Dịch tả lợn châu Phi có nguy hiểm cho con người?
Không giống như cúm lợn, bệnh tả lợn châu Phi không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người mà nguy hiểm khi lợn tả dễ nhiễm virus khác.
Ảnh minh họa
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OlE), ngày 1/8 bệnh dịch tả lợn Châu Phi lần đầu tiên đầu xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Đến nay dịch lan ra 6 tỉnh, nhà chức trách đã tiêu hủy 38.000 con lợn. Từ cuối năm 2017 đến nay đã có 12 quốc gia ghi nhận bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Thịt lợn hiện được sản xuất và tiêu thụ rất nhiều ở các nước châu Á. Do đó Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) cảnh báo gần như chắc chắn virus tả lợn sẽ xâm nhập vào các nước khác trong khu vực. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) lên tiếng, dịch tả lợn hiện không có vắcxin và không thể chữa. Là một chủng độc lực cao, virus này sẽ giết 100% số lợn bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sức khỏe con người. Theo phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên, khoa thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn… Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi ăn tiết canh, ăn thịt heo bệnh, chưa nấu chín kỹ.
Video đang HOT
Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng, mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Khi nhiễm khuẩn, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não.
Ông Juan Lubroth, Giám đốc chương trình Thú y toàn cầu của FAO cảnh báo dịch tả lợn châu Phi có thể lây nhiễm xuyên biên giới thông qua vận chuyển, lưu hành thịt lợn bị nhiễm bệnh. Virus này sống rất khỏe, có thể tồn tại nhiều tuần hoặc vài tháng trong thịt lợn được bảo quản hoặc muối, thức ăn chăn nuôi.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát đi cảnh báo, chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi. Việt Nam siết chặt giám sát tình hình vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn qua biên giới không rõ nguồn gốc.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng. Lợn mắc bệnh tả sẽ chết 100% chỉ trong 5-7 ngày. Vi khuẩn tả trong thịt lợn chết ở nhiệt độ 70 độ C.
Lê Nga – Thúy Quỳnh
Theo Vnexpress
Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam
Ngày 30/8, Bộ NN&PTNT đã có Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng các Bộ: Thông tin và truyền thông, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài chính, Công an và Bộ Quốc phòng về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), ngày 1/8/2018, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever - viết tắt là ASF) lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện tại tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc.
Tính đến ngày 25/8/2018, tổng cộng đã có 4 ổ dịch Dịch tả lợn Châu Phi được Trung Quốc báo cáo cho OIE với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 10.000 con; mặt khác, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 12 quốc gia (bao gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, CH Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đô-va, Phần Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-a) báo cáo có Dịch tả lợn Châu Phi.
Ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Bệnh Dịch tả lợn Châu phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.
Hiện nay, chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan; các biện pháp chủ yếu như kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn và chăn nuôi an toàn sinh học được nhiều nước đã và đang áp dụng.
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam thông qua việc buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn nhập lậu, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi và thương mại quốc tế, Bộ NN&PTNT đã có Công điện khẩn 6741/CĐ-BNN-TY đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp chỉ đạo triển khai một số nội dung ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.
Nguyễn Dương
Theo Dân trí
Ăn sáng sao cho đúng cách Nhiều người thường có thói quen bỏ bữa ăn sáng mà không biết lợi ích của bữa sáng quan trọng như thế nào đối với sức khỏe con người. Tác hại của việc không ăn sáng là gì? Chúng ta vẫn thường nghe câu: "Bữa sáng ăn cho mình, bữa trưa cho bạn bè, và bữa tối cho kẻ thù", nhưng rất nhiều...