Dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp
Dịch tả lợn Châu Phi (African Swine Ferver – ASF) đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều nước khu vực Đông Nam Á đang rốt ráo triển khai các giải pháp ngăn chặn sự xâm nhiễm của virus nguy hiểm này.
Hơn 3 năm trở lại đây, bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát liên tục ở các nước trong khu vực núi Caucasus và miền Nam của Liên Bang Nga với xu hướng ngày càng lan rộng. Bệnh đang xảy ra ở Trung Quốc và có xu hướng lây lan nhanh. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, bệnh có khả năng sẽ lây lan đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ngày 30/8/2018, Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành trên cả nước triển khai các giải pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhập dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.
Cơ quan chức năng Thái Lan đang siết chặt việc kiểm tra, ngăn chặn nguồn thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn từ hành khách nhập cảnh vào nước này
Trong khi đó tại Trung Quốc, diễn biến dịch tiếp tục lan rộng. Cụ thể, ổ dịch đầu tiên được công bố vào ngày 3/8/2018 tại tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc Trung Quốc, bệnh được phát hiện ở một trang trại nhỏ có quy mô 383 con lợn, làm chết 47 con sau khi bị nhiễm bệnh.
Ổ dịch thứ 2 được phát hiện ngày 16/8/2018 tại một nhà máy giết mổ ở tỉnh Hà Nam làm 30 con lợn đã bị chết (nguồn gốc lợn được vận chuyển từ tỉnh Hắc Long Giang, là một tỉnh vùng Đông Bắc có khoảng cách 500 dặm từ ca bệnh đầu tiên). Từ khoảng cách giữa 2 ổ dịch cho thấy virus có thể đã lây lan ra nhiều nơi ở Trung Quốc trước khi ca bệnh được xác nhận. Nhà máy giết mổ ngay sau đó đã bị đóng cửa, heo bị cấm vận chuyển trong khu vực có bán kính 6 dặm và tất cả heo trong khu vực có bán kính 2 dặm (1 dặm = 1,6 km) từ nhà máy giết mổ đều bị tiêu hủy…
Tính đến ngày 3/9/2018, dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục được phát hiện tại nhiều địa điểm tại Trung Quốc (tập trung chủ yếu các tỉnh phía đông nước này) với tổng cộng 7 địa điểm đã phát hiện bệnh. Các ổ dịch thứ 5, 6 và 7 được phát hiện tại tỉnh An Huy từ ngày 30/8 đến 3/9/2018. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, dịch tả lợn Châu Phi hiện đã làm chết và tiêu hủy hơn 38.000 con lợn.
Tại Hàn Quốc, theo Thời báo Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn nước này vừa có báo cáo đã tìm thấy gene của virus dịch tả lợn Châu Phi trong hai sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến, được mang theo của 2 khách du lịch đến từ thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Đây cũng là nơi được ghi nhận đã có dịch lần đầu tiên ở Trung Quốc. Cơ quan Hải Quan của Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm bằng phản ứng PCR và phát hiện ra virus, tuy nhiên các nhà chức trách đang kiểm tra xem đó là virus còn sống hay đã chết. Sản phẩm thịt lợn chế biến ngay sau đó được xử lý ở nhiệt độ cao, do vậy có rất ít khả năng lây lan mầm bệnh cho ngành chăn nuôi heo của Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này cho thấy vấn đề khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh liên quan đến kiểm soát virus xâm nhập vào trong nước liên quan đến các sản phẩm của heo qua con đường du lịch.
Tại Philippines, chính phủ nước này vừa ban hành lệnh cấm NK lợn và sản phẩm từ lợn của Trung Quốc và các quốc gia đã phát hiện có dịch tả lợn Châu Phi. Trong khi đó tại Thái Lan, nước này có lệnh tạm ngừng NK ít nhất 90 ngày đối với lợn sống và sản phẩm từ lợn giết mổ từ Trung Quốc và các nước có phát hiện dịch tả lợn Châu Phi.
Video đang HOT
Hiện tại, Thái Lan triển khai nhiều biện pháp rốt ráo nhằm kiểm soát việc xâm nhiễm dịch vào nước này. Đặc biệt tại các cửa khẩu và cảng hàng không, các poster tuyên truyền về việc cấm và sẽ phạt nặng đối với hành vi đem theo sản phẩm từ thịt lợn đã được triển khai tại các cảng hàng không. Chó nghiệp vụ được huy động để kiểm soát kỹ hành lý của hành khách nhập cảnh vào nước này, đặc biệt là lượng khách du lịch rất đông đảo đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thai Lan cũng đã tăng cường các biện pháp lấy mẫu, phân tích để sàng lọc và phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi đối với các trang trại chăn nuôi cũng như các sản phẩm từ lợn, nhất là sản phẩm nhập khẩu.
Theo nguồn tin riêng của NNVN, Tập đoàn C.P (Charoen Pokphand Group) – “ông lớn” trong ngành chăn nuôi của Thái Lan hiện đã ráo riết triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ cho hệ thống trang trại chăn nuôi của tập đoàn rải khắp Thái Lan cũng như Việt Nam. Theo đó, C.P căn cứ theo các khuyến cáo của FAO cũng như cơ quan chức năng về kiểm soát dịch bệnh vật nuôi của Thái Lan về phòng chống dịch tả lợn Châu Phi để phổ biến tới toàn bộ hệ thống trang trại của Tập đoàn. Một số biện pháp đã được C.P đưa ra cho trang trại như: Không mang thịt lợn, thực phẩm có chứa thịt lợn vào trang trại; không sử dụng thức ăn dư thừa làm thức ăn cho lợn; xử lí nước uống cho lợn bằng Chlorine 3-5 ppm trước khi cho uống; ngăn chặn ruồi, muỗi bằng các chế phẩm; sát trùng, tắm, gội đầu, thay quần áo của trại và ủng trại, nhúng vào hố sát trùng trước khi ra vào trại…
LÊ BỀN
Theo nongnghiep
Giá heo hơi hôm nay 3/9: Giá lợn chững lại, người nuôi lo dịch tả lợn châu Phi tấn công
Theo khảo sát của phóng viên NTNN/Dân Việt, giá heo hôm nay 3/9 tại các vùng của cả nước vẫn đang giữ ở mức trên dưới 50.000 đồng đến 52.000 đồng/kg, tùy loại. Điều đáng lo ngại là hiện nay, Trung Quốc đang phải đối phó với dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm, loại bệnh này lây lan rất nhanh và nguy cơ tràn vào Việt Nam rất lớn.
Giá lợn hôm nay 3/9 tại các vùng trong cả nước vẫn giữ ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg.
Giá lợn chững lại
Ông Nguyễn Tiến Phương, chủ trang trại lợn ở Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, so với thời điểm tuần trước, hiện giờ giá lợn đã chững lại khoảng trên dưới 50.000 đồng/kg. "Với mức giá này người nuôi vẫn có lãi khá lớn, mong rằng trong thời gian tới giá lợn giữ vững để bà con kiếm lãi", ông Phương nói.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phương bày tỏ lo ngại trước thông tin dịch tả lợn châu Phi có thể xâm nhiễm vào Việt Nam. "Khi nghe thông tin báo chí xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và rất có thể sẽ tràn vào Việt Nam nên tôi và bà con chăn nuôi rất lo lắng, sợ dịch vào sẽ ảnh hưởng đến giá lợn và đầu ra. Hiện, chúng tôi rất cần thông tin và cách phòng tránh mong nhà nước, đặc biệt là Bộ NNPTNT cập nhật, dự báo sớm tình hình và cảnh báo sớm giúp người dân an toàn để chúng tôi yên tâm chăn nuôi", ông Phương khẳng định.
Cùng nỗi lo với ông Phương, bà Phạm Thị Bích ở Tam Điệp (Ninh Bình) cho rằng, nếu nhà nước không sớm có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn và lên kịch bản ứng phó sớm thì rất có thể người nuôi lợn tại các vùng trong nước sẽ hứng chịu thiệt hại.
"Giá lợn hiện vẫn đang ở mức khá tốt, khoảng trên dưới 51.000 đồng/kg, người nuôi vẫn có lãi nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, nếu sắp tới dịch tả lợn châu Phi ập đến thì bà con sẽ là người hứng chịu hậu quả rất nặng nề", bà Bích nói.
Cách phát hiện dịch tả lợn Châu Phi
Nhiều người nuôi heo ở các vùng đang lo ngại dịch tả lợn châu Phi tràn vào Việt Nam gây hại cho chăn nuôi và sinh kế của người dân.
Ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho biết, lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam).
Do đó, việc chẩn đoán Dịch tả lợn châu Phi khó có thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng, mà cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm mới có thể phát hiện chính xác virus dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, một số biểu hiện cơ bản có thể dễ nhận nhận bên ngoài ở các thể:
- Thể quá cấp tính: Lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
- Thể cấp tính: Lợn sốt cao (40,5-42C). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước.
Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày.
Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ tử chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang ASFV trong suốt cuộc đời.- Thể á cấp tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình, chủ yếu được tìm thấy ở châu Âu, lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng.
Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn mang thai sẽ sẩy thai, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70 %. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.
- Thể mãn tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp. Chủ yếu được tìm thấy ở Angola và châu Âu. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển.
Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.Các bệnh khác cần được chẩn đoán để phân biệt với bệnh do virus dịch tả lợn châu Phi rất đa dạng, bao gồm các bệnh: Bệnh tai xanh (đặc biệt là thể cấp tính); bệnh đóng dấu lợn; bệnh phó thương hàn; bệnh tụ huyết trùng; bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus suis; bệnh Glasser; bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma gây ra; Hội chứng viêm da sưng thận do PCV2; bệnh giả dại ở lợn choai và bị ngộ độc muối.Hiện nay, hệ thống các phòng phân tích của ngành thú y ở nước ta đều có khả năng để xác định bệnh do virus dịch tả lợn châu Phi gây ra.
Cụ thể, việc lấy mẫu xét nghiệm có thể gồm: Lấy mẫu máu lợn đang sốt trong giai đoạn đầu, máu được chống đông bằng bổ sung EDTA 0.5% hoặc Heparin; lách, các hạch bạch huyết, hạch amidan bảo quản ở nhiệt độ 4C; huyết thanh từ động vật khỏi bệnh, lấy mẫu trong vòng 8-21 ngày sau khi lợn nhiễm bệnh.
Xét nghiệm phát hiện virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng nhiều cách như: Sử dụng tế bào monocytes sơ cấp của lợn hoặc tế bào tủy xương, phần lớn virus dịch tả lợn phân lập được sẽ sinh ra Haemadsorption; phát hiện kháng nguyên bằng phương pháp Fluorescent antibody test (FAT) kết quả dương tính của FAT cùng với các triệu chứng và các tổn thương có thể sơ bộ xác định bệnh Dịch tả lợn châu Phi; phương pháp PCR: Là kỹ thuật cần thiết đối với việc xét nghiệm các mẫu lợn nghi bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi...
Theo Danviet
KHẨN: Dịch tả lợn đổ bộ Trung Quốc, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tràn vào Trung Quốc, loại bệnh này gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết rất cao, lên đến 100%. Bộ NN&PTNT vừa có công văn khẩn gửi các tỉnh để ngăn chăn sự xâm nhập của loại bệnh này vào Việt Nam. Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày...