quân Mỹ thay vì đặt tên tàu ngầm tấn công theo loài cá như trước đổi qua đặt tên theo các thành phố và từ đặt tên tàu ngầm tên lửa theo các nhân vật lịch sử của Mỹ sang đặt tên theo các bang. Vào thời điểm đó, vẫn còn những tàu tuần dương được đặt tên theo các bang (chẳng hạn như những tuần dương hạm lớp California chạy bằng năng lượng hạt nhân), việc này bắt đầu khiến mọi thứ trở nên khó hiểu.
Theo tạp chí Pop Mech, lý do Hải quân Mỹ thay đổi, đặt tên các tàu theo địa danh là để tìm kiếm nguồn tài trợ. Cái chết của thiết giáp hạm sau Thế chiến II có nghĩa là những con tàu đắt tiền mới như tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể được đặt tên theo các bang và thành phố. Đô đốc Hyman Rickover (cha đẻ chương trình tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ) giải thích ngắn gọn lý do không còn đặt tên tàu ngầm theo tên sinh vật biển: "Cá không đi bỏ phiếu".
Thiết giáp hạm USS Alabama trong ảnh chụp năm 1912 được đặt theo tên một bang của Mỹ.
Chiến tranh lạnh kết thúc và việc cắt giảm ngân sách quốc phòng càng khiến hệ thống đặt tên cũ bị phá vỡ. Sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát năm 1963, các tàu sân bay từ chỗ được đặt tên theo các tàu chiến nổi tiếng (ví dụ Enterprise, Lexington và Saratoga) lúc này mang tên các tổng thống và chính trị gia. Các tàu tuần dương bắt đầu được đặt tên theo các thành phố, con người, rồi đến những trận chiến nổi tiếng. Một số trận chiến (chẳng hạn như Gettysburg) không liên quan gì đến lực lượng hải quân. Nhiều tàu được đặt tên theo các trận chiến trên bộ ở Mỹ, đặt ra câu hỏi liệu đó có phải là cách để giành được sự ủng hộ của quốc hội hay không. Không chỉ tuần dương hạm, các tàu ngầm tấn công lúc này cũng được đặt tên theo các thành phố, bắt đầu với USS Los Angeles.
Các quyết định đặt tên đôi khi quay lại gây rắc rối cho Hải quân Mỹ. Tên của hai nghị sĩ ủng hộ hải quân là John C. Stennis và Carl Vinson trở thành tên của các tàu sân bay. Nhưng cả hai ông này đều là người da trắng phân biệt chủng tộc và việc gắn tên Stennis và Vinson khiến những người phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, các binh sỹ da màu không hài lòng.
John P. Murtha, nghị sĩ, sỹ quan thủy quân lục chiến Mỹ, là người dính vào nhiều vụ việc tham nhũng và tai tiếng khác. Tuy nhiên, sau khi ông này qua đời năm 2010, một tàu chiến đổ bộ đã được đặt tên là USS John P. Murtha. Năm 2015, Hải quân Mỹ đưa vào hoạt động tàu chiến đấu ven biển USS Jackson. Những người chỉ trích chỉ ra rằng tàu được đặt theo tên của tổng thống Andrew Jackson, được biết đến là chủ sở hữu nô lệ, ủng hộ chế độ nô lệ, ủng hộ cưỡng bức di dời nhiều bộ lạc người Mỹ bản địa.
Gần đây, Hải quân Mỹ quay trở lại thực hiện các quy ước đặt tên cổ điển. Tàu sân bay gần đây nhất được đặt theo tên của một tổng thống Mỹ là USS Gerald R. Ford. Nếu xu hướng này tiếp tục, tên của cựu Tổng thống Bill Clinton, người chưa bao giờ phục vụ trong quân đội và bị chỉ trích là trốn quân dịch, có thể được đặt cho một tàu sân bay và tương tự là cựu Tổng thống Barack Obama. Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville, được đặt tên theo chiến thắng ở Chancellorsville trong Nội chiến Mỹ thế kỷ 19, được đổi tên thành USS Robert Smalls để vinh danh anh hùng hải quân người Mỹ gốc Phi. Mặc dù điều này phá vỡ truyền thống gần đây là đặt tên các tàu tuần dương theo các trận chiến nổi tiếng, nhưng Hải quân Mỹ sẽ cho tất cả các tàu tuần dương nghỉ hưu vào năm 2027 và sau đó nhiều khả năng sẽ không biên chế mới loại tàu này.
Các tàu ngầm thuộc lớp Virginia trước đây được đặt theo tên các bang, đô đốc "cá không đi bỏ phiếu" Rickover và thượng nghị sĩ bang Virginia là John Warner. Tuy nhiên, ba tàu lớp Virginia mới nay lại được đặt tên theo truyền thống gắn với tên loài cá (đồng thời cũng là tên của các tàu ngầm trong Thế chiến II với thành tích chiến đấu lừng lẫy) là USS Barb, USS Tang, và USS Wahoo. Các tàu sau đó mang tên người đứng đầu Hải quân John Dalton và tên các thành phố, với ba tàu USS Long Island, USS San Francisco và USS Miami.
Các khinh hạm lớp Constellation mới sẽ được đặt theo tên các khinh hạm được Hải quân Mỹ đặt hàng vào năm 1794.
Lịch sử đặt tên phức tạp
Sự rắc rối trong cách đặt tên tàu chiến của Hải quân Mỹ đã được hình thành từ thế kỷ 18. Theo history.navy.mil, trang web lịch sử của Hải quân Mỹ, lực lượng này ra đời ngày 13/ 10/1775, theo đạo luật của Quốc hội Lục địa, cơ quan đại diện được thành lập bởi các thuộc địa thuộc Anh ở Bắc Mỹ vào năm 1774, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn đến Cách mạng Mỹ và sự thành lập nước Mỹ.
Các tàu của Hải quân Lục địa và của Hải quân Mỹ khi đó chưa được đặt tên theo bất kỳ quy tắc nào. Tên tàu trong Hải quân Lục địa và Hải quân Mỹ thời kỳ đầu được đặt theo nhiều cách. Để nhấn mạnh mối quan hệ mà nhiều người Mỹ vẫn dành cho Anh, con tàu đầu tiên của Hải quân Lục địa được đặt tên là Alfred để vinh danh Alfred Đại đế, vua xứ Wessex, người có công xây dựng lực lượng hải quân Anh. Một con tàu khác được đặt tên là Raleigh để tưởng nhớ những thành tích đi biển của Walter Raleigh, nhà thám hiểm, chính trị gia, nhà văn tài năng người Anh. Một số tàu vinh danh những người yêu nước và anh hùng thời kỳ đầu.
Những tàu khác được đặt tên với ý niệm đề cao các lý tưởng và thể chế của đất nước non trẻ, ví dụ tàu Constitution (hiến pháp), tàu Independence (độc lập), tàu Congress (quốc hội). Một tàu chiến hạ thủy năm 1782 sau đó đem tặng hải quân Pháp được đặt tên là America (nước Mỹ). Một khinh hạm được đặt tên Bourbon để chào mừng nhà vua Pháp, thúc đẩy liên minh giữa hai nước ủng hộ sự nghiệp độc lập của Mỹ. Các tên tàu khác vinh danh địa danh nước Mỹ (Boston, Virginia).
Thời kỳ đặt tên "ngẫu hứng" cho các chiến hạm kết thúc từ đầu thế kỷ 19. Ngày 3/3/1819, một đạo luật của Quốc hội Mỹ chính thức trao trách nhiệm đặt tên cho các tàu của Hải quân vào tay Bộ trưởng Hải quân, cho dù đây vốn là một đặc quyền mà nhân vật này vẫn thực hiện. Đạo luật này tuyên bố rằng tất cả các tàu của Hải quân Mỹ, đang đóng hoặc được đóng sau này, sẽ do Bộ trưởng Hải quân đặt tên, dưới sự giám sát của Tổng thống Mỹ, theo quy tắc sau đây: Những tàu hạng nhất được gọi theo tên các bang, hạng hai theo sông ngòi, hạng ba theo tên các thành phố, thị tứ chính... Điểm cuối cùng là phải đảm bảo không có tàu trùng tên. Điều luật này vẫn tồn tại đến ngày nay.
Tuy nhiên, gần 40 năm sau mới có luật quy định cụ thể thế nào là tàu chiến hạng nhất, hạng hai. Đạo luật ngày 12/ 6/ 1858 chính thức xác định "lớp tàu" theo số lượng pháo. Tàu được trang bị 40 khẩu pháo trở lên thuộc loại hạng nhất, những tàu có ít hơn 40 nhưng trên 20 pháo là hạng hai. "Ngân hàng tên" cho các tàu hạng hai đã được mở rộng, ngoài các con sông có thêm các thị tứ chính.
Cuối thế kỷ 19, nhiều điều luật mới ra đời phản ánh những thay đổi trong Hải quân Mỹ khi tàu gỗ có buồm, đạn pháo nạp ở đầu nòng nhường chỗ cho những con tàu thép có pháo nạp đạn ở phía sau. Một đạo luật ngày 4/5/1898 quy định rằng "tất cả các thiết giáp hạm và tàu giám sát hạng nhất (tàu phòng thủ bờ biển được trang bị pháo hạng nặng) sẽ được đặt tên theo các bang và không được đặt tên theo bất kỳ thành phố, địa điểm hoặc nhân vật nào cho đến khi hết tên của các bang".
Theo trang web của Hải quân Mỹ, các thủ tục và thông lệ liên quan đến việc đặt tên tàu chiến của họ là di sản của quá trình phát triển và truyền thống hơn là luật pháp. Nhưng điều không thay đổi là tên của các tàu mới đều do Bộ trưởng Hải quân quyết định. Hằng năm, Bộ Tư lệnh Di sản và Lịch sử Hải quân Mỹ (NHHC) tổng hợp các đề xuất về tên tàu và chuyển cho Giám đốc Tác chiến Hải quân theo phân cấp. Những khuyến nghị này là kết quả nghiên cứu về lịch sử của Hải quân Mỹ và từ những đề xuất của quân nhân, cựu chiến binh và công chúng.
Sau khi xem xét ở các cấp chỉ huy khác nhau, Giám đốc Tác chiến Hải quân ký bản ghi nhớ đề xuất tên cho chương trình đóng tàu năm hiện tại gửi Bộ trưởng Hải quân. Bộ trưởng xem xét những đề cử này, cùng với những đề cử khác mà ông nhận được, cũng như những suy nghĩ của riêng ông về vấn đề này. Vào thời điểm thích hợp, ông ta chọn tên cho những con tàu cụ thể và công bố
Khám phá 'căn cứ di động' được hải quân Mỹ dùng để chống lại Houthi Chiến hạm khổng lồ USS Lewis B. Puller được coi là 'căn cứ di động' của hải quân Mỹ, và đã được triển khai tới Biển Ả Rập để chống lại những cuộc tấn công của Houthi. Theo Insider, tàu đổ bộ viễn chinh (ESB) USS Lewis B. Puller đang được sử dụng làm căn cứ hậu cần của hải quân Mỹ tại...