Dịch COVID-19: Đức lập “cầu hàng không”, Italy kêu gọi dân đoàn kết
Hãng Lufthansa sẽ dùng mọi khả năng để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân Đức tiếp tục được duy trì bằng đường hàng không, Australia khuyến cáo công dân sớm về nước, Italy kêu gọi dân đoàn kết.
Người dân xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Milan, Italy, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ban lãnh đạo hãng hàng không lớn nhất của Đức Lufthansa ngày 17/3 cho biết đang phối hợp với chính phủ để chuẩn bị thiết lập một “ cầu hàng không” nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa cần thiết tại nước này không bị gián đoạn trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát hiện nay.
Trả lời phỏng vấn tờ Bild (Đức), Giám đốc điều hành Lufthansa Carsten Spohr cho biết hãng này đang chuẩn bị triển khai các máy bay vận tải và loại máy bay Boeing 747 để tham gia chở hàng.
Theo ông Carsten Spohr, Lufthansa sẽ cố gắng trong mọi khả năng để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân Đức tiếp tục được duy trì bằng đường hàng không.
Giám đốc điều hành của Lufthansa cũng nhấn mạnh hiện ban lãnh đạo hãng đang phối hợp với Chính phủ Đức để lập một “cầu hàng không” trên cả nước.
Thủ tướng Conte kêu gọi một ‘Italy đoàn kết’
Ngày 17/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã gửi thông điệp tới người dân Italy và khẳng định: “Chưa bao giờ như lúc này Italy cần phải được đoàn kết” trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng Conte khẳng định các sắc lệnh chống virus SARS-CoV-2 hiện là không đủ, chính phủ sẽ tiếp tục chuẩn bị và nhanh chóng đưa ra các biện pháp mới để cơ cấu lại nền kinh tế và xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề, với những kế hoạch đầu tư lớn hơn nữa.
Thông điệp được Thủ tướng Conte đưa ra sau khi chính phủ thông qua 25 tỷ euro ngày 16/3 nhằm hỗ trợ hệ thống y tế, các y, bác sỹ, người lao động, các gia đình và các doanh nghiệp trong đang đối mặt với những khó khăn do tình trạng khẩn cấp của dịch COVID-19.
Video đang HOT
Trong khi đó, cùng ngày, cựu Thủ tướng Italy, lãnh đạo đảng Tiến lên Italy (Forza Italy) Silvio Berlusconi đã tặng vùng tâm dịch Lombardia ở phía Bắc 10 triệu euro để trang bị thêm 400 giường chăm sóc tích cực.
Vùng tâm dịch Lombardia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất với 14.649 trường hợp, trong đó có 1.420 ca tử vong và 823 trường hợp phải chăm sóc tích cực.
Liên quan đến dịch COVID-19, cùng ngày, Thủ tướng Bosnia Zoran Tegeltija thông báo nước này đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia do dịch COVID-19 nhằm cho phép phối hợp các hoạt động khẩn cấp giữa 2 khu vực tự trị.
Australia khuyến cáo công dân sớm trở về nước
Trong khi đó, tại Australia, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) ngày 17/3 đã ra thông báo khuyến cáo các công dân nước này đang ở nước ngoài nếu muốn trở về nước nên về càng sớm càng tốt khi nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Thông báo của DFAT cũng khuyến cáo tất cả các công dân Australia cần xem xét lại nhu cầu đi du lịch nước ngoài của mình vào thời điểm này. Thông báo trên được đưa ra với lý do “ở nước ngoài có thể có nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 cao hơn” và việc đi lại ngày càng trở nên “khó dự báo.”
Thông báo nêu rõ, khi ở nước ngoài, các công dân Australia sẽ có thể tiếp xúc với nhiều người hơn bình thường, trong các chuyến bay đường dài và tại các sân bay đông người. Trong khi đó, các hệ thống chăm sóc sức khỏe tại một số quốc gia có thể bị căng thẳng và có thể không được trang bị tốt như ở Australia, hoặc không có khả năng hỗ trợ người nước ngoài.
Thông báo nhấn mạnh “bạn có thể bị cách ly hoặc bị từ chối nhập cảnh vào một số quốc gia và có thể cần phải tự cách ly khi trở về Australia.”
Cuối tuần trước, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh yêu cầu tất cả mọi người, kể cả công dân Australia, nhập cảnh vào nước này kể từ đêm 15/3 đều phải tự cách ly trong vòng 14 ngày nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19./.
- Tính đến chiều 17/3 (theo giờ Việt Nam), dịch COVID 19 đã lây lan tới 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, toàn thế giới có thêm 6.411 ca nhiễm mới, 362 ca tử vong nâng số ca mắc bệnh lên 189.053 ca, trong đó 7.511 ca tử vong, số ca bình phục là 80.874 người.
- Tại Đức, đã có 8.084 ca mắc COVID-19, 20 ca tử vong.
- Italy hiện đang thứ 2 chỉ sau Trung Quốc cả về số ca mắc COVID-19 với 27.980 người và số ca tử vong với 2.158 người (con số này ở Trung Quốc lần lượt là 80.881 và 3.226. Tuy nhiên, số ca được chữa khỏi của Italy chỉ là 2.749 ca (10% ca mắc bệnh) trong khi đó tỷ lệ này ở Trung Quốc là 85% với 68.715 ca.
- Australia có 452 ca mắc COVID-19, 5 ca tử vong.
Anh Đức-Hải Linh-Phương Hoa (TTXVN/vietnamplus.vn)
Lời tâm sự của bác sĩ không may trở thành bệnh nhân Covid-19: "Câu chuyện của tôi trong phút giây đen tối nhất có thể giúp nhiều người không từ bỏ hy vọng"
Vượt qua sóng gió nhờ sự lạc quan của bản thân và sự cứu chữa tận tình của đội ngũ y tế, bác sĩ Angelo gửi lời nhắn nhủ đến những bệnh nhân nhiễm Covid-19 rằng: "Đừng sợ hãi, hãy bình tĩnh và tin tưởng vào bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn viêm phổi tồi tệ đó".
Từ một bác sĩ cứu chữa cho những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, bác sĩ Angelo Vavassori (53 tuổi), làm việc tại khoa hồi sức của Bênh viên Bergamo, đã trở thành bệnh nhân nhiêm Covid-19 chỉ trong một thời gian ngắn. Ông đã trải qua những giây phút giành giật sự sống để rồi rút ra bài học đắt giá giúp mọi người thêm vững tin trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19.
Phóng viên tờ Repubblica (Italy) đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Angelo để nghe ông kể lại hành trình chống chọi với những con virus mà theo ông vẫn nhiều người chủ quan và coi thường nó.
Bác sĩ Angelo Vavassori (53 tuổi) đã vượt qua tử thần để ở lại với đời sau khi chiến đấu với virus SARS-CoV-2.
"Tôi cảm giác như không thể thở được, tôi sợ mình sẽ không bao giờ gặp lại vợ và 4 đứa con thân yêu của tôi nữa. Cho đến thời điểm đó, tôi đã chữa khỏi cho một vài bệnh nhân khác nhưng tôi cũng phải chứng kiến bệnh nhân chết, tôi biết sự hung hãn của con virus ấy. Nhưng với những người đang chiến đấu, tôi muốn nhắn nhủ rằng bạn không nên bỏ cuộc vì sợ hãi.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhịp thở của tôi đã tăng từ 15 lên 40 trong 1 phút, tôi đã không thể thở nổi và tưởng như sắp chết. Dường như không có không khí lọt vào phổi và tôi gần như mất thị lực. Nếu tôi vẫn còn ở đây vào lúc này chính là nhờ những người đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện của tôi trong những phút giây đen tối nhất có lẽ sẽ giúp nhiều người không từ bỏ hy vọng", ông Angelo nói và nhớ lại cuộc chiến giành giật sự sống của mình bắt đầu như thế nào...
Các y bác sĩ bên trong một bệnh viện Italy.
Angelo kể rằng ngày 22 tháng 2, ông đã chữa khỏi cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Vào thứ Bảy (ngày 29 tháng 2), ông bị sốt, sáng thứ 2, ông vẫn ổn, nhưng đến chiều thì cơn sốt lên tới 38,9 độ. Ông không đến bệnh viện vì biết rằng mình đã nhiễm virus rồi. Ông tự giác cách ly tại nhà.
"Trong 2 ngày tiếp đó, gia đình tôi sẽ để thức ăn cho tôi trước cánh cửa đóng kín. Tôi phải đeo găng tay và khẩu trang liên tục, sau đó khử trùng mọi thứ. Mọi người liên lạc với tôi qua điện thoại. Vậy mà cẩn thận như thế vẫn chưa ăn thua, vợ tôi và đứa con trai lớn nhất 18 tuổi đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Chỉ có cặp song sinh 14 tuổi và con gái út 10 tuổi là chưa bị".
Đến ngày thứ tư, tôi bắt đầu cảm thấy khó thở. Chỉ trong vài phút, tôi mất vị giác và khứu giác, mắt thì mờ đi. Do thiếu oxy, tôi bị đau đầu và tiêu chảy. Tôi gọi cho bệnh viện, nhưng không còn giường trống nữa. Tôi biết tôi không thể chống chọi được trong một thời gian dài. Tôi đang cố gắng thở, nhưng oxy không còn vào phổi nữa. Tôi bất tỉnh và thời điểm khó khăn nhất bắt đầu.
Các đồng nghiệp kể lại rằng họ gắn cho tôi mũ áp suất Peep để có thể thở tích cực. Tôi đã cố gắng thở mà không cần gây mê để đặt nội khí quản nhưng không hề dễ dàng vì tôi đã mất nhận thức. Tôi cảm nhận được tiếng ồn điếc tai và dòng oxy nóng hổi. Tôi toát mồ hôi và thậm chí còn cảm thấy khó thở hơn trước. Nhưng chỉ sau vài phút, tôi bắt đầu cảm thấy như được sống trở lại vì không khí đã đi vào phổi. Tôi là bác sĩ hồi sức và tôi đã trải qua nhiều ngày chăm sóc các bệnh nhân lây nhiễm nên tôi biết được những triệu chứng của họ và điều này đã giúp tôi trụ lại được.
Tôi đã bị mất nhận thức trong vài ngày nhưng khi hôn mê tôi vẫn cảm nhận được các bác sĩ và máy móc đang truyền oxy, bù nước cho tôi. Thời gian đọng lại trong một khoảnh khắc: Đó chính là khi tôi biết rằng chính sự tăng tốc này đã xóa bỏ quá khứ và hiện tại, xóa bỏ ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Tôi đã nghĩ rằng mình đang ở nhà và chỉ vừa mới chợp mắt ngủ một lát thôi. Nhưng không phải, bên cạnh giường của tôi là một bệnh nhân nhiễm Covid-19. Mọi thứ xuất hiện thật mới mẻ và tuyệt diệu. Câu chuyện này dạy chúng ta biết trân trọng giá trị của những điều nhỏ nhặt nhất."
Hiện tại, tôi thở bằng mặt nạ với 70% oxy, khoảng 12 lít trong 1 phút".
Vượt qua sóng gió nhờ sự lạc quan của bản thân và sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, bác sĩ Angelo gửi lời nhắn nhủ đến những bệnh nhân nhiễm Covid-19 rằng: "Đừng sợ hãi, hãy bình tĩnh và tin tưởng vào bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn viêm phổi tồi tệ đó".
(Nguồn: El Comercio) (nhipsongviet)
Châu Âu 'quay cuồng' trong ác mộng Covid-19, ai sẽ cứu Italy? Những gì Italy cần lúc này là sự hỗ trợ và đoàn kết từ phần còn lại của châu Âu, cây bút Tony Barber của tờ Financial Times cho biết. Italy khủng hoảng nghiêm trọng Dịch bệnh Covid-19 đang tàn phá Italy với tốc độ khủng khiếp. Tính đến ngày 16/3, số ca thiệt mạng vì nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Italy nhảy vọt...