Dịch sốt xuất huyết chưa ‘hạ nhiệt’, nhiều ca trở nặng do nhầm với COVID-19
Cả nước ghi nhận gần 327.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó hơn 120 ca tử vong, dịch vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”.
Trao đổi với PV VOV.VN, BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô cho biết, sốt xuất huyết là bệnh theo mùa, theo dịch. Trong giai đoạn cao điểm, một ngày có 30-40 bệnh nhân vào Khoa cấp cứu thì có 7-8 người bị sốt xuất huyết.
Năm nay, người dân quan tâm đến dịch COVID-19 nhiều hơn nên chủ quan với các bệnh khác như sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ho, sốt nhưng cho rằng mình bị COVID-19 và nghĩ rằng đã tiêm vaccine nên ngại vào bệnh viện.
“Nhiều người nhầm lẫn triệu chứng giữa COVID-19 với sốt xuất huyết và cảm cúm thông thường. Đặc biệt, người bệnh chủ quan không đi khám và tự dùng các nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt không phù hợp với sốt xuất huyết, gây biến chứng nặng hơn như gây sốt xuất huyết tiêu hóa.
Người bệnh để tình trạng quá nặng khi đã thoát mạch, tràn dịch các cơ quan, tiểu cầu hạ thấp, biến chứng lên não hoặc biến chứng tiêu hóa mới vào viện. Đa số bệnh nhân nặng vào viện trong tình trạng bắt đầu có dấu hiệu sốc”, BS Khiêm cho biết.
Video đang HOT
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.
Theo dự báo của Bộ Y tế, thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng. Sốt xuất huyết gây nên bởi virus Dengue với 4 tuýp là: DENV1, DENV2, DENV3 và DENV4, bệnh được lây truyền cho người qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypi.
Các tuýp DENV2 và DENV3 làm tăng độ nặng của bệnh so với các tuýp khác, riêng tuýp DENV4 gây bệnh nhẹ hơn. Do đó, người mắc sốt xuất huyết cần được điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, để sớm phát hiện khi có diễn biến nặng; nếu không kịp phát hiện, bệnh sẽ rất dễ rơi vào sốc, thậm chí tử vong rất nhanh.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, Hà Nội và nhiều địa phương đang trong tình trạng lưu hành nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, virus Adeno, cúm A, cúm B… với triệu chứng chồng chéo. Bệnh nhân cũng có thể đồng nhiễm nhiều bệnh, bác sĩ cũng dễ chẩn đoán nhầm, dẫn tới không điều trị đúng, kịp thời.
Trong những ngày đầu mới mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân cần được theo dõi nhiệt độ thường xuyên, theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.
“Nếu đau mỏi người, sốt cao cần được dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nhưng nên tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì thuốc có thể gây chảy máu. Đặc biệt, người dân chú ý, khi mắc sốt xuất huyết không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử; người bệnh cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa”, ông Cường nói.
Bác sĩ cũng khuyên cáo, người bệnh sốt xuất huyết cần uống nhiều nước như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi để tránh biến chứng nặng, nhanh hồi phục.
Với các trường hợp bệnh nhân bị thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ có các hiện tượng như: Tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết… đây là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay.
Đặc biệt, hiện là thời điểm cao điểm của dịch sốt xuất huyết, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong việc phòng dịch; cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là diệt muỗi truyền bệnh và phòng muỗi đốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết.
Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Bình Định tăng gấp 3 lần năm ngoái
Bình Định ghi nhận hơn 4.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3.200 ca so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 2 huyện nhiều ca nhất là Tây Sơn và Hoài Ân.
Tại tỉnh Bình Định đang tồn tại cả 2 loài véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là Ae.aegypti và Aedes albopictus, làm tăng khả năng lây truyền bệnh. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tăng cao vào đạt đỉnh trong 2 tháng 11 và 12 năm nay.
Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế tỉnh Bình Định đã cung cấp gần 1.900 lít hóa chất diệt muỗi và hơn 1.800 lọ hóa chất diệt bọ gậy Abate để phục vụ phòng, chống dịch. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch, nhiều điểm nguy cơ nên đến nay hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy đã hết, trong khi việc đấu thầu mua hóa chất đang rất khó khăn.
Ngành Y tế Bình Định phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết: "Một trong những giải pháp kiểm soát sốt xuất huyết theo phương châm là không có bọ gậy, không có loăng quăng, không có muỗi vằn thì chúng ta sẽ kiểm soát được sốt xuất huyết. Các địa phương huy động các lực lượng tổ chức các chiến dịch diệt bọ gậy, loăng quăng, diệt muỗi tại nhà, tại vườn, tại cộng đồng. Chúng tôi tiến hành phun hóa chất chủ động hoặc phun hóa chất ở các điểm bùng phát dịch, giám sát để phát hiện xử lý các ổ dịch trong thời gian sớm nhất".
Người đàn ông chảy máu ồ ạt, cảnh báo nguy hiểm khi chủ quan với sốt xuất huyết Các bác sĩ cho biết nhiều người quan niệm hết sốt là khỏi bệnh nhưng sự thực, sau giai đoạn sốt cao lại chính là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Th.BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, dịch sốt xuất huyết đang có diễn biến phức tạp, số ca nhập...