Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Phù Yên, Sơn La
Tối 21/8, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La, trong quá trình tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm giám sát dịch tễ lấy ngày 20/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phát hiện 15 mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Nhân viên y tế chốt kiểm soát dịch COVID-19 Đu Lau, xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
15 ca bệnh này có yếu tố dịch tễ liên quan đến các khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện và vùng phong tỏa tại huyện Phù Yên; trong đó, có 10 F1 (2 của BN 293434 và 8 của BN 312951), 3 F2 (liên quan đến BN 312951), 1 bệnh nhân cộng đồng tại bản Úm 2, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên và 1 trường hợp đi từ Bình Dương về, hiện đang trong khu cách ly tập trung của huyện Phù Yên.
Trong số 15 trường hợp này có 3 trường hợp là bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phù Yên (1 F1 BN 312951, 2 F1 BN 293434); 4 trường hợp cách ly tập trung; 8 trường hợp cách ly tạị nhà theo Chỉ thị 16 tại xã Huy Thượng, huyện Phù Yên (4 F1 liên quan đến BN 312951, 3 F2 liên quan đến BN 312951 và 1 trường hợp cư trú tại bản Úm 2, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên).
Hiện tại diễn biến tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Phù Yên rất phức tạp, nhiều trường hợp F0 lây nhiễm trong cộng đồng. Đặc biệt tại xã Huy Thượng và một số khu vực khác như thị trấn Phù Yên, xã Mường Lang, xã Mường Cơi, đây là những địa điểm liên quan đến các trường hợp F0 đã phát hiện. Đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng xác minh trường hợp F0 đầu tiên trong cộng đồng tại huyện Phù Yên nên rất khó khăn trong việc khoanh vùng, truy vết, đánh giá nguy cơ phơi nhiễm.
Video đang HOT
Như vậy, tính từ ngày 21/7/2021 đến 20 giờ 30 ngày 21/8, huyện Phù Yên đã ghi nhận 131 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, có 117 trường hợp phát hiện trong khu cách ly tập trung và 14 trường hợp phát hiện tại cộng đồng có liên quan đến 2 trường F0 đã phát hiện tại cộng đồng trước đó.
Hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XV vừa ban hành Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 11/8/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Nhân viên y tế chốt kiểm soát dịch COVID-19 Đu Lau, xã Tân Lang, huyện Phù Yên lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN
Theo đó, phạm vi và đối tượng áp dụng gồm: Lực lượng tham gia tổ công tác liên ngành tại các trạm kiểm soát phương tiện giao thông phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh do cấp tỉnh, cấp huyện thành lập; người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ vùng dịch trở về địa phương (thuộc diện tỉnh đón về hoặc được tỉnh ủy quyền đón về); người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do và các trường hợp đặc biệt khác) làm việc trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nghị quyết quy định rõ nội dung và mức hỗ trợ từng đối tượng. Cụ thể, đối với lực lượng tham gia tổ công tác liên ngành tại các trạm kiểm soát phương tiện giao thông phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh do cấp tỉnh, cấp huyện thành lập, mức hỗ trợ là 130.000 đồng/người/ca (8 giờ); hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ. Thời gian hỗ trợ theo quyết định của cấp có thẩm quyền và số ngày công thực tế.
Hỗ trợ một lần đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo từ vùng dịch trở về địa phương (thuộc diện tỉnh đón về hoặc được tỉnh ủy quyền đón về) là 500.000 đồng/người thuộc hộ nghèo và 300.000 đồng/người thuộc hộ cận nghèo.
Hỗ trợ người bị nghỉ việc do tạm dừng sản xuất, kinh doanh dưới 30 ngày là 50.000 đồng/người/ngày (số ngày thực tế tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền). Hỗ trợ một lần cả đợt dịch (theo công bố dịch của cấp có thẩm quyền) bị nghỉ việc do tạm dừng sản xuất kinh doanh từ 30 ngày trở lên là 1.500.000 đồng/người. Trường hợp chính sách quy định tại Nghị quyết này trùng với chính sách do Trung ương ban hành chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.
Nguồn kinh phí thực hiện trích từ ngân sách địa phương và nguồn huy động tài trợ, ủng hộ theo quy định của pháp luật. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/9/2021.
* Hiện nay, dịch COVID-19 trên địa tỉnh Cà Mau tuy đã được kiểm soát, song tình hình diễn biến còn phức tạp. Bên cạnh tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi, vận động cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực đóng góp bằng nhiều hình thức vào Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh, nhằm đáp ứng tốt nguồn lực, kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và kịp thời hỗ trợ, san sẻ khó khăn của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Với cơ sở vật chất hiện đại, Phòng khám Đa khoa Thành Lợi được bố trí thành điểm tiêm vaccine cho hơn 1.200 người dân khu vực phường 8, thành phố Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN
Tính đến sáng 13/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau vận động Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh được trên 25,5 tỷ đồng và vật chất (gạo, mì gói, cá khô, mắm...) trị giá gần 1,4 tỷ đồng của hơn 480 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và khoảng 100 lượt cá nhân ủng hộ, đóng góp vào Quỹ.
Tỉnh đã hỗ trợ tiền mặt và nhu yếu phẩm với tổng trị giá gần 14 tỷ đồng cho người dân gặp khó khăn trong, ngoài tỉnh và hỗ trợ các chốt kiểm soát dịch COVID-19, khu cách ly tập trung trên địa bàn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp chính quyền, đoàn thể các địa phương tổ chức cấp phát trên 342 tấn gạo cho 16.874 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách khó khăn trên địa bàn tỉnh; vận động các tổ chức, nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp vật chất trị giá hơn 800 triệu đồng để giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ các chốt kiểm soát, khu cách ly tập trung hơn 300 triệu đồng gồm tiền mặt và hiện vật.
Thông qua Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh hỗ trợ (3 đợt) cho gần 5.000 người Cà Mau đang lao động, học tập, điều trị bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn về cuộc sống do ảnh hưởng dịch COVID-19. Mỗi suất hỗ trợ gồm tiền mặt, gạo, mì gói, rau củ quả và nhu yếu phẩm khác, với tiền mặt gần 4 tỷ đồng và hiện vật trị giá 5,4 tỷ đồng. Ban Liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TP Hồ Chí Minh có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ đợt 4 cho gần 4.300 người dân đang gặp khó khăn trong cuộc sống tại đây.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau còn hỗ trợ đồng hương tại Cần Thơ 1 tấn gạo và 200 kg cá khô; TP Hồ Chí Minh 10 tấn tôm, 50 tấn gạo; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương mỗi tỉnh 25 tấn gạo để kịp thời hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cà Mau còn trích 3 triệu đồng từ Quỹ Cứu trợ của tỉnh hỗ trợ hộ ông Phạm Văn Non (ngụ tại ấp 7, xã Khánh Tiến, huyện U Minh) có người thân tử vong do COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.
Sơn La xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ sang Liên bang Nga Ngày 20/8, tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã diễn ra lễ thu hái và xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Liên bang Nga năm 2021. Lễ xuất khẩu 10 tấn thanh long ruột đỏ của xã Phổng Lái (Thuận Châu, Sơn La) sang thị trường Liên bang Nga. Thuận Châu là một trong...