Dịch covid kéo dài 6 tháng, 90% trường tư có nguy cơ phá sản
Lãnh đạo các trường ngoài công lập khẩn cầu Thủ tướng cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại trước nguy cơ cạn kiệt tài chính bởi nếu dịch kéo dài tới 6 tháng, 90% trường tư được khảo sát có nguy cơ phá sản
Lãnh đạo 150 trường tư thục từ mầm non tới THPT vừa có thư kiến nghị gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành khẩn cầu hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập toàn quốc vượt qua khó khăn.
Trong thư, lãnh đạo các trường cho hay dịch bệnh Covid-19″ đã khiến các trường kiệt sức về tài chính, năng lượng và cả ý chí”. Học sinh phải nghỉ học liên tiếp nhằm tránh Covid-19, nhà trường không có doanh thu và đang mất dần tính thanh khoản.
Nghỉ học kéo dài khiến các trường tư lâm vào cảnh khó khăn
“Hậu quả của dịch Covid-19 để lại cho ngành giáo dục và đe dọa trong tương lai là vô cùng tàn khốc. Theo thống kê từ các điều tra của báo chí trước đó, chỉ có khoảng 20% cơ sở giáo dục ngoài công lập thực sự có lãi, còn 40% ở mức tồn tại được và có đến 40% vẫn đang phải chịu lỗ. Chính vì thế, khi có suy giảm và khủng hoảng như thế này, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phải sa thải lao động và đóng cửa, phá sản. Theo khảo sát nhanh của chúng tôi, nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát bị sụt giảm doanh số trên 50%, và 90% số cơ sở này có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi” – bản kiến nghị nêu rõ.
150 trường ngoài công lập kiến nghị Thủ tướng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành thông qua gói phương án hỗ trợ gồm năm nội dung.
Thứ nhất, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, các trường đề nghị Thủ tướng cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập hoạt động trở lại để đảm bảo tiến độ học tập của học sinh, trường có doanh thu, ổn định đời sống cán bộ, công nhân viên. Các trường cam kết thực hiện nghiêm quy định về vệ sinh phòng chống dịch.
Video đang HOT
Thứ hai, các trường đề nghị được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội.
Thứ ba là Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản; các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Họ cũng mong Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng chấp thuận gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng từ 3 tới 6% mỗi năm trong năm 2020, 2021.
Thứ tư, các trường mong muốn “công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả chương trình học trực tuyến (online); tạo điều kiện để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy”.
Thứ năm, các trường đề nghị được tiếp cận một đầu mối tập trung để được hướng dẫn các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, giải quyết nhanh thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên.
Các trường ngoài công lập cũng nhấn mạnh việc đóng cửa hàng loạt các cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ gây hệ lụy vô cùng nghiêm trọng đối với nền giáo dục Việt Nam.
“Hàng trăm cơ sở mầm non sẽ phá sản dẫn đến các cháu bé không có người trông nom, chăm sóc, cha mẹ bị ảnh hưởng công việc làm. Hàng ngàn trung tâm ngoại ngữ nếu bị đóng cửa sẽ tạo ra một khoảng trống vô cùng lớn trong nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, đẩy lùi tiến trình hội nhập quốc tế. Trung bình chi phí đầu tư một cơ sở ngoại ngữ vừa phải tốn từ 2-5 tỉ đồng và sử dụng ít nhất là 30 lao động. Nếu chỉ cần 1.000 trung tâm ngoại ngữ đóng cửa thì hàng nghìn tỉ đồng sẽ bị mất trắng và hơn 30,000 lao động, trong đó có các thầy cô giáo, nhân viên, các bảo vệ, lao công, sẽ mất việc” – bản kiến nghị viết.
Các trường ngoài công lập cũng nhấn mạnh khối trường phổ thông tư nhân cũng đang bị áp lực khủng khiếp. Chi phí đầu tư trung bình cho một trường tư chất lượng vừa phải (mức học phí 5-10 triệu/tháng), là khoản 80-200 tỉ đồng. Trong đó phần lớn là tiền vay đối với các trường mới xây. Các trường tư cũng chỉ có thể kéo dài thời gian xoay sở không quá 3 tháng (theo thời gian đóng tiền học trung bình của học sinh). Nếu bị phá sản hoặc mất thanh khoản, chỉ tính tại 200 trường phổ thông tư nhân quy mô vừa ở TP HCM và HN thì sẽ có hàng ngàn giáo viên mất việc, hàng ngàn tỉ tiền vay ngân hàng sẽ không được trả đúng hạn. Đấy là chưa kể sẽ có hàng ngàn giáo viên nước ngoài tại các trung tâm tiếng Anh và trường tư sẽ mất việc.
“Nếu họ chọn rời khỏi Việt Nam thì chi phí để tuyển dụng họ quay trở lại sẽ vô cùng lớn. Phản ứng dây chuyền sẽ là khủng khiếp, cả về mặt tài chính và hệ lụy cho nền kinh tế nói chung, nhưng nghiêm trọng hơn là giáo dục Việt Nam. Đồng thời, sẽ không có nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài nào còn muốn đầu tư vào thị trường giáo dục tư nhân với hàng ngàn trung tâm và trường học đứng trước ngưỡng cửa phá sản dây chuyền nữa. Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì mọi thành quả hơn 20 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị đẩy lùi và mất trắng” – các trường ngoài công lập cho hay.
Yến Anh
Theo nld.com.vn
Nguy cơ phá sản, doanh nghiệp bất động sản muốn giảm 30%-50% lãi suất vay
Ngay cả doanh nghiệp bất động sản lớn có thương hiệu cũng đứng trước nguy cơ phá sản khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai dự án mới gặp khó...
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS).
Theo VNREA, tình hình nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thị trường BĐS gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề khác. Ngay DN lớn có thương hiệu trên thị trường cũng đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
Do đó, VNREA kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ DN đầu tư, kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bởi, thời gian qua, tình hình dịch bệnh đã dẫn đến bức tranh ảm đạm của ngành du lịch nói chung và lưu trú khách sạn, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch... của tất cả DN kinh doanh trong lĩnh vực này.
Một dự án đang được triển khai ở quận 2, TP HCM. Ảnh: Linh Anh
Theo đó, VNREA thay mặt các DN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai giải pháp cấp bách hỗ trợ DN, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế. Cụ thể, kiến nghị ngành ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú... Như giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát; xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho DN...
DN BĐS cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ DN như giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi DN đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế GTGT và lùi thời gian nộp thuế.
"VNREA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng việc miễn visa cho khách quốc tế tới Việt Nam nhằm giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa từ đó nâng cao sức thu hút của ngành du lịch" - Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam nói rõ trong văn bản.
Những khó khăn, vướng mắc khác liên quan đến quy định, chính sách pháp luật ở thị trường BĐS cũng được DN kiến nghị hỗ trợ.
Thống kê của VNREA cho thấy hiện nay, cả nước có hơn 82.900 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 15.663 nhà phố thương mại, bao gồm các sản phẩm đã đưa vào sử dụng; sản phẩm đã hoàn thiện xây dựng nhưng chưa đưa vào khai thác; sản phẩm đã và đang được xây dựng tập trung ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tổng giá trị ước tính phân khúc BĐS này lên tới hơn 23 tỉ USD.
Hiện các hoạt động đầu tư, xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật... Do đó, một trong những giải pháp là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển sôi động nhưng bền vững, thu hút nguồn lực đầu tư sẽ mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội.
Theo Sơn Nhung - T.Phương
Người lao động
Rủi ro trong quản trị tài chính Có nhiều phương cách và yếu tố để phát triển doanh nghiệp thành công, nhưng đa phần doanh nghiệp phá sản là do quản trị tài chính yếu kém. Trong vòng chưa đầy 15 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và thực sự hội nhập, nền kinh tế và tài chính vĩ mô của Việt Nam đã có những biến...