Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở nhiều tỉnh miền Trung
Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị ghi nhận hàng trăm ổ dịch tả lợn châu Phi tại nhiều huyện, thành, thị những ngày qua.
Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ cuối tháng 9 tới nay dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 37 xã của 8 huyện. Tổng số lợn phải tiêu hủy hơn 1.900 con, trên 122.000 kg.
Ngành thú y nhận định, virus có sức đề kháng cao, mầm bệnh đã lưu hành rộng trong quần thể, đường lây truyền phức tạp là một trong những nguyên nhân khiến dịch bùng phát mạnh. Trong khi nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng trực tiếp thức ăn cho lợn từ nguồn đồ ăn thừa thu gom, sử dụng nước ao, hồ chưa qua xử lý để tắm cho lợn cũng khiến bệnh dễ lây lan.
Ngoài ra, người dân khi có lợn ốm chết không báo ngay cho cơ quan chuyên môn mà mổ thịt chia nhau ăn, chất thải không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường, gây khó khăn trong công tác kiểm soát giết mổ. Thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nhiều gây ngập lụt cũng khiến mầm bệnh phát tán.
Theo ông Tống Văn Giáp, Phó chi cục trưởng Chăn nuôi Thú Y Thanh Hóa, để khống chế dịch bệnh, các địa phương phải tiêu hủy ngay toàn bộ lợn mắc bệnh; hộ dân dùng hóa chất và vôi bột tiêu độc, khử trùng chuồng trại, và những khu vực có nguy cơ cao.
Thanh Hoá đặt mục tiêu đến ngày 5/12 sẽ công bố hết dịch. Toàn tỉnh hiện có hơn 335 trang trại và hàng nghìn gia trại chăn nuôi lợn, trong đó có nhiều trại quy mô lớn ở các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống…
Cán bộ Thú y Quảng Trị tiêu hủy số lợn bị bệnh. Ảnh: Hoàng Táo
Nghệ An ghi nhận 169 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 19 huyện, thành, thị chưa qua 21 ngày. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhận định, từ tháng 9 tới nay dịch có xu hướng bùng phát mạnh tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Hơn 12.400 con với tổng trọng lượng hơn 600.000 kg đã phải tiêu hủy.
Ngày 3/11, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu yêu cầu các huyện thị tập trung nguồn lực phòng chống dịch, không để phát sinh ổ dịch mới, tiêu hủy triệt để lợn bệnh. Người chăn nuôi được khuyến cáo theo dõi sức khỏe đàn lợn, nếu có hiện tượng lợn ốm, chết bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y.
Video đang HOT
Tại Hà Tĩnh, từ tháng 9 dịch cũng bùng phát, lây lan ra 18 xã, phường, thị trấn của 9 đơn vị cấp huyện. Ông Nguyễn Khắc Khánh, Phó chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết lợn nhiễm bệnh chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tính riêng trong đợt dịch tái bùng phát 9 đến nay, cơ quan chức năng đã phối hợp tiêu hủy hơn 300 con. Hiện địa bàn còn hơn 25 ổ dịch chưa qua 21 ngày.
“Virus tả lợn châu Phi chưa có vaccine để xử lý triệt để, do vậy cứ tồn tại âm ỉ tại những ổ dịch cũ. Ngoài ra, thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi xảy ra lũ lụt, virus đi theo dòng nước cũng là nguyên nhân khiến dịch phát sinh”, ông Khánh nói.
Hà Tĩnh có tổng đàn 383.000 con lợn, trong đó 58% thuộc quy mô trang trại, 42% quy mô nông hộ. Để dập dịch, ngành thú y đang tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương khoanh vùng, bảo vệ đàn nuôi, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình giấu dịch.
Lực lượng chức năng huyện Đức Thọ tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh hồi tháng 10. Ảnh: Đức Hùng
Ngày 29/10, hàng chục con lợn của 4 hộ dân ở huyện Cam Lộ ( Quảng Trị) cũng được ghi nhận mắc dịch tả lợn châu Phi. Chính quyền huyện Cam Lộ đã tổ chức tiêu hủy, tiêu độc khử trùng, tuyên truyền người dân thường xuyên vệ sinh chuồng trại, có các biện pháp phù hợp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi.
Tính từ đầu năm 2021, dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 6 huyện thị của tỉnh Quảng Trị, buộc tiêu hủy hơn 1.500 con.
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Hưng Yên đầu tháng 2/2019, sau 7 tháng lan ra 63 tỉnh, thành. Nhiều địa phương phải chi hàng nghìn tỷ đồng để ngăn chặn dịch. Dịch cũng làm sản lượng thịt lợn giảm, giá thịt lợn tăng cao cuối năm 2019.
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh, Lộc Hà tăng lực bảo vệ đàn lợn 13.000 con
Sau 12 ngày phát hiện dịch tả lợn châu phi (DTLCP), đến nay, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã có 21 hộ ở 11 thôn của 5 xã có gia súc mắc bệnh.
Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, địa phương đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ đàn lợn 13.000 con.
Nguy cơ lây lan trên diện rộng
Ngày 4/4/2021, ngay sau khi phát hiện đàn lợn 21 con của gia đình xuất hiện những dấu hiệu bất thường, ông Trần Xuân Tài ở thôn Xuân Triều, xã Bình An đã báo cáo ngay với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Sau 1 ngày lấy mẫu kiểm tra, những con lợn này có kết quả dương tính với DTLCP và bắt đầu chết rải rác, buộc phải tiêu hủy hết vào ngày 6/4.
Những con lợn thịt bị DTLCP chết ngay trong chuồng của một số hộ chăn nuôi ở xã Bình An.
Mới đây nhất, trong 2 ngày 15 - 16/4, trên địa bàn lại xuất hiện DTLCP (lợn bị chết) tại 7 hộ dân của các xã: Tân Lộc (4 con), Thạch Châu (13 con); Thạch Mỹ (2 con) và Bình An (1 con). Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là hộ gia đình ông Phạm Bá Khởi ở thôn Minh Quý, xã Thạch Châu có 12 con lợn bị ốm chết do DTLCP.
Cán bộ thú y triển khai lấy mẫu xác định mầm bệnh DTLCP ở xã Thạch Mỹ.
Theo thống kê từ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà, chỉ sau 12 ngày phát hiện DTLCP, toàn huyện đã có 21 hộ ở 11 thôn của các xã: Bình An, Thạch Mỹ, Thạch Châu, Hồng Lộc và Tân Lộc có lợn bị bệnh dịch.
Số lợn bị nhiễm bệnh chết đã lên đến 67 con (16 lợn nái, 51 lợn thịt) với tổng trọng lượng 6.443 kg; trong đó, xã Bình An có số lượng chết nhiều nhất với 39 con với tổng trọng lượng 3.261 kg.
Tất cả lợn bị chết đều được đào hố chôn lấp, có đổ hóa chất, vôi bột và xử lý đảm bảo an toàn dịch bệnh. (ảnh chụp tại xã Thạch Mỹ).
Theo nhận định của những người trong cuộc thì những con số thống kê trên còn tiếp tục tăng nhanh. Ông Hà Minh Đức - cán bộ Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà lý giải: "Gia súc bị bệnh chết nhanh, không có vắc - xin đặc trị, tỷ lệ chết dường như là 100%, tốc độ lây lan mạnh. Ngoài yếu tố dịch bệnh nguy hiểm là ý thức ngăn dịch của người dân còn chưa cao, việc thực hiện quy trình phòng chống dịch còn hạn chế nên công tác ngăn ngừa gặp khó khăn, nguy cơ lây ra diện rộng là rất lớn...".
Gấp rút bảo vệ đàn lợn gần 13.000 con
Trước nguy cơ dịch có thể lan ra trên diện rộng, hiện nay, tất cả các địa phương ở Lộc Hà đang gấp rút cùng Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện triển khai tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong toàn huyện đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Xã Bình An phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại.
Từ ngày 11/4 - 16/4/2021, toàn huyện đã sử dụng gần 1.000 lít hóa chất Vetvaco-Iodine (tác dụng sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi) và gần 100 tấn vôi bột (huyện và xã mua khoảng 50 tấn, còn lại người dân tự mua) để tiêu độc khử trùng môi trường.
Chủ tịch UBND xã Bình An Đặng Hồng Thuẩn cho biết: "Chúng tôi đang tập trung tuyên truyền, nhắc nhở Nhân dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh nguy hiểm như hiện nay. Cùng với lập 8 chốt kiểm soát thì địa phương cũng đã rắc vôi bột trên các tuyến đường. Ngoài ra, ở chợ đầu mối và các cơ sở giết mổ luôn có lực lượng công an, thúy y thường trực để kiểm tra, kiểm soát, nhắc nhở thường xuyên về việc không buôn bán, giết mổ lợn bị bệnh".
Xã Thịnh Lộc rắc vôi bột trên đường liên xã để ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ các địa phương khác.
Cùng với chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn cũng đã tập trung bám sát địa bàn, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn phòng, chống dịch. Theo đó, ngay sau khi có thông tin dịch bệnh, cán bộ ngành nông nghiệp đã trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra các triệu chứng lâm sàng và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Khi có gia súc bị chết thì trực tiếp chỉ đạo, giám sát việc tiêu hủy ngay theo đúng quy trình.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn khống chế dịch; phối hợp với chính quyền địa phương và các phòng, ngành chức năng triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp dập dịch; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ đàn vật nuôi...
Tất cả các vùng có dịch ở Lộc Hà đều đã được lập chốt kiểm soát.
Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh thông tin: "Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ đàn lợn 13.000 con trên địa bàn, chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn các biện pháp phòng dịch, dập dịch.
Các xã cũng đã lập 28 chốt kiểm dịch cùng 70 điểm cảnh báo, rắc vôi bột trên tất cả các trục đường từ lớn đến nhỏ và hoàn thành đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trong toàn huyện. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, giết mổ... để hạn chế dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng".
Thanh Hóa: Trên 1,3 nghìn con trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục Sau một thời gian tạm lắng xuống, đến ngày 28/3, bệnh viêm da nổi cục trâu bò đã lây lan ra 11 huyện của tỉnh Thanh Hóa. Báo cáo mới nhất của Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh Thanh Hóa, chỉ trong ngày 28/3, trên địa bàn tỉnh có thêm 336 con trâu, bò tại 233 hộ, 40 thôn, 29 xã...