Diêm dân Bạc Liêu thấp thỏm bước vào vụ muối mới
Nghề làm muối tại Bạc Liêu những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí đầu tư tăng đến chóng mặt, cùng đó là những tác động bất lợi của thời tiết đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của diêm dân.
Diêm dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch muối. Ảnh tư liệu: Huỳnh Sử/TTXVN
Làm muối tại Bạc Liêu thường bắt đầu từ tháng 10 hằng năm kéo dài đến tháng 4 năm sau. Đến thời điểm cuối năm, thường là giai đoạn diêm dân đã hoàn tất các bước chuẩn bị cho nước vào ruộng để phơi, lấy muối. Thế nhưng năm nay, do vẫn còn mưa trái mùa nên diêm dân chưa dám mạo hiểm cải tạo đồng muối.
Nghề muối phụ thuộc vào thời tiết
Trên đồng muối xã Điền Hải, huyện Đông Hải, những ngày này, bầu không khí khá tĩnh lặng. Đã bước vào vụ sản xuất nhưng hầu như không thấy bóng dáng của diêm dân ra đồng. Lý giải về điều này, ông Huỳnh Văn Thời – diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải cho biết, do xuất hiện những cơn mưa trái mùa nên diêm dân chưa mạnh dạn ra đồng cải tạo đất để bắt tay vào vụ sản xuất muối mới. Ông Huỳnh Văn Thời là một trong nhiều gia đình có nhiều thế hệ tiếp nối làm muối. Bản thân ông đã có hơn 60 năm gắn bó với hạt muối quê hương. Nói về nghề làm muối, ông Thời cho biết, chưa bao giờ nghề này lại rơi vào tình cảnh bấp bênh như hai năm trở lại đây.
Nghề làm muối tại Bạc Liêu phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Sản xuất mà gặp phải mưa trái mùa thì xem như thất bát, của tiền tan theo muối. Những năm gần đây, với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền, nhiều diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong sản xuất muối nhằm nâng cao chất lượng hạt muối và tăng năng suất thu hoạch bằng phương pháp trải bạt. Tuy vậy, hiệu quả áp dụng khoa học công nghệ chỉ mới dừng lại ở sự gia tăng năng suất và giá trị hạt muối chứ chưa phát huy hiệu quả trước diễn biến bất lợi của thời tiết.
Mặc dù có ứng dụng khoa học kỹ thuật trong một số khâu trong sản xuất, nhưng nhìn chung nghề muối tại Bạc Liêu hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công: phơi nắng. Do đó sản xuất muối phụ thuộc nhiều vào thời tiết, số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định đến sản lượng, chất lượng muối.
Thêm vào đó, trải bạt sản xuất muối trắng là hướng đi đúng để phát triển bền vững nghề muối. Ai cũng biết sản xuất muối trắng là tốt nhưng vốn đầu tư trải bạt quá lớn, trong khi đa phần diêm dân đều nghèo nên không đầu tư được. “Như ở vụ mùa 2020 – 2021 diện tích sản xuất theo phương pháp trải bạt trên sân kết tinh là hơn 100 ha, chỉ chiếm 7% tổng diện tích sản xuất muối” – ông Hồ Thanh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đông Hải, địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu cho biết.
Bảo tồn và phát triển nghề muối
Diêm dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch muối. Ảnh tư liệu: Huỳnh Sử/TTXVN
Video đang HOT
Nghề làm muối ở Bạc Liêu đã tồn tại trên 100 năm, từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước, được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Mặc dù vậy, diện tích sản xuất muối đang ngày càng bị thu hẹp, bà con diêm dân cũng rời bỏ đồng muối mà đi làm việc khác do không trụ được với nghề. Nếu như năm 2011, tỉnh Bạc Liêu có hơn 3.000 ha đất sản xuất muối, khoảng 1.300 hộ trực tiếp làm muối thì đến năm 2015 giảm xuống chỉ còn hơn 2.600 ha và đến năm 2021 chỉ còn 1.470 ha.
Chủ trương của tỉnh Bạc Liêu là phải giữ cho được nghề muối truyền thống, điều đó đã được thể hiện bằng việc phê duyệt Đề án nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021-2030. Theo đó, Bạc Liêu hướng đến mục tiêu là duy trì diện tích sản xuất muối của tỉnh đến năm 2025 là 1.500 ha, sản lượng muối đạt 55.000 tấn/năm; cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, nhất là hệ thống thủy lợi; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiểu 20%, nâng cao giá trị các sản phẩm muối ít nhất là 20% so với hiện nay là mục tiêu đã được đề ra.
Tỉnh sẽ xây dựng và phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.
Để phát triển ngành muối theo hướng này, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con diêm dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hỗ trợ tỉnh Bạc Liêu triển khai thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất muối giai đoạn 2021 – 2025 tại đồng muối Đông Hải, huyện Đông Hải, với tổng nguồn vốn hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận lợi trong trong việc sản xuất, lưu thông, nâng cao chất lượng muối và thu nhập cho người làm muối.
Dự án cũng xây dựng 15 km đường giao thông và 4 cây cầu, phục vụ cho diện tích sản xuất muối hơn 1.000ha.
Cùng với đầu tư cho sản suất muối, việc chế biến xuất khẩu cũng được quan tâm, bởi đây là khâu quyết định giá trị hạt muối, giúp diêm dân có thu nhập tốt. Tỉnh Bạc Liêu hiện có 2 nhà máy chế biến muối với tổng công suất thiết kế 36.750 tấn/năm. Nhằm nâng cao giá trị hạt muối, muối Bạc Liêu đã được các doanh nghiệp trong tỉnh chế biến thành nhiều sản phẩm, như muối tinh sấy, muối chất lượng cao, muối xay, muối hạt các loại; muối I-ốt; muối gia vị… Một số sản phẩm chất lượng cao đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… và cung cấp cho hơn 300 cửa hàng siêu thị từ Bắc vào Nam của các hệ thống siêu thị Big C, Coopmart, Satra, Lotte, Vinmart…
Tuy nhiên, mỗi năm, 2 doanh nghiệp này tiêu thụ chỉ khoảng 10% sản lượng muối của toàn tỉnh.
Trở lại với vụ sản xuất muối năm nay, thời điểm này muối có giá từ 3.200 – 3.400 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mức giá 1.400 – 1.500 đồng/kg ở thời điểm thu hoạch của năm trước, nhưng diêm dân lại không có muối bán. “Nếu như thời tiết cứ tiếp tục biến đổi thất thường, diêm dân khó có thể bám trụ với nghề truyền thống của ông cha” – ông Lý Huỳnh Hương, người gần cả đời gắn bó với nghề muối ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải than thở.
Nghề muối tại Bạc Liêu: Loay hoay với nỗi lo cũ
Là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn của cả nước, nghề muối tại Bạc Liêu cũng đã trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển.
Diêm dân rửa bạt chuẩn bị lấy nước làm muối. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN
Với chất lượng và mang vị độc đáo rất riêng, năm 2013, muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận "Nghề làm muối ở Bạc Liêu" là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thế nhưng, đời sống của diêm dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn nên năm 2022 khi vụ sản xuất muối đã bắt đầu, người làm muối vẫn canh cánh những nỗi lo cũ.
Thông thường vụ sản xuất muối bắt đầu khoảng tháng 12, nhưng năm nay do mùa mưa kết thúc chậm, việc sản xuất của bà con diêm dân cũng bắt đầu chậm hơn gần 1 tháng.
Trên đồng muối xã Điền Hải, huyện Đông Hải những ngày này, bầu không không khí khá ảm đạm. Bước vào vụ sản xuất mới, giá muối hiện đang ở mức thấp, từ 800 - 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá xăng dầu cùng các chi phí khác đều tăng cao khiến người làm muối không khỏi lo lắng.
Ông Trần Văn Cộng, một diêm dân cả đời gắn bó với nghề muối cho biết, do không tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng nên người nông dân chỉ có thể ứng trước tiền từ các thương lái hoặc vay mượn bên ngoài để có tiền mua vật tư, nhiên liệu, trả cho nhân công, từ đó chi phí đội lên nhiều, sau vụ mùa nhiều khi trắng tay.
Nghề làm muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Sản xuất mà gặp phải mưa trái mùa thì xem như thất bát, của tiền tan theo muối. Muối tan, diêm dân lại phải tranh thủ những ngày nắng nóng để cải tạo lại sân.
Để làm ra được hạt muối, người nông dân phải trải qua rất nhiều công đoạn với sự lao động vô cùng vất vả. Sân muối phải được được xử lý công phu, nền sân thật dẻ và láng để đưa nước biển vào. Rồi từ cái nắng chang chang ấy mà hạt muối kết tinh.
Đất Bạc Liêu, biển Bạc Liêu mang theo vị phù sa, nắng Bạc Liêu đã hòa quyện lại, để kết tinh thành hạt muối đậm vị, nổi tiếng khắp Nam kì lục tỉnh ngày xưa. Những hạt muối trắng tinh tươm không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình phải trải qua một quá trình cực kỳ công phu. Để có hạt muối chất lượng, đạt năng suất cao, không chỉ cần công sức mà cả sự khéo léo, tính toán thật kỹ.
Những năm gần đây, diêm dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất muối chất lượng cao bằng phương pháp trải bạt nhựa trên sân kết tinh. Ứng dụng phương pháp sản xuất này không chỉ mang lại năng suất gấp đôi mà muối cũng được bán với giá cao hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống vì chất lượng tốt hơn.
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Quốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Huy Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, không có nhiều diêm dân áp dụng phương pháp này bởi chi phí đầu tư vượt quá khả năng của phần đông bà con.
Diêm dân thực hiện rửa bạt chuẩn bị lấy nước làm muối. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN
Chỉ tính riêng chi phí đầu tư trải bạt nhựa lát nền 1.000 mét vuông, bà con phải đầu tư 50 triệu đồng, nếu cộng với các khoảng chi phí khác sẽ từ 140 - 150 triệu đồng/1.000 m2. Chính vì thế, tổng diện tích sản xuất muối của Bạc Liêu là 1.468 ha nhưng chỉ có 70 ha sản xuất muối trải bạt.
Nếu hạt muối cần nắng thì với bà con diêm dân, hiệu quả sản xuất muối không chỉ phụ thuộc thời tiết, mà còn chịu sự tác động rất lớn của giá cả thị trường. Sự vất vả của nghề muối còn ở khâu tiêu thụ sản phẩm.
Đối với diêm dân, mọi trang trải chi phí sản xuất, sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào muối. Trừ một ít cá nhân có điều kiện, thường sau vụ muối nếu giá thấp thì họ trữ lại chờ giá cao mới bán, còn lại hầu hết diêm dân đều bán hết để có tiền chi trả nhân công cũng như các trang trải khác trong gia đình.
Nhiều năm trở lại đây, nghề làm muối bấp bênh, rất nhiều gia đình đã không trụ lại được với nghề truyền thống. Nhiều thanh niên rời bỏ đồng muối, tha phương tìm việc xứ người nên việc tìm nhân công để phục vụ sản xuất khi vào vụ muối cũng rất khó khăn. Những người ở lại gắn bó với nghề muối đến nay đều là vì đó là nghề cha truyền con nối, nặng tình với nghề không thể bỏ được.
Thực hiện tái cơ cấu ngành muối, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phê duyệt Đề án Nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối giai đoạn 2021 -2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 duy trì diện tích sản xuất muối của tỉnh là 1.500 ha, sản lượng muối đạt 55.000 tấn/năm; trong đó, diện tích muối kết tinh trên nền trải bạt 120 ha.
Đối với sản xuất muối thủ công, tỉnh định hướng cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối, nhất là hệ thống thủy lợi; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối, tăng năng suất tối thiểu 20%, nâng cao giá trị các sản phẩm muối, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối; máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến muối gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đang tập trung quy hoạch giữ diện tích các cánh đồng sản xuất muối lớn, đầu tư cải tạo hạ tầng khôi phục sản xuất.
Sản xuất muối trải bạt cho hiệu quả kinh tế gấp đôi so với phương pháp truyền thống, nhưng ít có Diêm dân áp dụng vì chi phí đầu tư cao. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN
Cùng với đó, sở đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng, tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến muối nhằm nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối, trọng tâm là hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất muối theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, đồng bộ các khâu từ cung cấp nước biển đến thu hoạch, vận chuyển, làm sạch và bảo quản muối.
Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung hướng dẫn hỗ trợ các dự án xây dựng các mô hình liên kết ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và thích ứng với biển đổi khí hậu trong sản xuất muối; ưu tiên cao cho dự án nghiên cứu sản xuất chế biến muối sạch, an toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, sản xuất chế biến muối biển nhạt nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp có lợi cho sức khỏe.
Đặc biệt, nghiên cứu sản xuất thử nghiệm các sản phẩm mới từ muối để phục vụ nhu cầu của thị trường; xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển nghề sản xuất muối truyền thống gắn với du lịch. Đồng thời, xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm muối tại các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu nhằm giúp người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ngày càng biết nhiều về sản phẩm muối của Bạc Liêu.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho rằng, với những giải pháp như vậy, nghề muối của địa phương sẽ có cơ hội phát triển trong thời gian tới. Khi ấy diêm dân mới gắn bó, yên tâm phát triển sản xuất và như vậy nghề sản xuất muối mới có thể được duy trì, chứ không phải chịu cảnh bấp bênh như lâu nay.
Bạc Liêu: Một người ngã sông tử vong do say rượu Chiều tối 19/12, sau gần 1 giờ tìm kiếm, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Bạc Liêu đã tìm thấy thi thể của nạn nhân Đường Văn Phước, sinh năm 1968, ngụ đường Lò Rèn, khóm 7, phường 5, thành phố Bạc Liêu. Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 19/12, ông Đường Văn...