Dịch tả lợn châu Phi lan ra 6 tỉnh: Đàn lợn 26 triệu con bị đe dọa
Kể từ sau ngày 19.2.2019, khi lần đầu tiên Cục Thú y (Bộ NNPTNT) thừa nhận dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên, đến nay, dịch đã lây lan ra 6 tỉnh với hàng nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy.
Rõ ràng, những biện pháp cấp bách phòng chống bệnh phải được triển khai quyết liệt hơn nữa, nếu không muốn ảnh hưởng đến đàn lợn 26 triệu con của cả nước.
Dịch có chiều hướng lây lan mạnh
Những ổ DTLCP đã xuất hiện ở 2 tỉnh Thái Bình và Hưng Yên từ đầu tháng 2.2019. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 27.2.2019, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 96 hộ, 33 thôn, 20 xã, 13 huyện của 6 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con (tổng trọng lượng tiêu hủy 172.505kg), hàng chục tỷ đồng của nông dân đã trôi ra sông ra biển chỉ sau một đêm.
Lãnh đạo Bộ NNPTNT và các đơn vị chức năng kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại Thanh Hóa. Ảnh: T.L
Điều đáng lo ngại là, theo diễn biến thì tốc độ lây lan của DTLCP là rất nhanh và khó kiểm soát. Ví như tại Hưng Yên, chỉ từ 2 ổ dịch ban đầu ở TP.Hưng Yên và huyện Yên Mỹ được phát hiện từ ngày 1.2, đến ngày 27.2, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 35 hộ, 9 thôn của 7 xã ở TP.Hưng Yên, các huyện Yên Mỹ, Ân Thi và Kim Động. Đã có 1.628 con lợn dương tính với bệnh được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Cũng như vậy, tại Thái Bình, ban đầu dịch chỉ xảy ra ở một vài hộ của xã Đông Đô (huyện Hưng Hà) nhưng sau đó đã lan ra nhiều địa phương khác. Đến nay, đã có 9 thôn của 5 xã (Đông Đô, Tây Đô thuộc huyện Hưng Hà; Lô Giang thuộc huyện Đông Hưng; Đông Hải và An Dục thuộc huyện Quỳnh Phụ) xuất hiện DTLCP; 370 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy.
Sau đó, dịch tiếp tục được phát hiện ở TP.Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam. Tại TP.Hải Phòng, từ ngày 18-27.2, bệnh DTLCP xảy ra tại 20 hộ, 12 thôn, 5 xã (gồm Chính Mỹ, Đông Sơn, Lưu Kiểm và Liên Khê của huyện Thủy Nguyên; xã Nam Hưng của huyện Tiên Lãng), buộc phải tiêu hủy 231 con lợn. Tại Thanh Hóa, dịch mới được phát hiện tại hộ dân ở thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định, với 226 con lợn dương tính với bệnh.
Video đang HOT
Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với địa phương tổ chức xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn lợn, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng liên tục khu vực hộ có dịch, đường ra vào ổ dịch và các khu vực có nguy cơ cao; thành lập chốt kiểm dịch, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn vùng có dịch; tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm các hộ chăn nuôi lợn xung quanh hộ có dịch; chỉ đạo công bố dịch bệnh và triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, một trong những nguyên nhân khiến DTLCP lây lan mạnh là do chúng ta vẫn chưa kiểm soát được triệt để tình hình buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc.
Trong khi đó, cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh DTLCP vào Việt Nam.
“Nghiên cứu của các chuyên gia thú y Ba Lan cho thấy, có đến 74% trường hợp bệnh DTLCP xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi lợn của nước này do chưa kiểm soát chặt chẽ, thực hiện quy trình sát trùng người và phương tiện vào các trang trại chăn nuôi lợn và do sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Trong khi đó, điều này cũng khá phổ biến ở nước ta bởi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; người dân vẫn sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi” – ông Tiến nêu một thực tế.
Tính đến việc tăng hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh
Nhận định về tình hình phòng chống DTLCP thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các địa phương đã thực hiện nghiêm túc theo các kịch bản Bộ NNPTNT đã đưa ra. Tuy nhiên, do con đường lây lan bệnh khá phức tạp, vì vậy, các địa phương phải tập trung các nguồn lực tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất…).
Đặc biệt, phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn cấp tỉnh có dịch bệnh, đặc biệt thực hiện nghiêm việc cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định của Luật Thú y. Cùng với đó, thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh…
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, một trong những nguyên nhân khiến bệnh lây lan mạnh là do người dân cho rằng mức hỗ trợ tiêu hủy hiện nay chưa phù hợp với thị trường (38.000 đồng/kg), lại phải qua nhiều khâu thẩm định phức tạp nên đã có hiện tượng bán tháo lợn để thu tiền ngay. “Đây chính là nguyên nhân khiến bệnh lây lan khủng khiếp, khó kiểm soát, vì vậy tôi đề nghị đưa vào nghị quyết của Chính phủ xem xét hỗ trợ theo giá thị trường” – ông Tiến nói.
Theo Danviet
Phòng chống dịch tả lợn châu Phi: Kiên quyết thực hiện 5 KHÔNG
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có thể lây lan trên diện rộng, người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn cần thực hiện nghiêm túc "5 KHÔNG" để tránh phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường.
Cụ thể, để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện 5 KHÔNG theo đúng quy định của Luật thú y:
1.Không giấu dịch.
2.Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết.
3.Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết.
4. Không vứt lợn chết ra môi trường.
5. Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt."
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác phòng dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng. Ảnh: BHP.
Theo thông tin của Dân Việt, sau Thái Bình, Hưng Yên,dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện ở Hải Phòng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã lấy 5 mẫu bệnh phẩm (huyết thanh, phủ tạng) lợn tại trại chăn nuôi lợn của ông Vũ Văn Đạt (thôn 12 Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) để xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 22.2.2019, kết quả xét nghiệm cho thấy, 2/5 mẫu bệnh phẩm được kiểm tra, xét nghiệm có dương tính với virus tả lợn châu Phi.
Sáng 23.2, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cùng đoàn công tác của Bộ đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại Hải Phòng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu ngành thú y thành phố cùng các địa phương bám sát địa bàn, giám sát chặt chẽ để phát hiện kịp thời dịch bệnh. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân về đặc điểm, tác hại của bệnh trên lợn; hiểu rõ bệnh không lây sang người, người dân có thể sử dụng thịt lợn làm thực phẩm như bình thường.
Khi phát hiện có dịch, việc quan trọng nhất là tổng cách ly, xử lý nhanh chóng, triệt để ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ số lợn nhiễm bệnh, tuyệt đối không để các hộ nuôi tự ý "bán chạy" lợn khiến dịch lây lan. Bên cạnh đó, thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn về quá trình xử lý, dập dịch, tổng rà soát lấy mẫu, giám sát các hộ nuôi chung quanh nơi có dịch.
Hiện, Cục Thú y đang phối hợp với các cơ quan chức năng TP.Hải Phòng tiến hành tổ chức khoanh vùng xác minh, xử lý ổ dịch tả lợn châu Phi mới được phát hiện.
Theo Danviet
Nghiêm ngặt, quyết liệt ở 2 điểm "nóng" dịch tả lợn châu Phi Vào những ngày này, chính quyền địa phương và người dân trong vùng xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi ở Hưng Yên, Thái Bình và các xã giáp ranh đang gồng mình chống chọi với đợt dịch nguy hiểm mới tràn về. Ở nơi đầu tiên phát hiện dịch bệnh Sau ngày địa phương công bố dịch, xã Yên Hòa (huyện...