Dịch COVID-19 tiếp diễn làm trầm trọng hơn tình trạng suy giảm kinh tế của Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, báo Vientiane Times ngày 6/9 dẫn một khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đại dịch COVID-19 tiếp diễn đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm kinh tế tại Lào trong quý II năm nay khi việc làm giảm mạnh, các hộ gia đình và doanh nghiệp bị giảm thu nhập và doanh thu.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: AFP/ TTXVN
WB đã tiến hành khảo sát đối với 2.000 hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên trong tháng 4-5. Theo kết quả khảo sát, 51% số người được hỏi cho biết không có việc làm hoặc phải nghỉ làm trong tháng 4-5, tăng so với 17% ghi nhận trong tháng 2-3.
Trong lĩnh vực dịch vụ, hơn một nửa số lao động trong ngành thương mại bán buôn, bán lẻ và các dịch vụ khác đã phải ngừng làm việc hoặc chuyển đổi công việc trong thời gian phong tỏa. Đến tháng 5 năm nay, 5,5% doanh nghiệp đã phải đóng cửa vĩnh viễn, trong khi 33% tạm thời đóng cửa. Trong số các doanh nghiệp vẫn còn hoạt động, 65% đang bị sụt giảm doanh thu so với trước thời điểm phong tỏa. Cũng trong tháng 5, khoảng 43% hộ gia đình bị sự sụt giảm thu nhập so với trước thời điểm phong tỏa.
Theo Vientiane Times, đây là cuộc khảo sát nhanh qua điện thoại về COVID-19 lần thứ 3 được tiến hành với các hộ gia đình ở Lào nhằm theo dõi, đánh giá các tác động xã hội và kinh tế của đại dịch. Lần khảo sát đầu tiên được thực hiện vào tháng 6-7/2020, khi Lào vừa ra khỏi tình trạng phong tỏa toàn quốc lần đầu tiên. Lần thứ 2 diễn ra từ tháng 2-3/2021, một năm sau khi xảy ra đại dịch.
Lào đang phải nỗ lực để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Số ca nhiễm tại nước này đã tăng từ dưới 50 ca vào đầu tháng 4 lên tới hơn 15.600 ca hiện nay. Một số tỉnh của Lào đã ra lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch. Việc phong tỏa kéo dài và tiếp tục đóng cửa biên giới không chỉ làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh và cản trở sự phục hồi kinh tế, mà còn khiến các hộ gia đình dễ bị tổn thương khó thoát nghèo hơn.
Thu nhập giảm và mất việc làm khiến nhiều hộ gia đình có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo trong bối cảnh lạm phát gia tăng và chi phí sinh hoạt ngày càng cao ở Lào. Theo WB, 43% nhân viên ngành dịch vụ khách sạn và vận tải tại Lào bị mất việc làm ngay từ đầu đại dịch vẫn không có việc làm vào tháng 3 năm nay. Báo cáo của WB cũng cho biết tỷ lệ phụ nữ có việc làm giảm một nửa từ 78% trước khi phong tỏa xuống còn 39% trong thời kỳ phong tỏa, trong khi tỷ lệ này ở nam giới giảm ít hơn, từ 87% xuống 55%.
COVID-19 tại ASEAN hết 4/9: Trên 230.000 ca tử vong; Hàng không quốc gia Philippines xin phá sản vì đại dịch
Trong ngày 4/9, các nước ASEAN ghi nhận trên 72.700 ca nhiễm mới và 1.707 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong trong khối vượt mốc 230.000 ca.
Do gánh nặng đại dịch, hãng hàng không lâu đời nhất Đông Nam Á, Philippine Airlines đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở Mỹ.
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 1/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 72.716 ca mắc mới COVID-19 và 1.707 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 10.422.123 trường hợp và 230.637 ca tử vong. Toàn khối có 9.161.263 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 6 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Indonesia chiếm nhiều nhất với 539 ca; Malaysia đứng thứ hai với 362 ca; Việt Nam ghi nhận 47 ca tử vong mới; Thái Lan thêm 257 ca tử vong; Philippines thêm 189 ca và Campuchia ghi nhận thêm 13 ca.
Với 20.741 ca nhiễm trong ngày 4/9, Philippines đang chứng kiến số ca nhiễm tăng mạnh trở lại, ở trên ngưỡng 20.000 ca, đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng ca bệnh ở nước này đã vượt mốc 2 triệu ca, với 2.061.084 trường hợp, bao gồm 34.062 ca tử vong.
Malaysia đứng thứ hai với 19.059 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 1.824.439 trường hợp, bao gồm 17.883 ca tử vong. Thái Lan cùng ngày ghi nhận 15.942 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện là 1.265.082 trường hợp.
Indonesia chứng kiến số lượng ca nhiễm mới giảm mạnh, xuống còn 6.727 ca trong ngày, mặc dù nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.123.617 trường hợp và 135.469 ca tử vong.
Video đang HOT
Việt Nam cùng ngày ghi nhận 9.566 ca nhiễm mới, nâng tổng cộng ca bệnh lên 511.170, bao gồm 12.793 ca tử vong.
Kiểm tra thân nhiệt của học sinh để phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Jakarta, Indonesia, ngày 30/8/2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Hãng hàng không quốc gia Philippines xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vì "gánh nặng" COVID-19
Hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines (PAL) của Philippines ngày 4/9 cho biết đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để cắt giảm 2 tỷ USD tiền nợ hiện nay trong bối cảnh hãng đang cố gắng để sống sót qua những tác động của đại dịch COVID-19.
Hãng cho biết việc đệ đơn phá sản sẽ cho phép hãng tái cơ cấu các hợp đồng và cắt giảm ít nhất 2 tỷ USD tiền nợ trong khi nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Chương 11 của luật phá sản. PAL cũng sẽ giảm 25% phi đội của mình và đàm phán lại các hợp đồng nhằm giảm tiền thuê.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Nilo Thaddeus Rodriguez cho biết: "PAL sẽ tiếp tục các chiến dịch kinh doanh như bình thường trong khi hoàn tất việc tái cơ cấu mạng lưới, phi đội và tổ chức của mình".
Philippine Airlines đã hứng chịu khoản lỗ kỷ lục 71,8 tỉ peso trong năm 2020. Ảnh: Reuters
Theo ông Rodriguez, trong các thỏa thuận đạt được với các nhà cung ứng, bên cho vay và các chủ cho thuê hợp đồng, PAL sẽ có 505 triệu USD để thực hiện kế hoạch phục hồi. Số tiền này sẽ được chuyển thành chứng khoán và nợ dài hạn của công ty. Ngoài ra, công ty sẽ có thêm 150 triệu USD trong quỹ nợ sau khi hoàn tất tiến trình tái cơ cấu "trong vài tháng nữa".
Chủ tịch PAL Gilbert Santa Maria cho biết lượng đi lại bằng đường hàng không ở Philippines đã giảm 75% từ mức 30 triệu lượt khách năm 2019 xuống còn 7 triệu lượt khách trong năm 2020 do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19. Hãng đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, khiến doanh thu giảm 2 tỷ USD và phải sa thải 2.300 nhân viên.
Philippines dỡ bỏ cấm đi lại với 10 quốc gia
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm đi lại do dịch COVID-19 đối với hành khách đến từ 10 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, UAE, Indonesia, Pakistan, Bangladesh, Oman, Thái Lan, Malaysia...
Theo thông báo của người phát ngôn Tổng thống Harry Roque, lệnh cấm sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 6/9. Hành khách từ các quốc gia nói trên sẽ thực hiện cách ly 14 ngày khi tới Philippines.
Lệnh cấm này được áp dụng từ tháng 4/2021, đã mở rộng ra thêm nhiều nước trong tháng 7 nhằm ngăn ngừa sự lây lan mạnh hơn của biến thể Delta.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại thành phố Quezon, Philippines ngày 30/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan sẽ tiêm trộn vaccine AstraZeneca và Pfizer
Theo tờ Bangkok Post, Bộ Y tế Công cộng Thái Lan ngày 4/9 cho biết nước này đang lên kế hoạch ứng dụng sáng kiến tiêm chủng mới với việc tiêm kết hợp vaccine của AstraZeneca và của Pfizer/BioNTech kể từ tháng tới.
Tiến sĩ Sophon Iamsirithavorn, Phó Tổng giám đốc Cục kiểm soát dịch bệnh Thái Lan cho biết, kế hoạch tiêm trộn vaccine AstraZeneca-Pfizer đã được thông qua. Chương trình sẽ bắt đầu từ tháng 10 sau khi Thái Lan tiếp nhậ lô vaccine Pfizer vào cuối tháng này.
Theo kế hoạch tiêm chủng kết hợp vaccine, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ được tiêm mũi đầu là vaccine AstraZeneca và mũi thứ hai là vaccine Pfizer, với khoảng cách từ 4-12 tuần.
Chương trình tiêm trộn vaccine hiện tại, sử dụng vaccine của Sinovac/Trung Quốc làm mũi đầu tiên và vaccine AstraZeneca làm mũi thứ hai có khoảng cách 3-4 tuần.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Tiến sĩ Sophon, chương trình tiêm AstraZeneca-Pfizer hiện vẫn đang được giới hạn do số lượng vaccine Pfizer còn hạn chế. Vaccine này được chỉ định tiêm mũi hai cho những nhóm dễ tổn thương, đã được tiêm vaccine AstraZeneca vào tháng 6.
Singapore: Hàng trăm ca lây nhiễm mới
Trang Straits Times cho biết, Bộ Y tế Singapore ngày 4/9 xác nhận nước này có thêm 259 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 68.469 trường hợp. Hiện tại, có ít nhất 66.312 trường hợp, chiếm trên 99% tổng ca bệnh, đã hồi phục hoàn toàn. Chỉ có 580 ca mắc COVID-19 hiện nằm viện, hầu hết sức khoẻ ổn định; 20 ca bị nặng cần hỗ trợ oxy và 5 ca nguy kịch trong ICU.
Cũng theo bộ trên, trong 28 ngày qua, tỉ lệ người chưa tiêm vaccine mắc COVID-19 nặng và tử vong là 7,3%, trong khi tỉ lệ này ở người đã tiêm đủ vaccine là 1,1%.
Tính tới ngày 3/9, khoảng 8.76 triệu liều vaccine đã được tiêm tại Singapore. Khoảng 4,52 triệu người (tương đương 83% dân số) đã được tiêm ít nhất một liều, và 4,34 triệu người tiêm đủ hai liều.
Người dân chờ theo dõi sau tiêm vaccine COVID ở Singapore. Ảnh: Reuters
Campuchia tiếp nhận thêm 2,5 triệu liều vaccine Sinovac
Sáng 4/9, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath đã tiếp nhận thêm 2,5 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc, trong đó 2 triệu liều Chính phủ Campuchia đặt mua và 500.000 liều hãng Sinovac viện trợ cho Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia vừa thông báo cho Sở Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Phnom Penh về việc tổ chức tiêm phòng COVID-19 mũi thứ ba cho hơn 10.000 người làm việc trong ngành giáo dục thành phố. Trong khi đó, Chính phủ Campuchia đang rất nỗ lực để tiêm phòng COVID-19 miễn phí cho toàn bộ người dân. Cộng cả số vaccine vừa nhận sáng 4/9, hiện Campuchia có gần 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Tiếp nhận lô vaccine Sinovac phòng COVID-19 của Trung Quốc tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 31/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 từ ngày 10/2/2021 đến ngày 3/9/2021, 9.425.278 người trưởng thành (tính từ 18 tuổi trở lên) tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 8.269.950 người đã hoàn thành hai mũi tiêm và mục tiêu hoàn thành tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành đã gần tới đích.
Ngày 4/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có thêm 13 người tử vong và 422 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 138 ca nhập cảnh và 284 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia có 94.839 ca mắc COVID-19, trong đó 90.273 người khỏi bệnh và 1.950 người tử vong.
Lào tiếp tục ghi nhận các ca lây nhiễm trong cộng đồng
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 156 ca mắc mới COVID - 19, trong đó có 64 ca cộng đồng, và 1 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Lào cũng cho biết, nhiều nhân viên y tế tuyến đầu ở Lào được báo cáo mắc COVID - 19 nhưng đều không có triệu chứng nặng vì đã được tiêm đủ vaccine trước đó. Đến nay đã có 126 nhân viên y tế nước này mắc bệnh. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân có tiếp xúc gần với ca bệnh trong cộng đồng cần nhanh chóng đến các trung tâm y tế được chỉ định để lấy mẫu xét nghiệm và có ý thức tự cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác, đồng thời kêu gọi những người đã tiêm vaccine tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng chống COVID-19 theo quy định.
Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID - 19 tại Lào là 15.761 ca, trong đó có 16 người tử vong.
Trong bối cảnh tình hình dịch trong nước và khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ Lào đã tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa thêm 15 ngày kể từ ngày 1/9. Đây là lần thứ 9 Lào gia hạn lệnh phong tỏa vốn được áp dụng từ ngày 22/4 đến nay.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: AFP/ TTXVN
Indonesia cam kết cải thiện ứng dụng giám sát tiêm chủng COVID-19
Dữ liệu tiêm chủng của Tổng thống Indonesia Jokowi gồm số chứng minh thư, thời gian tiêm chủng đã bị rò rỉ từ ứng dụng giám sát tiêm chủng của Chính phủ Indonesia quy định (PeduliLindungi).
Trước sự việc trên, ngày 4/9, Bộ trưởng Y tế nước này, Budi Gunadi Sadikin cho biết cơ quan an ninh mạng đã chặn quyền truy cập vào dữ liệu của các quan chức sau vụ vi phạm này. Bộ trưởng Budi cam kết sẽ tiếp tục cải thiện ứng dụng PeduliLindungi để ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra.
Sự việc này đặt ra lo ngại lớn đối với cam kết của chính phủ về bảo mật dữ liệu. Nhà phân tích an ninh mạng Alfons Tanujaya dự báo rằng các vụ rò rỉ dữ liệu sẽ xảy ra thường xuyên hơn do nguy cơ thâm nhập kỹ thuật số ở Indonesia rất cao. Ông Alfons cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc chính phủ đã không xử lý tận gốc vấn đề ngay từ đầu, lỗi từ khâu thiết lập phần mềm. Điều này cũng xảy ra khi cơ quan chức năng của Chính phủ Indonesia sử dụng cơ sở dữ liệu Elasticsearch không có độ bảo mật cao để lưu trữ thông tin người dùng trên ứng dụng Cảnh báo Sức khỏe điện tử (eHAC), dẫn đến vụ rò rỉ dữ liệu của 1,3 triệu người dùng ngày 31/8 vừa qua.
PeduliLindungi là ứng dụng giám sát tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 do Chính phủ Indonesia thiết lập và quản lý nhằm kiểm soát tiêm chủng và cho phép người dân đi lại tại một số nơi như trung tâm thương mại, khu vực công cộng, trường học. Ứng dụng được triển khai rộng rãi trên toàn quốc từ tháng 7/2021.
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại Surabaya , Indonesia, ngày 1/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, ngày 31/8, Bộ Y tế Indonesia thông báo các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra kỹ lưỡng đối với cáo buộc rò rỉ dữ liệu cá nhân của 1,3 triệu người dùng ứng dụng eHAC theo dõi COVID-19 của nước này. Đây là ứng dụng di động nhằm theo dõi, truy vết COVID-19 trong nước. Cài đặt ứng dụng eHAC là yêu cầu bắt buộc đối với người nước ngoài, khách du lịch nhập cảnh Indonesia và đến các khu du lịch trong nước từ đầu năm 2021 đến nay.
Dữ liệu của người sử dụng bị lộ bao gồm thông tin về xét nghiệm COVID-19, số chứng minh thư, hộ chiếu, khách sạn đăng ký cách ly, số điện thoại di động, công việc, .... Ngoài dữ liệu cá nhân, thông tin của 226 bệnh viện và phòng khám cũng bị rò rỉ. Bộ Y tế Indonesia đã kêu gọi người dân xóa ứng dụng eHAC cũ và tải ứng dụng mới của chính phủ là PeduliLindungi, đã được tích hợp với hệ thống eHAC để "sử dụng các tính năng của eHAC".
Trẻ em đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Lào chú trọng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm ở trẻ em Ngày 2/9, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 170 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 129 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 41 ca cộng đồng. Người dân di chuyển trên đường phố tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: AFP/TTXVN Phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn dẫn thông báo cho biết số ca...