Dịch vụ đi xe chung của Grap và Uber “hết cửa” hoạt động tại Hà Nội
Ngay sau khi Bộ GTVT “tuýt còi” các hình thức đi chung của Uber và Grab, UBND TP.Hà Nội đã chính thức ra văn bản yêu cầu các đơn vị không áp dụng hình thức này đối với những loại xe hợp đồng.
Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa có công văn đề nghị các sở, ngành liên quan không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng (các dịch vụ GrabShare và UberPOOL).
Công văn này nêu rõ, UBND TP nhận được Văn bản số 6781/BC-BGTVT ngày 22.6.2017 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng.
Hà Nội cấm cửa dịch vụ đi xe chung của Grap và Uber.
Trong quy định về tổ chức quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ tại Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT đã quy định: Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mọi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách.
Video đang HOT
Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản: Thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình, các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều, điểm kết thúc hành trình); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu tất cả các đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng không triển khai dịch vụ tương tự (hình thức đi chung xe) đối với xe hợp đồng.
Các Sở Giao thông vận tải địa phương có hoạt động thí điểm tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tham gia thí điểm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Cũng trong công văn gửi đi, Bộ GTVT yêu cầu các Sở GTVT địa phương có hoạt động thí điểm tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị tham gia thí điểm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Căn cứ vào yêu cầu trên của Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải TP chủ trì thực hiện.
Hiện tại, Grab và Uber là hai đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đang và có kế hoạch triển khai hình thức chung xe. Trong đó, dịch vụ GrabShare của Grab kết hợp hai cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe đã được thực hiện. Trong khi đó, Uber cho biết cũng có kế hoạch triển khai giải pháp giao thông thông minh mang tên UberPOOL.
Được biết, Hà Nội là một trong các địa phương được được Bộ GTVT lựa chọn cho Uber, Grab thí điểm triển khai đề án ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách tại thị trường Việt Nam.
Theo Danviet
Cuộc chiến Uber, Grab với taxi truyền thống: Không thể 'không quản được thì cấm'
Xung quanh vấn đề cấm hay không cấm, quản lý Uber, Grab như thế nào, nhiều chuyên gia cho rằng, không thể cái gì không quản lý được thì cấm mà quan trọng là cơ chế quản lý nhà nước cần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi hơn cho cả hai loại hình Uber, Grab và taxi truyền thống.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế (VCCI) cho rằng thực ra cuộc chiến Uber, Grab và các hãng taxi truyền thống rất liên quan đến điều kiện kinh doanh, để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các hãng taxi truyền thống và hãng Uber, Grab, phải đơn giản thủ tục hành chính cho các taxi truyền thống. Hiện nay, các hãng taxi truyền thống thủ tục hành chính phức tạp và họ phải cõng trên mình rất nhiều chi phí tuân thủ quy định pháp luật, trong khi mô hình Uber, Grab không chịu những áp lực này.
"Tôi cho rằng các hãng taxi truyền thống cần đấu tranh bảo vệ quyền kinh doanh của mình thuận lợi hơn, ngoài yêu cầu khác như về thuế, gia nhập thị trường thì yêu cầu đơn giản thủ tục hành chính, đơn giản điều kiện kinh doanh cũng là yêu cầu cần thiết", ông Tuấn cho biết.
Lịch trình của khách hàng và tài xế Uber hiển thị chi tiết giúp 2 bên kết nối dễ dàng.
Ông Tuấn cho biết thêm, nhiều hãng taxi truyền thống cho biết, họ đưa một đầu xe ô tô vào kinh doanh thì rất khó khăn thì Uber, Grab dễ dàng làm được điều này. Ngoài ra là vấn đề về thuế. Để kiểm soát doanh thu của những hãng như Uber, Grab cũng là thách thức lớn. Theo ông Tuấn, thời gian tới cần chuyển sang quản lý bằng cách thức về thu nhập cá nhân. Suy cho cùng, Uber hay Grab và các mô hình kinh doanh trên nền tảng internet là nền tảng nhu cầu thiết yếu và nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho hàng trăm, triệu người kinh doanh nhỏ ở Việt Nam. Nhưng nó cũng là thách thức lớn trong đảm bảo thu thuế, xa hơn là cạnh tranh giữa người nộp thuế.
"Một phần nữa là câu chuyện quản lý nhà nước, không phải cấm hay không cấm mà cần thay đổi cách thức quản lý cho phù hợp, một mặt khuyến khích những mặt tích cực của mô hình này, mặt khác tìm ra cách thức quản lý được. Một là hoạt động kinh doanh thì phải đóng thuế và cách thức thu thuế các nước có nhiều kinh nghiệm và Việt Nam có thể học tập", ông Tuấn đề xuất.
Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basic cho rằng, Uber, Grap là mô hình mới hiện đại tiện lợi, giảm chi phí cho xã hội, người dùng và doanh nghiệp nên không có lí do gì ngăn cấm mà cần khuyến khích.
"Nếu pháp luật chưa có quy định thì không có lý do gì chúng ta lại cấm. Sau này nếu cần thiết thì điều chỉnh, bây giờ chưa có quy định có nghĩa là được tự do kinh doanh. Còn tại sao bất bình đẳng, có thắc mắc của taxi truyền thống, là do chúng ta quản quá chặt, quá nhiều khắt khe những 13 điều kiện để kinh doanh taxi bình thường thì sẽ rất khó khăn, mất nhiều chi phí, thay vì siết chặt taxi kiểu mới thì chúng ta cần quản lý taxi cũ một cách gọn nhẹ hơn", Luật sư Đức cho hay.
Ông Đức khuyến nghị, có 2 cách là ban hành văn bản mới hoàn toàn để điều chỉnh quy định mới hoặc nhập vào mới nhau và cân đối bình đẳng, tối thiểu hóa chi phí, điều kiện không cần thiết cho doanh nghiệp.
"Vừa rồi, Bộ Giao thông Vận tải cấm việc đi chung taxi của Grab và Uber là quy định nhầm luật. Anh chưa quy định nhưng lại thấy cái giống giống thì ép người ta vào đó", Luật sư Đức nêu quan điểm.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, với ngành vận tải ô tô vài năm nay bùng phát nhiều loại hình làm nhiễu loạn loại hình vận tải, nghị định cũ có 5 loại hình vận tải và nay có các loại như Uber, Grab không nằm trong quy định này nên có cần xác định lại. Uber và Grab nên đưa vào một loại hình kinh doanh mới còn taxi truyền thồng cần phải nới các điều kiện kinh doanh khác.
"Nhà nước lúng túng trong sự phát triển, khi công nghệ bùng nổ thì cháy nhưng chúng ta không có phương thức chữa cháy, cháy to không có thuốc chữa. Mới đây, ngày 28/6 đã có buổi họp của Bộ GTVT và các bộ ngành với Uber, Grab và taxi truyền thống. Chúng tôi phản đối quyết liệt tư tưởng "quản không được thì cấm" mà quản không được thì phải có chính sách cụ thể để giải quyết hợp lý, cạnh tranh lành mạnh", ông Thanh cho hay.
(Theo Tin Tức)
Đâu là mảng tối của các HTX Vận tải? Làm thủ tục để thu tiền, "bán" phù hiệu, không nắm bắt được xã viên hoạt động ra sao là mảng tối trong hoạt động của các hợp tác xã (HTX) vốn được đánh giá là nhiều ưu việt hiện nay. Lập HTX để chạy thủ tục Theo Bộ GTVT, hiện cả nước có 783 HTX vận tải, trong đó đến 738 HTX...