Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc: Cảnh giác lây bệnh từ động vật sang người
Trước thông tin bệnh viêm phổi lạ bùng phát tại Trung Quốc khiến người dân hoang mang, lo ngại, PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai – đã chia sẻ với VietTimes một số thông tin xung quanh bệnh truyền nhiễm và nguy cơ dịch bệnh lan tràn sang Việt Nam.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai – chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm.
Không phải SARS, không lây từ người sang người
Chia sẻ với VietTimes báo cáo mới nhất về bệnh viêm phổi lạ tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết: “Tính đến 3/1/2020, có 44 người bị viêm phổi không rõ nguyên nhân đã được báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Trong số 44 ca thì có 11 ca tiến triển rất nặng, 33 bệnh nhân khác vẫn tương đối ổn định”. Như vậy, chỉ có khoảng số người mắc bệnh rơi vào tình trạng nặng, chưa có trường hợp nào tử vong.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường cũng thông tin, sở dĩ gọi là bệnh viêm phổi lạ vì WHO chưa rõ nguyên nhân gây ra bệnh, kết quả xét nghiệm cho thấy virus gây bệnh không giống với bất cứ tác nhân, virus nào trong y văn có gây bệnh viêm phổi.
Mặc dù người dân lo ngại dịch SARS quay trở lại, nhưng các nhà chức trách đã có kết quả phân lập virus gây bệnh, cho thấy không phải là virus gây bệnh SARS, căn bệnh viêm đường hô hấp cấp tính nặng kinh hoàng xảy ra vào đầu năm 2003 ở châu Á làm hơn 8.000 người mắc và cướp đi sinh mạng của hơn 900 người.
“Các phân tích virus học cũng cho thấy bệnh viêm phổi lạ hoành hành ở TP Vũ Hán xảy ra ở những người sống tại khu vực chợ, có liên quan đến việc buôn bán động vật, hải sản, v.v… Ngoài ra, virus gây bệnh không nằm trong nhóm các bệnh viêm phổi thường gặp như cúm, virus hợp bào hô hấp, hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV), v.v…” – PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết.
Video đang HOT
Nhân viên y tế Trung Quốc thực hiện các biện pháp chống dịch viêm phổi lạ (Ảnh: Internet)
Báo cáo của WHO cũng cho biết chưa thấy mối liên hệ nào giữa bệnh viêm phổi lạ và virus gây cúm gia cầm. Do đó, WHO khẳng định chưa có bằng chứng loại virus này lây từ người sang người.
Đánh giá tổng quan tình hình, PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho rằng không nên quá lo lắng trước căn bệnh viêm phổi này, vì bệnh không lây từ người sang người, tỷ lệ các ca bệnh nặng ở mức thấp.
Chủ động phòng dịch bệnh từ nguồn động vật
Tuy nhiên, chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm cho rằng không nên chủ quan, bởi phòng chống dịch bệnh nguy hiểm lây qua đường hô hấp luôn là vấn đề cấp thiết mà nhân loại phải đối mặt hàng năm.
Tại Việt Nam, thời tiết đông xuân đang tạo điều kiện thuận lợi cho các virus lây truyền bệnh đường hô hấp phát triển, ví dụ cúm, sởi, thủy đậu, quai bị. Đặc biệt là dịch cúm đang hoành hành ở Hà Nội, mỗi ngày có hàng chục người mắc phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.
Sân bay Đà Nẵng được Sở Y tế đưa vào tầm kiểm soát, chống dịch nhóm A (Ảnh: Xuân Mai)
Vì vậy, PGS.TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo, mỗi người dân nên chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, tránh nơi đông người, che miệng khi ho, giữ gìn vệ sinh, ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng cơ thể.
Khi có triệu chứng nghi ngờ của viêm đường hô hấp, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời; không nên có thái độ nước đến chân mới nhảy, bệnh xảy ra rồi mới lo chữa…
“Trước đây chúng tôi đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch SARS, do vậy, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó trong trường hợp dịch có thể lan rộng đến Việt Nam” – PGS.TS. Đỗ Duy Cường cho biết.
Thực tế cũng cho thấy các bệnh dịch lây từ súc vật sang người rất nguy hiểm, để lại hậu quả rất lớn (cúm gia cầm A H5N1, bệnh dại, liên cầu lợn). Trong khi đó, tình trạng nhập lậu thịt gia súc, gia cầm, buôn bán chó, mèo không có dấu kiểm dịch, tiêm phòng vẫn diễn ra, khiến cho nguy cơ bùng phát bệnh dịch rất lớn; vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.
Vì vậy, muốn ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, các nhà chức trách nên cảnh giác và kiểm soát chặt nguồn bệnh từ động vật, các trại chăn nuôi, nhập khẩu gà vịt, lợn, chó, mèo… ngoài việc tăng cường cảnh báo người dân, thực hiện một số biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, ví dụ kiểm dịch biên giới; kiểm soát cửa khẩu, hải quan; cách ly, sàng lọc những người có biểu hiện ốm, sốt để phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời tránh lây lan.
Còn WHO khuyến cáo, chính quyền địa phương nên áp dụng các biện pháp y tế công cộng, giám sát chặt chẽ dịch cúm và các trường hợp mắc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng.
WHO cũng chưa có khuyến cáo nào hạn chế du lịch tới Trung Quốc. Tuy nhiên, người dân nên chú ý tới các dịch vụ y tế và chia sẻ thông tin khi đi du lịch, bệnh sử cho cơ sở y tế địa phương để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Theo viettimes
Trẻ bị viêm phổi kéo dài, coi chừng dị vật đường thở
Viêm phổi liên tục tái diễn, điều trị kháng sinh không mang lại kết quả, tình trạng khó thở ở bệnh nhi ngày càng nặng. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện hạt đậu phộng đang bít gần hết phế quản thùy dưới phổi trái của bệnh nhi.
Đó là trường hợp của bé gái 3 tuổi, ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Cháu nhập viện trong tình trạng khó thở, mệt nhiều.
Thông tin từ gia đình cho biết, trước đó bệnh nhi đã nhiều lần đến bệnh viện địa phương thăm khám, được chẩn đoán bị viêm phổi, theo dõi suyễn. Cháu được điều trị bằng xông thuốc, sử dụng kháng sinh nhưng quá trình điều trị không mang lại kết quả.
Hạt đậu phộng nằm trong lòng phế quản thùy dưới phổi trái của bệnh nhi trên hình ảnh camera nội soi
Thấy con ngày càng khó thở, mệt nhiều hơn nên người mẹ quyết định đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố kiểm tra. Trên phim chụp X-quang phổi thẳng, bác sĩ không phát hiện dị vật. Tuy nhiên, phổi trái của bệnh nhi có dấu hiệu ứ khí khu trú kèm theo hội chứng xâm nhập khá rõ được ghi nhận.
Khai thác kỹ bệnh sử của bé, người mẹ cho biết, khoảng 2 tháng trước trong lúc ăn hạt đậu phộng bé bị ho sặc, có ói ra một số hạt đã nhai vỡ. Bắt đầu từ thời điểm trên, bệnh nhi có dấu hiệu khò khè, khó thở, tình trạng diễn tiến ngày càng nặng dần. Các bác sĩ đã thuyết phục gia đình thực hiện phương pháp nội soi kiểm tra đường thở để tránh nguy hiểm tính mạng do dị vật cho bệnh nhi.
Dị vật gây khó thở, viêm phổi tái diễn kéo dài ở bệnh nhi được bác sĩ gắp ra từ đường thở
Trên hình ảnh camera nội soi, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô Hấp phát hiện có hạt đậu phộng kích thước khoảng 5mm, gần bít lòng phế quản thùy dưới phổi trái của bệnh nhi. Bằng dụng cụ chuyên khoa, bác sĩ đã gắp thành công hạt đậu phộng ra khỏi đường thở cho bé. Sau nội soi, sức khỏe của bé dần ổn định, phổi hết ứ khí, viêm phổi cải thiện và đáp ứng kháng sinh điều trị hiệu quả.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở như các loại hạt, thạch, những loại trái cây có hạt nhỏ... Khi trẻ đang chơi, đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở có đột ngột phải nghĩ ngay tới tình huống trẻ bị hóc sặc dị vật. Cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi có biểu hiện ho khò khè, khó thở lâu ngày.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Dịch viêm phổi lạ ở Trung Quốc có thể liên quan tới loại virus mới WHO khẳng định cần thêm những thông tin toàn diện hơn để xác định chính xác loại mầm bệnh gây ra dịch bệnh, và cho rằng một biến thể mới của virus corona có thể là nguyên nhân. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images) Dịch viêm phổi lạ bùng phát tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc thời gian gần đây có thể...