Dịch COVID-19 ngày 27/8: Số ca mắc tăng mạnh trở lại ở Mỹ và Ấn Độ
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h (giờ Việt Nam) ngày 27/8, thế giới đã ghi nhận trên 215,82 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có gần 4,5 triệu ca tử vong.
Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 192,97 triệu bệnh nhân bình phục và vẫn còn trên 18,32 triệu người đang phải điều trị.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại trung tâm y tế ở Fort Myers, Florida (Mỹ). Ảnh: THE COMMERCIAL APPEAL/TTXVN
Mỹ vẫn là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh với trên 39,34 triệu ca nhiễm, trong đó 651.956 ca tử vong. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ cho biết số ca phải nhập viện vì COVID-19 ở nước này trong ngày 26/8 đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 100.000 ca, mức cao nhất trong 8 tháng qua, trong bối cảnh biến thể siêu lây nhiễm Delta lan nhanh.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết số ca nhập viện đã tăng hơn gấp đôi trong một tháng qua. Riêng tuần qua, trung bình mỗi giờ có trên 500 người phải nhập viện để điều trị COVID-19. Mặc dù miền Nam nước Mỹ là tâm dịch của đợt bùng phát mới nhất, song số ca nhập viện lại có chiều hướng gia tăng trên cả nước, trong đó trẻ em chiếm 2,3%.
Đứng thứ 2 là Ấn Độ với trên 32,6 triệu ca bệnh, trong đó có 436.889 ca tử vong, sau khi có thêm 44.658 ca mắc mới và 496 ca tử vong. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, số ca mắc mới ở quốc gia châu Á này cao trên 40.000 trường hợp. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến xấu trở lại, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền các bang Kerala và Maharashtra cân nhắc ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm ở các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bhopa, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, ngày 25/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Xét theo khu vực, châu Á vẫn là khu vực có số ca bệnh cao nhất. Tại khu vực Đông Nam Á, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 247 ca mắc mới, trong đó 144 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 103 ca cộng đồng. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 14.351 ca mắc, trong đó có 12 người tử vong.
Để ứng phó tình trạng số ca nhiễm mới gia tăng, Bộ Y tế Lào đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đặc biệt các bệnh viện dã chiến đã được thành lập có thể tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân, đồng thời sẽ mở thêm các trung tâm cách ly để chuẩn bị cho làn sóng lao động Lào mất việc tại Thái Lan tiếp tục về nước; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tiêm chủng cho người dân để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Tại nước láng giềng Campuchia, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 17 người tử vong và 411 ca mắc mới, bao gồm 85 ca nhập cảnh và 326 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 91.369 ca mắc, trong đó 87.299 người đã khỏi bệnh và 1.858 người tử vong. Bộ trên cũng thông cáo có thêm 209 ca nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Delta tại Campuchia lên 1.534 ca.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Philippines cũng thông báo thêm 17.447 ca mắc mới, mức ghi nhận trong ngày cao thứ hai tại nước này kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.916.461 ca. Trong khi đó, danh sách bệnh nhân tử vong do COVID-19 cũng có thêm 113 người, nâng tổng số người không qua khỏi đại dịch này tại Philippines lên con số 32.841 trường hợp.
Tại Indonesia, số ca mắc tại nước này đã vượt mốc 4 triệu ca sau khi ghi nhận thêm 12.618 ca mắc mới. Tổng số ca bệnh tại nước này đến nay là 4.056.354 ca. Indonesia cũng ghi nhận thêm 599 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi lên 130.781 người.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo 22.070 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 1.662.913 ca. Quốc gia Đông Nam Á này còn ghi nhận thêm 339 ca tử vong, đưa số bệnh nhân không qua khỏi lên mức 15.550 ca. Với đà lây lan nhanh chóng của các biến thể mới virus SARS-CoV-2 hiện nay, các chuyên gia y tế nước này khuyến cáo nên đeo hai khẩu trang cùng tấm chắn giọt bắn.
Dẫn số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ về việc sử dụng cùng lúc hai khẩu trang, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, nêu rõ việc sử dụng khẩu trang vải bên ngoài khẩu trang y tế, kết hợp với tấm chắn giọt bắn giúp bảo vệ tới 96% trong việc chống lại sự tiếp xúc với virus, bao gồm cả biến thể Delta rất dễ lây lan. Việc đeo hai khẩu trang không bắt buộc nếu sử dụng khẩu trang N95 vì loại khẩu trang này có thể ngăn được ít nhất 95% các hạt mang theo virus trong không khí.
Video đang HOT
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan ghi nhận thêm 18.702 ca nhiễm mới cùng 273 trường hợp tử vong trên toàn quốc, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 1.139.571 ca, trong đó có 10.587 người không qua khỏi. Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu thuyên giảm, Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch COVID-19 đối với lĩnh vực bán lẻ và kinh doanh ăn uống kể từ tháng 9 tới, trong khi các cuộc gặp gỡ cũng được nâng lên mức tối đa 25 người tham gia.
Hàn Quốc đang phải vật lộn với số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng cao ở những người lao động nhập cư. Nhiều người trong số này đang sống và làm việc trong những điều kiện rất dễ bùng phát ổ dịch. Theo các cơ quan y tế Hàn Quốc, trong tuần trước, nước này ghi nhận 1.665 trường hợp lao động nước ngoài mắc bệnh, tăng 20,7% so với tuần trước đó. Nhóm lao động này chiếm 13,6% tổng số ca mắc mới hồi tuần trước, tăng 2,5% so với tỷ lệ 11,1% ghi nhận trong tuần trước đó và cao hơn nhiều so với tỷ lệ người nước ngoài sinh sống tại Hàn Quốc, hiện là 3,8%. Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết sẽ dỡ bỏ quy định hạn chế nhập cảnh đối với hành khách đến từ các nước Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Schengen, từ ngày 1/9 tới.
Tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết số bệnh nhân nguy kịch ở nước này đã tăng cao kỷ lục ngày thứ 15 liên tiếp, vượt ngưỡng 2.000 người, cao hơn rất nhiều so với mức đỉnh của đợt bùng phát thứ 4 là 1.413 ca. Trong 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản, Osaka có số bệnh nhân nguy kịch cao nhất (510 người), tiếp theo là Tokyo (276 ca), Kanagawa (249 ca) và Saitama (161 ca). Bộ này cũng vừa quyết định cho phép sử dụng hỗn hợp kháng thể đơn dòng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 ngoại trú tại một số cơ sở y tế.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: THX/TTXVN
Tại châu Đại Dương, Australia ghi nhận 982 ca nhiễm mới, trong đó có tới 882 ca tại New South Wales (NSW) – bang đông dân nhất cả nước. Victoria, bang đông dân thứ hai ở nước này, ghi nhận 79 ca mắc mới, còn Vùng lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) thông báo 21 ca mắc mới, mức cao nhất trong ba ngày trở lại đây. Cho đến nay, khoảng một nửa dân số Australia ở NSW, Victoria và ACT vẫn đang sống trong khu vực áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19.
New Zealand ghi nhận 70 ca mắc mới, trong đó có 14 ca ở thành phố Auckland. Như vậy, New Zealand có tổng cộng 347 ca mắc COVID-19 trong đợt bùng phát mới này. Do số ca nhiễm mới tiếp tục tăng lên, New Zealand đã gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến tuần tới và để ngỏ khả năng tiếp tục kéo dài các biện pháp hạn chế tại thành phố Auckland, tâm dịch hiện nay ở nước này. Theo quy định phong tỏa cấp độ 4, các trường học và công ty đều phải đóng cửa, trừ những cơ sở kinh doanh hàng thiết yếu như siêu thị, hiệu thuốc và trạm dịch vụ.
Tại châu Âu, Chính phủ Slovakia quyết định áp đặt các biện hạn chế nghiêm ngặt hơn từ tuần tới đối với 14 trên tổng số 79 huyện do các ca bệnh gia tăng trở lại. Slovakia đưa ra quyết định này sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất trong vòng 3 tháng, với 161 ca vào ngày 25/8. Số ca COVID-19 tại Slovakia đã tăng nhẹ trong vài tuần qua với tỷ lệ 2,7% các mẫu được phân tích có kết quả dương tính.
Bộ Y tế Đan Mạch thông báo nước này sẽ nới lỏng tất cả biện pháp phòng dịch vào ngày 10/9 tới với lý do dịch COVID-19 không còn mối đe dọa của xã hội khi 70% dân số quốc gia Bắc Âu này đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19. Đan Mạch là một trong số quốc gia đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa một phần vào tháng 3/2020, sau đó nhiều lần nới lỏng rồi siết chặt các biện pháp này.
Ở châu Mỹ, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Mexico (UNAM) đã sáng tạo ra loại khẩu trang có khả năng tiêu diệt COVID-19 bằng việc sử dụng các lớp nano bạc và đồng. Khẩu trang 3 lớp mới được phát triển có tên gọi SakCu. Loại khẩu trang này có thể tái sử dụng và giặt rửa lên đến 10 lần mà không làm mất đi khả năng diệt khuẩn.
COVID-19 tại ASEAN hết 26/8: Ca mắc mới ở Malaysia cao kỷ lục; Lào tăng cường chống dịch bệnh
Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 26/8, 10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 89.024 ca mắc COVID-19 và 1.759 ca tử vong.
Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 9.668.262 triệu ca, trong đó 214.805 người tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan, ngày 23/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 26/8, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất tiếp tục là Malaysia với 24.599 ca. Tổng số ca mắc tại quốc gia này đã là 1.640.843 ca.
Đứng số 2 ASEAN về ca mắc hàng ngày là Thái Lan với 18.501 ca. Tới nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.120.869 ca mắc COVID-19. Số ca mắc ở Thái Lan đang có xu hướng giảm dần sau khi đã qua đỉnh.
Indonesia đứng thứ 3 ASEAN về ca mắc trong ngày 26/8 với 16.889 ca, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 4.043.736 ca.
Tiếp đó là Philippines với 16.313 ca mắc, Việt Nam với 11.575 ca, Campuchia với 423 ca, Timor-Leste với 307 ca, Lào với 195 ca, Singapore với 116 ca và Brunei với 106 ca.
Về số ca tử vong, có 8 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (889 ca), Malaysia (393 ca), Philippines (236 ca), Thái Lan (229 ca), Campuchia (6 ca), Lào (1 ca) và Brunei (1 ca).
Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc nhiễm trên toàn quốc
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia,, ngày 14/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong ngày 26/8, Malaysia ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc.
Cụ thể, theo Bộ Y tế Malaysia, bộ này đã ghi nhận 24.599 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, đưa tổng số ca mắc tới nay ở Malaysia là 1.640.843 ca.
Nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh bên ngoài Thung lũng Klang (gồm thủ đô Kuala Lumpur, bang Selangor và một phần của bang Nigeri Sembilan). Ba bang ghi nhận kỉ lục mới về số ca mắc COVID-19 là Sabah với 3.487 ca, Johor với 2.785 ca và Penang với 2.078 ca, trong đó bang Johor lần đầu vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày, còn bang Penang lần thứ 2 vượt ngưỡng này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia cho biết việc tiêm mũi vaccine thứ 3 (mũi tăng cường) cho những người đã hoàn thành tiêm chủng ngừa bệnh COVID-19 không có tác dụng kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta nếu toàn bộ người dân chưa tiêm chủng đầy đủ. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh dư luận Malaysia đang quan tâm tới vấn đề khi nào tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng.
Trong một phát biểu, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah nêu rõ thay vì bàn tới việc tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng, thì nên tập trung vào việc tiêm chủng đầy đủ cho tất cả người dân. Ông cho biết tới khi hoàn tất tiêm chủng đầy đủ cho toàn dân thì việc bàn về tiêm mũi vaccine tăng cường cũng chưa muộn.
Theo ông Noor Hisham, việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng COVID-19 không có tác dụng kiểm soát sự lây lan của biến thể Delta. Tuy nhiên, để có thể kiềm chế sự lây lan của biến thể Delta thì những người chưa tiêm chủng cần được tiêm chủng đầy đủ bởi vì trước khi tất cả mọi người được an toàn thì mỗi người đều phải được an toàn.
Tính đến hết ngày 25/8, Malaysia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 18.792.979 người (tương đương 57,5% dân số), trong đó, 13.842.928 người đã hoàn thành tiêm chủng (tương đương 42,4% dân số). Tốc độ tiêm chủng của Malaysia hiện ở mức trên 400.000 mũi/ngày.
Campuchia tìm cách khắc phục sai số trong thống kê số ca mắc theo ngày
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Campuchia cho biết lý do khiến thống kê chính thức về số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày ở nước này thường thấp hơn dự kiến và không tương ứng với số liệu của các tỉnh cộng lại là vì thống kê trên đã không tính đến số ca mắc mới tại các tỉnh sau 6 giờ chiều hôm trước. Bộ Y tế Campuchia đã nhận ra sai số này và đang tìm cách để đưa ra con số thống kê hàng ngày phù hợp hơn.
Ngày 26/8, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận có 6 ca tử vong và 423 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, bao gồm 111 ca nhập cảnh và 312 ca lây nhiễm cộng đồng. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 90.958 ca mắc COVID-19, trong đó 86.993 người đã khỏi bệnh và 1.841 người tử vong.
Cũng theo bộ trên, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và số ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tại các tỉnh tiếp tục tăng, đặc biệt tại 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan, thành phố Stung Treng (tỉnh Stung Treng) tiếp tục phong tỏa cho đến hết tháng 8/2021 và tỉnh Siem Reap đã phải xác lập "Vùng Vàng đậm" để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tối 25/8, chính quyền thủ đô Phnom Penh ra thông báo tiếp tục hạn chế các hoạt động nghề nghiệp và kinh doanh có nguy cơ làm lây nhiễm COVID-19 ở mức cao thêm 14 ngày, từ 0 giờ ngày 27/8 đến 9/9/2021. Theo đó, các trường học chưa được mở cửa trở lại, cấm tụ tập trên 15 người (trừ một số trường hợp đặc biệt), các rạp chiếu phim, bảo tàng, khu vui chơi, cơ sở mát xa, quán bar, karaoke, sòng bạc, phòng tập gym, câu lạc bộ thể thao, các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn tiếp tục ngừng hoạt động.
Các tỉnh của Lào tăng cường các biện pháp phòng chống dịch
Tài xế xe Tuk-Tuk đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 21/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh các ca lây nhiễm cộng đồng tăng trở lại những ngày gần đây, các biện pháp phòng ngừa chặt chẽ đã được thông báo áp dụng trở lại tại một số tỉnh của Lào.
Theo đó, chính quyền tỉnh Luang Namtha vừa có công văn gửi tỉnh Bokeo về việc tạm dừng hoạt động giao thông giữa hai tỉnh này có thời hạn ít nhất cho đến ngày 8/9 tới. Quyết định này được đưa ra ngay khi lịch trình di chuyển của ca lây nhiễm cộng đồng được ghi nhận ở tỉnh Bokeo có đến tỉnh Luang Namtha và tiếp xúc với nhiều người, khiến nhà chức trách phải dồn lực truy vết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Ngay sau khi ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh Luang Prabang cũng ra thông báo không cho phép tổ chức hội họp dưới mọi hình thức trên toàn tỉnh. Một số bản của thành phố Luang Prabang cũng bị phong tỏa kể từ ngày 25/8, cấm người dân ra vào những khu vực đỏ mà không được phép; đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng dồn toàn lực lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc những trường hợp có liên quan.
Liên quan đến tình hình dịch COVID-19 tại Lào, Bộ Y tế nước này ngày 26/8 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 195 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới có 149 ca nhập cảnh được cách ly ngay và 46 ca lây nhiễm trong nước. Các ca lây nhiễm trọng cộng đồng tiếp tục được ghi nhận rải rác ở nhiều tỉnh của Lào. Ca tử vong thứ 12 do COVID-19 ở Lào là một người đàn ông 35 tuổi trong trại giam ở tỉnh Savannakhet - nơi đang là điểm nóng của dịch COVID-19 tại nước này. Trường hợp này đã tử vong trước khi mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Lào đã đặt mua thêm 32 xe cứu thương chuyên dụng để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 ở cả trung ương và các tỉnh có số ca bệnh lớn tại miền Nam nước này. Các xe cứu thương sẽ được trang bị máy soi chụp di động, thiết bị xét nghiệm nhanh, máy tạo oxy di động và các thiết bị cần thiết.
Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 14.104 ca, trong đó có 12 người tử vong.
Tỷ lệ sử dụng giường cho bệnh nhân COVID-19 ở Indonesia chỉ còn 29%
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho một thiếu niên tại Pekanbaru, Riau, Indonesia, ngày 9/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 26/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết tỷ lệ sử dụng giường (BOR) tại các bệnh viện được chỉ định chữa trị bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc hiện chỉ còn 29%.
Phát biểu tại cuộc gặp trực tuyến với 100 nhà kinh tế Indonesia, Tổng thống Jokowi cho hay tỷ lệ BOR quốc gia ở mức 68% vào cuối tháng 12/2020, sau đó giảm xuống còn 29% vào giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, vào giữa tháng 7 vừa qua, các ca mắc COVID-19 tăng vọt do sự xuất hiện của biến thể Delta dễ lây lan. Ngày 18/7, tỷ lệ BOR quốc gia đã lên tới 80%, thậm chí 100% tại một số khu vực.
Theo Tổng thống Jokowi, ông thường xuyên theo dõi tỷ lệ BOR của Bệnh viện cấp cứu Wisma Atlet Kemayoran tại Jakarta với lý do đây là một chỉ báo quan trọng về tình trạng của đại dịch COVID-19. BOR của bệnh viện này giảm xuống còn 15% vào giữa tháng 5. Tuy nhiên, vào ngày 30/6 vừa qua, chỉ số này lại vọt lên 91% và nếu xu hướng tăng tiếp tục trong hai tuần nữa bệnh viện này sẽ bị quá tải.
Chính phủ Indonesia sau đó đã ban hành lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM). Hiện tỷ lệ BOR của Bệnh viện cấp cứu Wisma Atlet Kemayoran đã giảm xuống còn 12%. Tuy nhiên, Tổng thống Jokowi kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác trước sự lây lan của COVID-19.
Thế giới ghi nhận trên 215 triệu ca mắc, 4,4 triệu ca tử vong do COVID-19 Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 215 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 4,4 triệu ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 195 triệu bệnh nhân bình phục và vẫn còn hơn 18 triệu người đang được điều trị. Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân...