Điểm đột phá trong chuyến công du vùng Vịnh của Bộ trưởng Ngoại giao Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Nga và các vùng Vịnh này đang duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ.
Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, ngày 9/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông đầu năm 2021 gồm ba nước UAE, Saudi Arabia và Qatar. Bộ Ngoại giao Nga cho biết một trong những trọng tâm hàng đầu trong chuyến công du lần này của ông Lavrov là nhằm thảo luận với các đối tác Trung Đông về cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trong cuộc họp báo tại Saint Petersburg ngày 16/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Nga và các vùng Vịnh này đang duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ. Trong thời gian gần đây, Ngoại trưởng các nước UAE, Saudi Arabia và Qatar đã lần lượt có chuyến thăm Moskva.
Dự kiến, trong thời gian dừng chân tại Abu Dhabi, Ngoại trưởng Lavrov sẽ có các cuộc hội đàm quan trọng với Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan và Ngoại trưởng nước chủ nhà Abdullah bin Zayed Al Nahyan. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh các cuộc gặp của Ngoại trưởng Lavrov tại UAE nhằm mở rộng đối thoại chính trị song phương trong khuôn khổ đối thoại tin cậy thường xuyên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo của các quốc gia quân chủ ở khu vực này. Đặc biệt, các bên sẽ thảo luận về việc xây dựng quan hệ hợp tác kinh tế trên cơ sở các thỏa thuận đã đạt được trước đó ở cấp cao nhất.
Bộ Ngoại giao Nga đánh giá kết quả thương mại song phương giữa nước này và UAE ở “mức cao nhất mọi thời đại” với 3,27 tỷ USD, tăng 78% trong năm 2020 bất chấp những khó khăn liên quan đến đại dịch COVID-19. Phía Nga cũng xác nhận các kế hoạch tổ chức cuộc họp toàn thể tiếp theo của Ủy ban liên chính phủ song phương về hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật trong năm nay. Cuộc họp trước đó của ủy ban diễn ra vào tháng 10/2019.
Video đang HOT
Ngoài ra, Nga và UAE cũng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, bao gồm các dự án được thực hiện thông qua Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga. Bộ ngoại giao Nga cho biết các doanh nghiệp nước này đang đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD vào nền kinh tế UAE. Hai bên cũng sẽ bàn thảo về các dự án mới trong một số lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh chủ đề mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 là nội dung quan trọng trong các cuộc hội đàm của ông Lavrov với các đối tác.
UAE là một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ cho cuộc chiến chống COVID-19 và hiện đứng thứ ba trên thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng – khoảng 65% dân số. Hiện tại, vaccine Sputnik V đã được phép lưu hành tại UAE cùng với một số loại vaccine của các nước phương Tây. Ngoài ra, quá trình thử nghiệm lâm sàng quốc tế về vaccine Sputnik Light đang được tiến hành tại UAE. Hơn 3.000 tình nguyện viên sẽ tham gia các thử nghiệm lâm sàng. Phía Nga cho biết vaccine Sputnik Light là phiên bản nhẹ của Sputnik V và chỉ cần tiêm một mũi thay vì hai mũi.
Vấn đề an ninh toàn cầu và khu vực cũng sẽ là một trong những trọng tâm của chuyến công du khu vực của ông Lavrov. Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov sẽ đề cập đến sự cần thiết trong giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi thông qua đối thoại toàn diện có tính đến lợi ích và mối quan tâm hợp pháp của tất cả các bên liên quan. Tình hình ở Syria, Libya, Yemen và toàn khu vực nói chung cũng sẽ được đề cập trong các cuộc hội đàm.
Cũng nhân chuyến thăm này, phía Nga chủ trương tiếp tục thúc đẩy sáng kiến về an ninh khu vực có tên gọi là Khái niệm mới về đảm bảo an ninh tập thể ở khu vực vùng vịnh Persian. Với sáng kiến này, Nga muốn sử dụng đối thoại để giảm căng thẳng giữa các quốc gia trong khu vực, cùng nỗ lực để ứng phó với các thách thức và mối đe dọa chung. Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi các quốc gia liên quan từ bỏ luận điệu đối đầu, tập trung thảo luận về các vấn đề gây tranh cãi trên bàn đàm phán, để tất cả các quốc gia trong tiểu vùng cùng xây dựng một hệ thống an ninh tập thể và cùng ứng phó với những thách thức và mối đe dọa hiện có.
Hiện nay, UAE là một trong những quốc gia ủng hộ tích cực nhất sáng kiến này của Moskva. Trong chuyến thăm Nga vào tháng 12/2020, Ngoại trưởng UAE nói rằng Abu Dhabi hoan nghênh những nỗ lực của Moskva theo hướng này. Do đó, các nhà quan sát nhận định UAE sẽ là điểm đột phá mới trong chính sách của Moskva đối với các quốc gia vùng Vịnh.
Iran tiếp cận Mỹ, đặt 7 điều kiện tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân
Tờ al-Jarida (Kuwait) ngày 24/1 dẫn nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, Iran đặt ra 7 điều kiện để khởi động lại tiến trình đàm phán về thỏa thuận hạt nhân.
Bên trong cơ sở hạt nhân Fordow của Iran tại thành phố Qom. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức ngoại giao Iran đã tiếp xúc với một số thành viên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran, đề cập 7 điều kiện cần thiết để hai bên có thể tái khởi động đối thoại. Hoạt động ráp nối này đã được thực hiện trước thời điểm ông Biden lên nhậm chức Tổng thống và được thực hiện theo kênh phi chính thức.
Theo điều tra của al-Jarida, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc Majid Takht Rawanji đã được triệu hồi về nước để thảo luận về khả năng mở các cuộc tiếp xúc với chính quyền mới ở Mỹ. Ông trở lại New York sau đó với bản danh sách gồm 7 điều kiện Tehran đặt ra trước Washington về tái đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
Điều kiện đầu tiên liên quan đến dỡ cấm vận. Iran không chấp nhận dỡ cấm vận một phần, bởi Tehran cho rằng JCPOA là một thỏa thuận không thể phân tách. Iran vì thế sẽ đòi hỏi Mỹ thực thi toàn bộ các khía cạnh liên quan đến JCPOA, trong đó có điều khoản dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt.
Kế đến là cơ chế giải quyết bất đồng. Mọi xung đột về JCPOA sẽ phải được thảo luận trong một khung chính thức của ủy ban đàm phán. Một trong những điểm bất đồng có thể sẽ được Iran nêu ra là đòi bồi thường tổn thất tài chính nước này phải gánh chịu từ hành động từ bỏ JCPOA của chính quyền Trump, nhất là hệ quả của đòn cấm vận tài chính.
Ở điều khoản thứ 3, Iran sẽ không chấp nhận ràng buộc giữa thỏa thuận hạt nhân với các vấn đề khác, nhất là chương trình tên lửa cũng như các kết nối, can dự của Tehran ở khu vực Trung Đông.
Iran cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ sự tham gia của một thành viên mới nào, nhất là các nước trong khối A-rập vùng Vịnh, vào thỏa thuận mới. Tehran yêu cầu bảo lưu cơ chế đàm giữa Iran với 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga) và Đức (gọi tắt là Nhóm P5 1).
Nếu nảy sinh vấn đề liên quan đến các nước trong khu vực, sẽ phải tiền hành tiếp xúc riêng rẽ và không nằm trong gói đàm phán hạt nhân- đó là đòi hỏi thứ 5.
Không đàm phán về chương trình tên lửa, nhưng Iran sẽ để ngỏ đối thoại về kiểm soát vũ trang khu vực dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Ở điểm thứ 6 này, Iran đặc biệt quan ngại về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Israel.
Cuối cùng, Iran không chấp nhận giải pháp hai nhà nước đối với Israel và người Palestines. Thay vào đó, Tehran ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý do Liên hợp quốc tiến hành đối với người Palestines và người Do thái về vấn đề "đất đai".
Thông tin về "đề nghị 7 điểm" trên xuất hiện tại thời điểm chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là có ý định quay trở lại JCPOA, đã mở các cuộc đàm phán với Tehran thông qua kênh phi chính thức và thông báo cho Israel về tiến trình tiếp xúc này.
Về phần mình, Israel tìm cách tác động để Mỹ chấp nhận đề xuất: sự trở lại thỏa thuận hạt nhân dưới bất kỳ hình thức nào cũng phải bao gồm điều khoản hạn chế chương trình tên lửa của Iran cũng như các hành động mà Israel cho là "gây mất ổn định tại khu vực".
Theo truyền thông Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu dự kiến sẽ phái Yossi Cohen - Giám đốc Cơ quan Tình báo Mossad, tới Washington trong tháng tới để nêu yêu cầu của Israel đối với chính quyền Joe Biden về bất kỳ phiên bản mới nào của JCPOA. Ông Cohen - đồng nghiệp tin cậy nhất của ông Netanyahu, sẽ là quan chức cấp cao đầu tiên của Israel tiếp xúc với tân Tổng thống Joe Biden. Dự kiến ông cũng sẽ có cuộc gặp với Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Iran phản đối các nước Vùng Vịnh can dự vào đàm phán hạt nhân Ngày 7/12, Iran đã bác bỏ lời kêu gọi của Saudi Arabia rằng các nước vùng Vịnh cần được tham vấn về các cuộc đàm phán có thể diễn ra liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh phát biểu trong cuộc họp báo tại Tehran. Ảnh: IRNA/ TTXVN Phát biểu với báo...