“Điểm danh” 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng sắp được xét xử
Trong cuộc họp sáng nay 1/10, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp (Ảnh: TTXVN)
Hôm nay (1/10) tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo – để thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Kết luận cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/4 và một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới.
Theo thông báo về nội dung cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ sau cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, nhiều nội dung quan trọng về phòng chống tham nhũng được các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Như: Bổ sung một số nội dung trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để phòng chống tham nhũng; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán, thanh tra; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp…
Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, VKSND và TAND TPHCM đã phối hợp chặt chẽ, tích cực, khẩn trương đưa vụ án Phạm Công Danh giai đoạn I ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Nhất là hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã khởi tố 3 vụ án hình sự, kiến nghị điều tra làm rõ 10 nhóm hành vi của những người liên quan; đã quyết định tịch thu 6.577 tỷ đồng (đạt 72% số tiền thiệt hại), là số tiền đặc biệt lớn.
Phát huy những kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng cần tích cực, chủ động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra, giám định; chú ý phân loại để xử lý nghiêm đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; khoan hồng đối với người thành khẩn khai báo, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra….
Đặc biệt chú trọng các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng và khẩn trương xét xử phúc thẩm các vụ án có kháng cáo, kháng nghị và điều tra, xử lý các kiến nghị của hội đồng xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý I năm 2017, gồm:
1. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ratại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank;
2. Vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng Công ty xây dựng đường thủy Việt Nam;
3. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh;
4. Vụ án “ Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin;
Đối tượng Giang Kim Đạt và hồ sơ vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin. (Ảnh: tapchitaichinh)
5. Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (phần nội dung bị tòa phúc thẩm TAND Tối cao hủy để điều tra lại về hành vi chiếm đoạt 1.085 tỷ của 5 công ty);
6. Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương ( Oceanbank).
Đồng thời, khẩn trương đưa ra xét xử phúc thẩm 6 vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật.
Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được giao theo dõi, đôn đốc, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo tiến độ, kết quả thực hiện.
Thế Kha
Theo Dantri
Tổng Bí thư: Khẩn trương điều tra, xét xử vụ án tại Ngân hàng Xây dựng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra để nhanh chóng đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm).
Ngày 30/6, Văn phòng Trung ương Đảng gửi các đơn vị liên quan Công văn số 1452-CV/VPTW, thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam.
Công văn nêu rõ, tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 18/4/2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã kết luận: "Cần tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; tài liệu, chứng cứ chắc đến đâu xử lý đến đó, sau đó điều tra xử lý tiếp, nhằm tạo sự lan toả và chuyển biến tích cực trong phát hiện, xử lý tham nhũng".
Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB cùng các đồng phạm gây thất thoát của Ngân hàng này số tiền hơn 9.000 tỉ đồng
Trên tinh thần đó, đối với vụ án xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam (gọi tắt là Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm), Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bí thư Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Bí thư Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan chức năng và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, sớm kết thúc để nhanh chóng đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.
Tổng Bí thư chỉ đạo trong quá trình xử lý, cần tuân thủ theo quy định của pháp luật, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Ngoài ra, Tổng Bí thư giao Trưởng Ban Nội chính Trung ương - Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp công tác và kịp thời báo cáo kết quả xử lý đến Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Quang Phong
Theo Dantri
Xử 8 vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm trước ĐH XII của Đảng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống tham nhũng đã thống nhất chủ trương đưa 8 vụ án tham nhũng, kinh tế trọng điểm ra xét xử trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII. Một trong những nội dung kết luận đáng chú ý tại phiên họp lần thứ 8 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng dưới sự...