Diêm Thống Nhất sẽ dừng sản xuất diêm
Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất vừa thông qua quyết định sẽ dừng sản xuất diêm từ năm 2020.
Những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh là hình ảnh quen thuộc với không ít người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất vừa thông qua quyết định dừng sản xuất diêm từ năm 2020. Đồng thời, công ty cũng hủy giao dịch trên sàn UPCoM và rút cổ phiếu DTN khỏi thị trường chứng khoán.
Từ 2020, Diêm Thống Nhất sẽ dừng sản xuất diêm.
Ở tuổi 63, Diêm Thống Nhất không thoát khỏi tình cảnh khó khăn như nhiều thương hiệu truyền thống khác. Thách thức xuất hiện khi những bao diêm dần bị thay thế bằng các sản phẩm tiện dụng và hiện đại hơn, như bật lửa.
Ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất cho biết, so với cách đây gần thập kỷ với mức tiêu thụ hơn 180 triệu bao diêm, sản lượng diêm hộp của Diêm Thống Nhất năm 2018 chỉ còn chưa tới 100 triệu bao, giảm hơn 45%. “Sản lượng diêm tiếp đà giảm mạnh và sẽ còn lao dốc nhanh hơn năm 2018″, báo cáo về kế hoạch kinh doanh năm 2019 viết.
Bản thân sản phẩm diêm que, ngoài khó khăn từ thị trường tiêu thụ, còn chịu ảnh hưởng từ nguyên liệu sản xuất. Theo ban lãnh đạo công ty, giá vật tư nguyên liệu ổn định hơn năm trước nhưng việc thu mua gỗ rất khó khăn và nguồn cung ngày càng hạn chế, giá cao.
Xác định sản lượng diêm tiêu thụ dù phục hồi, vẫn nằm trong xu hướng giảm của dài hạn, Diêm Thống Nhất bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất bật lửa an toàn, vốn là nguyên nhân khiến sức tiêu thụ diêm que sụt giảm. Tuy nhiên, bước đi mới cũng gặp không ít thức thách, khi các sản phẩm của Diêm Thống Nhất ra đời sau và chịu sức ép cạnh tranh lớn.
Như năm 2016, Diêm Thống Nhất đặt mục tiêu tiêu thụ 85 triệu chiếc bật lửa nhưng đến cuối năm, chỉ có 10 triệu chiếc được tiêu thụ, tương đương 12% kế hoạch. Năm 2017, sản lượng tiêu thụ chỉ tăng 10%. Còn 2018, công ty kỳ vọng tiêu thụ 18 triệu sản phẩm nhưng hết năm chỉ hoàn thành hơn 80%.
Video đang HOT
“Sản phẩm bật lửa chưa thể phát triển mạnh và ồ ạt về số lượng do còn hạn chế về thị trường và sản phẩm ở phân khúc trung bình khá nên không dễ cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại, giá rẻ”, ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất cho biết.
Theo Vnexpress.net
Nhiều DNNN "sợ" lên sàn, còn DN tư nhân đủ sức lên sàn thì "phải đợi"?
"Về phương diện nào đó, đúng là nhóm các doanh nghiệp có vốn tư nhân có vẻ đang bị "thiệt thòi" hơn về điều kiện niêm yết so với doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa", TS. luật Trần Đình Nhã, người có nhiều năm là đại biểu Quốc hội cũng như hoạt động trong lĩnh vực pháp chế và nghiên cứu về pháp lý, nguyên Phó trưởng Ban biên tập Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi), nhận xét trong cuộc trao đổi với báo Pháp luật VN.
Chưa bình đẳng về điều kiện
PV: Tính đến cuối tháng 9/2019, đã có hơn 2.100 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với tổng vốn hóa toàn thị trường vượt 5,6 triệu tỷ đồng, một bước tiến rất xa so với giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam mới đi vào hoạt động gần hai thập kỷ trước. Nhưng về điều kiện niêm yết chứng khoán, liệu các doanh nghiệp có vốn tư nhân đã "bình đẳng" với các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa, theo đánh giá của ông?
TS. luật Trần Đình Nhã: Niêm yết chứng khoán được hiểu là quá trình định danh các chứng khoán đáp ứng đủ tiêu chuẩn được giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán. Về nguyên tắc, tất cả những chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện thì đều có cơ hội như nhau trong việc giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán, tức là thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức.
Khi xét về điều kiện niêm yết chứng khoán tại sở giao dịch chứng khoán tại Việt Nam, Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật Chứng khoán sửa đổi có đưa ra quy định là, doanh nghiệp cần có ít nhất 2 năm (đối với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, hoặc 1 năm (đối với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ) hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.
Tuy nhiên, quy định này lại được ngoại trừ đối với "doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết".
Theo đó có thể hiểu rằng, các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa nếu đáp ứng đủ các điều kiện về vốn, về lợi nhuận... sẽ được quyền niêm yết ngay mà không cần phải đợi đủ thời gian hoạt động tối thiểu là 1 năm dưới hình thức công ty cổ phần.
Cho nên tôi cho rằng về phương diện nào đó, đúng là nhóm các doanh nghiệp có vốn tư nhân có vẻ đang bị "thiệt thòi" hơn về điều kiện niêm yết so với doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa.
PV: Nhưng về phía doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa, còn tới hàng trăm doanh nghiệp vẫn "chưa chịu" lên sàn, theo danh sách được công bố cuối năm 2018 của Bộ Tài chính. Cụ thể là tính tới ngày 15/11/2018, vẫn còn 667 doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Có rất nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ mà đa phần là đổ lỗi cho khách quan. Nhiều doanh nghiệp cũng đã bị xử phạt do không thực hiện đăng ký giao dịch theo quy định. Ông bình luận như thế nào về thực tế này?
TS. luật Trần Đình Nhã: Như tôi đã nêu, việc một doanh nghiệp niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải phụ thuộc doanh nghiệp đó có đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn hay không. Đối với nhóm các doanh nghiệp Nhà nước cũng vậy.
Đặc biệt, thực trạng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động chưa được hiệu quả là thực tế không thể phủ nhận, có nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã và đang trong tình trạng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, lỗ lũy kế trên vốn điều lệ cao, nợ ngân hàng lớn, hoặc đang trong quá trình giải quyết hậu quả sai phạm phát hiện trong thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, không tổ chức được đại hội đồng cổ đông để xin ý kiến về phương án đưa cổ phiếu lên sàn, kiểm toán báo cáo tài chính nên không thực hiện được thủ tục niêm yết, đăng ký giao dịch...
Với thực tế đó, tôi cho rằng việc đưa ra chỉ tiêu và ấn định về thời hạn doanh nghiệp Nhà nước phải niêm yết là chưa thực sự phù hợp.
Quan trọng là chất lượng doanh nghiệp
PV: Vậy theo ông, để tránh tình trạng "kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra", đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp mọi thành phần, luật về chứng khoán có cần sửa đổi hoặc bỏ quy định giới hạn về thời gian hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần trong tiêu chuẩn niêm yết dành cho các doanh nghiệp không phải doanh nghiệp Nhà nước không?
TS. luật Trần Đình Nhã: Tính đến năm 2019, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% thu ngân sách Nhà nước. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.
Nên có thể nói, khối kinh tế tư nhân ở Việt Nam ngày càng phát triển và giữ vị trí quan trọng trong sự phát triển của cả nền kinh tế.
Thực tế là rất nhiều doanh nghiệp thuộc khối kinh tế tư nhân, không phân biệt loại hình công ty cổ phần hay công ty TNHH..., có tốc độ phát triển lớn, quy mô vốn chủ sở hữu cũng như các tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt ở mức độ cao...
Nên theo tôi, điều quan trọng nhất cần xem xét là lịch sử và chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, còn thời gian của "mô hình hoạt động" không phải yếu tố quá quan trọng. Chính chúng ta cũng đang cho phép doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hoá ngay lập tức được niêm yết, tức là không hề đặt nặng về yếu tố thời gian, nhưng trong khi đó lại "ngoại trừ" doanh nghiệp tư nhân về chuyện này, thì đó chính là một sự đối xử bất bình đẳng.
Chưa kể, số năm đủ "thời gian hoạt động" theo luật cũng đang có nhiều cách hiểu: hoặc hiểu là năm hoạt động theo 365 ngày/năm, hoặc hiểu là năm tài chính, và cách hiểu nào cũng có lý.
Với những thực tế trên, dưới góc độ khuyến khích minh bạch trong nền kinh tế lẫn việc tăng cung hàng hoá cho thị trường chứng khoán, tôi cho rằng việc cho phép các doanh nghiệp có vốn tư nhân được niêm yết sau khi đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật hiện hành, với yếu tố "thời gian hoạt động" dưới hình thức công ty cổ phần cũng bình đẳng như các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa, là một việc hoàn toàn đáng được xem xét và cân nhắc.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Quang Minh
Theo baophapluat.vn
Chỉ thành lập Sở Giao dịch chứng khoán duy nhất Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi đã được chỉnh lý lại theo hướng chỉ có 1 Sở giao dịch chứng khoán duy nhất. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất Quốc hội ủng hộ để Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam là công ty một thành viên 100% vốn nhà nước. Đại...