Dịch Covid-19: Thời của sản phẩm trái cây chế biến
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc vận chuyển các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu ngày càng khó. Thay vào đó, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trái cây đã qua chế biến tăng là một hướng đi đầy tiềm năng cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu trái cây chế biến tăng mạnh
Cục Xuất Nhập khẩu ( Bộ Công Thương) thông tin, trong 3 tháng đầu năm nay, dù xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu các sản phẩm rau quả chế biến vẫn tăng. Riêng 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả chế biến đạt 94,8 triệu USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2019.
Chế biến thanh long xuất khẩu tại nhà máy Lavifood (Long An). Ảnh: Trần Khánh
Các sản phẩm chế biến xuất khẩu sang các thị trường chính cũng tăng khá, như Trung Quốc đạt 17 triệu USD, tăng 24,5%; Hàn Quốc đạt 14 triệu USD, tăng hơn 3%; Nhật Bản đạt 8,9 triệu USD, tăng 3%; Mỹ đạt 7,9 triệu USD, tăng 16,7%… Dự báo, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước, nhu cầu đối với sản phẩm chế biến vẫn tiếp tục tăng.
Anh Lê Duy Toàn – Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Duy Anh (huyện Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ, từ trước đến nay, sản phẩm chính của doanh nghiệp là các loại bún, mì, phở khô… Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhiều loại trái cây trong nước không xuất khẩu tươi được, giá rớt thảm.
Trước bối cảnh đó, anh Toàn đã nghiên cứu đưa thêm thành phần trái cây vào các sản phẩm hiện có, tạo nên bún thanh long, dưa hấu… được người tiêu dùng chấp nhận, ưa thích. Anh Toàn cho biết, hiện đơn hàng xuất khẩu các loại bún, mì trái cây nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay như câu chuyện của ông Võ Phát Triển – Tổng Giám đốc Công ty Việt – Đức (Đồng Tháp). Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng doanh nghiệp này vẫn hoàn tất kế hoạch nâng cấp nhà máy chế biến trái cây tại huyện Thanh Bình, đưa tổng công suất chế biến của nhà máy lên gấp 10 lần so giai đoạn đầu.
Đồng thời, ông Triển đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả thứ 2 trên diện tích 13ha với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 250 tỷ đồng. Với dự án này, sau khi hoàn tất sẽ nâng tổng công suất chế biến của công ty lên 20 tấn thành phẩm/ngày, tăng mức tiêu thụ nguyên liệu lên hơn 3,1 triệu tấn/năm.
Video đang HOT
Ông Triển chia sẻ, để có thể dám đặt cược tất cả vốn liếng vào các nhà máy chế biến này, ông đã tìm hiểu và nhìn thấy nhu cầu rất lớn trái cây chế biến tại Nhật Bản, EU… Năm ngoái, riêng mặt hàng xoài sấy dẻo Công ty Việt – Đức đã nhận đơn đặt hàng từ EU trị giá khoảng 500.000 – 600.000 euro.
Gỡ vướng mắc để phát triển
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có khoảng 150 nhà máy chế biến trái cây các loại. Phần lớn các nhà máy này sơ chế, chế biến sản phẩm cho xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, hiện nay, công suất thiết kế của ngành chế biến rau, quả của Việt Nam đạt 10% sản lượng nhưng mới chỉ thực hiện được 5%, tương đương với trên 1,2 triệu tấn. Mục tiêu của Việt Nam là nâng công suất chế biến lên 25%, tương đương hơn 6 triệu tấn rau, quả/năm. Tuy nhiên, việc đầu tư vào chế biến trái cây cần thời gian và nguồn vốn lớn.
Còn theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lavifood (Long An), so với xuất khẩu, việc chế biến sẽ giúp tận dụng được hết các tầng sản phẩm trái cây sau khi thu hoạch, từ đó, tăng giá trị cho nông sản.
Ông Huỳnh Thành Vinh – Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cũng thông tin, từ lâu, Đồng Nai đã sớm mời gọi các doanh nghiệp vào đầu tư chế biến nông sản do lợi thế giao thông và nông nghiệp phát triển. Nhưng tính đến nay, ngoài các mặt hàng như mì, điều, cà phê, heo, gà; các loại cây ăn trái có sản lượng lớn của tỉnh vẫn còn thưa vắng doanh nghiệp tham gia chế biến.gia
Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn tìm đến Đồng Nai đặt trụ sở rồi mở rộng ra các tỉnh thành khác. Song lối canh tác đa số vẫn nhỏ lẻ, mỗi nông hộ mỗi quy trình nên các công ty rất khó gắn kết để hình thành chuỗi. Việc tìm những khu đất có diện tích lớn để doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng trọt ở tỉnh cũng rất khó khăn.
Trần Khánh
Nhà nông "xót ruột" với giá thanh long, mít Thái
Do ảnh hưởng của dịch bệnh virus Corona, hạn chế giao thương nên xuất khẩu nông sản Việt Nam qua Trung Quốc đang bị ngừng trệ.
Vì vậy, một số nông sản như mít Thái, thanh long... bị rớt giá mạnh, thậm chí thương lái không thu mua khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.
Giá mít chạm "đáy"
Anh Nguyễn Thật (ngụ xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) có 1,2ha trồng hơn 420 gốc mít Thái. Năm nay vườn mít của anh ước thu khoảng 40 tấn trái. Trước Tết Nguyên đán, thương lái thu mua mít với giá loại 1 là 40.000 đồng/kg; loại 2 là 30.000 đồng/kg; loại 3 giá 18.000 đồng/kg và hàng chợ giá 10.000 đồng/kg.
Nếu giá mít giữ ổn định như vậy, dự kiến anh Thật thu về khoảng trên 500 triệu đồng.
Người trồng mít Thái ở huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu lao đao vì giá mít rớt xuống thấp, thương lái thu mua nhỏ giọt. Ảnh: M.Q
Thế nhưng, hiện nay giá mít Thái đột ngột rớt giá chỉ còn 7.000 đồng/kg, anh Thật nhiều lần gọi nhưng thương lái không vào vườn cắt nên anh phải tự tìm nơi tiêu thụ. Hiện vườn mít còn khoảng 5 tấn đến kỳ thu hoạch nhưng anh vẫn chưa tìm được mối nào để bán.
Tương tự, anh Phạm Quang Thanh (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) cũng đang "khóc dở" với vườn mít hơn 1ha đến kỳ thu hoạch mà không bán được. Trước tết thương lái cũng thu mua mít nhà anh giá cao nhất 40.000 đồng/kg, loại thấp nhất cũng được 10.000 đồng/kg.
Với 5 tấn mít, anh Thanh thu về hơn 50 triệu đồng. Hiện, vườn của anh có khoảng 5 tấn mít đến kỳ xuất bán nhưng thương lái chỉ thu mua "nhỏ giọt" những quả to đẹp với giá còn... 4.000 đồng/kg.
Theo người dân, ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra nên nhiều thương lái Trung Quốc đã ngừng mua mít Thái. Các thương lái là mối hàng lớn trước đây cũng "bặt vô âm tín", khiến thương lái địa phương không dám mua hoặc mua cầm chừng với giá rất thấp.
Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có khoảng 541ha trồng mít, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 423ha. Huyện Châu Đức là địa phương trồng nhiều nhất với khoảng 348ha tập trung ở các xã như: Suối Rao, Suối Nghệ, Xà Bang, Nghĩa Thành...
Thanh long cũng lỗ nặng
Không chỉ mít Thái bị ảnh hưởng bởi dịch virus Corona mà người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng "khóc đứng khóc ngồi" khi giá giảm sâu, trong khi nhiều nhà vườn đang bước vào vụ thu hoạch. Nguyên nhân do đối tác nhâp khẩu phía Trung Quốc từ chối nhân đơn hàng, các cửa khẩu tạm ngừng thông quan hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Phúc (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) có gần 1ha thanh long ruột đỏ, ước gần 3 tấn trái đang đến kỳ thu hoạch. Nếu như không có dịch bệnh do virus Corona, việc xuất khẩu đi Trung Quốc thuận lợi thì trước đó từ 1 - 2 tuần là thương lái đã đến đặt cọc tiền cho gia đình ông. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không có thương lái nào đến hỏi mua.
"Trước đó, chúng tôi bán thanh long với giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Với 1ha thanh long trái vụ, tôi tốn gần trăm triệu đồng chi phí đầu tư. Nay thương lái không mua, thanh long chín quá sẽ nứt hết vỏ, lúc đó chỉ còn cách cho dê, bò ăn" - ông Phúc buồn rầu nói.
Theo nhà vườn, vụ thanh long này là vụ chong đèn nên chi phí đầu tư mỗi kg mất hơn 10.000 đồng. Với giá bán hiện giảm còn 5.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ và 2.000 - 3.000 đồng/kg với thanh long ruột trắng, nhiều nhà vườn còn không có ai thu mua nên bà con nông dân đang lo sốt vó.
Ông Dương Thế Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bông Trang cho hay, lượng thanh long không bán được và có nguy cơ đổ bỏ ở địa phương là rất nhiều. Đặc thù của thanh long là không thể "neo" trái trên cây lâu. Trái thanh long chín quá gặp mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ bị nứt vỏ. Các cành đỡ cũng sẽ héo do bị vắt kiệt sức nuôi trái, gây ảnh hưởng đến năng suất thanh long các vụ tiếp theo.
Ước tính, toàn huyện Xuyên Mộc có khoảng 900ha trồng thanh long, tập trung tại xã Bông Trang và Bưng Riềng, sản lượng hàng năm khoảng 1.800 tấn, chủ yếu xuất bán đi Trung Quốc.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Đức khuyến cáo người trồng mít nên giữ nguyên diện tích mít cần chăm sóc, chờ giá tăng trở lại. Không nên thấy giá mít rớt xuống thấp mà đã vội bỏ bê vườn hoặc chặt bỏ để chuyển qua trồng loại cây khác.
"Về lâu về dài, bà con nông dân cũng nên trồng mít, thanh long theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP... để dễ dàng tiêu thụ đi các nước khác nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc" - ông Tuấn nói.
Theo Danviet
Ảnh hưởng dịch cúm corona, nông sản tìm về nội địa Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, không chỉ khiến giá nhiều loại trái cây xuống đáy do giao dịch đình trệ, bệnh viêm phổi cấp do virus Corona còn khiến hoạt động thương thảo xuất khẩu chính ngạch một số loại nông sản sang Trung Quốc phải tạm dừng. Nhiều hoạt động phải tạm dừng Trung Quốc là thị trường lớn...