“Điểm nóng” Idlib của Syria đối phó với Covid-19 như thế nào?
Đóng cửa các đường biên giới và cấm việc di chuyển giữa các tỉnh là 2 trong số nhiều biện pháp mà chính phủ Syria áp dụng để ngăn chặn dịch Covid-19.
Kể từ khi bùng phát đầu tiên tại Trung Quốc tháng 12/2019, tới nay dịch Covid-19 đã khiến hơn 1,9 triệu người mắc và hơn 119.000 người tử vong trên thế giới.
Trong khi các nước châu Âu và Mỹ đang phải gồng mình ngăn chặn dịch Covid-19, các chuyên gia cảnh báo rằng, thảm họa này dường như có thể ập đến bất cứ lúc nào ở đất nước Syria vốn bị chiến tranh tàn phá, nơi mà các bệnh viện không có khả năng đáp ứng các nhu cầu hiện tại và các điều kiện vệ sinh vô cùng tồi tệ.
Các nhân viên phun khử trùng tại một bệnh viện. Ảnh: DPA
Đóng cửa biên giới, cấm đi lại liên tỉnh
Ở Syria, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã đóng cửa các đường biên giới, cấm đi lại giữa các tỉnh, và đóng cửa các trường học, nhà hàng để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan tại nước này.
Các con số thống kê là khá thấp, với 2 ca tử vong và 25 ca mắc (theo Worldometers), nhưng chỉ có 100 người được xét nghiệm mỗi ngày, trong đó một nửa số người được xét nghiệm là ở thủ đô Damascus.
Và dù chính phủ đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các vùng lãnh thổ sau gần một thập kỷ nội chiến, một số khu vực vẫn nằm trong tay các lực lượng nổi dậy.
Các chuyên gia cho rằng, chính quyền Damascus đã hạ thấp số ca tử vong vì mục đích chính trị.
“Các nhân viên y tế tin rằng, ở Syria có nhiều người tử vong có các triệu chứng của bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh đã đề nghị hoặc yêu cầu họ không đề cập tới điều này, đặc biệt là với truyền thông”, Zaki Mehchy, một nhà tư vấn cấp cao tại Chatham House có trụ sở ở London (Anh) cho biết.
“Giãn cách xã hội là bất khả thi”
Các nhóm hỗ trợ đã gióng hồi chuông cảnh báo về những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra nếu dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Syria, nơi mà các bệnh viện bị ảnh hưởng nặng nề sau hơn 9 năm nội chiến và không đủ cơ sở vật chất đối phó với một đại dịch.
“Thảm họa có thể ập đến bất cứ lúc nào”, Emile Hokayem, nhà phân tích về Trung Đông tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở London nhận định.
Một bé gái ở trại tị nạn tại Idlib cầm tấm biển với dòng chữ “Hãy ở nhà!! tôi ước gì mình có thể”. Ảnh: Twitter Mona.
Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế cảnh báo rằng, việc giãn cách xã hội là điều bất khả thi ở các khu trại tị nạn ở Idlib – tỉnh cuối cùng còn nằm trong tay lực lượng nổi dậy và vốn đã chịu đựng một thảm họa nhân đạo từ trước khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.
Video đang HOT
“Thiếu lương thực, nước sạch, phải sống ở các khu lều tạm trong điều kiện thời tiết giá lạnh đã khiến hàng trăm nghìn người có sức khỏe yếu kém, và điều này khiến họ trở thành đối tượng dễ bị tác động nhất”, Misty Buswell thuộc Ủy ban cứu trợ quốc tế (IRC) cho biết. Bà cũng nhấn mạnh rằng, sự tàn phá [do Covid-19] ở Idlib có thể sẽ “vượt mọi sự tưởng tượng”.
Trước chiến tranh, tỉnh Idlib có khoảng 1,5 triệu người sinh sống, nhưng theo Liên Hợp Quốc, hiện tại khu vực này có tới hơn 3 triệu người.
Thiếu bệnh viện, thiếu bác sỹ
Mona, 24 tuổi, sống cùng chồng ở Idlib. Cô làm việc cho một tổ chức cứu trợ nhân đạo của Thụy Điển, có văn phòng cách thành phố Idlib khoảng 1 giờ lái xe.
Mona theo dõi tin tức quốc tế hàng ngày và những con số thống kê về Covid-19 trên thế giới khiến cô cảm thấy sợ. “Nếu dịch Covid-19 bùng phát ở Idlib, thì đó sẽ là dấu chấm hết. Chúng tôi gần như chẳng còn bệnh viện nào. Mọi thứ đều đã bị dội bom”.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2019, chưa đến 2/3 số bệnh viện tại Idlib còn hoạt động, và 70% số nhân viên y tế đã đi tị nạn kể từ khi chiến tranh bùng phát năm 2011.
Một bệnh viện ở Kafr Nabl, Idlib bị phá hủy trong một cuộc tấn công hồi tháng 5/2019. Ảnh: Getty
Theo WHO, tổng cộng đã có 494 cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở y tế ở Syria trong giai đoạn 2016-2019. Khoảng 70% số vụ tấn công (337 vụ) xảy ra ở tây bắc Syria, nơi có tỉnh Idlib. Hầu hết các bệnh viện còn hoạt động đều không thể đáp ứng được các nhu cầu hiện tại, chứ chưa nói đến dịch Covid-19.
Cơ quan Y tế Idlib (IHD) cuối tháng 3 vừa qua đã đăng tải một video với thông điệp cảnh báo về tình trạng khẩn cấp. Giám đốc IHD, ông Munzer al-Khalil cho biết, gần 1.600 người mới có 1 giường bệnh. Có 201 giường chăm sóc đặc biệt nhưng chỉ có 95 máy thở. Tuy nhiên, số giường chăm sóc đặc biệt và máy thở luôn ở trong tình trạng đang sử dụng, ngay cả khi không có bệnh nhân Covid-19.
Trong khi đó, bác sỹ Sameeh Qaddour và các đồng nghiệp ở Bệnh viện Aqrabat (Idlib) đang cố biến điều không thể thành có thể: cứu sống người trong chiến tranh mà không có các loại thuốc công nghệ cao và với số nhân viên vô cùng ít ỏi.
“Trước đây chúng tôi vốn đã luôn thiếu cơ sở vật chất, thuốc men, thiết bị, bạn có thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra nếu dịch Covid-19 ập tới đây”, Qaddour cho biết.
Ở Bệnh viện Aqrrabat, bác sỹ Qaddour vừa đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành vừa trực tiếp tham gia việc chữa trị bệnh nhân, bởi ngoài Qaddour, chỉ có 12 bác sỹ khác đang làm việc ở bệnh viện này.
Nhiều bác sỹ trong khu vực đi làm hàng ngày giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
“Họ ở Syria khoảng 3,4 ngày mỗi tuần và phần còn lại thì sống với người thân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu biên giới đóng cửa, chúng tôi sẽ thiếu bác sỹ”, Qaddour nói.
Trong những trường hợp như thế này, biên giới chỉ được mở ở 1 phía và những người làm việc ở Syria sẽ không được phép trở về Thổ Nhĩ Kỳ./.
Hoàng Phạm
Idlib "đếm ngược ngày bùng cháy": Nga-Thổ lại sắp "tương tàn" vì kẻ phá bĩnh không ngờ?
Bất chấp các thỏa thuận được nhất trí, tình hình ở Idlib đang đếm ngược ngày giao tranh trở lại khi Nga-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với một đối thủ không ngờ khác có thể sẽ phá hỏng thỏa thuận ngừng bắn
Cuộc tuần tra chung đầu tiên của Nga-Thổ ở Idlib đã bị rút ngắn.
Trong vài năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã liên tục phải ngồi vào bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, bất chấp các thỏa thuận được nhất trí, tình hình trong khu vực, đặc biệt ở Idlib chỉ trở nên tồi tệ hơn mà không có giải pháp dứt điểm.
Thỏa thuận mới nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được ký kết vào ngày 5/3 giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Vladimir Putin cũng không phải là một ngoại lệ.
Mặc dù thỏa thuận đã cố gắng ngăn chặn cuộc chiến khiến làn sóng tị nạn bùng nổ nhưng nó không cung cấp một giải pháp ổn định nào có thể ngăn chặn một cuộc tấn công quân sự khác của chính quyền Syria vào thành trì cuối cùng của phe đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Điểm yếu của thỏa thuận
Theo Al Jazeera, có một số vấn đề mà thỏa thuận Nga-Thổ không làm được.
Đầu tiên, thỏa thuận không buộc quân đội Syria từ bỏ các phần lãnh thổ chiếm được từ năm ngoái và rút về các khu vực được thiết lập theo thỏa thuận Sochi tháng 9/2018 - điều mà Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần kêu gọi.
Thay vào đó, thỏa thuận này còn công nhận hiện trạng mới trên mặt đất - tức là công nhận các phần lãnh thổ mà lực lượng Syria và dân quân đồng minh kiểm soát được từ tháng 12.
Thỏa thuận này không thực sự cung cấp một giải pháp lâu dài cho một triệu dân thường Syria đông đúc dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cho tổng dân số khoảng ba triệu người ở Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ đã không có được vùng đệm mà họ mong muốn để ngăn chặn làn sóng người tị nạn tiến về phía biên giới.
Cần phải lưu ý rằng, quân đội Syria chỉ muốn chiếm lấy cơ sở hạ tầng chiến lược của tỉnh Idlib, nhưng không muốn chứa chấp các phe nhóm đối lập cũng như các sắc dân tị nạn ở nơi khác đổ về đây. Syria muốn đẩy vấn đề này cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc bất cứ ai khác.
Thỏa thuận cũng bỏ qua một số vấn đề gây tranh cãi lớn như đường cao tốc M5 - nối Damascus với Aleppo - và tương lai của các trạm quan sát quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, vì hầu hết chúng đều nằm dưới các khu vực do chính quyền Damascus kiểm soát.
Thỏa thuận cũng không giải quyết được sự hiện diện của nhóm khủng bố Hay'et Tahrir al-Sham (HTS). Nga đã nhiều lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải có biện pháp khắc chế nhưng vẫn chưa thực hiện. Do đó, sự hiện diện của HTS ở tỉnh Idlib vẫn là một trong những mâu thuẫn chính giữa Moscow và Ankara.
Vào ngày 7/3, HTS tuyên bố sẽ không tuân thủ thỏa thuận này, giúp Nga có một cái cớ để nhắm mục tiêu vào phe đối lập.
Rõ ràng, cả Ankara và Moscow đều coi đây là một biện pháp tạm thời và chỉ cố gắng duy trì lệnh ngừng bắn càng lâu càng tốt để hai bên củng cố sức mạnh quân sự ở Idlib.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng thời gian tạm lắng chiến sự để tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh phương Tây. Ankara đã đưa ra ý tưởng mua hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất để tăng cường khả năng đối chọi với Nga.
Iran có khả năng phá hỏng thỏa thuận Nga-Thổ.
Mỹ có khả năng cho Thổ Nhĩ Kỳ mượn các hệ thống này trực tiếp hoặc thông qua NATO. Việc bán Patriot tại thời điểm này là không thể vì sự hiện diện của hệ thống S-400 của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ đã báo hiệu rằng việc chuyển giao hệ thống sang Thổ Nhĩ Kỳ không được cân nhắc, đặc biệt sau khi Tổng thống Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kích hoạt hệ thống S-400 vào tháng 4, có vẻ như Mỹ chỉ cung cấp hỗ trợ bằng lời nói và chia sẻ thông tin tình báo cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Không chỉ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ còn không có hỗ trợ thực sự từ châu Âu. Bằng cách dùng chiêu bài người tị nạn, Ankara muốn thúc đẩy châu Âu hỗ trợ nhiều hơn và gây thêm áp lực cho Nga để đưa ra một số nhượng bộ đối với Idlib. Ankara cũng hy vọng sẽ tạo ra áp lực quốc tế nhiều hơn cho vùng an toàn/vùng cấm bay ở Idlib.
Iran phá bĩnh
Vào ngày 15/3, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra chung trên đường cao tốc M4, nối Latakia đến Aleppo, mà một phần trong đó vẫn nằm trong khu vực do phe đối lập kiểm soát.
Tuy nhiên, cuộc tuần tra đầu tiên đã phải rút ngắn lộ trình do vấp phải sự khiêu khích của phiến quân. Việc hai bên có đẩy mạnh việc tuần tra hay không sẽ cho thấy cam kết chung đối với thỏa thuận này.
Trong khi đó, do tính chất mơ hồ, mong manh và bấp bênh của thỏa thuận này, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng giai đoạn tạm lắng trong cuộc xung đột để củng cố vị trí của mình về mặt quân sự nhằm chuẩn bị cho cuộc giao tranh tiếp theo.
Ngoài cuộc đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân Chính phủ, công chúng có thể chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các dân quân liên kết với Iran, vì Iran có khả năng nỗ lực làm suy yếu bất kỳ hiệp định song phương Nga-Thổ Nhĩ Kỳ nào.
Không giống như trận chiến Aleppo, ở Idlib, Moscow không cần Tehran và đã đàm phán riêng với Ankara. Điều này đã khiến giới lãnh đạo Iran không hài lòng và có thể sẽ tìm cách làm hỏng thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách khiêu khích Ankara. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích nào nếu như có sự đồng ý của Nga.
Nói cách khác, chỉ là vấn đề thời gian trước khi thỏa thuận một lần nữa hủy bỏ và giao tranh lại bắt đầu.
Theo Nguoiduatin
Chiến sự Syria: Bí mật trong kho vũ khí lớn của phiến quân mới được phát hiện ở Idlib Lực lượng quân đội Syria mới đây đã phát hiện một kho vũ khí của phiến quân để lại ở ngoại ô phía Nam tỉnh Idlib. Trong kho vũ khí này có nhiều lựu đạn hạng nặng, mìn, bệ phóng tên lửa và được phiến quân để lại khi chúng rút khỏi khu vực này. Theo AMN, lực lượng quân đội Syria mới...