Điểm danh 6 ngoại binh xuất sắc của SLNA trong 19 mùa giải vừa qua
Kể từ mùa giải 2001 đến nay, SLNA đã sở hữu rất nhiều ngoại binh chất lượng, có nhiều đóng góp cho thành tích của đội nhà. Sau đây là 6 gương mặt đáng chú ý nhất
1. Tiền vệ Iddi Batabuje (Uganda)
Tiền vệ Iddi Batambuje gia nhập SLNA ở mùa giải 2001, mùa giải đầu tiên các đội bóng tại V.League được phép sử dụng cầu thủ ngoại trong đội hình. Không ngoa khi nói rằng, sự xuất sắc của Iddi Batambuje ở vị trí tiền vệ trung tâm đã góp phần giúp SLNA giành chức vô địch tại V.League 2001, chức vô địch thứ 2 liên tiếp của đội bóng xứ Nghệ tại giải đấu danh giá nhất Việt Nam.
Iddi Batambuje (hàng sau, thứ 2 từ bên trái sang). Ảnh: Quang Minh
Theo đánh giá của cựu HLV Nguyễn Thành Vinh, cầu thủ người Uganda là tiền vệ sở hữu nền tảng thể lực sung mãn, kỹ thuật cá nhân cơ bản và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời. Danh hiệu Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất tại V.League 2001 là minh chứng rõ ràng cho sự xuất sắc của cựu tiền vệ SLNA và Đà Nẵng.
2. Tiền đạo Rajko Vidovic (Bosnia & Herzegovina)
Phải mất nhiều mùa giải, sau khi Iddi Batambuje chia tay sân Vinh, đội bóng xứ Nghệ mới sở được hữu được một ngoại binh chất lượng. Đó là tiền đạo Rajko Vidovic.
Rajko Vidovic thời còn chơi bóng. Ảnh: playmakerstats.com
Cầu thủ có cái đầu trọc này cập bến SLNA ở đầu mùa giải 2010 và thi đấu khá ấn tượng. Với 11 bàn thắng tại V.League 2010 và đóng góp công lớn vào thành tích vô địch Cúp QG 2010, tiền đạo người Bosnia &Herzegovina được đánh giá là một trong những ngoại binh xuất sắc của SLNA trong lịch sử. Nên nhớ, Rajko Vidovic đầu quân cho đội bóng xứ Nghệ khi đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp (35 tuổi). Kết thúc mùa giải 2012, cầu thủ sinh năm 1975 đã chia tay SLNA để trở lại quê nhà.
3. Tiền đạo Kavin Bryan (Jamaica)
Chuyển đến khoác áo SLNA cùng những người đồng hương là Diego Fagan ở đầu mùa giải 2011, Kavin Bryan không mất nhiều thời gian để hòa nhập và tỏa sáng tại đấu trường V.League. Chức vô địch V.League 2011 của đội bóng xứ Nghệ có đóng góp đáng kể của tiền đạo sinh năm 1984.
Kavin Bryan (bên trái). Ảnh: Hải Anh
Ngoài 7 bàn thắng ghi được, Kavin Bryan còn làm rất tốt nhiệm vụ hỗ trợ cho các đồng đội thi đấu xung quanh. Nếu như cầu thủ người Jamaica không bị chấn thương nặng và phải nghỉ hết mùa ngay sau vòng đấu thứ 15, thì SLNA đâu phải vất vả trong hành trình lên ngôi vô địch V.League 2011 đến như vậy.
Video đang HOT
4. Tiền vệ Hector Kerin (Trinidad &Tobago)
Cầu thủ sinh năm 1985 gia nhập SLNA ở đầu mùa giải 2012 và nhanh chóng khẳng định được tài năng và tầm quan trọng với đội bóng chủ quản. Trong 2 mùa giải thi đấu cho SLNA, Hector Kerin đã ra sân 45 trận và có được 14 pha lập công.
Hecto Kerin (số 7). Ảnh: Đức Đồng
Đánh giá một cách khách quan, Hector Kerin là “linh hồn” của SLNA ở 2 mùa giải 2012 – 2013, trước khi thuộc biên chế của CLB Hà Nội, đội bóng đã theo đuổi cầu thủ này từ khá lâu. Hẳn, người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ vẫn chưa thể quên chàng tiền vệ nhỏ con thường mang chiếc áo số 7 năm nào. Có thể nói, những năm tháng đẹp nhất trong sự nghiệp của Hector Kerin là ở trong màu áo SLNA.
5. Tiền đạo Michael Olaha (Nigeria)
Dù có sự khởi đầu khá thất vọng tại mùa giải 2017, nhưng càng chơi, tiền đạo người Nigeria càng chứng tỏ được tài năng và tầm quan trọng của mình với SLNA. Sau khi giúp đội bóng xứ Nghệ lên ngôi tại Cúp QG 2017, Michael Olaha được đội bóng xứ Nghệ giữ lại thi đấu ở 2 mùa giải tiếp theo, bằng những đãi ngộ hết sức hậu hĩnh.
Michael Olaha (áo vàng). Ảnh tư liệu
Đáng tiếc, kết thúc mùa giải năm ngoái, SLNA không thể giữ chân thành công Michael Olaha trước sự chèo kéo của CLB Hapoel Tel Aviv (Israel). Trải qua 2 mùa giải khoác áo SLNA, cầu thủ sinh năm 1996 đã ra sân 76 trận và ghi được tổng cộng 18 bàn thắng (chỉ tính riêng tại đấu trường V.League).
6. Trung vệ Damir Memovic (Serbia)
Chỉ khoác áo SLNA đúng 1 mùa giải, song cầu thủ sinh năm 1989 vẫn kịp chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Được SLNA chiêu mộ để khỏa lấp vào vị trí của Quế Ngọc Hải (chuyển sang Viettel), Damir Memovic đã thi đấu xuất sắc, góp công lớn giúp SLNA trở thành hàng đội bóng có hàng thủ chắc chắn nhất V.League 2019, với vỏn vẹn 26 bàn thua.
Damir Memovic (đứng giữa). Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, thay vì tiếp tục thi đấu cho đội bóng xứ Nghệ thì Damir Memovic lại quyết định gia nhập HAGL. Không ngoa khi nói rằng, Damir Memovic là thương vụ “đáng đồng tiền bát gạo” của SLNA ở mùa giải trước. Sự ra đi của cầu thủ người Serbia khiến cho các cổ động viên SLNA phải vô cùng tiếc nuối.
Trên đây là 6 ngoại binh xuất sắc nhất của SLNA từ mùa giải 2001 đến mùa giải 2019./.
Thanh Hưng
Nhìn lại lịch sử hào hùng của CLB SLNA ở đấu trường V.League
Không chỉ là một CLB giàu bản sắc nhất nhì Việt Nam, SLNA còn là nơi sản sinh ra rất nhiều tài năng cho đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An (SLNA) là đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam, có trụ sở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và được đánh giá là một trong nhữn CLB giàu truyền thống và đậm bản sắc nhất Việt Nam trong hai thập kỷ qua.
Đội bóng xứ Nghệ từng đoạt được rất nhiều danh hiệu từ giải bóng đá vô địch Việt Nam, Cup quốc gia cũng như các giải tuổi trẻ và là một trong những câu lạc bộ đóng góp cầu thủ cho đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam nhiều nhất.
Tiền thân của CLB SLNA là một đội bóng nghiệp dư được thành lập và năm 1973 bởi Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh. Năm 1979, đội bóng được chính thức được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh chuyển về Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh quản lý và quyết định đổi tên thành Đội bóng đá Sông Lam.
Dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thành Vinh dần có được thành tích, xây dựng được đặc trưng riêng sánh ngang với các đội bóng mạnh lúc bấy giờ như Công An Hải Phòng, Thể Công...
Năm 1986, đội lần đầu tiên thi đấu ở hạng A1 toàn quốc (hạng cao nhất lúc đó) song chỉ có được thứ hạng 5/6 ở bảng C và không vào được vòng 2, nhưng đây là khởi đầu của thành tích thi đấu bền bỉ ở các giải vô địch cao nhất quốc gia của đội bóng Sông Lam.
Năm 1989, lần đầu tiên phân hạng đội mạnh. Tuy không thi đấu ở vòng 2 do phải sang Lào thi đấu, đội vẫn được đặc cách thăng lên hạng đội mạnh bởi thành tích thi đấu tốt ở vòng 1.
Suốt hai năm sau đó, đội thi đấu không thành công và không để lại bất kỳ một dấu ấn nào ở giải vô địch quốc gia Việt Nam.
Năm 1992, Nghệ Tĩnh được tách thành hai tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. Đội bóng Sông Lam Nghệ Tĩnh được chuyển về cho tỉnh Nghệ An quản lý và đổi tên thành Đội bóng đá Sông Lam Nghệ An, đội lọt vào bán kết và đạt Hạng 3 Giải vô địch bóng đá Việt Nam trong năm này.
Năm 1994, đội đổi tên thành Đoàn bóng đá Sông Lam và chuyển đổi hình thức tổ chức thành một đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Thể dục Thể thao.
Năm 1996, đội thi đấu xuất sắc và đạt Huy chương đồng Giải vô địch quốc gia, Huy chương đồng Cúp Quốc gia 1996, một năm sau đội thi đấu xuất sắc và giành ngôi Á quân giải vô địch quốc gia và chỉ kém một điểm so với đội vô địch Thể Công.
Năm 1998 là một mùa bóng nhiều thành tích Sông Lam Nghệ An khi đội giành ngôi: Á quân Giải vô địch quốc gia, đoạt Huy chương đồng Cúp Quốc gia 1998, Vô địch cúp Dunhill khi đánh bại Đội bóng đá Công an Hà Nội 2-0 trong trận chung kết trên sân Vinh, tiếp tục vô địch Cúp bóng đá trong nhà.
Năm 1999, đội đoạt chức vô địch Giải bóng đá tập huấn mùa xuân 1999 với trận thắng Công an Hà Nội ngay trên sân Hàng Đẫy bằng thi đấu luân lưu 11m với sự xuất sắc của Võ Văn Hạnh. Trong giải Cup Dunhill cuối cùng ở Hải Phòng, đội giành Huy chương bạc.
Sau nhiều lần giành ngôi Á quân, cuối cùng CLB SLNA cũng chinh phục thành công chiếc Cup vô địch giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam vào năm 2000 với 43 điểm sau 24 vòng đấu, đồng thời tiền đạo Văn Sỹ Thủy cũng đạt danh hiệu Vua phá lưới giải đấu năm nay.
Cũng vào năm này, dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thành Vinh, CLB SLNA đoạt Siêu cúp quốc gia với thế hệ tài năng của Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Ngô Quang Trường, Nguyễn Hữu Thắng...
Năm 2001, giải vô địch quốc gia mang cơ chế chuyên nghiệp, chính thức mang tên V.League, và cho phép các cầu thủ nước ngoài tham gia thi đấu. Sông Lam Nghệ An tiếp tục một mùa bóng đầy thăng hoa khi là câu lạc bộ đầu tiên vô địch quốc gia với cái tên V.League trong sự thán phục của các CLB tham dự giải đấu và sự vỡ òa của người hâm mộ thành Vinh.
Tuy nhiên sau mùa giải 2001, đội bóng rơi vào thoái trào và bắt đầu trắng tay với các danh hiệu với sự ra đi của một loạt các trụ cột của đội bóng bởi nguồn tài chính eo hẹp.
Năm 2004, CLB SLNA dần tiến lên chuyên nghiệp với sự tài trợ từ Công ty Cổ phần bảo hiểm PJICO, lúc này đội có tên gọi là Câu lạc bộ PJICO Sông Lam Nghệ An, cũng vào giai đoạn này, đội bóng chia tay với hai công thần là HLV Nguyễn Thành Vinh và Nguyễn Hồng Thanh vì nhiều lý do khác nhau.
Với sự tài trợ từ PJICO, nguồn tài chính của đội bóng dần cải thiện song đội bóng thi đấu không thực sự thành công ở mùa giải 2004 khi chỉ có được 37 điểm, xếp vị trí thứ 4 toàn giải sau 22 trận đấu.
Năm 2005, HLV Nguyễn Hữu Thắng chính thức trở thành HLV của đội với tham vọng đưa SLNA tìm lại ánh hào quang năm xưa, đáng tiếc đội vẫn thi đấu không thành công và chỉ xếp thứ 5 trong sự thất vọng của người hâm mộ.
Đến năm 2007, khi nhiều năm liên tiếp trắng tay với các danh hiệu, nhà tài trợ PJICO rút lui, đội được chuyển giao cho Công ty Tài chính thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, và đổi tên thành Câu lạc bộ bóng đá Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An.
Mang tên mới cùng nguồn tài chính dồi dào song các cầu thủ thi đấu thiếu động lực khiến cho đội bóng không có được thành tích nào đáng kể, gián tiếp khiến cho các tài năng như Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn, Nguyễn Hồng Tiến, Cao Xuân Thắng,...ra đi.
Năm 2009, Công ty Cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm các cổ đông chính là Ngân hàng Bắc Á Tập đoàn TH Truemilk. Từ đây, câu lạc bộ chuyển hẳn sang hình thức chuyên nghiệp với tên gọi Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An.
Năm 2010, HLV Nguyễn Hữu Thắng trở lại đã giúp đội nhà giành chiếc cúp vô địch quốc gia thứ 2 trong lịch sử Nghệ An.
Đội tiếp tục bảo vệ thành công ngôi vô địch một năm sau đó (2011) và có được ngôi vô địch quốc gia Việt Nam thứ 3 trong lịch sử, cũng trong năm này đội giành ngôi Á quân Cup bóng đá Việt Nam (tức Cup quốc gia sau này) và đoạt luôn Siêu Cup cùng năm trong sự vui sướng vỡ òa của các cổ động viên Nghệ An.
Trong 30 năm tồn tại, Sông Lam Nghệ An đã đem được nhiều chiến tích về trưng bày trong phòng truyền thống của mình: 3 lần vô địch quốc gia, 1 lần vô địch Giải bóng đá tập huấn mùa xuân, 4 lần đoạt Siêu cúp Việt Nam và 3 Cúp quốc gia, một thành tích mà chưa có đội bóng nào có thể làm được.
Ngoài ra, bóng đá SLNA cũng giữ kỷ lục với năm lần vô địch U21 quốc gia vào các năm 2000; 2001; 2002; 2012; 2014.
5 lần vô địch U21 quốc gia vào các năm: 1999; 2001; 2004; 2005; 2006. 7 lần vô địch U17 quốc gia vào các năm: 2004; 2005; 2006; 2007; 2008; 2009; 2012. 3 lần vô địch U13 quốc gia vào các năm: 2002, 2018, 2019
Không chỉ no nê các danh hiệu, SLNA cũng nổi tiếng là đội bóng giàu bản sắc khi có có truyền thống chỉ sử dụng nội binh là các cầu thủ từ chính lò đào tạo của CLB.
SLNA cũng nổi tiếng là nơi sản sinh ra rất nhiều tài năng cho bóng đá nước nhà, trở thành trụ cột của U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam như: Công Vinh, Văn Quyến, Nguyên Mạnh, Văn Đức, Xuân Mạnh...
Hung Nguyen
Sự kỳ lạ của vị trí hậu vệ cánh trái của SLNA Kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, ở đội bóng xứ Nghệ, các cầu thủ thuận chân trái rất hiếm khi thi đấu thành công ở vị trí hậu vệ cánh trái, không như đa phần những đội bóng khác. Trước hết phải khẳng định, tính đến thời điểm này, Văn Sỹ Sơn và Trần Đình Đồng là 2...