Diêm dân Nghệ An đua nhau “cướp nắng” với trời, làm muối xuất khẩu
Sau những ngày mưa bão, diêm dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) tranh thủ ‘cướp nắng’ để sản xuất muối. Thời tiết thuận lợi, muối được mùa, được giá, diêm dân hết sức phấn khởi.
Thời tiết nắng nóng như hiện nay là điều kiện tốt nhất để bà con các xã vùng ven biển Quỳnh Lưu xuống đồng sản xuất muối. Công việc thu gom muối được diễn ra vào cuối chiều. Ảnh: Việt Hùng
Dưới cái nắng chói chang buổi chiều, ông Bùi Văn Mai (79 tuổi ở xã An Hòa) đang khẩn trương nạo muối để thu gom. Với diện tích 120 m2, ngày hôm nay ông sản xuất được gần 200 kg muối, thu nhập hơn 350.000 đồng/ngày. Ảnh: Việt Hùng
Theo bà con cho biết, năm nay giá muối được thương lái thu mua cao hơn các năm trước; như năm ngoái giá 1.000 – 1.200 đồng/kg thì thời điểm hiện tại giá lên tới 1.800 – 2.300 đồng/kg (tăng 800 – 1.000 đồng/kg). Ảnh: Việt Hùng
Muối được giá, bà con diêm dân tranh thủ trời nắng xuống đồng để sản xuất muối. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Dung đang cào để lấy một phần đất cho vào ô chát lọc. Ảnh: Việt Hùng
Video đang HOT
Nghề làm muối là công việc khá vất vả, người dân phải “phơi mình” giữa cái nắng chói chang mới làm ra được hạt muối trắng. Tuy nhiên, giá muối tăng cao đã phần nào khuyến khích, động viên bà con bám nắng sản xuất. Ảnh: Việt Hùng
Sau khi thu gom, bà con vận chuyển muối cho vào kho dự trữ. Nếu thu mua tại chỗ giá muối được thương lái trả 1.800 đồng/kg; nếu đóng bao bì đi tiêu thụ thì giá tăng lên 2.300 đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng
Ông Hồ Hữu Thuận – một hộ thu mua muối ở xã An Hòa cho biết, từ tháng 5 đến nay, muối mua vào đến đâu, bán ra đến đó, không ứ đọng hàng như các năm. Mỗi ngày, ông Thuận thu mua khoảng 10 tấn muối của diêm dân. Ảnh: Việt Hùng
Xã An Hòa là địa phương có diện tích muối lớn nhất huyện Quỳnh Lưu, với 140 ha; từ đầu vụ đến nay, sản lượng muối đạt khoảng 14.000/ 19.000 tấn của cả năm. Bình quân các năm, doanh thu từ sản xuất muối của xã đạt khoảng 20 tỷ đồng. Năm nay, giá trị ước đạt khoảng 28 tỷ đồng. Ảnh: Việt Hùng
Không chỉ diêm dân An Hòa, nhiều hộ làm muối các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Yên, Quỳnh Minh, Quỳnh Thọ… cũng đang “ chớp nắng” để đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Với 600 ha, sản lượng muối toàn huyện đạt khoảng 60.000 tấn/năm. Ảnh: Việt Hùng
Trong vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện hình thành các nhà máy chế biến muối tinh, muối I ốt xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đây là điều kiện để vùng nguyên liệu muối Quỳnh Lưu phát triển rộng lớn, đồng thời giúp bà con yên tâm sản xuất, không lo về đầu ra sản phẩm.
Theo Việt Hùng (Báo Nghệ An)
Hà Tĩnh: Xã xả cống nước ngọt đột ngột, diêm dân mất mùa muối
Thời gian gần đây, hàng trăm diêm dân ở xóm Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang sống trong cảnh "dở khóc, dở cười" vì UBND xã cho xả cống nước ngọt đột ngột, làm nước biển bị ngọt hóa, chất lượng muối kém.
Diêm dân méo mặt
Mấy ngày qua, phóng viên báo Dân Việt liên tục nhận được phản ánh của người dân xóm Châu Hạ, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà về việc UBND xã Thạch Châu xả cống nước ngọt không thông báo cho người dân để họ có phương án phòng tránh khiến 14ha muối của 126 hộ dân bị ngọt hóa, muối không đủ độ, kết tinh kém. Trước những bức xúc của người dân, phóng viên báo Dân Việt đã trực tiếp về đồng muối Châu Hạ để tìm hiểu.
Chị Lê Thị Thiệu thử độ mặn của muối, cho thấy độ mặn thấp sau khi xả cống
Thời điểm này, đang vào chính vụ nhưng quang cảnh đồng muối Châu Hạ vắng hoe không một bóng người. Đã hơn một tuần, việc sản xuất muối gặp khó khăn vì nước biển bị ngọt hóa, độ mặn của muối không đạt dẫn đến kết tinh kém.
Chị Nguyễn Thị Yến (xóm Châu Hạ, xã Thạch Châu) cho biết: "Hơn 1 tuần nay khi tôi ra ruộng để sản xuất muối thấy nước ở sông Cửa Chùa dâng lên, tưởng nước thủy triều nên vẫn tháo nước từ sông vào ruộng để sản xuất muối. Tuy nhiên, khi thử độ muối thì phát hiện muối bị nhạt, không đủ độ. Qua tìm hiểu tôi mới biết UBND xã Thạch Châu cho xả cống nước ngọt Bình Định để làm công trình thủy lợi".
Cánh đồng muối Châu Hạ
Không giấu nổi bức xúc, bà Phan Thị Thanh (58 tuổi) nói: "Tuần nay cứ ra ruộng muối lại thấy nước từ cống Bình Định chảy mạnh vào sông Cửa Chùa. Mấy ngày đầu thấy muối nhạt, kết tinh kém chúng tôi tưởng do thời tiết, nhưng khi quan sát kỹ thì thấy cống Bình Định xả nước ngọt từ khu vực xã Thạch Bằng, Thạch Châu qua sông Cửa Chùa ra biển. Tôi về hỏi Bí Thư và xóm trưởng thì họ cũng không hay biết chuyện cống Bình Định xả nước. Hơn một tuần nay trời nắng to nhưng sản muối giảm mạnh do nước biển bị ngọt hóa, độ mặn của muối không đạt".
Theo tìm hiểu của phóng viên, cống Bình Định là cống điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, tưới tiêu. Theo nguyên lý khi nào thủy triều xuống xả cống thì nước ngọt từ các xã Thạch Bằng, xã Thạch Châu theo sông Cửa Chùa chảy ra biển. Một ngày nước có lúc ròng, lúc cạn nếu xả nước vào đúng thời điểm nước ròng thì vào đến sông Cửa Chùa sẽ bị ứ lại, thêm vào đó thủy triều từ biển dâng vào khiến nước biển bị ngọt hóa, người dân lấy nước từ sông vào đồng muối để sản xuất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xã bảo có, dân nói không
Trước sự việc diêm dân "tố" UBND xã Thạch Châu xả cống nước ngọt không thông báo khiến hơn 14ha muối của các hộ dân bị ngọt hóa, không đủ độ mặn, muối kết tinh kém. Phóng viên báo Dân Việt đã liên lạc với ông Lê Mai Vy-Trưởng thôn Châu Hạ cho biết: "Việc xả cống nước ngọt Bình Định tôi không nhận được thông báo nào từ cấp trên để báo cho bà con có phương án ứng phó".
Cống Bình Định
Dù trưởng thôn xóm Châu Hạ và người dân đều không nhận được thông báo nào từ chính quyền địa phương về việc xả cống nước ngọt, thế nhưng ông Lê Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu khẳng định: "Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Sở NNPTNT Hà Tĩnh yêu cầu xã Thạch Châu mở cống giúp cho đơn vị thi công tuyến kênh tiêu Thịnh Lộc. Trước khi xả cống UBND xã đã có văn bản thông báo để những hộ nuôi tôm chủ động lấy nước".
Theo tìm hiểu trên sông Cửa Chùa có 6 hộ nuôi tôm ở Thôn An Lộc và 128 diêm dân tại thôn Châu Hạ đều sử dụng nước mặn trên sông Cửa Chùa để sản xuất. Thế nhưng, văn bản thông báo về việc xả cống Bình Định số 44/TB - UBND xã được ký ngày 10.8. 2017, thông báo kế hoạch xả cống trong vòng 3 ngày kể từ ngày 10.8 đến thôn An Lộc, còn 128 diêm dân sản xuất muối tại thôn Châu Hạ thì lại không hề hay biết đến thông báo này. Họ vẫn vô tư lấy nước từ sông Cửa Chùa vào sản xuất muối và chỉ biết đến tin xả cống Bình Định khi kiểm tra độ mặn của muối không đạt, sản lượng muối giảm mạnh.
Theo Danviet
Đừng thơ ơ với sốt xuất huyết khi thấy những con số đáng sợ này Dịch sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với hơn 80 ngàn ca mắc. Những con số đáng sợ dưới đây sẽ khiến bạn cảnh giác hơn với sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết năm nay đang diễn biến phức tạp với hơn 80 ngàn ca mắc. Những con số đáng sợ dưới đây sẽ khiến bạn cảnh giác...