Điểm khác biệt trong chiếc vali hạt nhân của Obama
Chiếc vali hạt nhân của đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện đại hơn rất nhiều so với công cụ răn đe mà các ông chủ Nhà Trắng tiền nhiệm từng sử dụng.
Lịch sử của Vali hạt nhân
Một sĩ quan của quân đội luôn mang chiếc vali hạt nhân bên cạnh Tổng thống Mỹ. Ảnh: AFP
Mỹ là quốc gia đầu tiên sở hữu vũ khí hạt nhân và cũng là nơi khai sinh chiếc vali hạt nhân đầu tiên. Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Tổng thống John F. Kennedy lo ngại những phần tử cực đoan trong giới lãnh đạo Mỹ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Liên Xô mà không được sự chấp thuận của ông. Ngoài ra, JFK cũng muốn mình có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân chiến lược ở mọi nơi, do đó vali hạt nhân ra đời.
Trong quá khứ, một sĩ quan quân đội Mỹ luôn mang chiếc vali hạt nhân có biệt danh “The Football” bên cạnh tổng thống Mỹ dù ông chủ Nhà Trắng đang ở trong nước hay công du nước ngoài. Bên trong chiếc cặp là mã cần thiết để phóng vũ khí hạt nhân chiến lược vào danh sách các mục tiêu được thiết lập từ trước. Một số nguồn tin cho biết, vali hạt nhân được làm bằng chất liệu titan siêu chắc, nặng 18 kg, kích thước 45×35x25 cm. Nó được khóa mật mã và luôn ở bên tổng thống Mỹ.
Theo một số nguồn tin, vali hạt nhân bằng titan siêu chắc nặng 18 kg, kích thước 45×35x25 cm. Ảnh: White House
Những gì đựng bên trong vali hạt nhân chưa bao giờ được chính phủ Mỹ công bố. Tuy nhiên, người ta cho rằng nó chứa các thiết bị phát sóng vệ tinh và tài liệu, giúp tổng thống Mỹ đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân vào mục tiêu nào. Mỗi chuỗi mã phóng ứng với một hoặc một loạt vũ khí hạt nhân nhằm vào các mục tiêu đã định trước.
Để khởi động một cuộc tấn công hạt nhân, tổng thống Mỹ phải xác nhận danh tính bằng cách sử dụng mã số in trên tấm thẻ nhựa mà ông chủ Nhà Trắng luôn mang bên mình. Tấm thẻ này có biệt danh là “The Biscuit”. Tuy nhiên, “The Football” và “The Biscuit” đã trở lên lỗi thời và thiếu an toàn, gây cản trở khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Video đang HOT
Vali hạt nhân của Tổng thống Obama
Ngày nay, Tổng thống Barack Obama có khả năng cập nhật mã phóng vũ khí hạt nhân trên trang web đặc biệt của Nhà Trắng thông qua Internet. Các chuyên gia an ninh mạng hàng đầu của Mỹ đảm trách nhiệm vụ ngăn những tên tin tặc tiếp cận chuỗi mã phóng. Trong khi đó, Tổng thống Obama buộc phải sử dụng chữ ký trên võng mạc để mở hệ thống này.
Chiếc vali hạt nhân của Tổng thống Obama có rất nhiều điểm khác biệt. Ảnh: White House
Hệ thống mới của Nhà Trắng vẫn đảm bảo Tổng thống Mỹ là người duy nhất có khả năng tiếp cận mã phóng. Nó hoạt động song song cùng với Hệ thống kiểm soát và chỉ huy chiến tranh mạng, giúp Tổng thống Obama có công cụ đắc lực nhằm đảm bảo an toàn cho nước Mỹ trước nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Dù vẫn mang hình dáng của một chiếc vali nhưng thiết bị bên trong đã được thay mới rất nhiều. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng không cần giữ bên mình chiếc thẻ nhựa chứa mã định danh mà thay vào đó là phương pháp quét võng mạc hiện đại. Công nghệ tiên tiến của Mỹ giúp chiếc vali luôn được kết nối Internet để ông Obama có thể truy cập trang web chứa mã phóng ở mọi nơi trên thế giới.
Theo Tri Thức
Tổng thống Nga đầu tiên và chiếc "vali hạt nhân"
Chiếc "vali hạt nhân" không đơn thuần chỉ là một trung tâm di động để tổng thống đưa ra quyết định hành động tấn công vũ khí hạt nhân ở bất cứ nơi nào trên thế giới, mà nó còn là biểu tượng cho quyền lực tối cao của người đứng đầu nhà nước. Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiếc vali này được Tổng thống đầu tiên của Nga B Yeltsin, một người có cá tính đặc biệt, tiếp nhận và quản lý như thế nào vẫn luôn nhận được sự quan tâm của công chúng.
"Nếu có rắc rối, gọi cho tôi!"
M. Gorbachev đã từ bỏ "ngai vàng" Điện Kremli ngay sau khi kết thúc bài phát biểu trên truyền hình vào ngày 25/12/1991. Nguyên soái E. Shaposhnikov, Bộ trưởng Quốc phòng đã được Tổng thống Yeltsin cho biết trước về bài phát biểu này. Ngay từ thời điểm đó, Yyeltsin và Shaposhnikov thỏa thuận với nhau sẽ cùng đến Điện Kremli để nhận chiếc "vali hạt nhân" của Gorbachev.
Thời điểm chuyển giao "cây vương trượng" hạt nhân của Gorbachev cho Yeltsin là đoạn kết huy hoàng mà Yeltsin đã chờ đợi từ lâu. Yeltsin đã sốt sắng ngồi vào chiếc "ngai vàng" cao quý đến nỗi bất chấp mọi logic sơ đẳng. Ngay từ trước khi Gorbachev có bài phát biểu từ chức vài ngày, B.Yeltsin đã ký mọi tài liệu cứ như đang có trong tay mình "những hợp phần kỹ thuật" để điều khiển các lực lượng hạt nhân chiến lược.
Khi các tài liệu này được chuyển tới Điện Kremli, nhìn thấy bản viết tay của Yeltsin, Gorbachev đã tái mặt nói rằng, mình không có ý định lao đầu vào địa ngục và chỉ đặt bút ký sau khi đã tuyên bố từ bỏ mọi quyền hành của Tổng thống Liên Xô.
M. Gorbachev và B. Yeltsin (phải) vào tháng 8/1991.
Ngay sau bài phát biểu trên truyền hình của Gorbachev, Yeltsin đã liên lạc với Shaposhnikov bằng điện thoại và nói rõ: "Tôi không thể đến chỗ Gorbachev được, cậu đi một mình nhé". Vì sao ông ta không thể hay không muốn, Yeltsin không giải thích. Như vậy, ông ấy tự từ bỏ việc tiếp nhận sự đầu hàng của đối thủ đã bị đánh bại. Điều này không giống với Yeltsin vì trong những thú vui như thế, ông ta không bao giờ từ chối. Sự can đảm đến kệch cỡm mà Yeltsin đã thể hiện vào tháng 8/1991 đối với Gorbachev là không cần thiết.
Trước ống kính của hàng chục máy quay truyền hình, trước toàn thế giới, với nụ cười ác ý, Yeltsin chỉ tay vào bản dự thảo Sắc lệnh về cấm Đảng Cộng sản Liên Xô trước mặt Gorbachev và yêu cầu phải ký ngay lập tức. Tại thời điểm đó, ngay cả những người không thích Gorbachev cũng cảm thấy thương hại cho ông ta. Còn những người ủng hộ Yeltsin hẳn cũng cảm thấy xấu hổ vì thần tượng của mình đã có hành động nhạo báng, nếu không nói là "cố ý hạ nhục" Tổng thống Liên Xô.
Sau khi nghe hết lời từ chối đến Kremli của Yeltsin, Shaposhnikov vô cùng lo lắng và đã trình bày: "Thưa Tổng thống, đây là vấn đề tế nhị, rất mong chúng ta cùng đi. Hơn nữa, tôi không biết liệu Gorbachev có chuyển tất cả "tài sản" cho tôi khi tôi đến có một mình?". Ngay lập tức, Yeltsin đáp: "Cứ đi đi, nếu có rắc rối, gọi cho tôi!".
Cuối cùng, mặc dù còn băn khoăn, day dứt, Nguyên soái Shaposhnikov cũng đã đến Kremli. Do nhận thức được tầm quan trọng của sứ mệnh lịch sử mà Yeltsin bất ngờ trao cho mình, nên Shaposhnikov lo lắng tự hỏi: "Liệu người ta có chuyển cho mình không? Đây là trò đùa chăng? Tổng thống Nga không muốn tự tay nhấn nút vali hạt nhân của đất nước!".
Chiếc "vali hạt nhân" của Tổng thống Nga.
Shaposhnikov mới vào đến cổng Borovitsk của Điện Kremli, các sĩ quan, những người được mệnh danh là "cái gì cũng biết", trong ca trực ở Sở Chỉ huy trung tâm của Bộ Tổng tham mưu đã sôi nổi bàn tán với nhau tin tức giật gân này. Họ đã đưa ra những nhận xét cay độc, có người còn nói rằng "dưới thời những người dân chủ, nguyên soái sẽ làm phu khuân vác".
Ở Bộ Tổng tham mưu, vào buổi chiều hôm ấy, nhiều người đã nát óc để giải đáp điều bí ẩn: phải chăng đây là tính kiêu ngạo điển hình của Yeltsin nhằm hạ thấp Gorbachev, hay là ông ấy vẫn chưa thoát khỏi chứng cồn cào ruột gan do bị say rượu sau bữa tiệc mừng đã ký được thỏa thuận giải tán Liên Xô ở Belarusia.
Về chuyện Shaposhnikov một mình đến Kremli, các sĩ quan ở Bộ Tổng tham mưu đã có nhận xét chua cay rằng nếu như Gorbachev chuyển giao chiếc "vali hạt nhân" cùng với một thùng dưa chuột muối (làm mồi để uống rượu), thì chắc Yeltsin sẽ đích thân đến...
Ma lực "cây vương trượng"
Yeltsin đã không chỉ một lần bị ốm nặng, phải nhập viện và không thể thực hiện được chức trách của Tổng thống. Khi cơn đau làm ông ta mê man, thậm chí có lúc đã xuất hiện tình trạng mong manh giữa sự sống và cái chết, Tổng thống Nga vẫn không chuyển giao cho bất cứ ai hai điều - quyền lực và chiếc "vali hạt nhân". Tổng thống đã nằm trên bàn mổ, còn "bộ sậu" của mình trong Kremli lại thì thầm với nhau về việc phải làm gì với chiếc "vali hạt nhân", có người kín đáo đề nghị nên tạm thời chuyển nó cho Thủ tướng Chernomyrdin, nhân vật thứ hai ở nước Nga.
B. Yeltsin và chiếc vali hạt nhân
Nhưng, về vấn đề này đã có nhiều ý kiến cho rằng nếu tình hình bất lợi, Thủ tướng "có thể dính vào cái nút bấm hạt nhân chặt đến nỗi không thể rời ra được" thì sao? Bởi vì mọi người đều hiểu: "Ai sở hữu mật mã mở khóa kho vũ khí hạt nhân, người đó nắm toàn bộ quyền lực".
Khác với các cường quốc hạt nhân khác, ở Nga cho đến tận lúc ấy vẫn chưa có một văn bản luật xác định quy trình chuyển giao chiếc "vali hạt nhân" cho người sẽ thực hiện chức trách nguyên thủ quốc gia trong trường hợp Yeltsin không thể đảm đương được. Trong khi đó ở Mỹ, thủ tục này đã có, người ta đã xác định đến người thứ 14, cho đến tận Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp.
Trên thực tế, Thủ tướng Chernomyrdin cũng được nắm quyền lực và nút bấm hạt nhân trong một khoảng thời gian ngắn khi tim của Yeltsin được cho là ngừng đập dưới sự giám sát của bác sĩ phẫu thuật người Mỹ DeBakey. Nhưng ngay sau khi Yeltsin vừa mới tỉnh lại, Chernomyrdin đã ngay lập tức trả lại cho cho ông những "đồ đạc quý giá nhất". Việc nắm giữ những thứ đó thật sự nguy hiểm vì luôn bị "bộ sậu" của Tổng thống giám sát chặt chẽ, vì việc họ giữ gìn nó, cũng là để bảo vệ chính họ.
Tháng 1/1999, Yeltsin lại một lần nữa được đưa vào Bệnh viện Trung ương Kremli và phải ngừng điều hành đất nước. Lại một lần nữa ông ấy "quên" chuyển giao quyền lực và chiếc "vali hạt nhân" cho Thủ tướng Primakov, tất cả những thứ đó đã cùng với ông ta nằm trên giường bệnh
Hoàng Tuất (theo ANTG, Komsomol. Pravda)