Dịch COVID-19: Tây Ninh đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn
Theo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, Trương Thị Phương Thảo, để đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ hỗ trợ kịp thời cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, Sở vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục cần thiết (theo nhóm chính sách tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 8/10/2021 của Chính phủ).
Tỉnh đoàn và Hội LHTN tỉnh Tây Ninh tặng nhu yếu phẩm cần thiết cho công nhân và dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn vượt qua đại dịch COVID-19 (ảnh tư liệu).
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh cũng lưu ý, thời hạn nộp hồ sơ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng do COVID-19 (xét trong khoảng thời gian từ ngày 1/5 đến ngày 30/10) tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sẽ kéo dài đến hết ngày 30/11/2021. Sau thời gian trên, nếu người sử dụng lao động vẫn chưa thực hiện việc lập hồ sơ theo nhóm chính sách tại Nghị quyết số 126/NQ-CP của Chính phủ thì sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản chi quyền lợi chính sách hỗ trợ cho người lao động đang làm việc cho mình.
Cụ thể, người lao động sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt (hoặc chuyển khoản) khi bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, không có thu nhập, cần duy trì cuộc sống đến khi quay trở lại làm việc với mức hưởng trợ cấp là 3.710.000 đồng/người (hoãn, ngừng việc không hưởng lương dưới 1 tháng sẽ hưởng 50% mức quy định; người mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi sẽ hưởng thêm 1 triệu đồng/người/trẻ em)
Người bị chấm dứt hợp đồng (nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp) cũng được hưởng trợ cấp 1 lần là 3.710.000 đồng/người.
Video đang HOT
Đối với người lao động bị ngừng việc và hưởng lương ngừng việc, mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người (thời gian ngừng việc từ 14 ngày trở lên; người mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi sẽ hưởng thêm 1 triệu đồng/người/trẻ em). Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (lao động tự do) sẽ có mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Đến đầu tháng 11/2021, tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ cho 105.604 người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với số tiền hơn 158 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngày 2/11, Tây Ninh chi hỗ trợ cho 727 người với trên số tiền hơn 1,18 tỷ đồng.
Sơn La giải quyết kịp thời bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động tại tỉnh Sơn La.
Cùng với đó, hàng nghìn người lao động đi làm ăn xa đã trở về địa phương sau dịch, để hỗ trợ người lao động Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La đã giải quyết kịp thời các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La rà soát doanh nghiệp và người lao động được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Trong bối cảnh người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành chỗ dựa, giúp người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Bảo hiểm thất nghiệp là một biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người lao đông trong lúc mất việc làm, hỗ trợ họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Đồng thời, các cơ chế từ chính sách này còn hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động bị mất việc làm có cơ hội tìm kiếm, thích ứng với công việc mới.
Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La đã nâng cao hiệu quả giải quyết các chính sách bảo hiểm thất nghiệp với phương châm 3 đúng: "Đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn", được người lao động và người sử dụng lao động đánh giá cao. Theo thống kê, số lao động mất việc làm trên địa bàn tỉnh Sơn La từ đầu năm 2021 đến nay có chiều hướng tăng, nhất là sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Khối lượng hồ sơ xin hỗ trợ tăng, cán bộ của Trung tâm phải làm việc gấp nhiều lần so với cùng kỳ.
Anh Đinh Văn Kiều, ở xã Huy Thượng, huyện Phù Yên chia sẻ, trước đây, anh làm việc cho một công ty về nội thất ở TP Hồ Chí Minh và đã đóng bảo hiểm 42 tháng. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh không thể đi làm được. Vì vậy, anh đã làm hồ sơ nhận trợ cấp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La. Sau đó, anh đã nhận được tiền bảo hiểm thất nghiệp là gần 10 triệu đồng. Số tiền này đã giúp anh trang trải phần nào trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Từ tháng 1/2021 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La đã tiếp nhận trên 3.136 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số doanh nghiệp ngừng sản xuất, kéo theo hệ lụy người lao động không có việc làm, không có thu nhập, cuộc sống gặp khó khăn.
Ông Vũ Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La thông tin, thủ tục làm hồ sơ thất nghiệp nhận tiền không hề phức tạp, rất nhanh và gọn. Theo đó, toàn bộ hồ sơ người lao động chỉ cần sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc, bản phô tô hợp đồng lao động. Trên cơ sở đó, người lao động mang hồ sơ lên nộp ở trung tâm, sau khi xét duyệt xong trung tâm sẽ tham mưu quyết định để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ký, rồi chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La để chi trả. Đến nay, đơn vị đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 2.995 với tổng số tiền chi trả hơn 46,5 tỷ đồng.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La còn làm cầu nối tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La Vũ Quang Khải cho biết thêm, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, được thực hiện xuyên suốt quá trình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Tư vấn ban đầu trước khi lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn khi lao động đến nhận kết quả hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn mỗi lần lao động đến thông báo tình trạng việc làm mỗi tháng. Tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh theo quý, năm để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động. Ngoài ra, tổ chức tư vấn thông tin thị trường lao động, dạy nghề giới thiệu việc làm cho người lao động sớm trở lại thị trường lao động. Đồng thời, nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ có nghiệp vụ chuyên sâu để triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ viên chức đối với lao động bị thất nghiệp khi tham gia hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo thống kê trong toàn tỉnh Sơn La, số lao động địa phương ra tỉnh ngoài làm thuê là hơn 110.000 người; hiện một nửa số này đã trở về địa phương sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, Chính phủ đã ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Ngoài phối hợp với các địa phương hướng dẫn người lao động tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt để ổn định đời sống, hiện ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhất là Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường kết nối cung - cầu lao động với các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh để người lao động địa phương có việc làm, thu nhập.
Định hướng lâu dài, Sơn La xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư các nhà máy chế biến lớn... để tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh nhân rộng các mô hình hiệu quả để người dân ổn định đời sống, sản xuất trên chính quê hương của mình, bởi như vậy sẽ hạn chế được các rủi ro về thu nhập, việc làm do tác động của các yếu tố bên ngoài, như dịch COVID-19 hiện nay.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh: 'Tôi không nói chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc' Trước bức xúc của cộng đồng mạng, trưa ngày 19/10, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: "Họ nói không trúng đâu, tôi không nói chưa có ai thiếu ăn, thiếu mặc. Ở đây có thể các bạn đã hiểu sai ý tôi...". Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở...