Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Tình hình dịch bệnh ngày 7/1
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 7/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 87.799.708 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.894.534 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 63.277.842 người.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 trên tình nguyện viên tại Porto Alegre, Brazil, ngày 8/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 370.071 ca tử vong trong tổng số 21.865.323 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 150.372 ca tử vong trong số 10.395.938 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 199.043 ca tử vong trong số 7.874.539 bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong 24 giờ qua, nhiều nước trên thế giới vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay như Séc với 17.668 ca, Anh 63.322 ca, Indonesia 9.321 ca, Nhật Bản với trên 7.000 ca, Malaysia 3.027 ca….
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để phòng dịch bệnh COVID-19.
Tại châu Mỹ, Bolivia thông báo sẽ gia hạn đến ngày 15/2 tới lệnh cấm các chuyến bay từ châu Âu để ngăn ngừa biến thể của virus SARS-CoV-2. Đến nay, hơn 40 nước đã tạm thời cấm các chuyến bay từ Anh sau khi nước này phát hiện biến thể làm gia tăng tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nguy hiểm này.
Tại châu Âu, Chính phủ CH Ireland công bố một số biện pháp bổ sung nhằm khống chế số ca mắc bệnh COVID-19 đang gia tăng mạnh tại nước này. Cụ thể, tất cả hành khách từng đến Anh và Nam Phi muốn nhập cảnh vào Ireland phải cung cấp giấy tờ xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi đến nước này. Quy định này sẽ có hiệu lực ngay sau nửa đêm 8/1 khi lệnh cấm nhập cảnh đối với những người đến từ hai nước nói trên hết hạn.
Bên cạnh đó, Ireland cũng tiếp tục đóng cửa tất cả các trường học tại nước này đến ngày 1/2 tới, trừ các lớp giáo dục đặc biệt và các lớp cuối cấp của trường trung học. Tất cả công trường của những dự án không thiết yếu sẽ đóng cửa từ 18h ngày 8/1, ngoại trừ những công trình liên quan đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các lĩnh vực xuất khẩu, y tế, nhà ở xã hội và các nhu cầu thiết yếu khác.
Video đang HOT
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Praha, CH Séc, ngày 6/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Chính phủ Séc đã quyết định duy trì các biện pháp hạn chế trên cả nước ở mức nghiêm ngặt nhất của hệ thống PES ít nhất đến ngày 22/1 tới, thay vì vào ngày 10/1 như trước. Chính phủ Séc cũng không loại trừ việc siết chặt hơn nữa các biện pháp, liên quan về các hạn chế ở các nước láng giềng, phụ thuộc vào diễn tiến của dịch bệnh.
Còn Chính phủ Hungary cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng học trực tuyến tại các trường trung học cơ sở đến sau ngày 11/1. Thủ tướng Viktor Orban dự kiến sẽ đưa ra quyết định trên trong ngày 8/1. Bên cạnh đó, việc nối lại hình thức học trực tiếp tại các trường trung học cơ sở cũng chưa thể thực hiện theo kế hoạch vào tuần tới. Kể từ ngày 11/11/2020, tất cả các trường trung học cơ sở ở Hungary đã đóng cửa, cùng với các khách sạn và nhà hàng. Lệnh giới nghiêm đã được áp đặt, trong khi mọi hoạt động tụ tập bị cấm. Các biện pháp này theo kế hoạch sẽ hết hiệu lực vào ngày 11/1.
Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận, gồm Chiba, Kanagawa và Saitama, trong thời gian từ ngày 8/1-7/2. Cùng với quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua văn bản hướng dẫn mới về phòng chống dịch COVID-19.
Văn bản trên nêu rõ các biện pháp sẽ được áp dụng tại các tỉnh, thành nằm trong phạm vi hiệu lực của tình trạng khẩn cấp. Cụ thể, người dân ở các tỉnh, thành này được yêu cầu hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết sau 20h. Các cơ sở kinh doanh ăn uống được khuyến cáo chỉ bán đồ uống có cồn trong khoảng thời gian từ 11h đến 19h và phải đóng cửa vào lúc 20h hàng ngày. Chính phủ sẽ giúp các chính quyền địa phương trợ cấp cho các nhà hàng và quán bar tuân thủ các yêu cầu này.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa và làm việc theo ca với mục tiêu giảm 70% số lượng nhân viên làm việc tại văn phòng, đồng thời không để nhân viên làm việc sau 20h, ngoại trừ các công việc cần thiết để duy trì hoạt động.
Khu hành chính đặc biệt Macao (Trung Quốc) thông báo từ ngày 13/1 tới, những hành khách nước ngoài muốn đáp chuyến bay đến Macao sẽ cần có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 3 ngày trước thời gian khởi hành. Trước đó, các hành khách được yêu cầu phải có giấy tờ nói trên còn hiệu lực trong 7 ngày kể từ ngày lấy mẫu bệnh phẩm đến ngày khởi hành.
Đối với những hành khách quá cảnh tại Macao, giấy trả kết quả xét nghiệm này có hiệu lực trong 3 ngày trước ngày khởi hành đầu tiên. Chính quyền Macao triển khai biện pháp mới này nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nước ngoài. Macao cũng siết chặt các quy định cách ly những người có lịch sử di chuyển đến những quốc gia và vùng lãnh thổ ở ngoài Trung Quốc.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lille, Pháp ngày 28/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Liên quan tới chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, Pháp, cùng với nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) khác, đã triển khai chương trình tiêm vaccine gồm 3 giai đoạn với đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi tại trung tâm dưỡng lão. Khoảng 14 triệu người có bệnh nền mãn tính sẽ được chủng ngừa từ tháng 2 tới.
Trong khi đó, Séc công bố kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này, trong đó từ nay đến hết tháng 3, vaccine sẽ dành cho các đối tượng ưu tiên và kể từ tháng 4, vaccine sẽ được triển khai tiêm đại trà. Kế hoạch tiêm phòng của Séc sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu hiện đang được triển khai dành cho các đối tượng ưu tiên gồm người già trên 80 tuổi, nhân viên y tế, nhân viên làm việc trong các cơ sở chăm sóc xã hội và nhân viên tham gia phòng chống dịch của Bộ Nội vụ Séc. Giai đoạn tiếp theo dành cho các đối tượng ưu tiên gồm người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính và các đối tượng ưu tiên làm việc trong các cơ quan nhà nước trọng yếu. Giai đoạn 3 được áp dụng đại trà cho người dân.
Thái Lan thông báo sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí cho một nửa dân số nước này trong năm nay. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã công bố một kế hoạch dài hạn để đảm bảo người dân Thái Lan sẽ được tiếp cận với các loại vaccine sản xuất trong nước với giá cả phải chăng.
Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của nước này có thể bắt đầu sớm nhất là vào giữa tháng 2, với mục tiêu có 4 triệu người Australia được tiêm chủng vào cuối tháng 3. Đợt tiêm chủng đầu tiên sẽ bắt đầu từ giữa hoặc cuối tháng 2, với 80.000 mũi /tuần dành cho những người có nguy cơ cao nhất, bao gồm nhân viên tại các cơ sở cách ly người nhập cảnh và những người làm các công việc có liên quan đến người nhập cảnh, nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật, người cao tuổi và người khuyết tật. Trẻ em sẽ là nhóm cuối cùng được tiêm chủng, do ít nguy cơ mắc bệnh cũng như chưa có đủ dữ liệu về tác dụng của vaccine đối với các nhóm nhỏ tuổi.
Các nước châu Âu ghi nhận thêm những ca nhiễm và tử vong mới
Bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các nước châu Âu vẫn ghi nhận thêm các ca nhiễm và tử vong mới.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lille, Pháp, ngày 28/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 7/1, Bộ Y tế Séc cho biết nước này ghi nhận thêm 17.668 ca nhiễm mới bệnh COVID-19, số ca mắc mới trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Trong 24 giờ qua, Séc cũng có thêm 185 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong trên cả nước lên 12.621 người.
CH Séc với 10,7 triệu dân là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu Âu.
Tại Đức, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) ngày 7/1 cho biết tổng số ca mắc bệnh COVID-19 đã tăng lên 1.835.038 ca sau khi ghi nhận thêm 6.391 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đức cũng có thêm 1. 070 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 37.607 ca.
Nga cũng thông báo có thêm 23.541 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 3.332.142 ca. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận 506 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người không qua khỏi lên 60.457 người.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock ngày 7/1 cho biết nước này đang chuẩn bị ứng phó trong trường hợp số ca mắc mới bệnh COVID-19 gia tăng tại London, đồng thời cho biết bệnh viện dã chiến gọi là "Nightingale" sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng để giảm áp lực cho hệ thống y tế.
Gần đây, Anh đã thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 khiến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới phải áp đặt hạn chế đi lại đối với Anh nhằm ngăn chặn biến thể này lây lan. Hiện nhiều khu vực trên thế giới đã xuất hiện biến thể này.
Trước tình trạng đáng báo động về sự lây lan của biến thể mới nói trên, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu ngày 7/1 cho biết cần phải hành động nhiều hơn để giải quyết vấn đề này. Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Hans Kluge cho rằng tình hình hiện nay là "thời điểm mấu chốt của đại dịch" khi cả châu Âu đang phải đối mặt với sự gia tăng của các ca nhiễm mới và sự xuất hiện của các biến thể của virus SARS-CoV-2. Ông nhấn mạnh: "Nếu không tăng cường kiểm soát nhằm làm chậm lại tốc độ lây lan của nó, sẽ có tác động gia tăng đối với các cơ sở y tế vốn đã căng thẳng và áp lực".
Ông Kluge cũng đưa các biện pháp phòng dịch quen thuộc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, như đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người, duy trì khoảng cách và rửa tay. Theo ông, các biện pháp này cùng với việc kiểm tra, cách ly và tiêm chủng đầy đủ "sẽ hiệu quả nếu tất cả chúng ta cùng tham gia".
Liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh, cơ quan y tế bang Queensland của Australia ngày 7/1 xác nhận một phụ nữ làm việc tại khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly người nhập cảnh ở thành phố Brisbane đã có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể này. Đây là ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở ngoài cơ sở cách ly tại Australia.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, giới chức y tế bang Queensland cho biết người phụ nữ đã làm việc một ca duy nhất tại khách sạn trên vào ngày 2/1 và đi xét nghiệm vào ngày 6/1 sau khi xuất hiện các triệu chứng. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm trong ngày 7/1, giới chức y tế bang Queensland đã khẩn trương tiến hành công tác truy vết và phong tỏa một số nhà dưỡng lão ở thành phố Brisbane.
Đến nay, Australia đã phát hiện 2 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 và đều là người nhập cảnh đang được cách ly.
WHO nhấn mạnh các đối tượng được ưu tiên tiêm phòng COVID-19 Ngày 5/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nhân viên y tế và những người gặp vấn đề về sức khỏe phải là những người đầu tiên được tiêm chủng vaccine ngừa bệnh COVID-19. Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Lille, Pháp, ngày 28/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN Phát biểu...