Điểm nghẽn” thị trường bất động sản 2019
Đánh giá về thị trường bất động sản 2019, các chuyên gia cho rằng sẽ là một năm khởi sắc, tuy nhiên vẫn còn một số rào cản đang làm khó các doanh nghiệp.
Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường: Sửa một số điểm trong Luật đất đai 2013
“Năm 2018 thị trường phát triển tương đối tốt, không còn tình trạng bong bóng mà đã trở về quỹ đạo thực. Tiếp đà đó, năm 2019 sẽ là một năm tốt hơn năm 2018 rất nhiều, tuy nhiên trong năm tới chúng ta vẫn chưa có giải pháp gì tích cực hơn đối với phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, bởi đến thời điểm hiện tại chưa nhìn thấy nguồn ngân sách nào dành cho phân khúc này. Không có tiền, chúng ta sẽ không làm được.
Bên cạnh đó, với phân khúc nhà ở dành cho người nước ngoài sau khi các chính sách đối với người mua nhà đã được nới, tôi cho rằng phân khúc này sẽ phát triển tốt hơn nhiều so với năm 2018. Tuy nhiên, để hút các nhà đầu tư nước ngoài cần phải xem xét, sửa lại một số điểm trong Luật đất đai 2013 phù hợp với quyền sử dụng đất ở dành cho người nước ngoài. Nếu chúng ta chưa có các giải pháp cụ thể sẽ là rào cản, lãng phí lớn đối với đối tượng khách hàng ở phân khúc này.
Câu chuyện còn lại phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài, họ đã thực sự tin tưởng vào thị trường Việt Nam để mua hay không bởi thời gian vừa qua còn tình trạng một số nhà đầu tư tỏ ra băn khoăn, chưa tin cậy. Do đó, hy vọng năm 2019 sẽ có các giải pháp cụ thể hơn để họ tin tưởng đầu tư”.
Ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Còn một số điểm nghẽn
Video đang HOT
“Về thị trường bất động sản năm 2019, tôi cho rằng có 3 điểm nghẽn từ 2018 sẽ kéo dài sang 2019. Thứ nhất, xét về mặt thể chế, Việt Nam hội nhập ngày càng rộng, sâu hơn, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng tác động mạnh đến đời sống kinh tế, xã hội. Do đó, việc mở rộng các nguồn cấp vốn là rất cần thiết và phải có thể chế cho nó như tạo ra khuôn khổ thể chế về condotel, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, các loại hình thái khác.
Thứ hai, năm 2018 và 2019, chúng ta chưa thấy bóng dáng của các chính sách tài chính với thị trường bất động sản. Đặc biệt quỹ tín thác là giải pháp có thể tốt nhất cho thị trường bất động sản nhưng chưa được thực hiện.
Thứ ba, chúng ta mở cửa nhưng cần phải kiểm soát dòng tiền nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam, phải biết thế nào là đủ. Năm 2018, chúng ta đã vận dụng được nhưng 2019 phải trong tầm kiểm soát phù hợp”.
Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: Các chủ đầu tư chuẩn bị “ sức khỏe” tốt
“Tiếp đà của năm 2018, năm 2019 thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển tốt tuy nhiên thị trường vẫn còn đó một số những khó khăn.
Thứ nhất, việc Chính phủ đang thực hiện công tác rà soát lại rất chặt chẽ quá trình giao đất, sử dụng đất và đặc biệt là các tài sản đất công trên phạm vi diện rộng khắp cả nước điều đó đã tạo ra sự ảnh hưởng làm giảm nguồn cung đối với các dự án mới. Song, cũng qua việc làm này lại góp phần làm lành mạnh, trong sạch thị trường. Các dự án khi ra thị trường sẽ tốt hơn, tránh được các rủi ro cho người tiêu dùng, mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Một vấn đề nữa, đó là khó khăn về tín dụng. Trong thời gian qua, Nhà nước siết chặt tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản, gây khó khăn đối với một số chủ đầu tư, tuy nhiên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến thị trường bởi bản thân các chủ đầu tư đều có “sức khỏe” tốt.
So với Hà Nội, năm 2019, TP.HCM được đánh giá là thị trường tốt nhất trên cả nước. Nếu so sánh các con số thống kê năm 2018, chúng ta thấy hai thị trường TP.HCM và Hà Nội có nhiều nét tương đồng nhau, song về tổng lượng giao dịch thì TP.HCM cao gấp 2 lần thị trường Hà Nội, căn cứ trên tất cả các yếu tố như nhu cầu, tiềm lực… Đặc biệt, với các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam thì TP.HCM sẽ là khu vực có sức hút mạnh nhất. Do vậy, TP.HCM tiếp tục sẽ là đầu tàu phát triển kinh tế của Việt Nam”.
Theo Hồng Hương
Diễn đàn doanh nghiệp
Thị trường bất động sản gặp khó về tín dụng
Tại hội thảo Xu hướng và cơ hội Đầu tư của thị trường bất động sản do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức tại TPHCM ngày 11/12, các diễn giả cho biết, một trong những khó khăn lớn của thị trường bất động sản (BĐS) hiện nay là về tín dụng.
Nguồn cung căn hộ cao cấp đang dư thừa. Ảnh: Nguyễn Huế
Theo đánh giá của ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, thị trường BĐS năm 2018 tiếp tục phát triển ổn đinh, không có nhiều biến động, thể hiện qua sự ổn định về số lượng giao dịch và giá cả, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị tồn kho của thị trường BĐS còn khoảng gần 23.000 tỷ đồng. Cơ cấu hàng hóa của thị trường BĐS cũng được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, thị trường BĐS trong năm 2018 vẫn còn một số vấn đề cần lưu ý trong đó nổi bật là tình trạng lệch pha cung cầu. Nguồn cung nhà ở trung cao cấp hiện nay đang dư thừa trong khi rất thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp (hiện đang chiếm từ 70-80% nhu cầu thị trường). Riêng đối với phân khúc nhà ở xã hội tại khu vực đô thị đến nay mới chỉ hoàn thành được trên 3,9 triệu m2, mới chỉ đạt được khoảng 31% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 (12,5 triệu m2).
Nguyên nhân, theo ông Phấn là do việc phát triển nhà ở xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn tín dụng cho vay ưu đãi. Hiện nay, ngân sách mới chỉ bố trí cho ngân hàng chính sách xã hội 500 tỷ đồng. Số tiền này cũng chỉ để cho hộ gia đình cá nhân vay để mua thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo sửa chữa nhà ở. Còn các chủ đầu tư không có nguồn tài chính ưu đãi.
"Chính vì khó khăn này mà nguồn cung nhà ở xã hội còn rất hạn chế. Cũng do không có vốn cho vay mà theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện đang có 205 dự án nhà ở xã hội đang bị chậm tiến độ trong đó có nhiều dự án nhà ở xã hội đang đươc vay gói 30.000 tỷ đồng nay không được vay tiếp dẫn đến đình trệ việc đầu tư xây dựng", ông Phấn cho biết.
Tín dụng đang là 1 trong 7 điểm nghẽn của thị trường BĐS- theo nhận định của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA). Trong đó, đối với đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, sau khi kết thúc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, đến nay gần như vẫn chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014. Các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được chỉ định thực hiện chính sách nhà ở xã hội cũng chưa được cấp bù chênh lệch lãi suất theo Quyết định 18/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nên trên thực tế các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chưa tiếp cận được nguồn vốn cho vay ưu đãi này.
Đối với DN BĐS, theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, hoạt động kinh doanh BĐS cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Trong thời gian qua, các DN BĐS phụ thuộc rất lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Nhưng do nguồn vốn huy động tiết kiệm ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nên các ngân hàng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của thị trường BĐS.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có BĐS. Mức trần này sẽ giảm còn 40% kể từ 1/1/2019. Ngoài ra, từ đầu tháng 12/2018 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên của tất cả 31 ngân hàng thương mại đều tăng để cơ cấu lại nguồn vốn và để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn tín dụng. Trong đó, có đến 11 ngân hàng có mức lãi suất huy động tiết kiệm từ 8 - 8,6%/năm tác động làm tăng mặt bằng lãi suất cho vay đối với DN, nhà đầu tư và cả người mua nhà.
Từ góc độ DN, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cũng rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường BĐS năm 2019 sẽ là về tín dụng BĐS. Hiện các ngân hàng đang thu hồi các khoản cho vay BĐS. Đây không chỉ là khó khăn của DN mà còn là khó khăn của người mua nhà. Hiện lãi suất cho vay đã tăng 0,5%/năm và dự kiến sang năm 2019 sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, việc hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS cũng là việc làm cần thiết để thị trường BĐS phát triển ổn định vì thị trường BĐS nóng trong vài năm gần đây, nếu tiếp tục phát triển nóng thì sẽ nguy hiểm cho nền kinh tế...
Nguyễn Huế
Theo baohaiquan.vn
"Năm 2019, BĐS nghỉ dưỡng tăng bao nhiêu cũng không đủ, không cần lo bong bóng hay thừa cung, dư địa còn rất nhiều" Đây là nhận định của Giáo sư Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi nói về xu hướng của thị trường bất động sản năm 2019. Sáng 11/12/2018, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam sẽ tổ chức chương trình Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến về chủ đề "Thị trường bất động sản...