Dịch sởi bùng phát được liệt vào 10 bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm
Trong số 10 dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm 2018 thì Việt Nam đã ghi nhận bùng phát các dịch bệnh các thể ngăn ngừa bởi vắc-xin như sởi, bạch hầu.
Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc sởi do không tiêm vắc-xin
Ngày 15-3, tại hội thảo khoa học về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết trong số 10 dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm 2018 thì Việt Nam đã ghi nhận bùng phát các dịch bệnh các thể ngăn ngừa bởi vắc-xin như: Sởi, bạch hầu… Ngoài ra các dịch bệnh: Viêm gan A ở Mỹ, bệnh than ở Madagascar, nhiễm E.colo từ bơ đậu nành ở vài bang của Mỹ, cúm gia cầm A/H7N9 quay trở lại Trung Quốc… là những dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất trong năm 2018.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sởi là bệnh có thể ngừa bằng vắc-xin nhưng phần lớn bệnh nhân mắc sởi nhập viện chưa tiêm vắc-xin, tại trung tâm truyền nhiễm cũng ghi nhận tới 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bệnh sởi là căn bệnh khá nguy hiểm với các đối tượng này, có thể khiến họ sinh non hoặc thai lưu. Các bác sĩ cũng lưu ý, các biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, thường gặp nhất là viêm phổi, viêm thanh quản khiến đường thở phù nề, khó thở, nguy cơ cao gây tắc nghẽn thở.
Nhiều bệnh lý nguy hiểm đe doạ sức khoẻ con người
Video đang HOT
Theo GS Kính, hiện nay do vấn đề toàn cầu hoá và biến đổi khí hậu đã làm thay đổi cơ cấu các bệnh truyền nhiễm, khiến các bệnh này có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào với mức độ nguy hiểm cao và diễn biến khó lường. Hiện Việt Nam cũng được xem là “điểm nóng” của các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người với hàng trăm bệnh như dại, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, viêm màng não, cúm gia cầm… Thống kê cho thấy Việt Nam có hơn 200 bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật, trong đó nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
“Có những dịch bệnh như sốt xuất huyết trước đây chỉ có tại các tỉnh phía Nam, chủ yếu ở thành phố thì nay bệnh đã xuất hiện tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, ở cả nông thôn… Bệnh tay chân miệng trước đây không có ở Việt Nam nay đã xuất hiện phổ biến ở nước ta…. Bệnh sởi, quai bị, bạch hầu… do trào lưu anti vắc-xin của một bộ phận cư dân. Các bệnh này đã được khống chế tốt với tỉ lệ tiêm chủng cao, trên 95% cư dân trong cộng đồng có miễn dịch bảo vệ thì nay quay trở lại và bùng phát như dịch sởi, các bệnh bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván…”- GS Kính nói.
Ngoài ra, trong 3 thập kỷ qua, thế giới tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm, trong đó 75% bệnh bắt nguồn từ động vật như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola… Bệnh lây truyền từ động vật sang người, sau đó lại biến đổi lây từ người sang người với mức độ ngày càng tăng và có độc tính cao khiến nguy cơ lây lan giữa các quốc gia ngày càng cao. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi có thể xâm nhập bất cứ lúc nào vào nước ta, không theo mùa, cũng chẳng có quy luật nào nên rất khó lường.
D.Thu
Theo nld.com.vn
UNICEF quan ngại bùng phát dịch sởi đe dọa đến tính mạng của trẻ em
Ngày 1/3, UNICEF đưa ra cảnh báo dịch sởi đang bùng phát trở lại ở mức độ đáng báo động, đặc biệt tại 10 quốc gia, nơi bệnh sởi chiếm hơn 74 % tổng số ca nhiễm mới, và tại một số quốc gia khác trước đó đã tuyên bố loại bỏ được căn bệnh này.
Theo số liệu thống kê, đã có 98 quốc gia báo cáo tăng số ca nhiễm sởi trong năm 2018 so với năm 2017, đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được đối với căn bệnh này, một căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng cũng có khả năng gây tử vong.
Dịch sởi đang đe dọa tính mạng trẻ em.
Ukraine, Philippines và Brazil là 3 quốc gia tăng số ca nhiễm sởi cao nhất trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2018. Chỉ tính riêng ở Ukraine, năm 2018 đã có 35.120 ca mắc sởi. Theo Chính phủ nước này, 24.042 người nữa đã nhiễm sởi trong hai tháng đầu năm 2019. Tại Philippines trong năm nay đã có 12.736 ca nhiễm sởi và 203 ca tử vong , so với 15.599 ca trong năm 2018. "Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta có vắc xin an toàn, hiệu quả và ít tốn kém để chống lại căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao này - một loại vắc xin có khả năng cứu sống tính mạng của gần một triệu người mỗi năm trong vòng hai thập kỷ qua". "Những ca nhiễm bệnh này không xảy ra ngay trong một sớm một chiều. Dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay đã bắt đầu từ năm 2018, nếu không hành động ngay hôm nay thì chúng ta sẽ để lại tai họa cho trẻ em trong tương lai", bà Henrietta H. Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cao, hơn cả Ebola, bệnh lao hay bệnh cúm. Một người có thể nhiễm virus sởi trong vòng hai giờ đồng hồ sau khi một người mắc bệnh sởi ra khỏi căn phòng. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có khả năng gây tử vong đối với trẻ em suy dinh dưỡng hoặc trẻ em quá nhỏ chưa thể tiêm vắc xin. Một khi người bệnh đã bị nhiễm sởi, thế giới chưa có thuốc điều trị cụ thể nào cho bệnh này, do vậy tiêm phòng vắc xin là biện pháp để cứu mạng sống cho trẻ em.
Để ứng phó với dịch sởi bùng phát, UNICEF và các đối tác đang hỗ trợ các chính phủ khẩn trương tiếp cận hàng triệu trẻ em ở các quốc gia trên toàn thế giới.
Tại Ukraina, UNICEF đang hỗ trợ đẩy mạnh công tác tiêm phòng thường xuyên trên cả nước và giải quyết sự ngần ngại khi sử dụng vắc xin, bao gồm tăng cường nỗ lực chấm dứt dịch sởi bùng phát gần đây nhất đã cướp đi mạng sống của 30 người từ năm 2017. Vào tháng 2, Bộ Y tế, với sự hỗ trợ của UNICEF, đã triển khai một đợt vận động tiêm chủng tại các trường học và cơ sở y tế ở vùng ảnh hưởng nặng nề nhất - Lviv - ở phía tây Ukraine, nơi mà những thái độ tiêu cực của người dân đối với tiêm chủng và thiếu nguồn cung cấp vắc xin đã dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng vắc xin rất thấp.
Tại Philippines, chính phủ, với sự hỗ trợ của UNICEF và các đối tác, sẽ tiến hành một chiến dịch tiêm phòng vắc xin bại liệt và sởi cho 9 triệu trẻ em ở 17 vùng. Sử dụng mạng xã hội, các nhà hoạt động chiến dịch sẽ khuyến khích những cha mẹ còn đang do dự và lo sợ về vấn đề vắc xin cũng như khuyến khích các nhân viên y tế.
Ở Brazil, từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2018, chính phủ đã triển khai một chiến dịch chống lại bệnh bại liệt và sở, hướng vào hơn 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. UNICEF đã khuyến khích người dân đi tiêm phòng, và đào tạo các nhân viên phụ trách y tế ở các khu tạm trú cho người di cư Venezuela. UNICEF đã đưa vắc xin sởi vào chương trình Minucipal Seal có độ bao phủ tới 1.924 thành phố và khu đô thị.
Ở Yemen, nơi mà những năm tháng xung đột đã dẫn đến dịch sởi bùng phát, chính quyền địa phương với sự hỗ trợ của UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và Liên minh toàn cầu về Vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đã tiêm chủng được cho hơn 11.5 triệu trẻ em trong tháng 2.
Tại Madagascar, từ ngày 3 tháng 9 đến 21 tháng 2, 76.871 người dân nhiễm sởi và 928 người đã tử vong, đa số là trẻ em. Vào tháng Một, chính phủ, với sự hỗ trợ của các đối tác trong đó có UNICEF, đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng hướng vào 114 quận. Hơn 2 triệu trẻ em ở 25 quận đã được tiêm chủng. Vào tháng Hai, 1,4 triệu trẻ em đã được tiêm phòng vắc xin, đến tháng Ba con số này là 3,9 triệu.
Năm 2018, Việt Nam có 1.177 ca nhiễm sởi, cao hơn gấp đôi so với năm 2017. Phần lớn các ca nhiễm sởi liên quan đến việc trẻ em chưa được tiêm vắc xin đầy đủ do cha mẹ quyết định trì hoãn việc tiêm vắc xin cho con mình. Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành tiêm bổ sung vắc xin sởi-rubella cho 4,2 triệu trẻ em từ 1 đến 5 tuổi tại 57 tỉnh thành trên cả nước. UNICEF đã kêu gọi các bậc cha mẹ hãy nỗ lực hơn nữa, tư vấn với các nhân viên y tế nhằm đảm bảo con em mình được tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo đúng lịch, giúp phòng bệnh cho trẻ em. UNICEF cũng đã vận động các cơ quan y tế đầu tư đầu tư lâu dài nhằm củng cố niềm tin trong người dân vào tiêm chủng và tập trung nỗ lực để vươn tới những cộng đồng nghèo nhất và thiệt thòi nhất, trong đó có nhóm người dân di cư trong nước.
Cở sở vật chất y tế nghèo nàn, xung đột nội bộ, nhận thức của người dân thấp, sự bằng lòng không muốn thay đổi và ngần ngại đối với vắc xin trong một số trường hợp có thể dẫn đến bùng phát dịch ở cả các quốc gia đã phát triển và đang phát triển. Ví dụ như, ở Hoa Kỳ, số ca nhiễm sởi đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2017 và 2018, lên tới 791 ca. Gần đây, dịch sởi cũng bùng phát ở New York và Washington. "Phần lớn tất cả các ca nhiễm này đều có thể phòng ngừa được, tuy nhiên trẻ em vẫn bị nhiễm sởi ở những nơi đơn giản là không thể có lý do nào mắc phải. Sởi có thể là một bệnh, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiễm sởi thực chất lại là do thiếu thông tin, sự nghi ngờ, và sự bằng lòng không muốn thay đổi. Chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn để thông tin một cách chính xác đến người làm cha làm mẹ, giúp cho việc tiêm chủng an toàn cho mọi trẻ em", bà Fore chia sẻ.
Để đấu tranh với bệnh sởi, UNICEF đang cấp bách kêu gọi các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, và các bậc cha mẹ phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn căn bệnh này: Hiểu sự an toàn và hiệu quả của vắc xin, và vắc xin có thể cứu mạng sống của trẻ em. Tiêm vắc xin cho tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi trong thời kỳ dịch sởi bùng phát. Tập huấn và trang bị kiến thức cho cán bộ y tế để họ có thể cung cấp dịch vụ có chất lượng. Tăng cường các chương trình tiêm chủng để cung cấp được tất cả các vắc xin cứu mạng sống con người.
VÂN KHÁNH
Theo baodansinh
Tẩy chay vắc-xin - Cái giá phải trả rất đắt: Kỳ 1: Báo động tỷ lệ tiêm chủng đang giảm Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu giảm mạnh trong những năm gần đây, dù có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy vắc-xin rất an toàn và hiệu quả. Tại Việt Nam, nhiều người vẫn còn do dự, ngần ngại, thậm chí kiên quyết không tiêm vắc-xin cho bản thân và con cái của...