Dịch COVID-19 gây ra tác hại đáng lo ngại về vấn nạn buôn người
Phóng viên TTXVN tại Brussels ngày 10/4 dẫn báo cáo hằng năm mới nhất của Nhóm chuyên gia về chống buôn người ở châu Âu (GRETA), cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ra “những tác hại đáng lo ngại về vấn nạn buôn người” và các quốc gia nên “tăng cường phòng ngừa” thực trạng này.
Người di cư tới cảng ở Senglea, Malta, ngày 6/6/2020. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Chủ tịch GRETA, Helga Gayer nêu rõ: ” Những kẻ buôn người đã lợi dụng khủng hoảng dịch COVID-19 bằng cách tranh thủ sự khó khăn về kinh tế của nhiều người trong bối cảnh đại dịch. Ngoài ra, trong khi các cơ quan chức năng cảnh báo về sự gia tăng tội phạm liên quan tới bóc lột tình dục và tội phạm mạng, thì việc thiếu nguồn lực và sự chậm trễ trong các thủ tục pháp lý đã cản trở nỗ lực kết tội những kẻ buôn người, để công lý được thực thi và các nạn nhân được bồi thường”.
Báo cáo đề cập đến một loạt ví dụ, trong đó có trường hợp nước Đức, nơi các “nhà thổ” tạm thời bị đóng cửa đã dẫn đến sự gia tăng hoạt động mại dâm “chìm” cũng như tình trạng bóc lột và bạo lực ngày càng tồi tệ hơn. Tương tự như vậy, tại Tây Ban Nha, nơi những kẻ buôn người đang có xu hướng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số như Airbnb để tìm địa điểm thực hiện hoạt động bóc lột tình dục và che giấu nạn nhân khỏi các cuộc điều tra của cảnh sát. Tại Malta, dịch COVID-19 đã dẫn đến việc đóng cửa các trung tâm tiếp nhận người xin tị nạn và ngăn cản Cao ủy Liên hiệp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cũng như các tổ chức phi chính phủ khác cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý cho họ.
Báo cáo cũng dưa các đề xuất mới để giúp các quốc gia thực hiện nghĩa vụ theo “Công ước Chống buôn bán người” của Ủy hội châu Âu và một lần nữa kêu gọi LB Nga phê chuẩn công ước này, như 46 quốc gia thành viên khác của Ủy hội châu Âu đã thực hiện.
EU đề xuất kéo dài thời gian tạm dừng áp thuế trả đũa với Mỹ
Ngày 10/4, Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis cho biết EU đã đề xuất tạm dừng việc áp thuế trả đũa đối với hàng tỉ USD hàng nhập khẩu với Mỹ trong 6 tháng, nhiều hơn 2 tháng so với thỏa thuận mà EU và Washington đạt được hồi tháng trước.
Trả lời báo giới, ông Dombrovskis nói: "Chúng tôi đã đề xuất tạm dừng tất cả các loại thuế (với Mỹ) trong 6 tháng nhằm tìm kiếm một giải pháp. Điều này tạo điều kiện cho các ngành và người lao động ở cả hai bờ Đại Tây Dương".
Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN
Hồi tháng 3 vừa qua, EU và Mỹ đã nhất trí tạm dừng áp thuế đối với 7,5 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU và 4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Pháp Franck Riester khi đó nêu rõ thỏa thuận "là một bước đi đầu tiên trong tiến trình giảm leo thang. Giờ đây, chúng tôi sẽ phối hợp với Ủy ban châu Âu và các đối tác châu Âu của chúng tôi trong 4 tháng tới để đưa ra những quy định mới về vấn đề trợ cấp công cho lĩnh vực hàng không vũ trụ, phù hợp với các lợi ích của chúng tôi."
Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối với 7,5 tỷ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ EU. Đáp lại, EU đã áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 4 tỷ USD. Hai bên áp thuế trả đũa lẫn nhau do bất đồng kéo dài 16 năm qua liên quan tới trợ cấp của các chính phủ hai bên đối với các hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus và đối thủ Boeing (Mỹ).
Ông Dombrovskis cũng cho biết thêm EU sẽ theo dõi chặt chẽ luật "Mua hàng Mỹ" của Tổng thống Joe Biden.
Sóng ngầm sau sự cố ghế ngồi của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu không được chuẩn bị ghế ngồi được cho là thể hiện giá trị khác biệt của EU và Thổ Nhĩ Kỳ, vào thời điểm hai bên muốn xích lại gần nhau. Hôm 6/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã rất ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ không chuẩn bị ghế ngồi...