Điểm hẹn cà phê cuối tuần ở Đà Lạt
Tận hưởng không gian yên tĩnh trong những quán cà phê mang hồn của phố núi như Cung Tơ Chiều, Đường Lên Trăng… sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn cái đẹp của Đà Lạt.
Cung Tơ Chiều
Ẩn mình trên một quả đồi cạnh đường lên Dinh 3, ngoài tấm bảng gỗ Cung Tơ “Vui lòng nói chuyện nhỏ hơn tiếng nhạc”, thì không một dấu hiệu hay ánh đèn nào chứng tỏ nơi đây là một quán cà phê nên bạn phải chú ý kỹ mới tìm thấy quán.
Ấn tượng ban đầu về Cung Tơ Chiều sẽ là hơi ma quái với ánh sáng vàng vọt từ hai chiếc đèn lồng hắt lên bức tranh liêu trai trên tường, ánh đèn cầy heo hắt. Quán khá nhỏ với không gian dành cho khoảng 50 khách. Giữa quán là một sân khấu nhỏ, có đàn guitar, trống nhỏ, piano và micro. Điều thú vị nhất khi ngồi ở quán bên tách cà phê nóng, bạn sẽ cảm nhận được tiếng gió thổi ngoài sân, tiếng côn trùng trong đêm và cả hơi lạnh của phố núi dần thấm vào da thịt.
Địa chỉ: Cung Tơ Chiều 27K Lê Hồng Phong, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Đường Lên Trăng
Tọa lac trên đường Phan Bội Châu, trung tâm thành phố sương, cà phê Đường Lên Trăng được thiết kế như một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh của thành phố hoa.
Quán có 2 tầng và một hầm được trang trí đậm nét thiên nhiên với hang động, cây cỏ theo kiểu “cây chen đá lá chen hoa” và các dòng suối chảy róc rách. Trung tâm của quán là Căn Phố Lầu với các thiết kế gợi lên câu chuyện cổ tích trầu cau, mô hình “một thoáng Việt Nam thu nhỏ”, và một đường hầm nằm trong lòng đất dẫn lên khu đồi bên cạnh được trang trí tựa như đường lên cung trăng.
Địa chỉ: Cà phê Đường Lên Trăng, 57 Phan Bội Châu, P.1, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Video đang HOT
Mei Xuân Hương
Nằm bên cạnh hồ Xuân Hương thơ mộng, đồng thời nép mình dưới đồi thông xanh ngát, với những bông tú cầu khoe sắc, không khí dịu mát của Đà Lạt, Mei Xuân Hương sở hữu tất cả các vẻ đẹp của phố núi.
Ngoài ra, thiết kế đặc biệt với tấm kính trong suốt che ở mặt trước, ngăn tiếng ồn và bụi từ con đường tạo cảm giác lạ lẫm, tò mò và thích thú để bạn khám phá.
Địa chỉ: Cà phê Mei Xuân Hương, 2 Trần Quốc Toản, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng.
Cà phê Tùng
Nằm ngay khu sầm uất nhất của Đà Lạt, song cà phê Tùng lặng lẽ với có vẻ ngoài bình thường đến nỗi du khách dễ dàng bỏ qua. Nhưng nếu xét đến bề dày lịch sử hay không gian sáng tạo thì nơi đây lại là điểm đến những tên tuổi lớn hay những người “sành” cà phê.
Đến quán, ngoài thưởng thức cà phê Đà Lạt đúng vị, bạn còn có cơ hội tham quan nơi gặp mặt đầu tiên của cố nhạc sỹ họ Trịnh với ca sỹ Khánh Ly hay hình dung bóng dáng của nhiếp ảnh gia MPK tên tuổi…
Địa chỉ: Cà phê Tùng, 6 khu Hòa Bình, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng.
Cà phê Rainy
Một hồ nước to, những thớ gỗ tròn nép mình bên dòng nước, ngôi nhà gỗ, vách đá, suối luồn qua khe, Rainy mang hương vị của Đà Lạt những ngày mưa bay.
Nhưng thú vị nhất là sự phân chia quán theo gu âm nhạc. Đó là góc chót vót trên cao với tiếng hát Khách Ly, hay những khu nhạc trẻ, nhạc hải ngoại, nhạc quốc tế… với những góc ngồi độc đáo, rất “ton-sur-ton” với thiết kế đặc trưng.
Địa chỉ: Cà phê Rainy 24B/1 Hùng Vương, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng.
Cà phê Nghệ Sỹ
Tạo lạc trong một dãy cà phê trên con dốc nhỏ khu Hoà Bình với 2 mặt tiền đường Nguyễn Chí Thanh và Hoà Bình, cà phê Nghệ Sỹ tạo ấn tượng với góc nhìn từ trên cao xuống những cánh phượng tím man mát trước cổng chợ Đà Lạt, vẻ đẹp nên thơ của Hồ Xuân Hương và con dốc nhỏ rực hồng sắc mai đào khi xuân về.
Vào ban đêm, quán nhẹ nhàng trong tiếng hoà tấu piano, tiếng guitar thùng trầm ấm. Riêng buổi sáng, với ánh nắng hắt đầy các dãy bàn bên ngoài, nơi đây trở thành điểm sưởi ấm thú vị cho du khách.
Cà phê Thuỷ Tạ
Là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và lâu đời của Đà Lạt, cà phê Thuỷ Tạ sở hữu vẻ đẹp của Hồ Xuân Hương lãng đãng sương vào buổi sáng và cái lạnh se sắt của phố núi vào buổi chiều sẽ khiến bạn vừa uống cà phê vừa nhịp chân hay khoác thêm tấm áo.
Cà phê Thanh Thuỷ
Nằm chênh chếch và đối lập với màu trắng thanh thoát của cà phê Thuỷ Tạ, cà phê Thanh Thuỷ tạo ấn tượng mạnh với màu tím thơ mộng của tổng thể màu sơn tường, dù che nắng hay bàn ghế. Ngoài cái lạnh của Đà Lạt và vị trí ngồi đẹp bên hồ nước nổi tiếng, quán còn mang lại cảm giác một thoáng Sài Gòn thông qua thực đơn cực kỳ phong phú.
Theo BĐVN
Bò một nắng Củng Sơn
Thị trấn Củng Sơn nằm trên cao nguyên Sơn Hoà rộng lớn thuộc tỉnh Phú Yên. Nơi đây có món bò một nắng mang phong vị phố núi ngon lạ và hấp dẫn, do chính người dân gốc ở đây chế biến từ kinh nghiệm cuộc sống.
Bò một nắng ngon với nhiều loại nước chấm khác nhau. Ảnh: Mỹ Tuyết
Theo một số người lớn tuổi, món bò một nắng Củng Sơn có tiền thân từ cách chế biến thịt nai khô của người dân trong khoảng vài thập kỷ trước. Sau này, người ta dùng thịt bò chế biến thay nai để ăn và dự trữ thực phẩm. Món này hợp khẩu vị được nhiều người ưa thích, rồi dần trở thành đặc sản của phố núi Sơn Hoà hôm nay. Bò một nắng còn có tên gọi đầy đủ là "bò một nắng hai sương" - bò chỉ phơi một nắng vừa héo đem nướng, nên ngon lạ lùng.
Để có món bò một nắng đúng điệu, người chế biến trước hết phải chọn loại bò cỏ tơ, được chăn thả tự nhiên trên các triền núi, mé sông ngoài miền tây Phú Yên. Chỉ chọn hai phần trong một con bò là thịt đùi và thịt thăn, sơ chế kỹ rồi thái thành miếng mỏng, ướp muối, đường, bột ngọt, ớt hiểm đem phơi. Nếu trời tốt nắng chỉ phơi một nắng, nếu nắng yếu hoặc mưa có thể dùng lò than sấy. Dù xử lý cách nào, thịt cũng đã có độ chín gần 60%; trung bình để có được 1kg thành phẩm, phải cần đến 1,7kg nguyên liệu bò tươi nguyên. Sau khi sấy, phơi loại bỏ lượng nước trong thịt, phần còn lại sẽ se khô, có độ ngọt tự nhiên và hương vị đặc trưng của thịt. Với tỷ lệ này, bò một nắng có thể để lâu nếu bảo quản tốt. Khi ăn, nướng trên lửa than vừa chín đều, khô mặt và hơi rám cháy là ngon nhất.
Bò một nắng được chấm với các loại, có thể là ớt tương, muối ớt lá é trắng, nhưng độc đáo hơn nếu chấm với muối ớt kiến vàng - người dân tộc thiểu số gọi là muối thèn lèn. Loại muối này được giã kèm muối, ớt, trứng và con kiến vàng tươi cùng với ít gia vị bí quyết. Ăn bò một nắng chấm muối ớt kiến vàng, kèm dưa leo, các loại rau thơm cho vị giác một cảm nhận thật mới mẻ.
Theo SGTT
Mưu sinh nơi phố núi Sapa Tại thị trấn du lịch Sapa (Lào Cai) có nhiều phụ nữ người dân tộc Dao đỏ, H"mông buôn bán các sản phẩm được làm từ thổ cẩm. Trong số này có cả những em bé mới 3-4 tuổi. Khi Sapa còn mờ sương, những phụ nữ người dân tộc H"mông đã phải đi bộ khoảng 10 cây số để tới thị trấn...