Dịch Covid-19 “nóng” ở miền Tây, Bộ Y tế chỉ đạo khẩn
Ngày 1/11, Bộ y tế có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ về việc thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, trong những ngày vừa qua, tình hình dịch Covid-19 tại các địa bàn trọng điểm như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và một số địa phương cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận số mắc trong cộng đồng gia tăng như: Bạc Liêu, An Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. Bên cạnh đó là lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương rất nhiều.
Vì thế, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ chỉ đạo thực hiện nghiêm, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
(Ảnh minh họa: Hải Long).
Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Trong đó, Bộ lưu ý tập trung bao phủ vaccine cho người dân, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể, tiếp tục thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của nhân dân. Các địa phương nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.
Bộ Y tế nhấn mạnh việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Tại các khu cách ly, khu phong tỏa, triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, đặc biệt là các đường mòn, lối mở.
Trên cơ sở đánh giá mức độ nguy cơ theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ, thần tốc truy vết, xét nghiệm là then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1. Các địa phương cũng cần tăng cường truyền thông để người dân tại các địa bàn có trường hợp mắc Covid-19, địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Các cơ sở khám chữa bệnh phải nghiêm túc thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người đến khám bệnh thực hiện các quy định phòng chống Covid-19. Cán bộ y tế phải cảnh giác, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế.
Về điều trị cần tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị, ưu tiên điều trị tầng 1, 2, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời. Trong đó, hoàn chỉnh kế hoạch thiết lập hệ thống điều trị bao gồm các Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện dã chiến, đặc biệt là thành lập các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 ngay tại nhà để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa.
Bộ tiếp tục nhắc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên), tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… thực các biện pháp đảm bảo an toàn Covid-19, thường xuyên đánh giá, cập nhật lên hệ thống An toàn Covid-19. Đồng thời, đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, trường học; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Bộ cũng nhấn mạnh các địa phương kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý chặt chẽ công dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên, xét nghiệm định kỳ. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tổ chức đưa đón người dân của địa phương về tỉnh có tổ chức, chu đáo, an toàn, đảm bảo các nguyên tắc về phòng chống dịch.
Video đang HOT
Tin sáng 29-10: Nguy cơ Tây Nam Bộ bùng phát dịch, 1,6% người về từ vùng dịch dương tính
1,6% người từ các vùng dịch nóng về các tỉnh Tây Nam Bộ dương tính COVID-19 khiến nguy cơ bùng phát dịch gia tăng tại khu vực này, nhất là tại các vùng chưa phủ vắc xin.
Người về quê tạm dừng tại Trường THCS Nguyễn Huệ (phường Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên) và lên xe Phương Trang về quê hôm đầu tháng 10 - Ảnh: B.ĐẤU
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19 trên cả nước trong 2 tuần qua giảm 48% so với 2 tuần trước. Tuy nhiên, nếu tính riêng từng tuần thì tuần sau tăng 14,4% so với tuần trước.
17/19 tỉnh thành phố miền Đông, Tây Nam Bộ từ ngày 19 đến 25-10 so với tuần trước đó ghi nhận ca mắc trong cộng đồng gia tăng, chỉ có 2 địa phương ghi nhận số ca mắc giảm.
Đặc biệt, các tỉnh Tây Nam Bộ trong tình trạng nguy cơ rất cao, cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống và nâng cao mức độ cảnh giác.
Từ đầu tháng 10, số người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về khu vực này rất lớn, tỉ lệ lây nhiễm/số người về khoảng 1,6%, nguy cơ lan ra cộng đồng rất lớn, nhất là đối với địa bàn chưa kịp tiêm bao phủ vắc xin mũi 1.
Hiện còn 9 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang chưa đạt 70% người từ 18 tuổi tiêm vắc xin mũi 1.
Người dân ở TP.HCM được tự lựa chọn giá và cơ sở xét nghiệm
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân chọn lựa cơ sở y tế để làm xét nghiệm tầm soát COVID-19 (test nhanh và PCR) khi có nhu cầu, Sở Y tế TP.HCM vừa công khai danh sách các cơ sở y tế được cung ứng dịch vụ xét nghiệm và giá thu xét nghiệm COVID-19.
Tính đến ngày 26-10, toàn TP.HCM có 169 cơ sở y tế được cho phép thực hiện dịch vụ test nhanh; 59 cơ sở y tế được Bộ Y tế thẩm định cho phép thực hiện dịch vụ PCR.
Giá xét nghiệm giữa cơ sở y tế tư nhân và công lập có sự chênh lệch đáng kể, đặc biệt xét nghiệm PCR. Nếu ở các cơ sở y tế công lập có giá 734.000 đồng/xét nghiệm thì các cơ sở y tế tư nhân có giá từ 1-2 triệu đồng, cá biệt có nơi đến 3,2 triệu đồng.
Test nhanh ở các cơ sở y tế công lập có giá thấp nhất là 60.000 đồng, cao nhất chỉ gần 200.000 đồng. Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân đa phần trên 200.000 đồng, có nơi đến 500.000 đồng/xét nghiệm.
Theo Sở Y tế TP.HCM, đơn vị tiếp tục yêu cầu các cơ sở y tế tham gia cung ứng dịch vụ xét nghiệm COVID-19 công khai giá và kê khai giá theo quy định, nộp hồ sơ để niêm yết.
Học sinh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN
40.000 trẻ đã được tiêm vắc xin COVID-19
Trong 2 ngày (27 và 28-10), TP.HCM đã tiêm cho gần 40.000 trẻ từ 16-17 tuổi. Trong đó có 167 trẻ bị hoãn tiêm, 1 trẻ bị chống chỉ định tiêm, 44 trẻ được chuyển lên bệnh viện để tiêm. Nhìn chung, các điểm tiêm được tổ chức an toàn về y tế và công tác phòng, chống dịch, chưa có trường hợp phản ứng phụ nặng sau tiêm.
TP.HCM chỉ đạo các quận, huyện, TP Thủ Đức phấn đấu tiêm mũi 1 cho trẻ 12-17 tuổi trong 5-7 ngày. Tuy vậy, việc tổ chức tiêm chủng phải đảm bảo an toàn, không tổ chức tiêm "bằng mọi giá".
Hôm nay 29-10, Bộ Y tế giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho các cơ sở tiêm chủng cả nước về tiêm chủng cho trẻ em.
Hiện có một tỉ lệ đáng kể cha mẹ băn khoăn có cho con tiêm chủng hay không, do vắc xin sử dụng mới được phê duyệt khẩn cấp và còn nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề an toàn về lâu dài còn chưa rõ ràng, cần được trả lời.
Phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục giảm phí, lệ phí đến năm 2022 do dịch kéo dài
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng, cho biết năm 2020 đã giảm mức phí 29 khoản phí, mức giảm tổng số khoảng 1.000 tỉ đồng. Năm 2021 giảm thêm 5 khoản phí cùng 29 khoản kể trên, mức giảm thu ngân sách do giảm phí là 2.000 tỉ đồng.
Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương cho phép tiếp tục kéo dài thời gian hết 6 tháng đầu năm 2022 đối với các khoản phí, lệ phí đã giảm năm 2021.
Nhiều nước trên thế giới đang thích ứng dịch và tái mở cửa
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 28-10 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 246.003.142 ca COVID-19 và 4.992.099 ca tử vong. Số ca hồi phục là 222.923.855 ca.
Một số nước trên thế giới đang tiếp tục từng bước có biện pháp nới lỏng để tạo điều kiện cho người dân thích ứng với điều kiện bình thường mới và phục hồi kinh tế - xã hội.
Singapore ghi nhận 5.324 ca COVID-19 mới vào ngày 27-10 - Ảnh: REUTERS
Tại khu vực Đông Nam Á, trong 24 giờ qua, Lào ghi nhận 530 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 528 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã tăng lên 38.281 ca, trong đó có 59 ca tử vong.
Campuchia bước vào ngày thứ 28 có số ca COVID-19 mỗi ngày ở mức thấp và số ca tử vong giảm. Ngày 28-10, Campuchia xác nhận 109 ca COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 17 ca nhập cảnh và 92 ca lây nhiễm cộng đồng, trong khi số ca tử vong tăng 8 ca.
Úc nới lỏng khuyến cáo đi lại ra nước ngoài, trong khi New Zealand nới lỏng yêu cầu cách ly đối với người nhập cảnh. Ngày 28-10, Úc đã nới lỏng khuyến cáo đi lại đối với một số nước, trong đó có Mỹ, Anh và Canada.
Một bảng khuyến cáo phòng dịch ở New Zealand
Tại New Zealand, các hạn chế nhập cảnh bắt đầu được nới lỏng theo từng giai đoạn, theo đó giảm một nửa thời gian cách ly tập trung đối với những người đã tiêm chủng đủ liều. Quy định trên sẽ được áp dụng từ ngày 14-11.
Ý mong muốn phủ 100% vắc xin
Tại Anh, nước này có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại với 7 quốc gia còn lại trong "danh sách đỏ" (các nước có tỉ lệ mắc COVID-19 cao), theo đó hủy bỏ quy định cách ly tại khách sạn đối với những người đến từ các nước này.
Ngày 28-10, số ca COVID-19 mới tại Ý đã tăng mạnh trong tuần với 25.585 ca, tăng 43,2% so với 17.870 ca của tuần trước, trong khi số người tiêm vắc xin COVID-19 mũi đầu lại giảm. Số ca mắc mới tăng lên cũng khiến tỉ lệ bệnh nhân phải nhập viện để điều trị COVID-19 tăng 7,5%.
Hơn 86% dân số Ý trên 12 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 82% đã được tiêm đủ liều. Ý có khoảng 11 triệu liều vắc xin chưa được sử dụng.
Công an Đồng Nai dẫn đoàn 14.000 người về quê Sau nhiều ngày đăng ký ở UBND phường, hơn 14.000 người dân xa xứ được tạo điều kiện chạy xe về quê dưới sự dẫn đoàn của CSGT Đồng Nai. Ngày 5/10, tại sân vận động tỉnh ở TP Biên Hoà, UBND Đồng Nai tổ chức đưa người dân sống ở địa bàn có nhu cầu về quê tại miền Trung, Tây Nguyên...