Điểm mạnh, yếu trong tranh luận của Trump và Clinton
Trong khi thế mạnh của bà Clinton là khả năng truyền tải thông điệp hiệu quả thì tỷ phú Trump lại chiếm ưu thế về kỹ thuật khuấy động và thu hút đám đông.
Trước thềm cuộc tranh luận đầu tiên vào tối ngày 26/9 (sáng mai theo giờ Việt Nam), cả hai ứng viên tổng thống là cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump đều chưa tỏ ra có ưu thế vượt trội trước đối thủ, theo AFP.
Hai người đã công kích nhau suốt cả năm qua song chưa từng một lần đối đầu trực tiếp trên cùng một diễn đàn. Điều này chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố hấp dẫn nhất trong cuộc đối đầu, dự kiến thu hút sự theo dõi của hàng chục triệu người Mỹ.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: AP
Theo Mitchell McKinney, giáo sư truyền thông chính trị tại Đại học Missouri, các khán giả truyền hình theo dõi tranh luận thường có xu hướng thích các ứng cử viên có khả năng chuyển tải quan điểm của mình chỉ bằng một vài câu đơn giản, hấp dẫn và đáng nhớ.
Bà Clinton có thế mạnh ở điểm này. Là người có thâm niên kinh nghiệm và hiểu biết sâu về các vấn đề chính trị Mỹ, nữ ứng viên đảng Dân chủ có các kỹ năng truyền tải thông điệp hiệu quả và sâu sắc.
“Nếu bạn muốn biết những thông điệp mà cựu Ngoại trưởng Mỹ mong muốn cử tri ủng hộ bà chia sẻ trên Twitter và mạng xã hội, hãy chú ý đến những câu nói mà bà sẽ nhắc lại nhiều lần trong cuộc tranh luận”, chuyên gia McKinney nhận định.
Tuy nhiên, nhà cố vấn truyền thông Carmine Gallo đánh giá hạn chế của bà Clinton nằm ở khả năng kết nối một cách thân mật để tranh thủ tình cảm của các nhóm cử tri. Bản thân cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ từng thừa nhận bà không có được sức thu hút như chồng bà, ông Bill Clinton, hay của đương kim Tổng thống Barack Obama. Hơn một nửa người Mỹ hiện đánh giá bà là người không đáng tin cậy.
Trong cuộc đua trở thành ứng viên Tổng thống chính thức vào năm 2008, bà Clinton đã thể hiện mình là một “người đàn bà thép” cứng rắn. Lần này, bà khẳng định vai trò tiên phong trong việc bảo vệ quyền phụ nữ, nỗ lực mang lại cảm giác thân thiện, dễ gần trong vai trò một người bà trong gia đình.
Video đang HOT
Nhưng theo các chuyên gia, bà sẽ không dễ dàng xóa bỏ hình ảnh đã in đậm trong dư luận Mỹ suốt 25 năm qua, chỉ trong 90 phút tranh luận.
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters
Về phía ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, chuyên gia Galo cho rằng tỷ phú bất động sản đang kết nối với các cử tri ủng hộ khá sâu sắc về tình cảm. Điều này khiến họ ít có khả năng đảo ngược ý kiến để chống lại ông, bởi tình cảm thường đóng vai trò quan trọng hơn so với các yếu tố tác động khác.
Về mặt này, ông trùm bất động sản theo chủ nghĩa dân túy, từng là một người dẫn chương trình truyền hình thành công này đang có ưu thế rõ ràng. Không một ứng cử viên nào trong chiến dịch tranh cử, kể cả thượng nghị sĩ Dân chủ Bernie Sanders, có thể địch nổi khả năng khuấy động đám đông hàng nghìn người của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Trump đã không thể chủ động vượt lên trong cả 12 cuộc tranh luận ở trong đảng Cộng hòa trước đó. Ban đầu, tỷ phú bất động sản chỉ đứng sang một bên để cho các ứng cử viên khác công kích nhau. Trong các buổi tranh luận cuối, khi chỉ còn lại một vài đối thủ, ông thường dùng những câu nói cay độc hoặc đặt những biệt danh chế giễu để công kích đối thủ.
“Tại các cuộc tranh luận sơ bộ, nơi có tới 10 ứng viên tham gia, ông Trump chỉ thi thoảng phát biểu. Trong 90 phút tới đây, tỷ phú bất động sản phải đăng đàn một nửa thời gian, nên nhiều khả năng ông ấy không thể lấp kín chỉ bằng những lời nói bông đùa”, chuyên gia McKinney đánh giá.
Ngoài ra, đội ngũ tranh cử của bà Clinton đang lo ngại khả năng người dẫn chương trình, Lester Holt của NBC, sẽ đưa ra những câu hỏi dễ trả lời về phía ông Trump trong khi lại gây áp lực cho bà Clinton bằng những câu chất vấn hóc búa hơn.
Đa số cử tri đã có sự lựa chọn của mình trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 8/11 tới, và loạt ba cuộc tranh luận có lẽ chỉ giúp họ củng cố thêm cho quyết định của mình. Tuy nhiên, các cuộc tranh luận này có thể có tác động tới số cử tri chưa có quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai, hiện chiếm tới 9% tổng cử tri. Vì thế cả hai ứng viên sẽ phải quyết tâm rất lớn.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Điều gì xảy ra nếu một ứng viên từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng
Các điều luật của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều quy định rằng một cuộc họp khẩn cấp sẽ được triệu tập để tìm kiếm người thay thế trong trường hợp có ứng viên bỏ cuộc.
Hillary Clinton vẫy tay trước căn hộ của con gái, sau khi phải ra về sớm lễ tưởng niệm vụ 11/9. Ảnh: AP
Việc ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton ngã quỵ và phải đột ngột ra về khi đang dự lễ kỷ niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9 đã khiến dư luận Mỹ phải đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe của cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng như khả năng bà không thể tiếp tục cuộc đua vào Nhà Trắng, theo AFP.
Trong hiến pháp Mỹ, không có điều luật nào hướng dẫn quy trình xử lý trường hợp một ứng viên không thể tiếp tục tham gia cuộc bầu cử tổng thống, nên các đảng sẽ tùy theo quy định, lựa chọn người thay thế phù hợp.
Khoản 2 điều 7 trong văn bản dưới luật của đảng Dân chủ quy định Ủy ban Quốc gia của đảng này chịu trách nhiệm giới thiệu người mới vào chỗ trống. Theo đó một cuộc họp đặc biệt sẽ được chủ tịch ủy ban triệu tập để xử lý vấn đề về ứng viên, và quyết định sẽ dựa trên đa số phiếu thành viên tham dự cuộc họp.
Điều 9 trong bộ quy định của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa quy định nếu ứng viên tổng thống và phó tổng thống không thể tiếp tục chiến dịch tranh cử vì bất cứ lý do gì thì hội nghị toàn quốc của đảng hoặc bản thân Ủy ban Quốc gia của đảng sẽ được triệu tập để tìm người thay thế. Ứng viên mới này sẽ phải trải qua các đợt bỏ phiếu sơ bộ ở từng bang.
Khi Ủy ban Quốc gia bỏ phiếu chính thức, các thành viên của ủy ban đại diện cho một bang nào đó được quyền bỏ cùng số lượng phiếu mà bang đó có quyền bỏ tại hội nghị toàn quốc.
Trong lịch sử, chỉ có duy nhất trường hợp ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, Thomas Eagleton buộc phải rút lui khỏi cuộc đua năm 1972 vì thừa nhận mình từng phải nhập viện điều trị chứng trầm cảm. Theo đề nghị của ứng viên tổng thống khi đó là George McGovern, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ nhóm họp và bầu Sargent Shriver thay thế.
Khả năng bà Clinton bỏ cuộc?
Hillary Clinton (áo xanh) trượt chân bên ngoài một tòa nhà ở North Charleston. Ảnh: Reuters
Theo Telegraph, những thuyết âm mưu về tình trạng sức khỏe của bà Clinton đã xuất hiện từ tháng 12/2012 khi bà đột ngột bị chấn động não và ngất trong một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ. Sau đó, bà được chẩn đoán là mắc chứng nghẽn mạch máu và thường xuyên phải uống thuốc để làm loãng các cục máu đông.
Hình ảnh cựu ngoại trưởng Mỹ ngã quỵ vì viêm phổi trong lễ tưởng niệm ngày 11/9 cộng với hồ sơ y tế không mấy sáng sủa càng làm dấy lên rất nhiều câu hỏi về việc ai có thể thay thế bà trở thành đối thủ của ông Trump trong trường hợp bà phải bỏ cuộc giữa chừng.
Các chuyên gia phân tích nhận định cơ hội dành cho ông Tim Kaine, ứng viên phó tổng thống của đảng Dân chủ là rất thấp, trong khi đối thủ cùng đảng với bà Clinton là thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng không có nhiều tiềm năng.
Người có khả năng cao nhất có thể thay thế được cựu ngoại trưởng Mỹ là Phó tổng thống Joe Biden, người trước đó từng được giới phân tích đánh giá có thể thay thế bà Clinton, khi bà đang vướng vào các rắc rối pháp lý liên quan đến vụ rò rỉ email mật từ thời còn làm ngoại trưởng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia uy tín vẫn nhận định rằng khả năng ứng viên đảng Dân chủ từ bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng do những lý do sức khỏe là rất thấp.
"Nếu bà Clinton bỏ cuộc thì cuộc đua năm nay sẽ trở thành kỳ bầu cử điên rồ. Tôi sẽ không bất ngờ nhưng tôi hy vọng điều đó không xảy ra", giáo sư chính trị Jeanne Zaino, thuộc trường cao đẳng Iona, New York nhận định.
"Tôi không tin bà Clinton bỏ cuộc, bệnh của bà ấy hoàn toàn có thể chữa khỏi", David Lublin, giáo sư về chính phủ học thuộc Đại học Mỹ khẳng định.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Cỗ máy kích động thịnh nộ của Hillary Clinton Shareblue, một tổ chức ủng hộ Hillary Clinton, sẵn sàng khuấy động cơn thịnh nộ trong dư luận khi truyền thông đưa tin chèn ép hoặc tiêu cực về bà. Peter Daou (trái) và David Brock tại văn phòng của Shareblue ở New York. Ảnh:New York Times Ngay trước 19h30 ngày 13/9, một dòng bình luận trên mạng xã hội Twitter xuất hiện,...