Điểm mặt 7 tàu Vinashinlines đang “chôn chân” xứ người
Hoành tráng, đắt tiền, hiện đại… Đó là những từ “có cánh” một thời dành cho 7 con tàu trị giá hàng nghìn tỷ đồng, được coi là “con cưng” của Vinashinlines. Nay 7 con tàu bỗng chốc trở thành 7 con nợ, phải “chôn chân” ở xứ người vì làm ăn thua lỗ.
Theo báo cáo tình trạng các tàu bị bắt giữ của Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines), ngoại trừ tàu Hoàng Sơn, tổng nợ (gồm nợ lương và tiền ăn) công ty này phải cho thủy thủ của 6 tàu đang neo tại nước ngoài tính đến ngày 2/1/2013 là gần 12,6 tỉ đồng.
Dưới đây là thực trạng 7 tàu “con cưng” của Vinashinlines bị bắt giữ và lay lắt vì nợ nần:
1. Tàu Hoa Sen
Tàu Hoa Sen cùng 9 thủy thủ đang neo tại nhà máy Xinya – Trung Quốc. Tàu bị công ty Five Star Marine bắt giữ và đang đòi số tiền bồi thường hơn 58.200 USD.
Năm 2007, Vinashin mua tàu Hoa Sen từ Ý với giá 60 triệu Euro (tương đương với 1.300 tỉ đồng) nhằm mục đích khai thác vận tải du lịch biển. Tuy nhiên, sau hàng chục chuyến hành hải toàn lỗ, Vinashin đã cho dừng khai thác con tàu này.
Tàu chở khách Hoa Sen có giá 1.300 tỉ đồng thời điểm Vinashin mua năm 2007
Năm 2010, tàu Hoa Sen được chuyển giao từ Vinashin sang Vinalines. Ít lâu sau, Vinashinlines cho một đối tác ở Trung Quốc thuê định hạn với mức giá là 16.500 USD/tháng, nhưng phi vụ làm ăn này bất thành. Và từ năm 2011 đến nay, tàu Hoa Sen bị đối tác Trung Quốc bắt giữ.
Vinashinlines cho biết, trước ngày 1/1/2013, tàu Hoa Sen trong tình trạng nhiều tháng không có nhiên liệu để chạy máy, cũng nhiều tháng Vinashin không thu xếp được tài chính để cấp tiền ăn cho tàu nên thủy thủ phải cầm cự duy trì sự sống. Tòa án tại Dalian đã có thông báo sẽ tiến hành phát mãi tàu.
2. Tàu Sea Eagle
Tàu Sea Eagle được đóng năm 1981 tại Nhật với trọng tải hơn 65.000 DWT. Từ năm 2008, tàu Sea Eagle bị lưu giữ ở tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc, trên tàu hiện có 9 thủy thủ. Vinashinlines đang nợ tiền sửa chữa của nhà máy Longshan.
Hiện tàu không còn khả năng tự vận hành, các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm của tàu đã hết hiệu lực từ lâu. Do không có nguồn thu nên Vinashinlines không có khả năng thu xếp tài chính để chu cấp tiền nhiên liệu, tiền sinh hoạt và trả lương cho thủy thủ. Riêng nước ngọt thì tàu vẫn được nhà máy Longshan hỗ trợ.
3. Tàu New Phoenix
Video đang HOT
New Phonenix có trọng tải 9.606 DWT mang quốc tịch Panama, neo tại Đại Liên – Trung Quốc từ tháng 9/2012 cùng với 15 thủy thủ. Tàu đang chờ kế hoạch sửa chữa và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Gần đây, tình trạng tàu được xác nhận là không có nhiên liệu, nước ngọt, thực phẩm do Vinashinlines không có tiền chuyển cho tàu và nợ lương thủy thủ đã hơn 1 năm. Thủy thủ sống trên tàu rất khổ cực dưới thời tiết lạnh giá (nhiệt độ xuống dưới -15 độ C) và phải đun nước đá đóng băng để có nước uống
4. Tàu Cái Lân 4
Tài Cái Lân 4 được đóng tại Việt Nam vào năm 2006, tàu có trọng tải gần 9.000 DWT. Tàu Cái Lân 4 bị bắt giữ tại cảng Kolkata – Ấn Độ từ đầu năm 2012 cùng 22 thủy thủ do nợ hơn 163.300 USD tiền nhiên liệu của một nhà cung cấp tại Singapore.
Cũng giống như các tàu khác, các thuyền viên trên con tàu này cũng bị nợ lương nhiều tháng và phải chịu cảnh sống không nước ngọt, không thực phẩm.
Tàu Cái Lân 4 đóng tại Việt Nam năm 2006
5. Tàu New Horizon
New Horizon là tàu chở hàng đóng tại Nhật Bản năm 1986 với trọng tải 9.606 DWT. Tàu New Horizon bị tòa án bắt giữ tại cảng Karachi cùng 20 thủy thủ do hàng hóa bị hư hại trong quá trình vận chuyển và bị khiếu kiện số tiền đền bù là 500.000 USD. Sau khi thuê giám định lại, số tiền bồi thường được giảm xuống còn 105.000 USD, tuy nhiên do Vinashinlines không có tiền thanh toán nên tàu bị bắt giữ. Chính quyền cảng Karachi đã đuổi tàu ra khỏi khu neo trong tình trạng không có nhiên liệu để chạy máy lạnh thực phẩm. Do Vinashinlines không nhanh chóng giải quyết nên New Horizon bị tòa án tại Karachi phát mãi kể từ ngày 2/1/2013.
6. Tàu Diamond Way
Tàu Diamond Way được đóng năm 1988 tại Nhật Bản với trọng tải 13.266 DWT. Tàu đang được cho thuê định hạn nhưng người thuê tàu cắt hợp đồng vì phải chờ tàu sửa chữa quá lâu tại Jebel Ali – UAE (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất). Trên tàu hiện có 19 thủy thủ. Chính quyền cảng đang gây sức ép với tàu, phía tòa án Pakistan thông báo nếu không sớm giải quyết tranh chấp thì sẽ thực hiện phát mãi theo luật.
Do phải sống trong tình trạng không thực phẩm, nước ngọt, nhiên liệu nên thủy thủ tàu Diamond Way đã nhiều lần gửi điện báo, gửi thư về Việt Nam kêu cứu.
Vinashinlines đã làm việc với chính quyền cảng và Cục lãnh sự quán Việt Nam tại UAE để thu xếp cho 9 thủy thủ về nước trong đợt 1 nhưng do không lo được chi phí hồi hương cho anh em nên đã có công văn đề nghị Cục lãnh sự quán Việt Nam tại UAE hỗ trợ.
Tàu Diamond Way giờ đã han gỉ
7. Tàu Hoàng Sơn 28
Hoàng Sơn 28 được đóng năm 1980 tại Nhật Bản với trọng tải 31.503 DWT. Tàu đang neo tại Ấn Độ.
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Vinalines cho biết hiện tàu Hoàng Sơn 28 vẫn có thể cho thuê chạy định mức nên anh em thủy thủ trên tàu vẫn có tiền ăn và chi phí sinh hoạt.
Hiện Vinashinlines đang quản lý đội tàu gồm 16 chiếc, trong số đó chỉ có 2 tàu đang cho thuê định hạn, cho thuê tàu trần là Great Ccean (630 triệu/tháng) và Vinashin Liner 1 (1,1 tỷ đồng/tháng), tuy nhiên doanh thu của các tàu này đều phải cấn trừ công nợ chứ không được mang về két của Vinashinlines.
Các tàu còn lại của Vinashinlines đều đang chờ kế hoạch sửa chữa, khai thác. Đặc biệt, có 6 tàu đang trong tình trạng bị bắt giữ và lưu giữ ở nước ngoài do tranh chấp hàng hóa và hợp đồng khai thác, nợ nhà cung cấp nhiên liệu, vật tư.
Theo Vinashinlines, vì toàn bộ doanh thu hiện nay đều đã phải cấn trừ nợ với người thuê tàu nên không có tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ cho các thủy thủ đoàn trên tàu đang bị bắt giữ và chờ kế hoạch khai thác.
Những lời cầu viện của các thủ thủy từ nước ngoài liên tục được gửi về Việt Nam. Họ chia sẻ rằng cuộc sống ở nơi đất khách quê người vô cùng khó khăn và mệt mỏi.
Được biết, số tiền ứng vay 200 tỉ đồng của Chính phủ vừa được giải ngân nên đã giúp Vinashinlines có nguồn để gửi tiền ăn và chi phí sinh hoạt hàng tháng cho các thủy thủ, lộ trình bán tàu dự kiến đến hết tháng 6/2013.
Theo Dantri
Các thuyền viên tàu Hoa Sen kêu cứu
Thiếu lương thực, nước ngọt, nhiên liệu và bị cô lập với bên ngoài... Đó là hoàn cảnh khốn khó của các thuyền viên trên tàu Hoa Sen (thuộc công ty Vinashinlines) đang neo đậu tại Trung Quốc kêu cứu về Việt Nam để mong nhận được sự hỗ trợ.
Phản ánh tới Dân trí, các thuyền viên tàu Hoa Sen cho biết họ đã làm việc tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) được 14 tháng, có những người là 18 tháng, nhưng mới chỉ được nhận duy nhất 1 tháng lương.
"Công ty không gửi tiền ăn cho tàu, anh em phải húp cháo và ăn mì tôm hàng tuần liền, một số anh em thuyền viên nhờ người nhà gửi tiền sang cho vay để ăn tạm. Thiếu nhiên liệu (máy phát điện chỉ chạy theo giờ để nấu cơm), thiếu nước ngọt, thiếu tiền ăn, thiếu sự quan tâm từ công ty, điều kiện thời tiết thì khắc nghiệt (mùa hè thì rất nóng và mùa đông nhiệt độ xuống âm độ), đặc biệt do tàu neo đậu rất xa bờ nên chúng tôi luôn bị cô lập với thế giới bên ngoài..." - các thuyền viên nói về hoàn cảnh sống hiện tại.
Do tàu neo đậu ở xa nên các thuyền viên như bị cô lập với bên ngoài
Cũng phải nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên các thuyền viên trên tàu Hoa Sen gửi lời kêu cứu về Việt Nam. Lí do kêu cứu nhiều lần được các thuyền viên nhấn mạnh vì suốt thời gian hơn 1 năm qua phải sống và làm việc trong điều kiện hết sức tồi tệ, nhưng công ty lại thiếu trách nhiệm và không quan tâm tới anh em thuyền viên đang ở nơi xa xứ.
"24 Tết năm 2011 chúng tôi nhận công tác lên tàu đi Trung Quốc, nhưng trong lúc khó khăn nhất, lúc chúng tôi cần công ty nhất thì Phó Tổng Giám đốc công ty gửi mail sang cho tàu hồi tháng 9/2012 với nội dung biết anh em gặp nhiều khó khăn, nhưng công ty không có nguồn thu nào nên không thể giúp được anh em. Chúc anh em tai qua nạn khỏi. Chúng tôi đã gửi rất nhiều đơn đề nghị công ty thay người nhưng hầu như không nhận được hồi âm, hoăc chỉ là những lời hứa suông. Một số lãnh đạo công ty trả lời anh em cố gắng ở lại tàu khi nào bán được và về thì sẽ trả đủ lương." - các thuyền viên cho hay.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quế Dương - Tổng Giám đốc Vinashinelines thừa nhận vì chưa có nguồn nên việc nợ lương của anh em thuyền viên là có thật, nhưng về hoàn cảnh hiện tại của anh em thuyền viên thì theo ông Dương mọi việc không đến mức quá bi đát.
"Chúng tôi vừa chuyển tiền ăn và phí sinh hoạt cho một số tàu đang neo đậu ở nước ngoài hồi đầu tuần này, trong đó có tàu Hoa Sen. Nếu anh em chưa nhận được tiền thì chúng tôi sẽ kiểm tra lại" - ông Dương khẳng định.
Cũng theo ông Dương, các tàu của Vinashinlines neo đậu ở nước ngoài được Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, vì thế hàng tháng chúng tôi vẫn gửi tiền cho anh em thuyền viên.
Các thuyền viên tàu Hoa Sen cho biết đời sống hiện tại vô cùng khó khăn
Được biết, Vinashinlines đã trình các phương án bán tàu Hoa Sen nhưng chưa được duyệt. Lãnh đạo công ty này cho hay khi tàu được bán thì những vấn đề liên quan cũng sẽ được giải quyết.
Trước đó, ngoài tàu Hoa Sen, Dân trí cũng nhận được phản ánh của thuyền viên trên một số tàu của Vinashinlines như: Diamond Way - đang mắc kẹt ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, New Phoenix đang neo đậu ở Đại Liên (Trung Quốc)...
Theo Dantri
Y án 20 năm tù với cựu chủ tịch Vinashin TAND Tối cao xét thấy không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và mức tiền bồi thường (hơn 500 tỷ đồng) cho bị cáo Phạm Thanh Bình nên giữ nguyên phán quyết của án sơ thẩm. Cấp phúc thẩm tiếp tục tuyên ông Bình phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu...