Điểm trông giữ xe vẫn nhộn nhịp trước giờ bị “trảm”
Hôm nay, chỉ còn chưa đầy hai ngày nữa là đến ngày bị “trảm”, các bãi đỗ xe nằm trong diện bị thu hồi giấp phép vẫn hoạt động nhộn nhịp.
Trước giờ G, bãi trông xe vẫn chiếm đường
UBND Thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Sở Giao thông Vận tải và các sở ban ngành liên quan yêu cầu phải thực hiện việc thu hồi giấp phép trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường tại 262 tuyến phố trước ngày 15/2.
Các bãi trông giữ xe trên đường Giảng Võ – Láng Hạ vẫn kín xe.
Hôm nay, ngày 13/2, theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Kiến thức thì tại các tuyến phố này, không có dấu hiệu nào cho thấy các bãi đỗ này sắp bị “trảm”.
Tại đường Láng Hạ – Giảng Võ (quận Đống Đa), rất nhiều điểm đỗ xe tự phát vẫn hoạt động thường xuyên, rất nhiều đoạn vỉa hè bị chiếm dụng gần như kín mít khiến người đi bộ phải đi xuống cả lòng đường.
Cũng trong tình trạng trên, phố Chùa Bộc (quận Đống Đa) vốn đã nhỏ hẹp, là con đường hay xảy ra ùn tắc các bãi gửi xe vẫn hoạt động suốt từ sáng đến chiều. Trên tuyến phố này, không nhiều điểm trông giữ xe có giấy phép, tuy nhiên các bãi tự phát tràn lan.
Video đang HOT
Nghiêm trọng hơn, trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân), hai bãi trông giữ xe dưới lòng đường với la liệt ô tô án ngữ gần kín một làn đường.
Các điểm trông giữ xe trên tuyến phố Giảng Võ chiếm kín cả vỉa hè.
” Tôi chả hiểu tại sao họ lại trông xe dưới lòng đường nhiều như vậy, nhiều người còn không biết sẽ phải đi như thế nào vì đoạn này lại gần ngã ba nữa”, chị Thu Hiền, một người dân sống gần đó cho biết.
Các điểm trông giữ xe trên phố Hàng Bài, Nguyễn Trãi, Kim Mã, Láng Hạ… cũng trong tình trạng tương tự.
Dễ phát sinh các điểm trông giữ tự phát
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “262 tuyến phố Thành phố chỉ đạo rút giấy phép trông giữ phương tiện đều là những tuyến phố chính, nhưng mặt đường nhỏ, vỉa hè chật hẹp nên phải hạn chế đến mức tối đa việc trông giữ phương tiện vì mục đích đảm bảo an toàn giao thông và giảm ùn tắc”.
Tuy nhiên, do nhu cầu gửi xe của người dân quá nhiều nên liên ngành Giao thông và Công an Thành phố đã nghiên cứu, lập danh sách 230 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ phương tiện và đang trình Thành phố xem xét cấp phép.
Về thời hạn phải thực hiện thu hồi giấy phép, ông Giáp cho rằng: “Tất nhiên, cũng có thể chỗ này chỗ khác còn hiện tượng vi phạm, nhưng giờ mình quy định rõ ràng thì người dân và các cơ quan chức năng cũng sẽ thực hiện. Chủ tịch Thành phố cũng đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm, kể cả người dân và chính quyền”.
Về những khó khăn, ông Giáp cho hay: Trong tờ trình lên thành phố, liên ngành đã đưa phương án các điểm giữ xe khác cho người dân lựa chọn. Nhưng trong quyết định của UBND thành phố mới chỉ đề cập đến lệnh cấm mà chưa quyết định phương án điểm gửi xe thay thế cho người dân.
Nhiều người lo ngại, sau khi thu hồi giấy phép mà Thành phố không có bãi đỗ xe thay thế rất dễ phát sinh các bãi đỗ xe tự phát khó quản lý.
Là một đơn vị khai thác điểm trông giữ xe, lãnh đạo Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng cần có cơ chế rõ ràng và bố trí các điểm trông giữ thay thế.
Theo thông tin từ công ty này, hiện Công ty đang quản lý 191 điểm trông giữ xe trên toàn địa bàn thành phố. Theo quyết định của UBND Thành Phố, công ty sẽ có 49 điểm trông giữ phương tiện tại 35 tuyến phố bị rút giấy phép, chủ yếu tại quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lam, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng: “Thành phố cần có kế hoạch thực hiện rõ ràng, đồng thời bố trí các điểm đỗ thay thế, để chúng tôi có phương án sản xuất, sắp xếp lao động, chứ không nên nói cắt là cắt”.
“Ngoài ra chúng tôi cho rằng, một số tuyến phố có hạ tầng tốt, đường rộng, đã xén vỉa hè sâu như Văn Cao, Trần Khánh Dư, Nguyễn Khánh Toàn, Văn Miếu, Hàng Gai…thì hy vọng vẫn được cấp phép”, bà Lam đề xuất.
Ngoài việc cần bố trí các bãi trông giữ thay thế vì nhu cầu là rất lớn, Bà Lam cũng lo ngại khi rút giấy phép, các ngành chức năng của Thành phố sẽ kiểm soát như thế nào những trường hợp vi phạm và các bãi gửi xe tự phát của người dân.
“Nếu sau khi rút giấy phép chúng tôi có nhổ biển, xóa sơn nhưng người ta vẫn đem xe tới đỗ thì làm sao có thể xử lý hết. Còn giao quyền cho chính quyền địa phương như tự quản phường thì làm sao xử lý được, rồi xe sẽ vẫn đỗ tràn lan”, bà Lam nêu những lo ngại.
Theo Bee.net.vn
86% điểm trông giữ xe có vi phạm
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tại 10 quận nội thành cho thấy, số điểm trông giữ phương tiện có vi phạm lên tới 86%. Đáng chú ý, một số cơ quan, đơn vị có giấy phép trông giữ xe còn tự ý "bán cái" hoặc cho thuê điểm trông giữ để... ăn chênh lệch!
Khó tìm được một điểm trông giữ xe không có vi phạm ở Hà Nội
Vi phạm tràn lan
Kiểm tra của liên ngành thành phố tại 271 điểm trông giữ xe trên địa bàn 10 quận nội thành đã phát hiện 232 điểm có vi phạm, tương đương 86%. Dạng vi phạm phổ biến nhất là không có giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện, chiếm 81% tổng số điểm trông giữ. Ngoài ra, còn một số dạng vi phạm khác như chiếm dụng diện tích hè phố, lòng đường làm nơi trông giữ phương tiện (65%); Thu quá mức phí trông giữ xe theo quy định (32%); Không chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ (61%)... Trong thời gian kiểm tra, các ngành chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 232 trường hợp, với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng.
Cũng theo đoàn kiểm tra, ngay cả các điểm được cấp phép cũng không thực hiện đúng với quy định trong giấy phép, thậm chí gây lộn xộn, mất mỹ quan đô thị như điểm trông giữ ô tô tại phố Đặng Văn Ngữ, phường Nam Đồng (Đống Đa); Điểm trông giữ ô tô tại ngã ba Bưởi - Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy); Điểm trông giữ trên đường Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng)...
Đáng chú ý, việc sử dụng khuôn viên các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, công viên, xung quanh các khu dân cư làm điểm kinh doanh trông giữ phương tiện có thu tiền hầu hết không có đăng ký kinh doanh; không có giấy phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường; không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Có thể nêu ra một số điển hình như điểm trông giữ xe ô tô trong khuôn viên Nhà văn hóa Khương Đình (Thanh Xuân); Điểm trông giữ ô tô ngày và đêm tại khu 7,2ha phường Vĩnh Phúc (Ba Đình)... Cùng với đó, nhiều điểm kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán bia, khách sạn, vũ trường, karaoke... không được cấp giấy phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện cho khách hàng dẫn đến tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi trông giữ cho khách hàng. Trong đó, nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng, nhất là các điểm sát các ngã ba, ngã tư...
Phí sử dụng hè phố quá rẻ
Cũng theo kiểm tra của lực lượng chức năng, có điểm trông giữ do UBND phường tự đứng ra ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức hoặc đưa các bộ phận của UBND phường đứng ra tổ chức kinh doanh trông giữ xe, coi đây là một nguồn thu của phường như UBND phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm); UBND phường Phúc La (Hà Đông)... Các điểm trông giữ này đều không có giấy phép kinh doanh, không thực hiện đúng các quy định của UBND TP và "trốn" luôn nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Ngoài ra, một số điểm trông giữ xe có nhiều vi phạm đã bị kiểm tra, lập biên bản vi phạm. CAP sở tại kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhiều lần nhưng sau đó vẫn tiếp tục các vi phạm như: Điểm trông giữ xe máy tại số 22-24 Liễu Giai, phường Cống Vị (Ba Đình); Điểm trông giữ xe trước số nhà 39 Thái Phiên, phường Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng)... Cá biệt, một số điểm trông giữ xe do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đứng ra xin cấp phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để kinh doanh trông giữ phương tiện nhưng không thực hiện mà lại ký hợp đồng "bán lại" cho người khác hoặc cho thuê (không có hợp đồng) để hưởng chênh lệch!
Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã đưa ra 13 nhóm kiến nghị với UBND TP. Trong đó, BCĐ 197 TP kiến nghị UBND một số quận và Sở GT-VT thu hồi ngay giấy phép đối với một số điểm trông giữ có nhiều vi phạm. Ngoài ra, với các điểm trông giữ phương tiện do một số UBND phường tự đứng ra tổ chức hoặc hợp đồng với cá nhân, không được cấp phép, BCĐ 197 TP yêu cầu BCĐ 197 quận, phường kiểm điểm những tập thể, cá nhân có liên quan và yêu cầu chấm dứt ngay hoạt động trông giữ vi phạm. Riêng những điểm trông giữ trốn thuế lớn, đề nghị chuyển Cơ quan CSĐT CATP xử lý về mặt hình sự. Đặc biệt, BCĐ 197 TP đề nghị tăng phí sử dụng hè phố, lòng đường làm điểm kinh doanh dịch vụ trông giữ xe bởi "mức phí hiện tại (40.000đ-45.000đ/m2/tháng), so với thu nhập của các điểm trông giữ phương tiện là quá thấp!"
Theo ANTD
Nghệ An: Nông dân chiếm đường làm sân phơi Cách đây chưa lâu, một cán bộ huyện ủy Quỳnh Lưu trên đường đi thăm người ốm điều khiển xe máy đã đâm phải "lô cốt" rơm di động trong đêm khiến anh bị chấn thương sọ não, nhưng may mắn tính mạng được bảo toàn. Hiện tượng chiếm dụng đường giao thông làm sân riêng nhà mình đang phổ biến ở Nghệ...