Dịch cúm A/H1N1 hoành hành, nhiều người nguy kịch
Hàng chục người được xác định nhiễm cúm A/H1N1 hiện đang phải điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng nặng. Ít nhất 2 trường hợp nhiễm cúm đã tử vong, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
Thai phụ nguy kịch vì nhiễm cúm
Sau 5 ngày sốt cao liên tục, suy hô hấp, thai phụ Nguyễn Thúy V. (35 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương thăm khám. Các kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 tình trạng nặng phải chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM điều trị.
Nữ bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
BS Dương Bích Thủy, Phó trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, cho hay: Bệnh nhân được bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đặt nội khí quản và chuyển đến Nhiệt Đới ngày 17/6. Khi vào viện bệnh nhân trong tình trạng tím tái nên được gắn máy thở. Người bệnh đang mang thai ở tuần 32 nên bệnh viện hội chẩn chuyên môn cùng Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi đánh giá tim thai còn nhưng bệnh người mẹ bệnh nặng nguy cơ gây tử vong cả mẹ và con.
Sức khỏe của bệnh nhân sau 24 giờ theo dõi diễn tiến xấu, tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bệnh nhân phải thở máy thông số rất cao. Các bác sĩ của 2 bệnh viện đã hội chẩn và chỉ định phẫu thuật bắt con.
Sức khỏe của bệnh nhân không cho phép chuyển sang bệnh viện phụ sản nên cuộc mổ được tiến hành ngay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới (ngày 18/6). Bé gái với cân nặng 1,6kg được bắt ra khỏi bụng mẹ sau đó nhanh chóng chuyển sang khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ tiếp tục chăm sóc.
Nhiều người trong gia đình chị Thúy V. phải đến bệnh viện theo dõi, điều trị dự phòng
Video đang HOT
Sau cuộc mổ, hô hấp của người mẹ chậm cải thiện, bệnh nhân ngoài tổn thương phổi, còn xuất hiện thêm tình trạng viêm cơ tim (bệnh cảnh có thể gặp ở cúm mùa H1N1). Bệnh nhân phải sử dụng kháng sinh, kháng siêu vi, thuốc trợ tim, thở máy. Sau gần 1 tuần điều trị, người bệnh đã ngưng được thuốc điều trị cúm, giảm thuốc trợ tim, giảm được thông số máy thở nhưng bác sĩ chưa thể nói trước diễn tiến bệnh trong những ngày tới.
Ngoài chị Thúy V. trong gia đình còn có 4 người khác gồm mẹ bệnh nhân, 2 đứa con, 1 đứa cháu cũng có biểu hiện mắc bệnh cúm phải đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới theo dõi, điều trị dự phòng bằng Tamiflu. Sau nhiều ngày được chăm sóc, theo dõi tích cực các bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, xét nghiệm cho kết quả âm tính với cúm A/H1N1.
Nhiều bệnh viện bị cúm tấn công, 2 ca tử vong
Cùng với thai phụ bị nhiễm cúm nêu trên, tại khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới hiện đang điều trị cho 2 ca bệnh khác, trong đó có 1 ca ngụ tại Bình Phước, 1 ca ngụ tại Sóc Trăng. Cả 2 trường hợp trên đều trong tình trạng nặng phải thở máy. Từ đầu năm đến nay, tại bệnh viện đã có 1 trường hợp mắc cúm A/H1N1 tử vong.
Cúm A/H1N1 được xem là cúm mùa nhưng rất nguy hiểm với phụ nữ mang thai, người bệnh mạn tính…
Sau khi gây bệnh cho 28 người tại Bệnh viện Từ Dũ, cúm A/H1N1 tiếp tục tấn công hàng chục bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Thông tin từ bệnh viện (ngày 23/6) cho hay, từ ngày 11/6 đến nay Chợ Rẫy đang theo dõi và điều trị cho 24 ca phát hiện có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng phù hợp giống dịch cúm A/H1N1 với các triệu chứng như cảm, ho, sốt.
Trong đó có 17 ca được tiến hành xét nghiệm PCR (xét nghiệm để xác định chủng loại cúm). Kết quả có 12 ca dương tính với cúm A /H1N1 (8 ca của khoa Nội thận, 4 ca từ phòng khám và Cấp cứu) 5 ca âm tính. 1 trường hợp nhiễm cũm đã tử vong do viêm phổi nặng, suy hô hấp trên nền bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Tính đến ngày 23/6 trong số 12 ca dương tính được điều trị tại bệnh viện có 2 ca xuất viện, 6 ca điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới, 4 ca còn lại được chuyển đến khoa Nội thận.
Bé gái sau khi được bắt ra khỏi bụng mẹ đang được chăm sóc tại Bệnh viện Từ Dũ
Trước những diễn biến của chùm ca bệnh cúm A/H1N1 Bệnh viện Chợ Rẫy đã phối hợp cùng Viện Pasteur, TPHCM theo dõi và giám sát dịch. Bệnh viện thực hiện cách ly các bệnh nhân nghi ngờ, tăng cường công tác nhiễm khuẩn tại các khoa có bệnh nhân đang theo dõi, thực hiện tiêm phòng cúm cho nhân viên các khoa có nguy cơ cao và khuyến cáo người nhà bệnh nhân nên chích ngừa.
Cúm A/H1N1 có thể tấn công mọi đối tượng ở những nhóm tuổi khác nhau. Tuy nhiên, lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 65 tuổi. Những đối tượng khác như: Phụ nữ mang thai; người mắc các bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, béo phì, ung thư, HIV/AIDS hay các hội chứng suy giảm miễn dịch khác…) thuộc nhóm nguy cơ cao.
Để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng, bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh cúm cần nghỉ ở nhà, không đi học, đi làm trong vòng 7 ngày sau khởi phát vì đây là khoảng thời gian vi rút cúm đào thải ra môi trường. Không nên đi đến những nơi tập trung đông người, trường hợp bất khả kháng thì phải mang khẩu trang che kín miệng và mũi, cần thay khẩu trang ngay khi bị ướt. Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.
Người bệnh cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể; sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý sử dụng thuốc kháng vi rút; theo dõi sát các biểu hiện của bệnh và đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay khi có các triệu chứng nặng.
Để tránh nguy cơ mắc bệnh cúm mọi người cần chủ động các phương án dự phòng: Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi; rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng; giữ nhà cửa sạch sẽ thông thoáng; tăng cường sức khỏe bằng vận động và nghỉ ngơi hợp lý, bổ sung rau củ và vitamin C trong chế độ ăn uống; tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Cách ly điều trị một tài xế nhiễm cúm A/H1N1 nguy kịch
Ngày 8.6, nguồn tin từ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết BV này vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân H.Đ.H (nam, 49 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) do bị nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân đang được cách ly điều trị - DUY TÍNH
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và đơn vị chống độc, BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân được chuyển đến từ BV tuyến trước trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng.
Kết quả xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, đang diễn tiến theo chiều hướng nặng và được cách ly điều trị, thở máy.
"Sau 3 ngày thở máy, bệnh nhân vẫn chưa có dấu hiệu khá hơn, tiên lượng dè dặt và có thể sẽ phải thực hiện chạy tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO)", bác sĩ Hùng cho biết thêm.
Người nhà bệnh nhân cho biết ông H. làm nghề lái xe. Vài ngày trước nhập viện ông có chở một đoàn khách du lịch đi Đà Nẵng và trên chuyến xe đó có một hành khách bị cảm cúm.
Sau khi về nhà thì ông H. sốt cao, đau nhức, mệt mỏi nên được đưa vào BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận, sau đó chuyển đến BV Q.Thủ Đức, TP.HCM.
Tại đây ghi nhận bệnh nhân sốt, ho, khó thở, suy hô hấp, viêm phổi nặng, kèm bệnh lý đái tháo đường. BV Q.Thủ Đức đã đặt nội khí quản và chuyển lên BV Chợ Rẫy.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, cúm A/H1N1 là cúm mùa thông thường, không quá nặng, tuy nhiên với những người miễn dịch kém, có bệnh nền mạn tính như đái tháo đường, huyết áp hoặc thai phụ thì bệnh có thể diễn tiến nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong.
* Theo một nguồn tin, cách đây 8 ngày tại TP.HCM đã có một phụ nữ tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 tại BV Bệnh Nhiệt đới.
Theo thanhnien.vn
Tắm bể bơi, khám phụ khoa... cũng có thể dính cúm A/H1N1 Một nhân viên y tế có dấu hiệu bị lây nhiễm cúm sau khi tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm A/H1N1. Một phụ nữ đi khám phụ khoa có tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm A/H1N1 tại một bệnh viện, về nhà đã dương tính với bệnh này. Trước tình hình bệnh cúm A/H1N1 lây lan, ngày 12.6, GS.TS Đặng Đức...