Dịch COVID-19 và thiếu chip nhưng lợi nhuận của GM vẫn tăng 12 lần
General Motors (GM) báo lợi nhuận ròng quý I/2021 tăng lên 2,98 tỷ USD, trong lúc nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ tăng cao và giá xe cao hơn đã bù đắp cho sản lượng giảm do thiếu hụt chip ở toàn cầu.
Biểu tượng của hãng sản xuất ô tô General Motors (GM) ở Mỹ. Ảnh: TTXVN
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt chip chung trong ngành ô tô thế giới, GM vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận trước thuế cả năm nay sẽ ở mức 10-11 tỷ USD được đưa ra hồi đầu năm và cho biết lợi nhuận cả năm sẽ ở mức cao trong khoảng trên. Trong khi đó, lợi nhuận ròng cả năm nay dự kiến sẽ ở mức 6,8-7,6 tỷ USD.
Ngoài ra, hãng GM dự báo lợi nhuận trước thuế trong giai đoạn từ tháng 1-6/2021 sẽ tăng cao, đạt khoảng 5,5 tỷ USD.
Các quan chức cao cấp GM không đưa ra chi tiết về mức sản lượng mà họ cắt giảm do thiếu hụt chip. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành GM Mary Barra cho biết các đội mua hàng, sản xuất, kỹ thuật và bán hàng đang làm việc để chuyển hướng sử dụng chip từ các mẫu ô tô và xe thể thao thao đa dụng (SUV) cỡ nhỏ sang các xe bán tải cỡ lớn, SUV lớn và xe điện mới.
Video đang HOT
GM nhấn mạnh lại rằng tình trạng thiếu hụt chip sẽ khiến lợi nhuận trước thuế mất từ 1,5-2 tỷ USD do buộc phải cắt giảm sản lượng xe. Hãng đã buộc phải cắt giảm sản xuất một số mẫu xe nhỏ với biên độ lợi nhuận thấp, như mẫu xe SUV Chevrolet Equinox.
Chuyên gia phân tích cổ phiếu cấp cao của Edward Jones, Jeff Windau cho biết GM dường như đang quản lý tốt tình trạng thiếu hụt chip, song không rõ chính xác lượng xe mà hãng cắt giảm do thiếu hụt chip.
Lợi nhuận quý I của GM tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm trước – thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 khiến các hãng sản xuất ô tô phải đóng cửa nhà máy và khiến lợi nhuận ròng của GM giảm xuống còn 247 triệu USD. Hãng GM báo cáo lợi nhuận trước thuế quý I vừa qua đạt 4,4 tỷ USD.
Trong một động thái khác liên quan trong tuần trước, đối thủ đồng hương Ford Motor Co. cho biết tình trạng thiếu hụt chip sẽ làm sản lượng xe của hãng trong quý này giảm 50%. Dù tình hình sẽ cải thiện trong nửa cuối năm nay, nhưng Ford sẽ vẫn chứng kiến sản lượng ô tô giảm 10% so với kế hoạch ban đầu. Đồng nghĩa với việc Ford sẽ không thể bù đắp sản lượng bị mất trong năm nay.
Hãng Ford ước tính sản lượng năm nay sẽ mất khoảng 1,1 triệu chiếc, tăng so với ước tính khoảng 200.000-400.000 chiếc trước đó.
Ngành sản xuất ô tô phục hồi nhanh hơn kỳ vọng, tuy nhiên các nhà sản xuất chip không nhanh chóng chuyển nhà máy sang sản xuất trở lại chip ô tô, nguyên nhân là do các nhà sản xuất chất bán dẫn đã chuyển nhà máy sang sản xuất các bộ xử lý điện tử tiêu dùng khi các nhà máy ô tô đóng cửa do dịch COVID-19 trong năm ngoái./.
Các hãng ôtô tập trung vào xe có lợi nhuận cao
Tình trạng thiếu chip buộc các nhà sản xuất ôtô lớn tại Mỹ phải chuyển trọng tâm sang các dòng xe có lợi nhuận cao hơn.
Trong giai đoạn khủng hoảng nguồn cung linh kiện, đặc biệt là chip, các nhà sản xuất ôtô của Mỹ có thể bắt đầu tập trung vào những chiếc xe có lượng bán thấp hơn nhưng giá cao hơn thay vì lựa chọn các mẫu rẻ hơn. Giám đốc điều hành GM Mary Barra cho rằng, công ty có thể mang lại kết quả tốt hơn mà không cần dự trữ xe hoặc tăng khối lượng bán hàng với các mẫu xe giá rẻ, lợi nhuận thấp.
Dây chuyền sản xuất ôtô tại một nhà máy ở Mỹ.
Trước đây các hãng ôtô Mỹ thường chọn sản xuất xe đại trà, có lượng bán lớn nhưng lợi nhuận mỗi xe thấp hơn để thu hút nhiều người mua. Theo Alfred Sloan, chủ tịch của GM trong những năm 1920-1950: "Một chiếc xe cần phù hợp với mọi túi tiền và mục đích". Nhưng sau một thời gian đầy thách thức trong đại dịch và khó khăn phải đối mặt trong việc tìm nguồn cung cấp chất bán dẫn, bằng cách ưu tiên bán những chiếc xe có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, GM đã có thể đạt được lợi nhuận vững chắc trong quý đầu tiên.
Barra nói: "Chúng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại mức tồn kho trước đại dịch bởi vì chúng tôi đã học được rằng, có thể tăng lợi nhuận bằng việc sản xuất các mẫu xe có giá trị cao". Các tuyên bố tương tự cũng được đưa ra bởi các nhà sản xuất ôtô khác, bao gồm cả Stellantis và Ford.
Trong thời kỳ thiếu chip, GM đã chuyển nguồn cung cấp và hỗ trợ sản xuất những chiếc xe có tỷ suất lợi nhuận cao hơn trong khi tạm thời ngừng sản xuất các mẫu xe có số lượng lớn nhưng lợi nhuận thấp. GM gần đây cũng thông báo sẽ ngừng sản xuất mẫu xe bán chạy thứ hai tại Mỹ, Chevrolet Equinox. Hãng cũng đã cắt giảm sản lượng của Cadillac XT4 và Chevy Malibu.
Thu được lợi nhuận lớn hơn bằng cách giảm tồn kho, hạn chế những đại lý bán số lượng lớn và tập trung vào các mô hình có biên lợi nhuận tốt hơn không phải là một khái niệm mới đối với Big Three của Detroit. Tuy nhiên, nó không được triển khai rộng rãi do áp lực buộc phải mở cửa các nhà máy và đuổi theo doanh số bán hàng. Nhưng trước sức ép từ bên ngoài từ việc thiếu nguồn cung, các hãng xe đã buộc phải đi theo con đường này.
Tuy nhiên, đó không phải là tin tốt cho GM. Barra tiếp tục nói rằng tình hình thiếu chất bán dẫn có thể sẽ xấu đi trước khi nó trở nên tốt hơn, ngay cả Ford và Stellantis đều dự đoán sự chậm trễ về nguồn cung có thể sẽ tiếp tục vào năm 2022. GM cũng dự báo tình trạng thiếu chip có thể sẽ mất từ 1,5 tỷ-2 tỷ USD cho lợi nhuận năm nay.
Thiếu chip, hàng loạt hãng ô tô Việt Nam trễ lịch giao xe cho khách Tình trạng thiếu hụt linh kiện, chủ yếu là chíp bán dẫn đang khiến hàng loạt thương hiệu ô tô lớn trong nước gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất. Nhiều hãng thông báo sẽ phải giao xe trễ tới 1-2 tháng. Nhiều hãng xe đứt nguồn linh kiện, công bố giao xe trễ Ngành công nghiệp ô tô thế giới đã...